Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

Metro CL-HĐ công nghệ Tàu tiêu chuẩn châu Âu ?

Đúng là tuyên bố bịp bợm. Công nghệ Trung Quốc nhưng tiêu chuẩn châu Âu ? Chỉ riêng việc phải dùng tới gần 1000 nhân viên phục vụ đã thấy không theo tiêu chuẩn châu Âu rồi. Mình ở châu Âu và Mỹ gần 2 chục năm, có thấy tuyến đường metro nào cong queo nhấp nhô và thô kệch như cái tuyến Cát Linh – Hà Đông này đâu. Không hiểu khi dân nghe lời ông Trường, leo lên metro rồi gặp tai nạn thì pháp luật sẽ xử lý ông này thế nào ?

‘Tuyến Cát Linh – Hà Đông công nghệ Trung Quốc nhưng tiêu chuẩn châu Âu’
01/12/2019 Thông tin trên do ông Vũ Hồng Trường cung cấp tại hội nghị an toàn giao thông năm 2019 do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức. Liên quan tới dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ông Vũ Hồng Trường – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) vừa cho biết theo đánh giá của tư vấn thẩm định của Pháp, tuyến này sử dụng công nghệ Trung Quốc nhưng có tiêu chuẩn kỹ thuật tương thích với tiêu chuẩn của châu Âu. Cũng theo ông Trường, việc quản lý vận hành tuyến Cát Linh – Hà Đông theo đúng tiêu chuẩn thế giới đảm bảo tuyến vận hành an toàn ở mức độ rất cao do các tiêu chuẩn này đã được kiểm nghiệm rất lâu dài tại các nước có hệ thống đường sắt phát triển, chứng minh tính chính xác của tiêu chuẩn.Ông Vũ Hồng Trường cho biết tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông dùng công nghệ Trung Quốc nhưng tiêu chuẩn châu Âu. (Ảnh: Sông Hương)

“Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông dự kiến đưa vào vận hành thương mại từ cuối năm 2019, sau khi Bộ GTVT nghiệm thu sẽ bàn giao cho Metro Hà Nội vận hành khai thác” – ông Trường cho hay.

Về nhân sự khai thác, lãnh đạo Metro Hà Nội cung cấp thông tin sau thời gian vận hành thử toàn hệ thống, về cơ bản nhân sự Việt Nam đã đáp ứng các công việc được giao, trực tiếp vận hành 11 chuyên ngành, các chuyên gia nước ngoài chỉ giám sát.

Tuy nhiên, lãnh đạo Metro Hà Nội cũng thừa nhận đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam vận hành nên kinh nghiệm quản lý còn hạn chế, không tránh khỏi các tình huống khó khăn trong thực tế.

“Để đảm bảo an toàn, Việt Nam đã thuê chuyên gia nước ngoài giám sát vận hành và chuyển giao công nghệ trong 1 năm đầu khai thác” – ông Trường nói.

Trước đó, để chuẩn bị trước cho việc vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Metro Hà Nội đã đào tạo gần 1.000 nhân viên và lái tàu nhưng do dự án này vận hành chậm nên trong 1 năm vừa qua có tới 28% công nhân bỏ việc.
Ông Trường cho biết, số lao động bỏ việc chủ yếu là lao động phổ thông, làm những công việc đơn giản. Khi số này bỏ đi, đơn vị lại tuyển người mới vào đào tạo, đảm bảo tham gia vận hành dự án.

“Số lao động trình độ kỹ thuật được cử đi đào tạo trở về vẫn làm việc và tiếp cận công việc vận hành dự án bình thường” - ông Trường cho biết thêm.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc. 


Hiệp định này cho phép bên tài trợ vốn chỉ định Tổng thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Với chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên cao, dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống vào tháng 9/2018 và dự kiến bắt đầu khai thác thương mại trong tháng 4/2019. Tuy nhiên, kế hoạch khai thác tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam đã bị “phá sản” do “vướng” 1% khối lượng dự án án chưa hoàn thành, Tổng thầu không thực hiện đúng cam kết về Dự án.

Châu Như Quỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét