Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Samsung rót vốn ĐT vào Việt Nam vọt lên 20 tỷ USD

Vốn đầu tư Samsung rót vào Việt Nam vọt lên 20 tỷ USD
Ngoài lĩnh vực điện tử, Tập đoàn Samsung đang “nhắm” tới đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác tại Việt Nam, như công nghiệp, giao thông… Ước tính,tới năm 2017 tổng số vốn “đổ” vào Việt Nam lên tới 20 tỷ USD.
Ảnh minh họa: Internet
Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về việc hợp tác đầu tư với Samsung. Tập đoàn Samsung là tập đoàn nước ngoài đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký lũy kế đạt trên 12,6 tỷ USD. Trong đó, tính riêng năm 2014 đã đầu tư thêm 5,4 tỷ USD, chiếm 31% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam tính tới cuối tháng 11/2014.

Ngoài lĩnh vực đầu tư truyền thống là điện tử, tới đây tập đoàn này sẽ mở rộng sang nhiều lĩnh vực đầu tư khác tại Việt Nam. Đơn cử, trong lĩnh vực hạ tầng ngày 14/10 Công ty Samsung C&T và Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương đã ký biên bản ghi nhớ MOU về việc phát triển dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 3 tại Hà Tĩnh.

Dự án có công suất 2x600MW, theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư dự kiến 2,45 tỷ USD. Công ty Samsung C&T đã thuê các Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng điện 1&2 chuẩn bị Báo cáo khả thi và dự kiến trình Chính phủ xem xét, phê duyệt vào cuối tháng 2-2015.

Tập đoàn Samsung cũng rất quan tâm tới các dự án giao thông tại Việt Nam, cụ thể là dự án sân bay Long Thành. Sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân bay quốc tế Long Thành, Samsung nghiên cứu và xin tham gia đầu tư, xây dựng, vận hành một trong số hạng mục thuộc dự án (xây dựng nhà ga, cung cấp dịch vụ vận hành sân bay, kinh doanh cửa hàng miễn thuế...).

Dự kiến quý I/2015 Samsung sẽ triển khai chuẩn bị Báo cáo tiền khả thi và đưa ra quyết định đầu tư trong năm 2015.

Lĩnh vực vận tải biển cũng hứa hẹn có sự góp mặt của nhà đầu tư Hàn Quốc này. Do thị trường vận tải biển quốc tế phục hồi chậm hơn so với dự kiến và 2 công ty Samsung Heavy Industries và Samsung Engineering sẽ chính thức sáp nhập vào tháng 12-2014 nên việc xem xét, quyết định đầu tư dự án Tổ hợp nhà máy đóng tàu tại Cam Ranh, Khánh Hòa bị lùi lại so với dự kiến ban đầu.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, sau khi sáp nhập, công ty mới sẽ đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng vào cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015 tại địa điểm nhà máy đóng tàu Oshima đã rút giấy phép đầu tư. Sau đó, Samsung sẽ làm việc chi tiết với các bộ, ban ngành về điều kiện đầu tư để có thể triển khai dự án vào cuối năm 2015.

Dự án có quy mô 2,6-2,8 tỷ USD, chia làm 2 giai đoạn gồm giai đoạn 1 từ năm 2-15-2018, giai đoạn 2 từ năm 2018-2025 với quy mô khoảng 300 ha và sẽ trở thành một trong 10 nhà máy đóng tàu lớn nhất thế giới.

Lĩnh vực bất động sản, Samsung đã đồng ý địa điểm đầu tư trung tâm R&D do UBND thành phố Hà Nội giới thiệu tại khu Manor Central Park và hiện đang tiến hành thương thảo điều kiện đầu tư với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.

Lĩnh vực công nghệ thông tin, Samsung SDS đang trao đổi với Viettel về hợp tác phát triển hệ thống quản lý xe buýt và y tế thông minh tại việt Nam.

“Tổng số vốn đầu tư vào các lĩnh vực trên tại Việt Nam của Samsung đến năm 2017 có thể tăng lên 20 tỷ USD”, báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo, giao Công thương, UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Khánh Hòa và Tập đoàn Viettel… tiếp tục hỗ trợ tập đoàn này trong các dự án triển khai tại Việt Nam.

Nguyễn Hoài
http://infonet.vn/von-dau-tu-samsung-rot-vao-viet-nam-vot-len-20-ty-usd-post153577.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét