Thứ Hai, 14 tháng 8, 2017

Bức tường Berlin

Bức tường Berlin
Tho Nguyen - Vào giờ này cách đây 56 năm, đêm 13.08.1961, bức tường Berlin đã bất ngờ được dựng lên, chia thành phố này ra Đông và Tây, cùng với số phận của hàng ngàn gia đình Đức.
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng, trẻ em và ngoài trời
Trước khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Mỹ, Anh và Liên Xô đã định đoạt tương lai châu Âu tại các hội nghị Teheran và Yalta. Theo đó, châu Âu, nước Đức và cả thành phố Berlin đều sẽ được chia thành các vùng chiếm đóng của các cường quốc này. Sau chiến thắng của Đồng minh ở Pháp, chính phủ De Gaulle cũng đòi chia phần cho Pháp và Bỉ.

Hồng quân LIên Xô đánh nhau hăng nhất, giải phóng cả nước Áo và Hy-Lạp khỏi ách phát xít, nhưng sau này đã rút ra khỏi hai nước này để trả lại cho phương tây theo thỏa thuận Potsdam. Kết quả là châu Âu chia đôi thành hai khối: Tây âu do Mỹ Anh Pháp và các nhà nước tư bản quản lý, Đông Âu nằm dưới sự kiểm soát của hồng quân Liên Xô và các đảng Cộng sản sở tai: Albani, Balan. Bulgary, Hungary, Rumani, Tiệp khắc và CHDC Đức.

Nam Tư được giải phóng bởi quân du kích của nguyên soái Ti-Tô, tuy theo xu hướng cộng sản, nhưng không dựa vào Liên Xô nên giữ nguyên một chế độ XHCN tự quản, độc lập với Moskva, gây khó chịu cho cả hai phe.

Riêng nước Đức bị chia cắt thành 5 vùng chiếm đóng ( Vùng Cologne-Bonn do quân Bỉ cai quản). Hồng quân Liên Xô giữ 1/4 nước Đức ở phía đông là vùng trù phú và phát triển nhất với hơn 21 triệu dân, bao gồm các trung tâm công nghiệp như Dresden, Magdeburg, Berlin, Chemnitz v.v.

Ngoài ra, thủ đô Berlin nằm lọt thỏm trong lòng Đông Đức cũng bị chia làm bốn phần. Liên Xô kiểm soát phần Đông Berlin, sau này thành thủ đô nước CHDC Đức như tôi đã viết trong bài „Ký ức nước Đức sau 50 năm (2)“.

https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/1794770563874342

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang ngồi, xe môtô và ngoài trời

Ba phần tư nước Đức còn lại do phương tây quản với 62 triêụ dân, trong đó có hai bang lớn là Bavaria và Hạ Saxong sống bằng nông nghiệp là chính. Câu chuyện thần kỳ của kinh tế Tây Đức trong những năm 1960-1970 đã biến tất cả các bang của Tây Đức thành các xứ sở công nghiệp cao cấp.

Nếu ai đã xem bộ phim lịch sử „Tannenbach“ (1) thì sẽ hiểu sự chia cắt nước Đức bởi hai chế độ chính trị tàn khốc ra sao. Chỉ biết rằng đến năm 1949, cả hai nhà nước Đức cùng tuyên bố thành lập. Phía tây là nước CHLB Đức với thể chế dân chủ đại nghị tồn tại cho đến nay, trong khi nước CHDC Đức ở miền đông được điều hành bằng một nhà nước XHCN do đảng cộng sản SED cầm quyền cho đến tháng 11.1989.

Ngay sau khi hai nhà nước Đức ra đời, sự khác biệt về quản lý kinh tế, về quản lý xã hội, về nền dân chủ đã gây ra làn sóng tỵ nạn từ Đông sang Tây. Từ 1949 đến 1961, có 3,5 triệu người Đông Đức bỏ quê hương, chạy sang miền Tây sinh sống. Số người chạy từ Tây sang Đông cũng có nhưng không đáng kể, chủ yếu là gia đình các đảng viên cộng sản.

Để chống lại làn sóng di dân này, ngay từ năm 1949 chính phủ CHDC Đức đã xây đường biên giới Đông Tây Đức (innerdeutsche Grenze) dài 1400 km chia đôi nước Đức. Theo thỏa thuận tứ cường, quân đội Mỹ, Anh, Pháp ở Tây Đức được sử dụng xa lộ Đông Tây, đường tàu hỏa cũng như hành lang bay để đi lại giữa Tây Đức và Tây Berlin. Tất nhiên các công dân và nền kinh tế Tây Đức, Tây Berlin cũng sử dụng hành lang này để lưu thông.

Tuy nhiên tại thành phố Berlin, việc xây đường biên giới không đơn giản. Dân chúng thành phố vẫn đi lại bình thường bằng giấy thông hành trình tại các checkpoint. Nhiều người vẫn ở Đông Berlin, đi làm bên Tây có ngoại tệ mạnh, tối về bên này ngủ và sinh hoạt rẻ hơn.

Những người có trình độ, có trí thức ở CHDC Đức đều thích sang miền tây sống. Để tránh biên giới Đông Tây Đức đầy mìn và dây thép gai , họ thường đổ về Đông Berlin rồi đi sang bên kia phố, tới Tây Berlin. Ở đó họ làm căn cước mới rồi cưỡi máy bay Mỹ, Anh, Pháp về Tây Đức nhập cư.

Tuy biết vậy nhưng chính quyền CHDC Đức không thể xây biên giới ngay trong lòng thành phố Berlin ngay từ 1949 như biên giới Đông Tây Đức được.

Lý do chính là hiệp ước Potsdam quy định Berlin là một thành phố trung lập, dù chia 4. Phần Tây Berlin, tuy nằm trong tay Mỹ,Anh,Pháp và có nền hành chính và nền kinh tế giống như nước CHLB Đức ở phía tây, nhưng không phải là thành phần của nước CHLB Đức.

Lý do thứ hai của sự khó xử này là sự đan chen nhằng nhịt của rất nhiều ngành kinh tế trong thành phố 4 triệu dân này, từ sở cấp nước, thoát nước, nhà đèn, bưu chính, đường sắt v.v. Nếu như coi việc chia cắt hai miền Đông Tây Đức đau đớn như việc bắt một cặp vợ chồng phải ly dị, thì việc chia cắt thành phố Berlin nguy hiểm như việc mổ tách hai đứa trẻ dính nhau.

Lý do nữa không nói ra, nhưng đau đớn nhất cho mọi người Đức là bức tường Berlin sẽ xé nát hạnh phúc và cuộc sống của hàng trăm ngàn người Berlin. Người Việt Nam hãy tưởng tượng là sáng mai ngủ dậy, một nửa thành phố Hà Nội hay Sài Gòn là XHCN , còn nửa kia là TBCN, bị ngăn cách bởi dây thép gai và lưỡi lê. Bản thân chủ tịch Đông Đức Walter Ulbricht suốt 10 năm cầm quyền không dám nghĩ đến việc này, có lẽ ông cảm thấy gánh nặng dân tộc trong quyết định này.

Nhưng sự tụt hậu của miền Đông so với miền Tây ngày càng nặng, chính phủ Đông Đức cho là do bị chảy máu chất xám qua các đường phố Berlin. Thay vì tìm nguyên nhân tại sao dân chúng và trí thức bỏ đi, họ quyết định xây thành chia đôi thành phố Berlin, như đã từng làm từ 1949 trên biên giới Đông Tây Đức.

Chỉ trong vòng 10 tiếng đồng hồ đêm 13.08.1961, dưới sự bảo trợ của xe tăng Liên Xô, hàng chục cây số tường bằng gach, bằng dây thép gai, bằng các loại Barier tạm thời đã được dựng lên. Dần dần các bức tường này được chính phủ CHDC Đức hoàn thiện bằng tường bê tông có các trạm quan sát, có hệ thống chiếu sáng kèm theo một dải đất trống mà người dân quen gọi là vùng chết (Todesstreifen)

Sáng hôm sau 14.8, người dân Berlin bàng hoàng và đau khổ vì tự nhiên họ bị mất người thân, có người mất việc làm, các cháu bé mất chỗ học. Có doanh nghiệp phá sản vì mỗi phân xưởng nằm ở một bên thành phố. Đã có nhiều phim truyện, tiểu thuyết, phim tài liệu nói về những đôi trai gái, về hai chị em ruột, về những bố mẹ bị tách khỏi con cái hàng chục năm

Phía tây của bức thành đó, dân Tây Berlin vẫn sinh hoạt bình thường, phố xá vẫn mọc đến tận sát chân tường. Nhưng ở phía Đông, không một ngôi nhà nào cách bức tường đó 50-100m được sử dụng. Toàn bộ trở thành vành đai trắng, không có người ở. Người ta sợ những căn nhà đó sẽ trở thành các điểm xuát phát cho những đường hầm xuyên dưới bức tường, cho các cuộc vượt biên ngoạn mục.

Cho đến khi bị nhân dân CHDC Đức phá bỏ vào tháng 11.1989, đã có 139 người bị bắn chết dọc bức tường Berlin. Con số này trên tuyến biên giới Đông Tây Đức là 327 đưa tổng số người Đức bị chính đồng bào mình bắn chết trên quê hương lên đến 466 người. Thêm vào đó là hơn 200 người bị chết khi vượt biển Baltic (Ostsee) để sang Tây Đức và khoảng 300 công dân CHDC Đức nữa chết khi vượt biên giới của các nước XHCN khác để sang phương Tây. Tổng cộng khoảng 1000 người Đức đã bị giết chỉ vì muốn đi từ mảnh đất này đến mảnh đất khác của tổ quốc mình. (2)

Köln, 13.08.2017
(1)https://en.wikipedia.org/wiki/Tannbach_(TV_series)
(2)http://www.tagesspiegel.de/…/deutsch-deutsche…/19904814.html

1 nhận xét:

  1. CON LỢN NGA NÓ XUẤT HIỆN Ở ĐÂU,LÀ DÂN Ở ĐÓ ĐÓI ĂN,LẠC HẬU TÀN SÁT NHAU ,NGHÈO HÈN ,GIÁO DỤC DÂN TRÍ THẤP,CU BA,VN,LÀO.,VV,CHO NÊN MỘT LOẠT CÁC NƯỚC ĐÔNG ÂU ĐÃ LY KHAI TẨY CHAY THẬM CHÍ CÒN THÙ ĐỊCH NGƯỜI NGA.

    Trả lờiXóa