Thứ Ba, 11 tháng 12, 2018

Hàng loạt doanh nghiệp yểu mệnh và những nghịch lý

Nguyên nhân sâu xa là cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nửa dơi nửa chuột. Phần lớn các DNNN hoặc những đứa con lai, doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn giữ một khối lượng lớn cổ phần, đều làm ăn thua lỗ, khai thác tài nguyên hay độc quyền cũng đều thua lỗ. Chúng đang sống dựa vào ưu đãi đất đai, thuế và tín dụng nhà nước. Không bỏ được thành phần kinh tế nhà nước hay ít nhất là DNNN thì khu vực kinh tế tư nhân không thể phát triển được.
Nhiều doanh nghiệp Việt yểu mệnh và nghịch lý khác
(Thị trường) - việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trả nền kinh tế về cho thị trường mới chỉ đạt được kết quả tương đối khiêm tốn. Trong khi đó, sự tồn tại của những đứa con lai, doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn giữ một khối lượng lớn cổ phần, dường như không khắc phục nhiều nhược điểm của hình thức tồn tại cũ mà còn tạo nên nhiều sự biến ảo khó lường. Ưu đãi hết mình cho doanh nghiệp FDI mà không nhận được nhiều, không được chuyển giao công nghệ, không hỗ trợ được doanh nghiệp nhỏ và vừa… đã tạo thêm một gọng kìm siết vào nhóm doanh nghiệp tư nhân bình thường. Họ không có năng lực tự tồn tại và cũng không nhận được sự tiếp sức nào.
Trong một nền kinh tế thị trường hoàn thiện, doanh nghiệp sẽ thực sự ‘mạnh sinh yếu diệt’ và khi đó chuyện doanh nghiệp phá sản là việc bình thường. Những con số thống kê lạnh lùng có thể chỉ nói lên một nửa sự thật, thậm chí còn ít hơn thế nữa. Vì vậy, sau thông tin về số lượng 50.050 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 62,3% so với cùng kỳ năm 2017 và 11.536 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng đầu năm 2018, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2017, lời giải thích của vị lãnh đạo Tổng cục Thống kê được đón nhận không khác gì một cơn mưa vàng.

Quả thật, so sánh với New Zealand (tỷ lệ phá sản trên 80%) hay Anh quốc (tỷ lệ phá sản trên 60%), tình hình ở Việt Nam đương nhiên không quá nghiêm trọng. Đặc biệt, khi New Zealand là quán quân trong xếp hạng Doing Business của World Bank hai năm gần đây, chuyện phá sản dễ được hiểu như là một biểu hiện của nền kinh tế thị trường cạnh tranh tự do, có sinh có diệt. Chẳng cần quá lạc quan, người ta vẫn có thể thở phào.

Tiếc là vẫn còn đó chữ... NHƯNG. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 11 tháng năm 2018 là 83.108 doanh nghiệp, tăng 49,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 25.977 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,8% và 57.131 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 64%.

Ở chiều ngược lại, cả nước có 11.637 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 118,4 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5% về số doanh nghiệp và giảm 22% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Cùng với thông tin về số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng thấp hơn so với tháng trước, chúng ta buộc phải nhìn thẳng vào sự thật, đang có một sự bất thường trong hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam. Vậy thì, so sánh tỷ lệ phá sản của doanh nghiệp Việt với tỷ lệ tương ứng của nhiều nước phát triển có thể còn ít hơn nửa sự thật.

Đến lúc này, phải trở lại với những nhận xét thẳng thắn và cầu thị của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch Đầu tư. Theo đó, hai trong số nguyên nhân chính của tình trạng này là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế về năng lực nội tại như: thiếu tầm nhìn chiến lược; năng lực quản trị kém, thiếu tư duy về thị trường; trình độ ứng dụng khoa học công nghệ thấp; thiếu tính đổi mới sáng tạo trong sản phẩm; chất lượng hàng hóa, quy mô sản xuất và năng suất lao động còn thấp so với các doanh nghiệp nước ngoài và sức ép cạnh tranh từ các hiệp định thương mại tự do.

Đương nhiên, môi trường kinh doanh vẫn chưa được cải thiện như kỳ vọng, trong đó khó khăn được ghi nhận nhiều nhất là bất bình đẳng về nguồn lực đất đai và tín dụng. Những thực tại khách quan gây khó cho cả những chú lính chì đã bám rễ chắc chắn ở thị trường, vì vậy, không khó hiểu, nhóm doanh nghiệp mới thành lập hoặc có tiềm lực yếu kém hơn sẽ bị loại. Đã thế, lời hô hào động viên cho phong trào khởi nghiệp lại vang lên sang sảng khắp các đường làng, ngõ phố. Không ít doanh nghiệp ra đời để rồi nhanh chóng chết đi.

Quả thật, những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối diện cũng chính là những gót chân Achilles của những nền kinh tế không có bề dày lịch sử, lại bắt đầu từ xuất phát điểm lạc hậu, yếu kém. Đối với những nền kinh tế này, tồn tại trong một thị trường phẳng dẹt có thể mang lại cơ hội tiếp xúc và học hỏi kinh nghiệm từ các nước có trình độ phát triển cao, nhưng đồng thời với đó là sức ép không khoan nhượng từ những nhà tư bản lọc lõi với ưu tiên hàng đầu là lợi nhuận. Không ít trường hợp, lợi bất cập hại. Và con đường duy nhất để không thua là phải nỗ lực gấp hai, gấp ba, tận dụng mọi cơ hội kinh doanh, đặc biệt từ chính thị trường nội địa. Tiếc là, Việt Nam chưa làm tốt tất cả những điểm cốt lõi nêu trên.

Thứ nhất, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trả nền kinh tế về cho thị trường mới chỉ đạt được kết quả tương đối khiêm tốn. Trong khi đó, sự tồn tại của những đứa con lai, doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn giữ một khối lượng lớn cổ phần, dường như không khắc phục nhiều nhược điểm của hình thức tồn tại cũ mà còn tạo nên nhiều sự biến ảo khó lường. Ưu đãi hết mình cho doanh nghiệp FDI mà không nhận được nhiều, không được chuyển giao công nghệ, không hỗ trợ được doanh nghiệp nhỏ và vừa… đã tạo thêm một gọng kìm siết vào nhóm doanh nghiệp tư nhân bình thường. Họ không có năng lực tự tồn tại và cũng không nhận được sự tiếp sức nào.

Thứ hai, chúng ta đã thật sự nỗ lực? Đã có nhiều nhận xét về việc người Việt chọn dễ, bỏ khó, từ việc trồng cấy, chăn nuôi phụ thuộc vào thuốc tăng trưởng bất chấp nguy hại, nhập thép phế liệu để sản xuất phôi thép hay nhắm mắt trở thành bãi phế liệu của thế giới theo đúng nghĩa đen khi Trung Quốc từ chối loại mặt hàng gây ô nhiễm này.

Tréo ngoe là thị trường nội địa bị bỏ quên theo cả hai nghĩa, một mặt không tạo được các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng, một mặt của ngon đem đi bán nước ngoài còn người nhà thành ‘thượng đế’ của doanh nghiệp ngoại. Nếu tiếp tục như vậy, thể trạng yếu ớt của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là một điều ‘tất dĩ ngẫu”.

Sẽ lâm vào một vòng luẩn quẩn khi cố gắng cân lượng, phía quản lý nhà nước hay doanh nghiệp, ai có lỗi nhiều hơn? Quan trọng hơn, chúng ta phải hành động.

Vẫn biết rằng, các nhà quản lý đã có những nỗ lực đáng ghi nhận. Bằng chứng là việc Việt Nam được chọn là điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn cả Trung Quốc, điều chắn chắn không chỉ bởi chúng ta chấp nhận ưu đãi và đánh đổi quá nhiều. Dẫu vậy, cộng đồng kinh doanh chờ đợi rằng, sẽ có những thống kê rõ ràng, chi tiết, phân nhóm doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động và nguyên nhân của tình trạng này, bởi như người xưa vẫn nói, có bắt trúng bệnh thì mới kê đúng thuốc. Ngoài ra, phải kiên trì thực hiện mục tiêu có được một nền kinh tế thị trường hoàn thiện. Lúc đó, các ưu tiên về nguồn lực dành cho khối doanh nghiệp tư nhân sẽ không vô tình hay cố ý thành ‘đặc quyền’ của nhóm doanh nghiệp thân hữu và từ đó, nhiều doanh nghiệp sẽ được tiếp thêm động lực để tồn tại, phát triển. Về phía doanh nghiệp, chẳng có cách nào khác ngoài việc họ phải tự đặt mình ngang hàng, chơi đúng luật chơi của các nền kinh tế phát triển. Khi đó, có thể tin, không phải lúc nào người khổng lồ cũng là người chiến thắng.

Khánh Nguyên
http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/nhieu-doanh-nghiep-viet-yeu-menh-va-nghich-ly-khac-3370768/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét