Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Bắt hổ

Bắt hổ
Trên tờ tuần báo Đức hàng đầu „DIE ZEIT“ („Thời đại“) số ra gần đây nhất (11.12.2014, Nr. 51) có một bài báo với đầu đề như vậy của nữ ký giả Angela Köckritz, phóng viên thường trú của „Thời đại“ tại Bắc Kinh. Tác giả nói về chiến dịch „đả hổ diệt ruồi“ ở Trung Quốc hiện nay – không hiểu sao khi chuyển sang tiếng Đức „đả hổ“ lại trở thành „bắt hổ“(„Fang den Tiger“)! – chủ yếu phân tích vai trò cá nhân của Tập Cận Bình và đặt câu hỏi liệu Chủ tịch Trung Quốc có đi quá đà trong việc tập trung toàn bộ quyền lực của Đảng Cộng sản vào tay mình hay không.
Tôi sẽ không thuật lại những nội dung đã được phổ biến khá rộng rãi này, kể cả trên báo chí tiếng Việt. Tôi chỉ tóm tắt ở đây – theo phong cách điện tín – một số điểm liên quan đến nhận định của tác giả về chính sách đối ngoại, nói đúng hơn là chính sách toàn cầu của Trung Quốc. Những thông tin này chắc chắn không mới đối với các chuyên gia về Trung Quốc, nhưng có lẽ có giá trị tham khảo cho những người có quan tâm về chính trị nói chung, về vai trò của Trung Quốc và ảnh hưởng địa-chính trị của nó đối với Việt Nam nói riêng:

  • Trung Quốc „ngày càng ngang ngược“ (chữ của tác giả) trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên khu vực biển Hoa Đông và biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông). Nhận định này đương nhiên cũng không mới, nhưng là một chi tiết đáng lưu ý do được đặt ngay đầu phần phân tích chính sách đối ngoại của Bắc Kinh và được diễn đạt với một sắc thái biểu cảm rõ ràng
  • Một „con đường tơ lụa mới“ về hướng Tây đang hình thành, với một mạng lưới đường sắt, đường ống dẫn dầu/khí đốt và đường bộ
  • Một „con đường tơ lụa trên đại dương“, với một mạng lưới hải cảng và các tuyến thương mại trên biển; tác giả lưu ý rằng cả hai „con đường tơ lụa“ này, trên đất liền và trên biển, đều có một vai trò địa-chính trị đặc biệt
  • Bắc Kinh muốn xuất khẩu công nghệ tàu hoả siêu tốc của mình tới khắp thế giới (không rõ là công nghệ gì, nhờ các chuyên gia thông tin thêm; trước đây Đức từng có dự án „Transrapid“ xây dựng tàu đệm từ, lúc đầu trên tuyến thí điểm Berlin-Hamburg, về sau do phản đối của người dân vì lý do môi trường, ô nhiễm tiếng ồn v.v. nên đã bỏ và bán cho Trung Quốc, hiện nay tàu „Transrapid“ đang chạy trên tuyến Thượng Hải – Sân bay Phố Đông)
  • Hiện tại Trung Quốc đang dự kiến xây dựng một tuyến tàu hoả siêu tốc xuyên lục địa nối liền Trung Quốc với Canada và Hoa Kỳ thông qua eo biển Bering (tôi „sốc“ nhất vì tin này!)
  • Trung Quốc đang quan tâm đặc biệt đến Vùng Bắc Cực, do trữ lượng khoáng sản ở đó
  • Bắc Kinh đang triển khai những định chế mới trên lộ trình trở thành siêu cường của mình, chẳng hạn một Ngân hàng phát triển mới của nhóm nước BRIC, về lâu dài sẽ là đối thủ cạnh tranh của cả Quỹ tiền tệ quốc tế lẫn Ngân hàng thế giới
  • Trung Quốc đang thúc đẩy việc hình thành một Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á mà trong đó Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa sẽ là nhà đầu tư chính ở châu Á
  • Và, last but not least, Bắc Kinh đang nỗ lực thiết lập một cơ cấu an ninh châu Á – Thái Bình Dương mới mà trong đó „người châu Á sẽ giải quyết các vấn đề ở châu Á“, có nghĩa là sẽ không có chỗ cho Hoa Kỳ.
Tôi muốn kết thúc bài điểm báo này bằng một „liên hệ thực tiễn“, nhưng trước đó xin được nhắc lại hai ý tưởng từ một cuốn sách đã đọc cách đây gần 20 năm, cuốn „The Clash of Civilizations“ („Đụng độ giữa các nền văn minh“) của học giả Hoa Kỳ giữa chừng đã quá cố Samuel P. Huntington. 
Ý tưởng thứ nhất nói đúng hơn là một kịch bản giả tưởng của tác giả về chiến tranh thế giới thứ ba mà ngòi nổ của nó là xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông và sự tham chiến của Hoa Kỳ trên cơ sở sự cầu viện của phía Việt Nam, đương nhiên trước hết là để bảo vệ quyền lợi cho các công ty khai thác dầu và lợi ích hàng hải của Mỹ. Loại trừ mốc thời gian vào năm 2010, kịch bản giả tưởng này của Huntington (xem chương „Civilizational war and Order“ / „Chiến tranh giữa các nền văn minh và trật tự thế giới mới“) bây giờ đọc lại, đặc biệt là ở các phân đoạn về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhiều chỗ có cảm giác như là một phóng sự báo chí và phân tích chính trị về diễn biến thực tế trên Biển Đông vào sáu tháng đầu năm nay, ít nhiều tương ứng với nhận xét thứ nhất đã nêu trên của nữ ký giả tuần báo „DIE ZEIT“.  
Ý tưởng thứ hai là nhận định của Huntington – tôi trích lại theo trí nhớ – rằng „tương lai của nền chính trị Đông Á chính là quá khứ của nó“, có nghĩa là Trung Hoa sẽ tái lập lại vị trí của của mình với tư cách là nhà nước hạt nhân trong nền văn minh Khổng Giáo vốn đã tồn tại trong thời kỳ tiền thực dân. Tuy nhiên nếu căn cứ vào dự án „Giấc mơ Trung Hoa“ mà tác giả bài báo đã phác hoạ với những dữ kiện cập nhật rất cụ thể như ở trên thì nhận định của Huntington có lẽ cần phải được mở rộng thành mệnh đề „tương lai của nềnchính trị thế giới chính là quá khứ của nó“ – theo nghĩa là Trung Hoa sẽ dành lại vị trí trung tâm văn minh thế giới, như nó đã vốn có cho đến thời kỳ Phục Hưng và chủ nghĩa tư bản ở Phương Tây.
Tất nhiên tác giả bài báo „Bắt hổ“ không phải là một tuyên truyền viên cho „Giấc mơ Trung Hoa“. Trong bài viết của mình bà cũng nêu những chi tiết khá thú vị khác như diễn văn về chính sách văn nghệ của Tập Cận Bình trong tháng mười vừa qua như là một sự trở lại với quan điểm của Mao Trạch Đông ở bài diễn văn nổi tiếng tại „Hội nghị Diên An“ vào năm 1942. Thực hiện đường lối chỉ đạo này, vừa mới đây cơ quan quản lý điện ảnh và truyền hình trung ương của Trung Quốc đã đưa ra một dự án mang đầy tính viễn kiến: Các nhà hoạt động điện ảnh sẽ được đưa về nông thôn một thời gian nhằm để học hỏi từ quần chúng và để có một „cái nhìn đúng đắn về nghệ thuật“ – Cách mạng văn hoá xin gửi lời chào 
https://drtruong.wordpress.com/2014/12/13/bat-ho/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét