Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

NỢ CÔNG CỦA VIỆT NAM

NỢ CÔNG CỦA VIỆT NAM


Nguyễn Việt.

Đối với một quốc gia, vấn đề nợ công tác động đến các chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, tỷ giá… Nợ công là nợ sinh ra từ khu vực công. Khu vực công gồm: khu vực nhà nước (trung ương, địa phương), khu vực kinh tế công (có sự góp vốn, góp mặt của nhà nước)… Phải kể lể dài dòng ra như vậy để thấy rằng có nhiều công ty quốc doanh trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn, nhưng khi công ty bị phá sản, nhà nước không thể phủi tay về trách nhiệm nợ của các công ty ấy. Do đó ở Việt Nam, nợ công là một “đặc sản” của Việt Nam – không thể tìm thấy ở Thái Lan, Philippin… và rất nhiều nước trên thế giới. Nghĩa là vấn đề nợ công ở Việt Nam trục trặc ngay từ khâu đầu tiên, định nghĩa thế nào là nợ công. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt về tỷ lệ nợ/GDP trong năm 2009 giữa Việt Nam công bố là 41% với Ngân hàng Thế giới (WB) là 47%, mấy năm trước cũng vậy và năm nay vẫn chưa khác. 

Một thực tế bí và mật
Khủng hoảng tài chính của Hy Lạp là một ca nghiên cứu kinh điển của nhiều chuyên gia kinh tế, lý giải quá trình hình thành và các diễn biến ca khủng hoảng này tốn rất nhiều công sức. Tỷ lệ nợ công/GDP của Hy Lạp có khoảng 113% – không quá lớn so với nhiều quốc gia khác – tại sao lâm vào khủng hoảng. Kết quả nghiên cứu cho thấy: chính các hành vi dối trá trong thống kê của Hy Lạp đã làm giới đầu tư quốc tế mất niềm tin, dân chúng trong nước bất hợp tác đã đẩy Hy Lạp rơi vào vòng xoáy bất ổn kinh tế. Mức thâm hụt ngân sách năm 2008 được Hy Lạp công bố là 5%, nhưng đến nay phát hiện lên đến 14%. Bi kịch Hy Lạp là bài học nhỡn tiền của chủ trương đặt tham vọng chính trị lên trên thực lực kinh tế. Tổng cục Thống kê Việt Nam thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng công tác thống kê tài chính lại hoàn toàn do Bộ Tài chính làm. Bên cạnh những con số thuộc loại “bí” vì chưa bao giờ được tính toán ra, lại có quá nhiều con số thuộc loại “ mật” nên chẳng giải trình công khai được. Thực tế bí và mật đã dẫn đến chuyện các công chức hữu trách cũng chẳng biết nước ngoài lấy đâu ra các số liệu về kinh tế Việt Nam, “chuyện trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay” ở trường hợp này thể hiện rất chí lý.

BẠN NÊN ĂN TRỨNG NHƯ THẾ NÀO ?

BẠN NÊN ĂN TRỨNG NHƯ THẾ NÀO ?

Dược Sĩ. PHAN ĐỨC BÌNH
Bác Sĩ. VĨNH PHÚC 
 

Không có món ăn nào quen thuộc với mọi gia đình hơn quả trứng.
Thế nhưng có rất nhiều điều bạn chưa biết về quả trứng !

ª TRỨNG BỔ DƯỠNG NHƯ THẾ NÀO?
Khi ta ăn một miếng thịt luộc hay rô ti, thì đó chỉ là một phần thịt heo, bò… với vài chục dưỡng chất mà chủ yếu là các acid amin… Còn lại các chất khoáng cần cho xương cốt thì ở phần xương; các sinh tố ở gan, lòng; gelatin cần cho da thì ở da; keratin cần cho lông tóc lại ở sừng bò… mà ta không thể ăn được. Ngược lại, khi ta ăn một quả trứng thì ta hưởng được trọn vẹn hơn 60 dưỡng chất trong quả trứng, mà nếu để ấp sau 21 ngày sẽ nở ra một cá thể gà hay vịt con có đủ da, thịt, xương, lông, cánh… không dư không thiếu một chất nào. Tính bổ dưỡng toàn phần này được chứng minh bằng giá trị sinh học của trứng, nghĩa là lấy lượng nitrogen của protein tăng cân (sinh cơ) chia cho lượng nitrogen của protein trứng được ăn vào sẽ có tỉ số bằng 1, tức là ăn bao nhiêu protein của trứng vào thì sẽ biến bấy nhiêu thành protein cơ thể. Lấy tỉ số này nhân với 100 ta sẽ có giá trị sinh học của trứng là 100, trong khi của các thực phẩm khác luôn thấp hơn (xem bảng 2, cột 3)
Protein của trứng hoàn hảo như vậy nên được gọi là protein lý tưởng. Lấy số mg acid amin thiết yếu (8 acid amin đầu trong bảng 1) trong 1g protein trứng để nhân với 100 rồi chia cho số mg acid amin thiết yếu có trong 1g protein  lý tưởng (trứng) ta sẽ có thang điểm đánh giá thực phẩm về mặt hóa học (xem bảng 2, cột 2). Cột 4 bảng 2 còn cho ta biết hiệu quả sinh cơ của một số thực phẩm. Lưu ý trứng ở đây là trứng gà, vịt, cút… ăn cả lòng trắng và lòng đỏ thì mới đạt hiệu quả toàn vẹn được.

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

THỀM BIỂN ĐÔNG – CHIẾC NÔI CỦA NGƯỜI VIỆT

THỀM BIỂN ĐÔNG – CHIẾC NÔI CỦA NGƯỜI VIỆT

Hà Văn Thùy

 Cho đến nay, có lẽ ít người để ý rằng, tiến trình hình thành dân cư Việt Nam có khoảng trống lớn. Từ giữa thế kỷ XX, khảo cổ học xác nhận, 32.000 năm trước, người khôn ngoan (Homo sapiens) có mặt đầu tiên trên đất nước ta tại di chỉ Sơn Vi. Nhưng những nghiên cứu di truyền học gần đây cho thấy, người tiền sử đã từ châu Phi theo bờ biển Ấn Độ tới Việt Nam khoảng 70.000 năm trước.
Khám phá của các nhà di truyền học là đáng tin vì khảo cổ học cũng đã phát hiện bộ xương người Mongoloid tại Lưu Giang, Quảng Tây 68.000 năm tuổi, một sọ người Australoid 60.000 năm trước tại sa mạc Mungo nước Úc. Như vậy, di truyền học đã đẩy thời gian người tiền sử xuất hiện trên đất nước ta xa thêm 40.000 năm. 40.000 năm ấy là khoảng trống vô tận của khảo cổ học, chắc chắn đã vô tăm tích nếu không được ghi dấu trong bộ gen của chúng ta!
Vấn đề đặt ra là, trong thời gian thăm thẳm ấy, tổ tiên chúng ta sống ở đâu và hoạt động như thế nào?

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Khoa học Việt Nam có đang đứng trước nguy cơ “tuyệt tự”

Hè vừa qua, nghe các đồng nghiệp bảo giới nghiên cứu kinh tế vĩ mô ở VN chết hết rồi còn đâu (http://toithichdoc.blogspot.com/2011/08/ba-cau-noi-tuong-trong-he.html#more), tôi đã hơi bị sốc. Nhưng giờ đọc bài dưới đây của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu thì cảm thấy tuyệt vọng (tiếc là chính GS.VS Hiệu cũng từ bỏ con đường khoa học để chuyển sang làm chính trị ngay từ khi bắt đầu đổi mới).
Ấy thế mà TBT Nguyễn Phú Trọng vừa khẳng định như đinh đóng cột: "Ai coi nhẹ trí thức, không biết trọng dụng phát huy tài năng của họ là người ấy dại. Một đất nước không coi trọng trí thức làm sao phát triển được” (http://toithichdoc.blogspot.com/2011/08/ai-khong-nghe-tri-thuc-nguoi-o-dai.html)


Khoa học Việt Nam có đang 
đứng trước nguy cơ “tuyệt tự”

(Dân trí) - Đấy là trăn trở của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu trong cuộc trò chuyện thẳng thắn và đầy tâm huyết về những điều thật sự đáng quan tâm trong lĩnh vực hoạt động khoa học và giáo dục. Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Kính thưa GS. Nguyễn Văn Hiệu, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, cũng là dịp tựu trường của năm học mới, xin Giáo sư cho biết cảm nghĩ của mình về những ngày này?
Xem truyền hình, thấy cảnh các buổi lễ khai trường thật vui vẻ, học sinh mặc đồng phục đẹp, xếp hàng trên sân các ngôi trường khang trang, hồi tưởng lại thời thơ ấu gian khổ, chưa từng dám mơ ước có được một buổi lễ khai trường như thế, tôi cảm thấy rất thấm thía rằng suốt từ khi đất nước ta giành được độc lập cho đến nay nhân dân cả nước lúc nào cũng hết lòng chăm lo cho sự học hành của con cháu.
Tôi còn nhớ như in lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu trong bức thư Người gửi cho học sinh vào năm học đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám. Bác Hồ đã đặt nhiều kỳ vọng vào ý chí phấn đấu học tập của các em học sinh để đưa nước nhà tiến lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu.