Vẫn cố ‘dựa hơi’ Nhà nước!
Cơ chế “tự đá bóng, tự thổi còi” liên quan đến PVN, vốn đã được cảnh báo từ rất lâu, nay vẫn còn xuất hiện. Bộ Công thương thống nhất với đề xuất của PVN, đó là sẽ hình thành một quỹ với tên gọi là “Quỹ phát triển năng lượng bền vững”, bản chất là “móc tiền túi” của người tiêu dùng để bù lỗ cho tập đoàn đầu tư hóa dầu. Rất may, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cũng đã lên tiếng nhấn mạnh rằng ông không đồng tình với việc thành lập quỹ. Ông Hiếu đưa ra lý do quỹ này thu phí xăng đối với người tiêu dùng để PVN chi trả cho nhà đầu tư NSRP là “không phù hợp”.Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, PVN cho biết khi LHD Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại từ năm 2017, tập đoàn này sẽ phải thanh toán cho Công ty TNHH LHD Nghi Sơn (NSRP) số tiền “rất lớn”, có thể lên tới mức 75.000 tỉ đồng (tương đương 3 tỉ USD) trong khi tổng vốn đầu tư dự án này khoảng 9 tỉ USD. Tức mức ưu đãi đã chiếm hết một phần ba tổng vốn đầu tư – mức ưu đãi khiến những ai dễ tính nhất nghe qua cũng thấy giật mình. Không giật mình sao được khi tiền PVN yêu cầu từ Nhà nước – suy cho cùng cũng là tiền của dân, tiền của người tiêu dùng, vậy mà phải đổ lượng tiền khủng để nhà đầu tư đảm bảo được kết quả đầu tư... có lời.
Bên cạnh đó, dẫu không cần biết quá nhiều về kinh tế thì bất kỳ ai cũng có thể so sánh được cái lợi, hại giữa việc tự chủ xăng dầu nhờ LHD Nghi Sơn so với việc nhập khẩu. Hiện nay, thuế nhập khẩu dầu từ ASEAN xuống mức tối thiểu (0%), như vậy đã thấp hơn giá trị ưu đãi cho lọc dầu Nghi Sơn. Nói nôm na, nhập khẩu dầu từ ASEAN còn có lợi hơn là bỏ hàng mớ tiền ưu đãi cho LHD Nghi Sơn – tiền vừa mất nhiều, gánh nặng lại cao, dư luận và lòng dân cũng chẳng an lành.
Đáng nói hơn, cơ chế “tự đá bóng, tự thổi còi” liên quan đến PVN, vốn đã được cảnh báo từ rất lâu, nay vẫn còn xuất hiện. Kiến nghị giải quyết khó khăn về nguồn tiền của PVN, theo Ngân hàng Nhà nước, thuộc chức năng quản lý của các bộ Công thương, Tài chính, Khoa học - Công nghệ và cả Bộ Giao thông Vận tải. Lâu nay nhiều chuyên gia trong nước lẫn quốc tế vẫn đặt dấu hỏi lớn về vấn đề Bộ Công thương quản lý PVN – một tập đoàn nhà nước. Việc quản lý như thế, trong một chừng mực nhất định, rất khó đảm bảo các yếu tố khách quan, minh bạch và cứng rắn trong giải quyết và tháo gỡ các khó khăn.
Đã vậy, Bộ Công thương còn “mở đường” cho PVN bằng cách thống nhất với đề xuất của PVN, đó là cần xây dựng cơ chế đảm bảo cho PVN có đủ nguồn tiền để chi trả các khoản ưu đãi (bù thuế) cho NSRP, đó là sẽ hình thành một quỹ với tên gọi là “Quỹ phát triển năng lượng bền vững”. Nghe tên của Quỹ này có vẻ hướng tới vấn đề an ninh năng lượng – một lợi ích chung của xã hội, nhưng bản chất thì lại là “móc tiền túi” của người tiêu dùng để bù lỗ cho tập đoàn đầu tư hóa dầu. Rất may, dù chưa có kết luận cuối cùng về số phận của Quỹ ưu đãi này, nhưng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cũng đã lên tiếng nhấn mạnh rằng ông không đồng tình với việc thành lập quỹ. Ông Hiếu đưa ra lý do quỹ này thu phí xăng đối với người tiêu dùng để PVN chi trả cho nhà đầu tư NSRP là “không phù hợp”. Mặt khác, việc thành lập quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh với hàng ngoại nhập khẩu cũng là trái với các cam kết hội nhập, có thể bị coi là vi phạm các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới – điều mà nhà ta nói hoài, nói mãi vẫn không tránh được.
Nhìn lại thị trường xăng dầu Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập. Giá xăng dầu tăng nhanh hơn giảm; thậm chí có những lúc giá xăng vẫn tăng trong khi giá dầu thế giới giảm mạnh. Một trong những nguyên nhân chính là sự kinh doanh, đầu tư kém hiệu quả của nhà đầu tư và doanh nghiệp, trong đó có cả PVN, ngay cả khi tập đoàn này công bố lãi lớn hàng năm. Phải thừa nhận rằng, giá xăng dầu tại Việt Nam có thấp hơn giá một số nước trong khu vực, nhưng đó chưa hẳn là nỗ lực từ các tập đoàn xăng dầu, mà có sự đóng góp từ các nguồn quỹ của Nhà nước mà suy cho cùng là tiền của dân, của người tiêu dùng xăng dầu dưới những hình thức khác nhau. Thế nên, cho đến khi việc nhập khẩu xăng dầu còn rẻ hơn việc trả tiền bù lỗ cho nhà đầu tư, mới thấy quá trình tính toán đầu tư của Việt Nam có vấn đề.
Chính ông Phan Thế Ruệ, chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, phát biểu trên báo chí cũng cho rằng khi ký các cam kết ưu đãi cho dự án này, phía VN không tính đến sự chênh lệch thuế trong các biểu cam kết hội nhập, thế nên khi vận hành phải cắn răng trả tiền bù thuế. Có thể dự đoán, để xảy ra vấn đề đáng tiếc như hiện tại, trước sau gì ngân sách nhà nước hoặc túi tiền của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng, hoặc nhiều hay hoặc rất nhiều.
Ngay trong khâu cam kết đầu ra cho sản phẩm của Nghi Sơn cũng có vấn đề, bởi lẽ PVN cam kết phải bao tiêu cho Nhà máy LHD Nghi Sơn - điều mà theo các chuyên gia kinh tế đánh giá là rất căng thẳng và khó khả thi, hao tốn rất nhiều chi phí bù thuế vì giá sản phẩm của Nghi Sơn quá cao. Trong thời đại hội nhập, các doanh nghiệp phải tìm xăng dầu giá rẻ bởi có hai lý do: thứ nhất là giá càng thấp, tính cạnh tranh càng cao. Người ta có thể tương trợ nhau vài ba ngày, vài ba tháng chứ không thể bỏ tiền bù lỗ cho một Nghi Sơn có giá cao ngút để rồi chịu thiệt vì thiếu cạnh tranh. Thứ hai, giá thấp thì lòng tin người tiêu dùng càng cao, không phải móc túi người tiêu dùng, kích thích nền kinh tế phát triển nhờ sản xuất tăng, cầu hàng hóa cũng tăng, kéo theo nhiều hệ quả tích cực khác.
Việc PVN và Nhà nước đau đầu vì phải bỏ tiền “nuôi nhà đầu tư” Nghi Sơn là hệ quả của quá trình quy hoạch các dự án lọc dầu thiếu cân nhắc; và khâu xem xét, phê duyệt các cam kết với nhà đầu tư cũng có vấn đề, thậm chí là thiếu minh bạch khi cho đến nay người dân mới biết hệ lụy từ hai chữ Nghi Sơn – vốn từng được kỳ vọng là niềm tự hào và một bước tiến quan trọng trong ngành hóa dầu của người Việt.
Cao Huy Huân
VOA blog
Việc PVN và Nhà nước đau đầu vì phải bỏ tiền “nuôi nhà đầu tư” Nghi Sơn là hệ quả của quá trình quy hoạch các dự án lọc dầu thiếu cân nhắc; và khâu xem xét, phê duyệt các cam kết với nhà đầu tư cũng có vấn đề, thậm chí là thiếu minh bạch khi cho đến nay người dân mới biết hệ lụy từ hai chữ Nghi Sơn – vốn từng được kỳ vọng là niềm tự hào và một bước tiến quan trọng trong ngành hóa dầu của người Việt.
Cao Huy Huân
VOA blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét