Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Nước Nga thế nào khi đồng Rúp bốc hơi chóng mặt?

Mình không đọc thông tin về kinh tế Nga nên quả thật khá bất ngờ về sức chịu đứng yếu ớt của nền kinh tế nước này đối với việc giá dầu thế giới hạ và cấm vận bởi các nước phương Tây. Cứ nghĩ rằng một cường quốc như thế thì sức chịu đựng cũng phải kha khá. Thế mới biết khi phụ thuộc vào một loại hàng hóa, nhất là vào xuất khẩu tài nguyên, thì nền kinh tế dễ bị tan vỡ như thế nào. Đây cũng là biểu hiện của căn bệnh Hà Lan: Sống trên mức thu nhập do bản thân sức lao động làm ra nhờ bán tài nguyên. Việt Nam cũng đang sống nhờ bán tài nguyên, vay nợ và huy động vốn nước ngoài; điều này cũng rất nguy hiểm.
Nước Nga thế nào khi đồng Rúp bốc hơi chóng mặt?
(Kiến Thức) - Đồng tiền của Nga đang rớt giá chóng mặt, kéo theo nhiều hệ lụy với nền kinh tế nước này... Dù tình hình tài chính và dự trữ ngoại hối của Nga tốt hơn rất nhiều so với năm 1998 nhưng các nhà phân tích cho rằng quốc gia này đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng tiền tệ toàn diện.
Giá trị đồng Rúp Nga xuống thấp nhất trong lịch sử
Đồng Rúp trong đầu phiên 16/12 đã tăng giá 10% so với đồng USD sau động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nga (BoR) lên 650 điểm phần trăm nhằm ngăn chặn đà giảm của đồng tiền này. Thế nhưng ngay sau đó, đồng Rúp lại tiếp tục giảm giá xuống mức thấp kỷ lục.


Hiện, đồng Rúp đã giảm hơn 50% so với đồng USD và gợi nhớ lại cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 khi tỷ giá đồng tiền sụp đổ chỉ trong vài ngày khiến nước Nga vỡ nợ.

Dù tình hình tài chính và dự trữ ngoại hối của Nga tốt hơn rất nhiều so với năm 1998 nhưng các nhà phân tích cho rằng quốc gia này đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng tiền tệ toàn diện.

Cuối ngày 16/12 theo giờ Moscow, đồng Rúp rớt giá 11% so với đồng USD, còn 72,8 rúp đổi 1 USD. Trước đó, có thời điểm, phải hơn 80 Rúp mới tương đương 1 USD, tương đương mức giảm khoảng 20% so với mức chốt của phiên trước đó.

So với đồng Euro, đồng Rúp mất hơn 13% giá trị trong phiên hôm qua, còn 91 Rúp đổi được 1 Euro.

Đồng tiền của Nga và nền kinh tế nước này đang chịu sức ép lớn từ sự giảm giá mạnh của dầu thô và các lệnh trừng phạt từ phương Tây áp cho Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.

Apple dừng bán iPhone ở Nga vì đồng Rúp mất giá

Những người mua online tại Nga không thể đặt hàng các sản phẩm từ Apple khi đồng Rúp giảm xuống đáy. Việc Apple dừng việc bán hàng online cho các khách hàng ở Nga, càng cho thấy biến động của đồng Rúp đã gây ra nhiều xáo trộn đối với hoạt động kinh tế quốc tế.

Khi mở website của Apple, khách hàng ở Nga chỉ thấy dòng chữ "Chúng tôi đang bận cập nhật website cho các bạn và sẽ trở lại sớm".

Apple dừng bán hàng online tại thị trường Nga vào thời điểm đồng Rúp mất giá 19% so với đầu ngày vào cuối phiên hôm qua (16/12).

Website của cửa hàng Apple tại Nga khi công ty này dừng bán. 

Nỗ lực tăng mạnh lãi suất của chính phủ cũng không ngăn được tỷ giá tiếp tục giảm sau đó. Không chỉ tỷ giá, trái phiếu và thị trường chứng khoán Nga cũng suy giảm mạnh.

“Cửa hàng trực tuyến của chúng tôi tại Nga đang không truy cập được khi chúng tôi đang xem xét lại giá”, ông Alan Hely, người phát ngôn của Công ty Apple cho biết.

Dự đoán năm 2015, kinh tế Nga bắt đầu suy thoái

Ngân hàng trung ương Nga vừa đưa ra dự báo nền kinh tế nước này có thể bắt đầu suy thoái từ đầu năm sau nếu giá dầu vẫn giữ ở mức trung bình 60 USD/thùng.

Theo báo cáo của ngân hàng trung ương Nga, nếu giá dầu vẫn ở mức 60 USD/thùng, kinh tế Nga có thể cảm nhận sự suy thoái ngay từ quý 1 năm 2015 và sẽ suy giảm đến 4,5% trong năm 2015. Đồng thời, lạm phát có thể chạm mức 11,5% trong quý 1 năm 2015 và Nga sẽ tiếp tục phải thắt chặt hơn chính sách tiền tệ.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm 10/12 cũng đã thừa nhận nền kinh tế Nga đã mất 10 tỷ USD vì các lệnh trừng phát đang áp đặt lên nước này. Đồng rúp suy yếu khiến giá cả leo thang làm người dân gặp nhiều khó khăn.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cùng quan chức và 
lãnh đạo Ngân hàng trung ương trong cuộc gặp hôm 16/12. 

Khủng hoảng đồng Rúp đặt chính sách kinh tế của Nga trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết.

“Nếu tôi là cố vấn kinh tế của ông Putin, tôi sẽ cực kì lo lắng trước tình hình này. Đây là tình hình kinh tế nghiêm trọng mà phần lớn bắt nguồn từ chính quyết định của họ và hậu quả của việc đi ngược lại các quy tắc quốc tế”, Jason Furman, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của ông Obama nói.

Thảo Nguyên (tổng hợp)
http://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/nuoc-nga-the-nao-khi-dong-rup-boc-hoi-chong-mat-429921.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét