Càng học cao, hiểu rộng, càng dễ "mất gốc"?
(NLĐO)- Hôm công bố kết quả khảo sát, chị nhân viên tạp vụ nhìn cô trưởng phòng nhân sự có... nửa con mắt. Sau đó chị buông một câu: "Càng học cao, hiểu rộng thì càng mất gốc". Tôi cũng rất băn khoăn: Chẳng biết có phải vì "nhận thức thông thoáng" nên giờ đây, tôi rất ít về thăm nhà, Tết thì lại đưa vợ con đi chơi xa, hai đứa con tôi nhất định không chịu về quê dịp lễ hoặc nghỉ hè... Tôi sợ sau này, chúng chẳng còn biết gốc gác của mình ở đâu! Về khoản này thì đúng là tôi và nhiều đồng nghiệp thua xa những người công nhân ít chữ nghĩa và cả các chị, các bà buôn gánh, bán bưng...Quê hương trong tâm khảm nhiều người. Ảnh minh họa từ internet
Tôi hỏi chị Linh, người có thời gian ở trọ 12 năm, có bao giờ chị nghĩ đến cảnh thoát đời ở trọ, định cư lâu dài tại thành phố hay không thì chị cười, lắc đầu: "Mai mốt hết làm nổi rồi cũng phải về quê". Hỏi chị về làm gì thì chị cũng lắc đầu: "Cũng không biết nhưng chắc là phải về vì ở trong này, làm sao sống nổi với giá cả sinh hoạt đắt đỏ?".
Tôi lại hỏi chị Phương, quê Quảng Ngãi, một mình vào thành phố bán hàng rong để lo cho gia đình ở quê: "Chị có định đem cả gia đình vào đây sống hay không?". Chị cười: "Đem vô hết, làm sao nuôi nổi? Dù sao thì ở ngoài kia cũng còn mấy sào ruộng. Mỗi năm cũng đủ ăn, không lo chết đói". Tôi lại hỏi: "Vậy sao chị không ở ngoài kia làm ruộng với gia đình cho vợ chồng có nhau, con cái được ở gần mẹ?". Chịlại cười: "Có ăn nhưng không có tiền xài. Dù sao thì vô trong này kiếm tiền cũng dễ. Tệ lắm mỗi ngày cũng được trăm ngàn. Ở ngoài quê, làm gì kiếm được nhiều như vậy? Với lại gốc gác của mình ở ngoải...".
Hầu hết công nhân trong khu vực của tôi dù hằng ngày làm việc, ăn ngủ, vui chơi và nhiều sinh hoạt khác đều gắn liền với nơi đây nhưng sâu xa trong tâm khảm họ quê nhà là một điều gì đó có sức cuốn hút không cưỡng nổi và cứ luôn vẫy gọi họ quay về.
Xin nói rõ, hầu hết họ đều là lao động phổ thông khi rời quê. Họ chưa từng học qua trường nghề, chưa từng được trang bị kiến thức cần thiết để làm hành trang nghề nghiệp. Và quan trọng nhất, họ nghĩ vào các thành phố lớn để kiếm một công việc có thể kiếm ra tiền mà ở quê không có được. Rất ít ai, nếu không nói là hầu như không có người nào khi xách va li lên đường thì trong đầu lại suy nghĩ mình vô Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương để định cư lâu dài, mình sẽ có một ngôi nhà ở đó, sẽ nhập hộ khẩu vào đó và nơi đó sẽ là quê hương thứ hai của mình...
Điều này hoàn toàn trái ngược với thực tế tại công ty tôi, một công ty chuyên về công nghệ thông tin. Đa số người lao động đều có trình độ đại học. Theo thống kê gần đây nhất của phòng nhân sự thì có 83% (trong tổng số 215 lao động) có hộ khẩu gốc hoặc đã nhập hộ khẩu thành phố; 56% có chỗ ở ổn định. Quan trọng nhất là không ai có ý định sau này trở về quê làm việc, sinh sống; trái lại cái mà họ hướng tới là ra nước ngoài làm việc để được nâng cao chuyên môn, tay nghề, thu nhập.
Tại nơi tôi ở và nơi làm việc có hai thực tế trái ngược như vậy. Tôi nhớ hôm công bố kết quả khảo sát, chị nhân viên tạp vụ nhìn cô trưởng phòng nhân sự có... nửa con mắt. Sau đó chị buông một câu: "Càng học cao, hiểu rộng thì càng mất gốc".
Tất nhiên là không ai chấp câu nói nặng nề của chị bởi chị là người có trình độ học vấn thấp nhất công ty: Chỉ mới hết lớp 9! Riêng tôi thì lại đồng tình với chị theo một nghĩa khác: Học cao, hiểu rộng nên nhận thức cũng thông thoáng, cởi mở hơn, nhất là khi đất nước chúng ta đang hội nhập.
Tuy vậy tôi cũng rất băn khoăn: Chẳng biết có phải vì "nhận thức thông thoáng" nên giờ đây, tôi rất ít về thăm nhà, Tết thì lại đưa vợ con đi chơi xa, hai đứa con tôi nhất định không chịu về quê dịp lễ hoặc nghỉ hè... Tôi sợ sau này, chúng chẳng còn biết gốc gác của mình ở đâu! Về khoản này thì đúng là tôi và nhiều đồng nghiệp thua xa những người công nhân ít chữ nghĩa và cả các chị, các bà buôn gánh, bán bưng...
Hoàng Minh
http://nld.com.vn/cong-doan/cang-hoc-cao-hieu-rong-cang-de-mat-goc-20141202115914656.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét