Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

THẾ GIỚI MẠNG VÀ TÔI

THẾ GIỚI MẠNG VÀ TÔI
Tạp bút của Nguyễn Thị Hậu
Nhiều năm trước, khi tôi dè dặt bước vào thế giới mạng lạ lùng và đầy hấp dẫn, một lần lang thang trên mạng, tình cờ gặp blog của một cô bé nào đó trang trí hình chú mèo kitty trắng thắt nơ hồng xinh xắn. Lướt qua những gì cô bé chia sẻ tôi thấy quen quen, sao giống con gái mình đến thế! Nhưng càng đọc tôi càng “hết hồn”, có lúc phát cáu vì vừa đọc vừa phải đóan xem cô bé viết gì. Trời ơi, từ ngữ kiểu gì mà tòan là bùn wé, chán như con gián, buồn như con chuồn chuồn, hồn nhiên như bà điên, em hok hỉu … Tóm lại là nhiều chỗ “hiểu chết liền”! Tôi bèn nhận xét “dạy dỗ” vài câu.
Image result for Gia đình thời "lên mạng"
Ảnh minh họa
Vài hôm sau con gái tôi tròn mắt ngạc nhiên, sao mẹ vào được blog của con, con đã add mẹ đâu? Tôi cũng ngơ ngác mẹ không biết, tự nhiên thấy thì đọc. Mà con viết bằng ngôn ngữ ở đâu ra vậy?! Con gái cười hihi, mẹ ơi, bây giờ mọi người đều viết trên blog như thế, viết kiểu như mẹ “xưa rồi Diễm ơi” ai thèm xem? Mà sao blog của mẹ xấu thế, trông như “chuối cả buồng”. Ôi trời, tôi “chóang”!

Thế nhưng bây giờ blog đã trở thành thế giới quen thuộc của mẹ con tôi. Blog là nơi các con nói về tình yêu thương dành cho cha mẹ, về tình cảm bạn bè thân thiết, có lần con gái mượn blog để xin lỗi vì đã làm cho mẹ buồn lòng… Từ blog tôi gần con hơn, hiểu con hơn qua những entry như thế. Và con tôi cũng hiểu tôi hơn từ những gì tôi không thể nói bằng lời…

Tôi đã đến với thế giới mạng như vậy đấy.

***

Mỗi ngày lướt mạng ta có thể nhận ra muôn mặt của cuộc sống, và có khi, bất ngờ nhận ra khả năng “biến hóa” của chính mình.

Trên thế giới mạng ảo mà thật (lúc này lúc khác) bạn sẽ thể hiện sự kiêu ngạo/ yếu đuối/ hài hước/ lãng mạn/ nghiêm trang/ nhạt nhẽo/ thú vị/ độc đóan… Có thể bạn sẽ như một con người khác: nhà khoa học/ nhà thơ, nhà văn/ nhà phê bình/ thỏai mái bình luận về văn hóa nghệ thuật/ nhân vật/ sự kiện… Ở đó bạn có thể trở về thế hệ tuổi Teen khi bày tỏ cảm xúc “sến như con hến” về mùa thu về mưa về nắng… có thể bạn sẽ tự tin thể hiện mình giỏi giang/ duyên dáng/ đẹp trai/ xinh gái/… Ở đó bạn bình đẳng với tất cả khi được tự do tỏ bày/ bộc lộ/ bức xúc/ tán thưởng/ phản đối/ tranh luận/ đồng tình…

Có khi sau những lúc lang thang trên mạng như thế, bạn thấy nỗi cô đơn đang nén chặt trong mình dường như lõang ra, nhạt đi, và nhẹ đi…

Ở trên mạng bạn có thể nhảy từ “nhà” này sang “nhà” khác, ngó nghiêng nhìn ngắm các chủ nhà và những mối quan hệ của họ. Có khi bạn làm quen với người này người khác, cũng có khi bạn “cắt đứt” không thương tiếc với một ai đó… Có khi bạn tham gia vào câu chuyện của nhà này nhà kia, có khi đi qua không để lại dấu vết gì nhưng cũng như ngòai đời, những gì nhận được từ thế giới mạng có thể sẽ để lại trong bạn một ấn tượng khó phai.

Có khi sau những lúc lang thang như thế, dường như bạn càng thấy “cô đơn trên mạng” nhiều hơn…

Ở trên mạng bạn có thể nói/ viết bằng thứ ngôn ngữ do bạn lựa chọn, không quan tâm có phải/ có đúng là tiếng Việt “chính thống” hay là thứ ngôn ngữ “làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt”, chỉ cần được là chính mình trong/ tại thời điểm đó. Dù viết gì và viết thế nào, những gì bạn viết trên mạng chắc chắn là một phần con người bạn. Và cũng như trong cuộc sống, những status và comment, những note và entry của bạn cũng phải chịu sự va đập của thế giới mạng. Bạn “ném” ra cái gì thì thế giới mạng sẽ trả lại bạn cái đó. Thật đấy! Thế giới mạng rất “tinh tướng”, không phải cứ đạo mạo lên mặt dạy đời chê bai tất cả thì “mạng” sẽ vì nể, hay bỗ bã tếu táo thậm chí ‘chửi” như hát hay thì “mạng” sẽ coi thường xa lánh.

Và cũng như trong đời sống, cái gì cũng có giới hạn của nó. Để nhận ra được cái giới hạn này, ở trên mạng hay ngòai đời, đều không dễ. Quá đi một chút, từ bỗ bã tếu táo trở nên đanh đá hỗn hào, từ nhận xét khen chê sẽ thành tâng bốc hay mạt sát… Sự tương tác tức thời và “không biên giới” của thế giới Mạng là một sức mạnh đồng thời cũng có sức quyến rũ mê hoặc ghê gớm. Thế giới mạng như một tấm gương của cuộc sống, chỉ có điều cần lưu ý, nó là tấm gương phóng đại nhiều lần sự tốt đẹp hay những khiếm khuyết, xấu xa của con người, của xã hội.

Biết vậy nhưng tôi vẫn lướt mạng mỗi ngày, bởi vì mạng cho tôi một cuộc sống phong phú đa dạng, nó luôn đặt tôi trước thử thách: khi đối diện “tấm gương phóng đại” hãy tỉnh táo nhận biết chân giá trị của mình, của người, của những gì diễn ra xung quanh. Và hơn hết, từ những mối quan hệ tưởng như “ảo” ở trên mạng tôi đã tìm được những người bạn thật sự.

Gia đình thời "lên mạng"


Chị bạn kể: Bà nội lần nào đi sinh hoạt tổ hưu trí về cũng gọi mấy đứa cháu và cả con trai con dâu dặn dò: mấy đứa không được lên mạng miếc gì nghe không! Trên đó toàn phản động với chuyện bậy bạ đó, hư thân hồi nào không hay!

Chị khác than: giờ về tới nhà cũng không nhìn thấy chồng con đâu nữa, ai nấy rút vô phòng riêng “lên mạng”, giờ ăn cơm còn cắm mặt vô điện thoại, ipad, nói không ai nghe không ai trả lời trả vốn gì hết… riết rồi mình như “bà khùng” vì cứ nói một mình.

Nhóm bạn ra “nghị quyết”: gặp nhau đứa nào không nói chuyện mà chỉ lướt mạng thì phải chịu phạt trả tiền cà phê. Nhưng rồi cả đám đứa nào cũng lo chụp hình viết status rồi post facebook nên… huề, tiền ai nấy trả. Lần nào cũng vậy.

Ngày nay, nhất là ở đô thị, những câu chuyện như trên rất phổ biến.

Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội với nhiều tính năng đã cho phép, thậm chí tạo điều kiện để con người giao tiếp với nhau trên không gian “ảo” mà không cần trực tiếp gặp mặt ở không gian “thực”. Lợi ích của sự giản tiện này là giúp thông tin nhanh hơn, trực tiếp hơn, tiết kiệm thời gian và nhiều chi phí khác, con người có thể mở rộng đời sống ra nhiều lĩnh vực, phát hiện và phát triển những khả năng tiềm ẩn ở mỗi người, đồng thời con người tự do vượt qua mọi không gian, thời gian, thế hệ, quan điểm chính trị, tôn giáo, đạo đức… tự do chọn lựa đối tượng để giao tiếp, va chạm, đấu tranh, xung đột, hòa hợp, kết nối, tập hợp… trong một thế giới ngày càng “phẳng”.

Sức hấp dẫn của “không gian ảo” là ở đó.

Nhưng quỹ thời gian một ngày 24 giờ, “sáu mươi năm cuộc đời” (hay bảy tám mươi năm) thì ai cũng như ai, “không gian ảo” làm cho con người bị cách ly khỏi không gian thật, một phần hay gần như toàn bộ thời gian vật chất.

Thử xem một ngày chúng ta có bao nhiêu thời gian dành cho giao tiếp trong gia đình, cho người thân? Trên lý thuyết ít nhất có 1/3 tức là khoảng 8 tiếng (2/3 thời gian để làm việc và ngủ nghỉ). Trong 8 tiếng ấy còn hao hụt vì đi lại, cho những nhu cầu khác… vậy là chỉ còn khoảng 4 – 5 tiếng cho các thành viên gia đình có thể nhìn thấy nhau, chủ yếu trong bữa ăn tối và buổi sáng trước khi đi làm. Thế nhưng không gian công cộng nhỏ hẹp như phòng ăn, phòng khách hay phòng ngủ của gia đình cũng bị chia cắt bởi chiếc điện thoại thông minh, mỗi người, nhất là người trẻ, tự cô lập mình với nhu cầu riêng trên không gian “ảo” mà quên mất rằng, mình còn có nghĩa vụ đáp ứng nhu cầu của người thân trong không gian “thực” là gia đình: trò chuyện, chia sẻ, tìm hiểu, giúp đỡ… qua ngôn từ, bằng hành vi cử chỉ…

Sức “phá hoại” của “không gian ảo” đối với cộng đồng nhỏ là gia đình (hay cộng đồng lớn hơn là xã hội) cũng chính ở sự hấp dẫn của nó, bởi vì nó thúc đẩy quá trình “cá nhân hóa” nhanh hơn, phá vỡ tính cộng đồng truyền thống một cách triệt để, nhất là với người trẻ ở đô thị.

***

Trở lại những câu chuyện trên.

Một ngày bà nội than nhớ đứa cháu đích tôn đang đi học xa, lâu rồi nó chưa về. Bữa hôm nghe nói nó đi làm thêm ngoài giờ học, lấy tiền phụ thêm học phí đỡ cho cha mẹ, không biết còn mập như hồi ở nhà hay là ốm nhom? Thấy vậy cô cháu gái vui vẻ nói: nó mập ù nội ơi, mà cao hơn nên trông chững chạc lắm. Ủa chớ nó gởi hình về hồi nào sao không đưa cho nội coi? Dạ không, tụi con chat với nhau. Để con kêu nó nói chuyện với nội nghen. Sau bữa đó bà nội đòi “lên mạng” hoài, vì bà còn được gặp lại bao nhiêu người thân quen mà lâu nay tưởng đã bặt tin. Rồi bà nội xem báo mạng nhiều hơn vì muốn coi báo nào cũng có, coi lúc nào cũng được… Không thấy bà nội rầy la chuyện “lên mạng” nữa.

Chị bạn cũng phải tìm cách “hội nhập” vào mạng bằng cách tạo cho mình một cái nick, “làm bạn” với chồng và các con với nguyên tắc “chung sống hòa bình” trên facebook. Từ đó chị biết thêm về sinh hoạt và bạn bè của các con, hiểu hơn và chia sẻ với chồng những vấn đề xã hội mà anh quan tâm… Giao tiếp trên mạng cũng làm cho khoảng cách giữa anh chị và các con như gần lại, bữa cơm gia đình không còn cảnh ai nấy dán mắt vào điện thoại nữa mà đầm ấm hơn dù vẫn chuyện trò về học hành, công việc, xã hội…

Nhóm bạn thân vẫn thường off line, share (chia sẻ) tin tức trên facebook với nhau, nhất là những việc làm thiện nguyện. Qua mạng xã hội họ tổ chức những nhóm đi về vùng sâu vùng xa, tùy điều kiện mà góp phần giúp đỡ người dân ở đó. Việc làm này được duy trì nhiều năm, ngày càng chuyên nghiệp và có hiệu quả. Không chỉ vậy, bất cứ có ai khó khăn hay việc gì cần giúp đỡ, chỉ cần một lời kêu gọi từ facebook thì nhanh chóng được nhiều người hưởng ứng, như chuyện người dân thành phố tham gia “giải cứu” hành, tỏi, dưa hấu… cho nông dân, như chuyện đi bộ xuyên Việt để kêu gọi “sách hóa nông thôn” của một facebooker nổi tiếng.

Facebook vẫn là “thế giới riêng” của từng người. Ở đó họ duy trì những mối quan hệ sẵn có và phát triển thêm những mối quan hệ xã hội mới. Ở đó, nhờ tính năng kỹ thuật của mạng, họ có quyền lựa chọn cho mình bạn bè và những mối quan tâm. Người dùng facebook cũng như blog trước đây, dần dần sàng lọc được một phạm vi trong đó có những người, những lĩnh vực hữu ích cho mình, đồng thời cũng được “rèn luyện” bản lĩnh trong môi trường “ảo” mà sự tương tác rất thật, tức thời và trực diện. Những lợi, hại của facebook, của internet là do mỗi người sử dụng nó như thế nào.

Sự thích nghi với MẠNG với NET của mỗi gia đình cũng giống như sự thích nghi với giao thông hiện đại: từ phương tiện cá nhân (xe máy, xe hơi) đến việc làm quen và thường xuyên sử dụng phương tiện công cộng (xe bus, metro, skytrains…), từ một cái nick riêng đến một home chung trên facebook , ở đó việc bày tỏ thái độ xã hội bằng ngôn từ đến thực hiện bằng hành xử ngày càng được mọi người có ý thức.

Đó còn là triết lý sống, rằng khi ta đóng góp cho một xã hội tốt hơn, chính ta, con cái ta và những đứa trẻ cùng lứa với con cái ta sẽ được hưởng trở lại từ sự tốt hơn ấy.

Từ thế giới MẠNG và nhờ thế giới MẠNG đã góp phần làm nên điều đó.

Riêng tư... trên mạng?


Cứ thử hình dung một ngày chúng ta không có Internet. Thì sao nhỉ?

Chúng ta có còn liên hệ với ai không khi mà không email, không mạng xã hội, không báo mạng, không tài liệu ebook, không nghe nhạc xem phim trực tuyến, không game, không status không note không comment không like…?

Có lẽ như vậy cũng không luôn cả máy tính, bởi vì cần gì máy tính khi chức năng nối mạng không còn?

Chúng ta không còn cả cảm giác “cô đơn trên mạng”, bởi vì có còn gì còn ai đâu, ngoài chính mình. Những mối liên hệ “thực” ngoài đời trở nên nhạt nhoà bởi thiếu đi sự lung linh khi giao tiếp với nhau qua mạng.

Ồ, bỗng nhiên chúng ta chợt nhận ra mình có được sự riêng tư – trạng thái rất cần thiết của mỗi con người nhưng phần lớn đã đánh mất từ khi chúng ta hoà mình vào mạng.

Ta không cần “phơi” tâm trạng, “phô” hành động như một thói quen khi nhìn thấy câu hỏi “bạn đang nghĩ gì?” trên FB; buồn vui sến sủa, bực tức cáu giận, chửi đổng mỉa mai, yêu đương hay căm ghét, tâng bốc hay ném đá, đi ăn đi chơi, xem phim, cãi lộn… Thậm chí, xin lỗi cả nhà, đến chuyện “đang vui thì đứt dây đàn/nàng đang khó chịu thì chàng đến chơi” cũng nhất định phải cho “cả làng” biết;

Ta không phải tức khắc trả lời một câu còm của ai đó có vẻ hiểu sai hay khiêu khích về một status của ta; Ta không phải lạ lùng khi những điều hay ho ta viết ra đã bị ai đó chôm mất và đăng ở nơi nào đó, tự nhiên cứ như là của họ;

Ta không ngại khi bất ngờ một ai trong nhóm bạn đang ngồi cà phê với nhau bỗng dưng đưa điện thoại lên chụp hình ta trong một tư thế không đẹp lắm, ăn nhồm nhoàm hay cười ha ha hay hoa tay múa chân… làm mất “hình tượng” ta đã cố công xây dựng lâu nay trên mạng. Ta cũng không phải phiền lòng khi những hành ảnh bạn chụp ta cứ hồn nhiên được đưa lên mạng, dù là với lòng yêu quý… nhưng đấy là khoảng khắc riêng tư của “chúng mình” cơ mà?

Ta không phải lo lắng khi bất cứ ai cũng có thể biết được “vị trí bạn đang ở” nếu quên tắt chức năng định vị của điện thoại. Một anh bạn, bữa đó ngồi họp ở cơ quan ngay đầu cầu Chương Dương, nhắn tin cho vợ là về trễ, nhưng vợ anh ta thì lại thấy “đang ở nhà nghỉ gần Gia Lâm”. Chuyện tiếp theo thế nào chắc mọi người đoán được.

Ta cũng không sợ phải bất ngờ khi nhìn thấy ảnh mình trên một trang báo mạng, trên facebook của ai đó kèm với câu chuyện rất là kinh khủng khiếp, nhưng quên mất dòng chú thích tối thiểu “ảnh chỉ có tính chất minh hoạ” dù rõ ràng không được phép sử dụng hình ảnh người khác một cách tuỳ tiện như thế;

Ta không phải bực mình khi câu chuyện vui vẻ chia sẻ với bạn bè trên mạng chỉ nhẹ như “một chiếc lông gà” bỗng dưng biến thành “một chị gà mái rụng hết lông” khi nó quay ngược về facebook của ta;

Ta không cần quan tâm tới những câu hỏi hay tiếng xì xào rằng, sao cô/anh ấy chẳng hay kể gì về chồng/vợ gì nhể? Chắc là vợ chồng nhà ấy làm sao…? Ta không phải hối hận khi chuyện yêu đương của ta ngày nào cũng xuất hiện để rồi khi hết yêu cả thế giới cũng biết;

Tóm lại, nếu không có internet thế giới riêng tư của ta được bảo toàn trong một phạm vi nhất định: gia đình, người thân, và với nhiều người, chuyện riêng tư chỉ là của chính mình.

Thế nhưng ngày nay “không có internet” chỉ là giả tưởng, cũng như vài chục năm trước đây mạng xã hội cũng là “giả tưởng”. Internet – trong đó cũng có những thông tin riêng tư của chúng ta – góp phần làm cho thế giới ngày càng “phẳng”.

Thời tiền sử thế giới cũng phẳng, nhưng phẳng trong tình trạng không có thông tin, của cá nhân cũng như của những cộng đồng.

“Thế giới phẳng” có thực sự Phẳng, khi sự riêng tư của mỗi chúng ta đang có thể “lâm nguy”? Và liệu có đến lúc nào đấy, con người phải từ chối thông tin để có một “thế giới phẳng” của riêng mình?

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 9-10-18

http://www.viet-studies.net/NThiHau_TheGioiMangVaToi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét