Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Đổ xô sang Lào làm ăn sau tết

Đổ xô sang Lào làm ăn sau tết
 
Sau những ngày tết, người dân xã Lộc Bổn và một số ít ở xã Lộc Sơn (Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) lại bắt đầu đổ xô sang Lào tìm kiếm việc làm mong thay đổi cuộc đời nơi miền đất mới.
“Hai đứa bạn ở Lào, làm nghề cắt tóc một tháng có khi thu nhập trên 5 triệu đồng, tụi nó bảo mình sang bên đó làm cùng. Do dự nhiều lần, năm nay mình quyết định sang Lào một phen xem sao, may nhờ, rủi đành chịu...” - chị Nguyễn Thị Lan ở xã Lộc Bổn chia sẻ.
Không chỉ riêng chị Lan, vợ chồng anh Nguyễn Đình Chinh và chị Nguyễn Thị Nhàn ở thôn Hòa Mỹ, xã Lộc Bổn vừa cưới nhau được vài ngày cũng quyết định dẫn nhau sang Lào tìm kiếm việc làm. Theo những người bạn của anh đã sang Lào mấy năm trước đó, nếu kiếm được việc làm phù hợp chắc chắn lương cao hơn so với cùng công việc làm ở TP.HCM.

Đoàn người chen chân lên xe sang Lào. Ảnh: V.LONG

Người Việt sang Lào chủ yếu làm nghề cắt tóc, thợ xây, buôn bán, chăn nuôi, buôn ve chai... Theo anh Võ Đại Trường (thôn Bình An, xã Lộc Bổn), đã có hai năm làm nghề sửa xe ô tô ở thủ đô Viêng Chăn thì không phải ai sang Lào cũng “đổi đời”. Nhiều người vì thích ăn chơi, đua đòi nên dính vào nghiện hút. Bi đát hơn là những trường hợp tin vào lời người môi giới việc làm với mức lương cao nhưng khi sang bên đó thực tế hoàn toàn khác, lương thấp, lại còn bị chủ bắt làm việc cả ngày lẫn đêm.

Việt nam quyết tâm xây dựng Ngân Hàng Trung Ương?

Việt nam quyết tâm xây dựng Ngân Hàng Trung Ương?

Thanh Trúc, phóng viên RFA, 2012-02-06
Tại một hội nghị về kinh tế đối ngoại ở Hà Nội tháng trước, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tuyên bố Việt Nam đang nghiêm túc xem xét các đề xuất về việc xây dựng Ngân Hàng Trung Ương thay cho Ngân Hàng Nhà Nước hiện thời. 

Ở Việt Nam , Ngân Hàng Trung Ương còn 
được gọi là Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam.

Điều này liệu có gây ngộ nhận vì trước giờ báo chí trong nước lúc thì gọi Ngân Hàng Trung Ương khi thì nêu tên  Ngân Hàng Nhà Nước mà tựu chung vẫn là hệ thống tài chánh do chính phủ kiểm soát? Thanh Trúc hỏi chuyện các chuyên gia để hiểu rõ hơn:

Phải nắm vững quyền hạn và vai trò của N.H.T.Ư

Đó là bản tin trên báo VNEconomy phát hành tại  Việt Nam, trích dẫn lời phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trước hội nghị quốc tế lần thứ ba về kinh tế đối ngoại, rằng Việt Nam đang nghiêm túc xem xét các đề xuất về việc xây dựng Ngân Hàng Trung Ương thay cho Ngân Hàng Nhà Nước hiện nay.

Đây là hội nghị do Bộ Ngoại Giao Việt Nam phối hợp tổ chức cùng tập đoàn truyền thông The Economist của Anh quốc với chủ đề Hành Trang Mới Vào Một Thế Giới Mới.  

Trước khoảng bốn trăm người tham dự gồm quan chức chính phủ, đại diện hơn một trăm năm mươi tập đoàn kinh tế tài chính và các công ty đa quốc gia, lãnh đạo các doanh nghiệp trong cũng như ngoài nước, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tuyên bố dù đã ghi nhận và lắng nghe nhiều ý kiến nhưng chính phủ chưa có quyết định cụ thể nào vì Ngân Hàng Trung Ương là vấn đề quan trọng, rằng mô hình nào cũng có ưu điểm và khuyết điểm của nó.

Chén đẫy thịt chó vào tết Nguyên tiêu

Chén đẫy thịt chó vào tết Nguyên tiêu

- Không kiêng kị, người dân làng nghề giò chả Ước Lễ (Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội)  không thể thiếu món thịt chó trên mâm cỗ vào ngày tết Nguyên tiêu. 
Đến Ước Lễ vào dịp Rằm tháng giêng bên cạnh các loại giò, chả truyền thống thì không thể thiếu các hàng thịt chó sống, chín phục vụ cho bà con trong làng và khách thập phương.
Anh Đặng Hồng Sơn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghề giò chả vào hạng lâu đời nhất tại Ước Lễ rất tự hào khi nói về món thịt chó đặc biệt của làng mình: “Thịt chó Ước Lễ là món ăn không ở đâu có. Chúng tôi chọn thịt chó cũng kĩ càng như chọn thịt lợn để làm giò vậy. Thịt phải thật tươi, thật mới…
Vào ngày tết Nguyên tiêu không mâm cỗ nào ở Ước Lễ có thể thiếu món thịt chó. Ngay từ sáng sớm người dân làng đã đổ xô đi mua miếng thịt chó ngon nhất, tươi nhất để có được bát thịt chó nấu tươi ngon đúng vị”.
“Không biết có tự bao giờ, chỉ biết rằng từ khi tôi sinh ra món thịt chó đã có trong mâm cơm ngày Rằm tháng giêng của bất kì gia đình nào trong làng rồi. Nó trở thành một thói quen, tập tục mà mỗi người làng Ước Lễ dù đi đâu, thưởng thức món thịt chó ở đâu cũng không thấy “đã”, không thể quên hương vị đặc biệt của bát chó nấu quê nhà” - anh Trang Công Trịnh, Trưởng thôn trẻ của Ước Lễ chia sẻ.
Không “cầy tơ 7 món” như chó Nhật Tân, chó Vân Đình… ở Ước Lễ chỉ duy nhất có một món chó nấu nhựa mận. Vẫn có những gia vị quen thuộc là giềng, mẻ nhưng thành phần quan trọng nhất tạo nên hương vị khác biệt của món thịt chó Ước Lễ là mắm tép chứ không phải mắm tôm.
Làng Ước Lễ có tục ăn tết lại bởi những ngày áp Tết, chỉ thấy người dân rục rịch lên đường đi làm ăn xa. Từ thanh niên đến phụ nữ, cả cánh đàn ông cũng sẵn sàng lên đường gói bánh, làm giò thuê khắp trong Nam ngoài Bắc.
Người dân cả làng chỉ lũ lượt trở về từ chiều 30 Tết và thực sự đông đủ từ ông già bà cả, con cháu lớn bé vào Rằm tháng giêng. Tết Nguyên tiêu mới thực sự là ngày hội, ngày Tết của cả làng.
Chùm ảnh Tết muộn với món thịt chó ở Ước Lễ 
Vào dịp tết Nguyên tiêu, đường làng Ước Lễ mù mịt khói rơm thui chó.

THÔNG ĐIỆP LIÊN BANG 2012 CỦA TỔNG THỐNG OBAMA (2)

THÔNG ĐIỆP LIÊN BANG 2012 CỦA TỔNG THỐNG OBAMA (2)

Trong 3 năm qua, mối quan hệ đối tác của chúng ta với khu vực tư nhân đã đặt nước Mỹ vào vị trí là nước sản xuất pin công nghệ cao hàng đầu trên thế giới. Vì những đầu tư của liên bang, việc sử dụng năng lượng tái sinh gần như đã tăng gấp đôi, và hàng nghìn người Mỹ có công ăn việc làm vì nó.
Khi Bryan Ritterby bị sa thải khỏi công việc của ông là sản xuất đồ dùng ông nói ông lo lắng rằng ở tuổi 55, không ai cho ông cơ hội lần thứ hai. Nhưng ông đã tìm được việc làm tại Energetx, một nhà máy sản xuất tuốc bin chạy bằng sức gió ở Michigan. Trước cuộc suy thoái, nhà máy này chỉ sản xuất các du thuyền hạng sang. Hiện nay, nhà máy này đang thuê các công nhân như Bryan, ông nói: “Tôi tự hào đang làm việc trong ngành công nghiệp của tương lai”.
Kinh nghiệm của chúng ta về khí đốt từ đá phiến, kinh nghiệm cúa chúng ta về khí đốt tự nhiên, cho chúng ta thấy rằng kết quả về đầu tư công này không phải luôn đến ngay lập tức. Một số công nghệ chưa mang lại kết quả; một số công ty thất bại: Nhưng tôi sẽ không từ bỏ lời hứa về năng lượng sạch. Tôi sẽ không từ bỏ những người lao động như Bryan. Tôi sẽ không nhường lại ngành công nghiệp về sức gió, năng lượng mặt trời, hoặc pin cho Trung Quốc hoặc Đức vì chúng ta từ chối đưa ra cam kết tương tự ở đây.
Chúng ta đã trợ cấp cho các công ty dầu lửa trong một thế kỷ. Thế là quá đủ rồi. Đã đến lúc phải chấm dứt việc lấy tiền của những người đóng thuế cho một ngành công nghiệp hiếm khi mang lại nhiều lợi nhuận cao hơn, và tăng cường cho ngành công nghiệp năng lượng sạch mà chưa bao giờ nhiều hứa hẹn đến thế. Hãy thông qua việc cắt giảm thuế cho năng lượng sạch. Tạo ra những công ăn việc làm này.

THÔNG ĐIỆP LIÊN BANG 2012 CỦA TỔNG THỐNG OBAMA (1)

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

THÔNG ĐIỆP LIÊN BANG 2012 CỦA TNG THỐNG OBAMA (1)

Tài liệu tham khảo đặc biệt
Chủ nhật, ngày 5/2/2012
TTXVN (Hà Nội 4/2)
Đồi Capitol, Washington D.C, 24/1/2012

 
Thưa ngài Chủ tịch Hạ viện, thưa ngài Phó Tổng thống, thưa các nghị sĩ Quốc hội, các vị khách quý và toàn thể đồng bào Mỹ:
Tháng trước, tôi đã tới Căn cứ Không quân Andrews và chào đón một số binh lính cuối cùng của chúng ta phục vụ tại Irắc trở về. Chúng tôi đã cùng nhau cử hành một lễ chào cờ cuối cùng, đáng tự hào mà dưới ngọn cờ đó hơn một triệu đồng bào của chúng ta đã chiến đấu – và vài nghìn người đã hy sinh tính mạng của họ.
Chúng ta tụ họp tối nay biết rằng thế hệ những người anh hùng này đã làm cho nước Mỹ an toàn hơn và được tôn trọng hơn trên toàn thế giới. Lần đầu tiên trong vòng 9 năm, không còn một người Mỹ nào chiến đấu ở Irắc. Lần đầu tiên trong hai thập kỷ qua, Osama bin Laden không phải là một mối đe dọa cho đất nước này. Phần lớn những chỉ huy cấp cao của Al Qaeda đã bị đánh bại. Động lực của Taliban đã bị phá vỡ, và một số binh lính ở Ápganixtan đã bắt đầu trở về nhà.
Những thành tựu này là một minh chứng cho lòng dũng cảm, sự quên mình và tinh thần đồng đội của Các lực lượng Vũ trang Mỹ. Vào thời điểm khi quá nhiều các thể chế của chúng ta làm chúng ta thất vọng, họ đã vượt mọi trông đợi. Họ không bị hao mòn bởi tham vọng cá nhân. Họ không bị ám ảnh về những khác biệt của họ. Họ tập trung vào sứ mệnh sắp tới. Họ làm việc cùng với nhau.
Hãy tưởng tượng chúng ta có thể thực hiện những gì nếu chúng ta noi theo tấm gương của họ. Hãy suy nghĩ về nước Mỹ trong tầm tay của chúng ta: Một đất nước đi đầu thế giới trong việc giáo dục người dân của mình. Một nước Mỹ thu hút một thế hệ mới những công việc sản xuất công nghệ cao và được trả lương cao. Một tương lai mà chúng ta có thể kiểm soát năng lượng của chính chúng ta, và an ninh và sự thịnh vượng của chúng ta không ràng buộc đến như vậy vào những phần bất ổn của thế giới. Một nền kinh tế bền vững, nơi mà làm việc chăm chỉ đem lại kết quả, và trách nhiệm được khen thưởng.
Chúng ta có thể làm được điều này. Tôi biết chúng ta có thể, bởi vì trước đây chúng ta đã từng làm được như vậy. Vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai, khi một thế hệ những người anh hùng khác chiến đấu trở về, họ đã xây dựng nên nền kinh tế và tầng lớp trung lưu hùng mạnh nhất mà thế giới từng biết đến. Ông của tôi, một cựu chiến binh trong Quân đội của Patton, đã có cơ hội học đại học theo đạo luật GI Bill. Bà của tôi, người làm việc trong một dây chuyền lắp ráp máy bay ném bom, là thành viên của một lực lượng lao động sản xuất ra những sản phẩm tốt nhất trên Trái đất.