Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Chuyện cô đơn và hạnh phúc

Chuyện cô đơn và hạnh phúc
Ts. Lê Thiện Phúc - Ngồi nghĩ đến những chặng đường đã qua trong cuộc đời, tôi bâng khuâng nhớ lại những cảnh huống thăng trầm cùng với nổi xót xa cho vận mệnh đất nước. Nổi xót xa nầy tiềm ẩn triền miên trong tâm tư của một người Việt tha hương. Kể từ ngày đó, 30 tháng 4 năm 1975, cái móc thời gian đánh dấu cuộc đổi đời chia cắt giữa kẻ ra đi và người ở lại. 
Tôi thuộc nhóm người ra đi trong giai đoạn kinh hoàng của đất nước, sau khi cuộc chiến tranh vũ khí kết thúc, để lại một cuộc chiến mới không kém đau thương - cuộc chiến để sinh tồn, vì đời sống người dân phải đối đầu với bao nhiêu thử thách; thử thách của chậm tiến và của đói nghèo. Trong khi đó kẻ ra đi cũng trải qua biết bao tang thương, nghiệt ngã, với cả trăm ngàn người vùi thây trong biển cả hay nơi rừng sâu, núi thẵm.

Trong những người bỏ nước ra đi được bình yên trên đất khách, đa số thành công trong sự nghiệp, giới trẻ có cơ hội học hành tới nơi tới chốn; nhưng cũng có người lâm vào cảnh khốn khổ đau thương trong xã hội mới, tưởng là nơi đầy may mắn với các phương tiện kỹ thuật tân tiến đáp ứng nhu cầu đời sống con người. Bởi vì ở đây cũng có nhiều cặm bẩy lôi kéo con người đến chỗ khốn cùng; đó là cờ bạc, ma tuý và cô đơn.

Cờ bạc và ma tuý dù không phải cái lưới thần, chận đường, ngăn cản bước tiến thân của con người; sự hiện hữu của nó là do chính con người tự tìm đến bởi sự thúc đẩy của lòng tham. Người ta tham được sung sướng, tham được nhiều tiền, mà không cần phải làm việc khó nhọc và mất nhiều thời gian để tích luỷ. Nhưng một khi bị sa vào con đường cờ bạc và ma tuý rồi, người ta càng ngày càng bị lún sâu vào vực thẳm không có lối thoát. Hậu quả của cờ bạc và ma tuý là những tang thương, phá sản cho con người về nhiều mặt, mà ở đây ta không cần kể ra vì chắc ai cũng biết. Chính phủ Úc cũng có nhiều giải pháp đối đầu với vấn nạn cờ bạc và ma tuý nhưng hiệu quả thì rất khiêm tốn, cho nên vấn nạn cờ bạc và ma tuý vẫn là cái bệnh kinh niên chưa có thuốc chữa. Người viết xin tạm gác qua một bên về hai vấn nạn xã hội nầy để bàn về vấn nạn cô đơn trong cái bối cảnh phồn hoa của xã hội tân tiến ngày nay.

Một trong những nguyên do đưa đến cô đơn là hôn nhân gãy đổ. Hiện tượng nầy khá phổ thông ở hải ngoại chắc một phần cũng là do sự sung túc về phương tiện vật chất, khiến người ta ỉ lại, không cần đắn đo trong quyết định ly hôn của mình. Kết quả là có nhiều người cô đơn, thiếu nơi nương tựa tình cảm, phải đi tìm đối tác mới trong nhiều tình huống khác nhau để cố hàn gắn sự đổ vỡ trong cuộc sống tình cảm của mình. Nhưng hàn gắn thường không thể chắc chắn như trạng thái nguyên vẹn của quan hệ tình cảm hôn nhân được xây dựng trong tuổi xuân thời! Ở đây chúng ta không bàn về nguyên do gãy đổ hôn nhân, nhưng chia xẻ một vấn đề là khi đã chấp nhận hôn ước với nhau rồi, làm sao duy trì mối quan hệ tình cảm giữa hai người được bền vững để có được hạnh phúc lâu dài bên nhau, mới là vấn đề chính yếu. 

Đặc biệt đối với những người từng bị gãy đổ hôn nhân, ai đã tìm được đối tác tương đối thích hợp để hàn gắn sự đổ vỡ thêm một lần nữa thì cũng nên cẩn thận, nghĩ suy để duy trỳ sự hàn gắn tình cảm được lâu dài thì có lẽ mới tìm được niềm hạnh phúc trong giai đoạn cuối đời. Tiến trình hàn gắn quan hệ tình cảm cũng giống như mình trồng một cái cây với hy vọng nó đơm bông kết trái tốt tươi sau nầy. Nhưng cái quả trái ngọt, hoa thơm không chỉ do hành động trồng cây thôi mà nó còn do nỗ lực vun phân tưới nước thường xuyên nữa! Cũng giống như vậy, trong quan hệ tình cảm của vợ chồng, dù là mới hàn gắn sau khi bị gãy đổ hay đã gầy dựng từ tuổi xuân thời, muốn có được hạnh phúc bền vững thì cũng cần phải vun bồi, chăm sóc thường xuyên. Trong tình yêu, muốn được vững bền thì phải có cho và có nhận với sự cảm thông chân thật và hiểu biết tâm ý lẫn nhau. 

Tìm được một người tâm đồng ý hợp để xây dựng cuộc sống lâu dài bên nhau không phải là dễ; bởi vì cái “tâm đồng ý hợp” không đơn giản biểu hiện bên ngoài để cho ta dễ nhận biết, mà nó tàng ẩn trong tâm tư của đối tác, chỉ phát hiện được qua thời gian chung sống với nhau. Vậy có giải pháp nào giúp ta đáp ứng được nhu cầu kéo dài trạng thái “tâm đồng ý hợp” một khi đã quyết định chung sống với nhau? Cái nầy có lẽ phải cần nhiều nỗ lực đóng góp từ hai phía: Hai người cần nên cố gắng làm hài lòng nhau, biết quí trọng lẫn nhau. Dĩ nhiên việc nầy không phải dễ trên đường dài trong cuộc sống bên nhau. Cái khó trong nỗ lực làm hài lòng nhau chính là cái giá phải trả cho hạnh phúc của hai người. 

Thực tế trong sinh hoạt đời sống hàng ngày giữa hai vợ chồng, người ta có thể làm hài lòng nhau bằng nhiều hình thức qua lời nói, cử chỉ và hành động chân thật. Lời nói, cử chỉ và hành động chân thật khi tiếp xúc với nhau hàng ngày rất đa dạng và có tính cách tế nhị để làm hài lòng nhau. 

Trước hết là phải tìm hiểu thật chính xác về ý muốn hay ước vọng mà người phối ngẫu của mình trông đợi liên quan tới hai thứ nhu cầu vật chất hay thể xác và tinh thần, nhất là về mặt tình cảm. Một khi đã biết được ước vọng nhu cầu của người phối ngẫu rồi thì bạn nên suy nghĩ xem có thể đáp ứng được trong phạm vi khả năng thực sự của mình hay không. Có nhiều khi chỉ cần một thái độ đơn giản và chân thật trong quan hệ tình cảm giữa hai người, bạn có thể làm hài lòng người phối ngẫu của mình một cách dễ dàng thôi! 

Vấn đề là liệu bạn có nghiêm chỉnh, hết lòng để tâm trong nhu cầu làm hài lòng người phối ngẫu của mình hay không mà thôi. Nếu bạn luôn quan tâm đến nhu cầu của người bạn đời của mình thì chắc chắn bạn có thể đáp ứng được bằng nhiều hình thức khác nhau lắm! 

Yếu tố chân thật rất quan trọng trong quan hệ tình cảm giữa hai vợ chồng. Giã dối còn biểu hiện qua hành động nói dối; nó là một tật xấu và trong đạo Phật là một giới cấm. Mặc dù trong sự giao tiếp, chung đụng hàng ngày, người ta rất khó tránh được hành động giã dối được; nhưng nếu ta luôn luôn ý thức rằng giã dối là một tật xấu thì có thể giảm thiểu được cái tật xấu không cần thiết nầy; nhất là trong quan hệ vợ chồng với nhau.

Trong xã hội Tây Phương ngày nay, riêng tư (privacy) là một giá trị văn hoá căn bản; nhưng trong sinh hoạt đời sống vợ chồng, người ta thường không coi cái giá trị văn hoá nầy là cần thiết nữa! Vợ chồng nằm ngủ chung với nhau trên một giường, có thể cùng tắm chung một lúc với nhau mà không ngần ngại gì! Bấy giờ cái riêng tư cá nhân trở thành cái riêng tư tập hợp của hai người. Không còn ngăn cách bởi bản chất riêng tư cũng là một hành động phơi bày sự chân thật tự nhiên giữa hai vợ chồng qua hành động. 

Trong phát biểu cảm tưởng qua lời nói cũng vậy, ta không cần giã dối điều gì giữa hai vợ chồng để biểu lộ lòng chân thật với nhau. Chúng ta cần phải luôn luôn thẩn trọng trong cung cách đối xử giữa vợ chồng với nhau. Cố tránh mọi hành động và lời nói không chân thật với nhau, cho dù nó quan trọng hay không quan trọng như thế nào đi nữa! Đây chính là một thái độ cần thiết trong quan niệm “vợ chồng phải chia xẻ với nhau”, bất kể chuyện tốt xấu liên hệ như thế nào.

Sự chân thật trong lời nói, cử chỉ và hành động rất cần thiết để bảo vệ hạnh phúc của hai vợ chồng, nhưng nó bao gồm nhiều khía cạnh rất tinh tế không thể nào liệt kê cho hết được. Sự chân thật trong cung cách đối xử với nhau cần phải được thấu hiểu bởi người phối ngẫu, nhưng lại không có cách gì bảo đảm cho sự thấu hiểu nầy, bởi nó bao gồm hai yếu tố căn bản, đó là khả năng biểu thị và khả năng tiếp nhận. 

Thí dụ trong ngôn ngữ thì hai yếu tố căn bản nầy là khả năng nói và khả năng nghe. Người nói hay mà người nghe dở, tức là thiếu kiên nhẫn và nhiệt tình lắng nghe, thì sự chân thật được diễn tả bởi người nói sẽ không được cảm thông một cách trọn vẹn được. Vậy thì làm sao bảo đảm được sự chân thật trong cung cách đối xử với nhau để bảo vệ hạnh phúc lâu dài giữa vợ chồng?

Trách nhiệm bảo vệ hạnh phúc trong quan hệ tình cảm vợ chồng là trách nhiệm chung của hai người. Nếu mỗi người nghiêm chỉnh và chân thật với chính mình trong mọi hành động, cử chỉ và lời nói khi giao tiếp với nhau thì mới có hy vọng bảo vệ được hạnh phúc lâu dài, tức là tránh được cô đơn do sự gãy đổ hôn nhân. Mặc dù đây là một đề nghị mang tính cách ngừa bệnh hơn là chữa bệnh, nhưng nếu ta có một cái nhìn thu hẹp hơn trong bối cảnh xã hội Tây phương ngày nay thì mới thấy hai hiện tượng cô đơn và hạnh phúc trong hôn nhân ở hai thái cực đối nghịch nhau. Tránh cô đơn để tìm hạnh phúc bên nhau, mặc dù đời sống bên nhau giữa hai vợ chồng không nhất thiết là lúc nào cũng có hạnh phúc nếu người ta không hết lòng biểu hiện các hành động mang tính cách tâm lý và tình cảm để làm hài lòng nhau trong từng phút, từng giây chung sống bên nhau.

Khi người ta có nhu cầu ngăn chặn cô đơn thì cần người kết hợp chung sống với nhau để tìm hạnh phúc bên nhau. Khi quan hệ hôn nhân bị gãy đổ thì hai người trở về lại với cô đơn. Nếu ta không cư xử với nhau trong tình yêu thương chân thật trong mọi tình huống thì sẽ không giữ được hạnh phúc lâu dài để phải về lại với kiếp sống cô đơn trong cảnh trí phồn hoa đầy tiện nghi tân tiến của xã hội Tây phương ngày nay. Người ta có thể sống với cô đơn nhưng không thể phủ nhận được rằng nhu cầu cho sự sống của bất cứ ai là cần phải có sự trợ giúp, chia xẻ, an ủi của người khác. Sự trợ giúp nầy có thể là về mặt vật chất hay tinh thần, trong đó bao gồm các mặt tâm lý và tình cảm. Bởi vậy, cho dù trong tình huống nào đi nữa, không ai có thể sống mãi trong cô đơn mà không cần có sự trợ giúp của người khác. Một cách thu hẹp hơn, một trong các lý do căn bản của hôn nhân, dù chính thức hay không chính thức, là muốn chấm dứt cuộc sống cô đơn để tìm hạnh phúc và sự hỗ trợ lẫn nhau về vật chất lẫn tinh thần trong cuộc sống có đôi.

Nói quanh co rồi cũng đi tới một điểm then chốt là chúng ta nên trân quý những gì mình đang có trong tay. Không nên vội thả mồi để bắt bóng. Cái mồi ta đang có được đôi khi mình nghĩ là không ngon, không đáng quí, nhưng vẫn thiết thực hơn là cái bóng! Tôi có nghe qua tâm lý người phụ nữ là ít khi nghĩ đến sự hối tiếc về sau và sẵn sàng quyết định buông bỏ cái gì mình đang có trong tay để thoả mãn cơn tức giận vì tự ái! Cái tâm lý nầy không biết có xác thực đối với mọi người phụ nữ hay không, nhưng nếu quả như vậy thì thật là đáng tiếc lắm! Ai cũng biết là hối tiếc không giúp ta tìm lại cái gì đã mất; vậy thì bình tỉnh, ngăn ngừa sự mất mát vẫn tốt hơn!

Trong xã hội Tây phương ngày nay, hiện tượng cô đơn do hôn nhân gãy đổ càng ngày thấy gia tăng. Người ta sống trong cô đơn vì chưa tìm được một đối tác thích hợp, sau khi hôn nhân bị gãy đổ. Càng lớn tuổi thì tìm người lý tưởng càng khó hơn và sự hàn gắn mối quan hệ tình cảm càng khó vững bền hơn. Bởi vậy ta nên hết sức thận trọng, nghiêm chỉnh và kiên trì nuôi dưỡng và bảo vệ mối quan hệ tình cảm đối với người mà ta đang sống chung với nhau. Cải sửa để xây dựng cho được tốt đẹp cái mình đang có trong tay hơn là đi tìm cái khác, nhất là những người trong lứa tuổi trung niên trở lên. Tuổi đời đã chồng chất không cho ta có thêm nhiều cơ hội lựa chọn đâu!

Nhìn lại những chặn đường đã qua trong đời; bao đau thương, vắp ngã, thất bại, ta không thể nào thay đổi được. Nhưng bao nhiêu khổ đau đó cũng đã đủ cho ta thắm thía, chua cay rồi. Giờ đây, hãy nhìn phía trước, đoạn đường trước mặt ta đi, nếu phải làm lại từ đầu thì ta vẫn còn có cơ hội. Bằng quyết tâm và nhiệt tình chân thật, nhất định ta sẽ có một ngày mai tươi sáng hơn. 

Hãy nắm lấy cơ hội hiện có để vươn lên. Không cần phải tự ti, mặc cảm hay bi quan, bởi vì nó không có ích lợi gì cho cuộc đời còn lại của ta! Hãy buông bỏ tất cả những gì trong quá khứ không tốt của mình hay của người mình đang chung sống. Cương quyết không mang theo cái quá khứ đau thương, nghiệt ngã của mình và của người khác vào đời sống hiện tại và tương lai, bạn sẽ tìm được hạnh và an lạc trong đời sống của mình bên người mình thương yêu, quí mến.

Ts. Lê Thiện Phúc
http://www.haingoaiphiemdam.com/Chuyen-co-don-va-hanh-phuc-Ts-Le-Thien-Phuc-24225

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét