Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

Chính phủ không chỉ đạo chống tham nhũng được

"Chính phủ là đối tượng để chống tham nhũng chứ Chính phủ không chỉ đạo chống tham nhũng được". Hóa ra bấy lâu nay Đảng và nhà nước sai lầm đã giao Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban phòng chống tham nhũng Trung ương, tiếp đến lại giao Tổng bí thư chức này, không biết theo ông Đạt thì có phải là sai lầm nối tiếp sai lầm không ?
Chính phủ không chỉ đạo chống tham nhũng được
THU NGUYỆT thực hiện (PL)- Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt thừa nhận tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ đang là khâu yếu nhất trong công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay. Chính phủ là đối tượng để chống tham nhũng chứ Chính phủ không chỉ đạo chống tham nhũng được.
Xét xử đại án tham nhũng tại Công ty Cho 
thuê tài chính II tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD
Phóng viên: Dự hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại Bộ Tư pháp, ông có phát biểu rằng nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo không phát hiện ra tham nhũng nhưng người dân không tin... Cá nhân ông có tin không?

+ Ông Phạm Trọng Đạt: Báo cáo người ta không phát hiện được thì hoặc do cơ chế hoặc do nhận thức của họ về tham nhũng có thể ở tội khác chứ không phải tội tham nhũng nên họ không đưa vào báo cáo. Về pháp luật, khi chưa ra tòa thì chưa thể kết luận có phạm tội tham nhũng hay không.
Còn các cơ quan, các chi bộ, tổ chức đảng không tự phát hiện ra tham nhũng, đó là yếu kém thì đúng rồi. Tham nhũng hiện chủ yếu được phát hiện qua các cơ quan khác, qua công luận, qua tố giác của người dân... Việc tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ rất ít, gần như không có.
Lỗi cơ chế
Ông vừa đề cập tới nguyên nhân “do cơ chế”, vậy cơ chế đã “có lỗi” gì, thưa ông?
+ Chúng ta phát động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng lại chưa khơi dậy được sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống mà chỉ một số thôi. Ngoài ra, cơ chế hiện nay không rõ ràng. Chẳng hạn theo quy định, Thanh tra Chính phủ chỉ là một nguồn cung cấp cho cơ quan điều tra dấu hiệu về tham nhũng thôi chứ không được quyền gì cả…
. Thực tế cho thấy số ít trường hợp tự phát hiện tham nhũng chủ yếu lại do nội bộ mâu thuẫn, đấu đá, thanh trừng lẫn nhau. Ông nghĩ sao về điều này?
+ Đúng là người tố cáo chủ yếu do ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích hoặc thành tích của bản thân thì họ tố cáo thôi. Việc tố cáo nội bộ có thể do nhiều động cơ rất khác nhau nhưng xuất phát từ tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, từ ý thức, trách nhiệm có thể cũng có nhưng không phải nhiều.
. Cũng có nguyên nhân do cơ chế bảo vệ người tố cáo tiêu cực không tốt nên đa phần lựa chọn im lặng?
+ Cũng có thể do cơ chế pháp luật bảo vệ người chống tham nhũng của ta chưa tốt khiến họ sợ bị trả thù nhưng đó không phải nguyên nhân chính. Nguyên nhân chính, theo tôi, có thể do lợi ích nhóm, do bệnh thành tích, do trách nhiệm người đứng đầu… 
Trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ
 . Theo ông, quy định về trách nhiệm người đứng đầu còn bất cập, hay vấn đề do thực thi chưa nghiêm?
+ Thứ nhất, do quy định trách nhiệm người đứng đầu vẫn chung chung, chưa cụ thể được. Thứ hai, việc chứng minh tội phạm tham nhũng không phải thời gian một sớm một chiều có thể làm ngay được, trong khi phải kết luận được đúng là tham nhũng mới xử lý trách nhiệm người đứng đầu được. Đôi khi việc xử lý chưa nhanh, chưa kịp thời khiến người ta cảm thấy người đứng đầu không có trách nhiệm gì.
Thứ ba, cũng chưa có một chế tài xử lý mạnh mẽ, cũng chỉ xử lý về mặt tổ chức hành chính. Đã để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình quản lý, khi xử lý trách nhiệm người đứng đầu phải rất mạnh mới răn đe, làm gương được. Tất nhiên, nếu người đứng đầu thông đồng thì họ phạm tội rồi.
. Vậy cần quy định cụ thể thế nào?
+ Một chủ tịch tỉnh để tình trạng tham nhũng xảy ra ở tỉnh anh nhiều, anh có phải chịu trách nhiệm không phải rõ ra. Bí thư tỉnh ủy có phải chịu trách nhiệm không, tương tự, lãnh đạo bộ cũng thế. Hoặc cấp phó phụ trách trực tiếp có phải chịu trách nhiệm không cũng phải quy định rõ. Hành vi nào và mức độ đến đâu phải có hình thức xử lý tương xứng, quy định thật cụ thể thì mới xử lý được. Chứ bây giờ rút kinh nghiệm cũng được, khiển trách cũng được hoặc kể cả mất chức… thì rất khó.
. Để hoàn thiện cơ chế phát hiện tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đề xuất hướng sửa Luật PCTN thế nào?
+ Sửa luật thế nào phải dựa vào tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN, phải xác định rõ hiện nay bất cập ở đâu, cái gì nên bỏ, cái gì phải tăng cường. Các giải pháp hình thức thì có cần tăng cường hay không. Về mô hình, có nên thành lập một cơ quan chuyên trách độc lập không... Tất cả cái đó đều liên quan đến cơ chế phát hiện, xử lý tham nhũng.
. Kinh nghiệm các nước liên quan đến vấn đề tự phát hiện tham nhũng thế nào, thưa ông?
+ Một số nước có cơ quan chuyên trách thu thập thông tin, thu thập tố giác, điều tra, xác minh, truy tố. Một cơ quan làm từ A đến Z có thể là ủy ban chống tham nhũng quốc gia hoặc cơ quan điều tra chống tham nhũng… Cơ quan này trực thuộc ai thì phải tính nhưng điều kiện tiên quyết là phải độc lập với các ngành có khả năng tham nhũng. Ví dụ, Chính phủ là đối tượng để chống tham nhũng chứ Chính phủ không chỉ đạo chống tham nhũng được.
Chỉ một cơ quan nhưng được trao đủ quyền, đủ mạnh, đủ cơ sở pháp lý thì làm được hết. Trong trường hợp đặc biệt phải có quyền lực đặc biệt, tổ chức đặc biệt, phương pháp đặc biệt thì mới làm được, chứ cứ phát động phong trào thì khó lắm!
. Xin cám ơn ông.
http://plo.vn/thoi-su/chinh-phu-khong-chi-dao-chong-tham-nhung-duoc-616897.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét