Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Vụ ACB: bầu Kiên 'sẽ phản công'?

Vụ ACB: bầu Kiên 'sẽ phản công'?
Hai năm có thể là khoảng thời gian đủ dài để bị cáo chính trong 'đại án' ở Ngân hàng ACB, ông Nguyễn Đức Kiên, tức Bầu Kiên, phản công và những người muốn thấy ông Kiên và những ai đứng sau lưng ông bị 'suy giảm uy tín' hoặc 'trừng phạt' có thể không còn 'nắm đằng chuôi.'
Ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) trình tòa gần 2 năm sau khi bị bắt.
Bình luận từ Sài Gòn về diễn biến vụ xử sơ thẩm ông Bầu Kiên bị hoãn lại cùng ngày phiên tòa được khai mạc hôm 16/4/2014, nhà báo tự do, Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng nói với BBC: "Theo tôi thấy từ năm 2009, 2010 trở về trước, những vụ hoãn xử như thế này không có nhiều và nó cũng không liên đới nhiều lắm tới những động thái, cơ mưu, những tính toán chính trị, nhưng đặc biệt từ năm 2011, khi thành lập tân chính phủ cho đến giờ, động thái hoãn xử dường như có tính toán tới một số cái ảnh hưởng tới đối nội và thậm chí là đối ngoại."
"Chắc chắn vụ bầu Kiên liên quan khá nhiều quan chức và chắc chắn cũng có những đường dây đi đêm với một số ngân hàng và dắt dây thêm một số chính khách nào đó mà người ta không tiện nêu tên ra mà thôi" - TS Phạm Chí Dũng
Theo nhà quan sát này, ông Bầu Kiên là người có một tầm ảnh hưởng và quyền lực ngầm rất mạnh ở Việt Nam, tuy nhiên, việc ông 'chịu im lặng' trong thời gian dài là 'bất thường' và cũng có thể việc hoãn xử hôm thứ Tư là một động thái 'phản công nhẹ' của ông.

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

TS Dũng nói: "Trước kia Bầu Kiên rất tự tin, Bầu Kiên chưa bao giờ nghĩ là mình bị bắt, còn một thời gian khi bị đưa vào trại giam thì Bầu Kiên lắng tiếng hẳn và dường như có một áp lực nào đó bắt Bầu Kiên phải im lặng, đó là một sự lạ đời,

"Tôi cho rằng Bầu Kiên không thiếu gì bạn bè và các luật sư, bạn bè thân hữu và các luật sư để bảo vệ và có thể đưa ra những phản tố, nhưng mà tại sao lại im lặng cho tới giờ này và tới giờ này chỉ lấy lý do là ông Trần Xuân Giá, là quan chức Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư 'bị bệnh' và ngừng phiên tòa, tôi cho đó là một lý do khá nhẹ nhàng và nếu gọi là sự phản công của Bầu Kiên thì cũng khá nhẹ nhàng."

Theo ông Dũng, vụ án ông Bầu Kiên chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp, ông đưa ra lý do:

"Chắc chắn vụ bầu Kiên liên quan khá nhiều quan chức và chắc chắn cũng có những đường dây đi đêm với một số ngân hàng và dắt dây thêm một số chính khách nào đó mà người ta không tiện nêu tên ra mà thôi."

'Ông Trần Xuân Giá vô tội?' 
 
Ông Trần Xuân Giá
Ông Trần Xuân Giá lúc 'còn khỏe' trong một lần xuất hiện ở Viện Kiểm sát.

Hôm thứ Tư, từ Hà Nội, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng vụ án ông Bầu Kiên đã bị kéo dài bất thường, tính từ thời điểm ông bị bắt và nay đưa ra xét xử.

Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) trực thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư nói:

"Đây là một vụ án hết sức phức tạp và kéo dài một cách không bình thường, và các luật sư đã đề nghị là phải hoãn vụ án, trước khi nó bắt đầu, và ông Bầu Kiên, ông Trần Xuân Giá đều nhiều lần khẳng định một cách rất mạnh mẽ là họ vô tội,

"Và tôi không biết phiên tòa này sẽ được tiếp tục như thế nào và có hoãn lại sau khi phúc thẩm xử vụ Huyền Như và Vietinbank hay không, đấy là các tình tiết mà phải theo dõi tiếp."

Trước câu hỏi các bị cáo trong vụ án ACB có vô tội hay là không, TS Doanh cho rằng cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá không có tội.

Ông nói: "Tôi không nghiên cứu kỹ trường hợp của ông Bầu Kiên, nhưng tôi có xem xét trường hợp hồ sơ của ông Trần Xuân Giá và tôi đồng ý rằng ông Trần Xuân Giá vô tội.
"Tôi không nghiên cứu kỹ trường hợp của ông Bầu Kiên, nhưng tôi có xem xét trường hợp hồ sơ của ông Trần Xuân Giá và tôi đồng ý rằng ông Trần Xuân Giá vô tội" - TS Lê Đăng Doanh
"Vì ông ấy quyết định gửi tiền đến ngân hàng Vietinbank khi đó chưa có quyết định cấm việc gửi tiền như thế, cho nên bây giờ áp dụng một điều được công bố sau đó một năm để kết tội những người đã thực hiện những điều đó trước một năm, theo tôi là điều hết sức không bình thường."

Hôm 16/4, Hội đồng Xét xử vụ án Bầu Kiên đã đồng ý với đề nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội hoãn phiên tòa vì lý do cựu Bộ trưởng không đủ sức khỏe để hầu tòa.

Khi được so sánh quyết định này với một phiên tòa trước đây ở Đà Nẵng, Tòa án đã đưa một bị cáo, Tướng Trần Văn Thanh, nguyên Giám đốc Công an Thành phố hầu ra tòa trong tình trạng phải nằm trên cáng, với các thiết bị chăm sóc tích cực, Tiến sỹ Doanh nói:

"Trong trường hợp ông Trần Văn Thanh tôi không biết rằng đã có sự giám định của cơ quan y tế hay chưa, và đã có kết luận của cơ quan công an hay chưa, trong trường hợp của ông Trần Xuân Giá, đã có kết luận của cơ quan y tế và bên điều tra đã đến gặp cơ quan y tế, cho nên đã có kết luận và phiên tòa đã chấp nhận."

Trước câu hỏi, các phiên tòa kéo quá dài và 'xử đi, xét lại' quá nhiều có gây ra hiệu ứng gì cho xã hội hay không, ông Doanh nói:

"Theo tôi việc tôn trọng pháp luật và điều phải xử đi, xử lại thế này là một điều đáng mừng, chứ còn nếu như họ cố ý họ xử theo sự chỉ đạo như một án bỏ túi thì đấy lại còn tiêu cực hơn nữa."

'Phải đợi vụ Huyền Như' 
 
Bà Huỳnh Thị Huyền Như
Có dư luận cho rằng bà Huỳnh Thị Huyền Như đã
'gánh tội' cho Vietinbank trong một vụ án có liên quan ACB.

Hôm thứ Tư, blogger Huỳnh Ngọc Chênh nói với BBC một phiên tòa có thể có nhiều lý do để 'hoãn xử' và trong vụ Bầu Kiên, bên cạnh lý do sức khỏe của ông Trần Xuân Giá, kết quả phúc thẩm vụ 'lừa đảo' của bà Huỳnh Thị Huyền Như ở và liên quan ngân hàng Vietinbank, một 'mắt xích' liên quan tới vụ án ACB, có thể là một lý do khác.

Ông Chênh nói: "Lý do không xử và hoãn lại cũng nhiều yếu tố, và phiên tòa muốn hoãn lại cũng dễ lắm, kể cả Chủ tọa phiên Tòa nói người ta (ốm) đau thì hoãn cũng được rồi, thì như ông Kiên, ông Giá ông nói ông đau thì người ta hoãn lại thôi,

"Vụ ACB nó dính với vụ Huyền Như, vì ACB mang tiền sang gửi cho Vietinbank mà sau đó 'bị Huyền Như rút đi', cho nên có sự liên quan, nhưng có một điều tôi rất ngạc nhiên là trong vụ Huyền Như, rồi có 4.000 tỷ đồng mà nói là Huyền Như 'lừa đảo', thì số tiền đó đi đâu, không thấy người ta truy cứu, cái tiền đó dùng vào đâu là nghi vấn lớn... và vụ Huyền Như lại có liên quan tới vụ ACB."

Hôm 16/4, blogger Osin Huy Đức trên trang Facebook của mình đưa ra một thông tin đặt dấu hỏi về việc có khả năng một số lãnh đạo các tờ báo ở Việt Nam đã được ngân hàng Vietinbank 'mời' ra nước ngoài.

Nhà báo Huy Đức viết: "Trước phiên xử phúc thẩm vụ Huyền Như hàng chục tổng biên tập, phó tổng biên tập các báo được Vietinbank mời đi châu Âu. Một nguồn tin vừa xác nhận đây là chuyện có thật.
"Trước phiên xử phúc thẩm vụ Huyền Như hàng chục tổng biên tập, phó tổng biên tập các báo được Vietinbank mời đi châu Âu. Một nguồn tin vừa xác nhận đây là chuyện có thật. " - Blogger Osin Huy Đức trên FB
"Các Tổng Biên tập Tuổi Trẻ, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, Thanh Niên đã từ chối chuyến đi. Một số TBT khác nghe nói đang xấu hổ vì lúc đầu họ tưởng là Ngân hàng Nhà nước mời (NHNN mời nhưng bằng tiền của Vietinbank). Quốc hội nên chất vấn Thống đốc xem có phải NHNN mời và bằng tiền của ai. Nếu Ngân hàng Nhà nước đứng sau vụ này thì các ngân hàng nạn nhân của Vietinbank không lẽ ngồi im?"

Nghi vấn này cũng đã được một Blogger trong nước là Bùi Văn Bồng nêu lên cùng hôm thứ Tư, bình luận về khả năng thực hư và động cơ, nếu có sự việc này, của Vietinbank, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói:

"Tôi cho rằng Vietinbank là một "địa chỉ đỏ" cần phải chú ý, tại vì đây là một ngân hàng được coi là thần thế, nhưng mà cũng là ngân hàng để xảy ra vụ Huỳnh Thị Huyền Như 'để thất thoát' bốn nghìn tỷ đồng, như vậy vấn đề ở Vietinbank là rất không bình thường,

"Tôi cho rằng báo chí nếu không cẩn thận, những người được Vietinbank mời và chấp nhận lời mời đi nước ngoài của Vietinbank, sau đó họ sẽ phải im lặng, một sự im lặng được trả giá và phải trả giá, và sau đó họ có thể nhúng tràm cùng với Vietinbank nếu như Vietinbank trở thành một vụ án ngân hàng trong tương lai, thậm chí là còn lớn hơn cả vụ Ngân hàng ACB nữa."
'Không còn hiệu nghiệm, linh ứng' 
 
Phiên tòa xét xử Bầu Kiên
Cán bộ Hội đồng xét xử ra về sau khi vụ Bầu Kiên được hoãn xử.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cùng ngày nói với BBC hai vụ án không chỉ có sự liên quan tới nhau mà còn hết sức phức tạp và riêng với vụ Bầu Kiên, khó có thể chắc chắn biết được ai sẽ được và mất gì phía sau vụ án này.

Ông Doanh nói:

"Hai vụ án Huyền Như và Bầu Kiên là hết sức phức tạp và các luật sư đã lên tiếng rất mạnh mẽ và họ có những ý kiến rất khác đối với kết luận của phiên tòa, và tôi nghĩ rằng việc hoãn phiên tòa của Bầu Kiên và việc xem xét phúc thẩm phiên tòa của Huyền Như cho thấy rằng diễn biến là không dễ dàng."

Trước câu hỏi, liệu trong vụ án ACB, ông Bầu Kiên, ông Trần Xuân Giá và một số bị cáo khác đang là 'nạn nhân' của một cuộc xung đột quyền lực nào đó giữa các phe cánh đang tranh giành ảnh hưởng trong Đảng và trong chính quyền ở Việt Nam hay không, Tiến sỹ Doanh nói:
"Nhưng tôi cũng được nghe rằng từ sau khi Thứ trưởng (Công an) Phạm Quý Ngọ tạ thế, thì nếu có một sự tranh chấp của một nhóm phái nào đó, đối với phe lợi ích, thì sự tranh chấp đó không còn hiệu nghiệm, linh ứng như trước đây nữa, mà mọi sự đã gần như kết thúc sau cái chết của ông Phạm Quý Ngọ" - TS. Phạm Chí Dũng
"Trong dư luận đang có những ý kiến khác nhau về những vụ án như thế này, điều đấy thì có lẽ sẽ phải chờ thời gian, và lịch sử sẽ có trả lời cuối cùng."

Còn Tiến sỹ Phạm Chí Dũng thì nói:

"Tôi được biết rằng vấn đề của Bầu Kiên là rất nhạy cảm và liên quan mật thiết tới lãnh vực chính trị và có thể không loại trừ là có thể xảy ra một sự tranh giành về mặt chính trị nào đó giữa các nhóm, giữa các phe pháí với nhau,

"Nhưng tôi cũng được nghe rằng từ sau khi Thứ trưởng (Công an) Phạm Quý Ngọ tạ thế, thì nếu có một sự tranh chấp của một nhóm phái nào đó, đối với phe lợi ích, thì sự tranh chấp đó không còn hiệu nghiệm, linh ứng như trước đây nữa, mà mọi sự đã gần như kết thúc sau cái chết của ông Phạm Quý Ngọ,

"Cho nên vấn đề của Bầu Kiên theo đánh giá của dư luận hiện nay không phải là quá lớn và sẽ không ảnh hưởng nặng nề tới quyền lợi của phe lợi ích trong thời gian tới."

(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét