Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Abenomics thất bại, kinh tế Nhật lại khủng hoảng?

Abenomics thất bại, kinh tế Nhật lại khủng hoảng?
VOV.VN - Chính sách Abenomics nhằm cải cách nền kinh tế Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe đã được thực hiện hơn 1 năm. Trên thực tế, các đời Thủ tướng tiền nhiệm của ông Abe cũng đã tích cực triển khai chính sách giống như vậy nhưng đều thất bại. Tuy nhiên với Abenomics, năm 2013 là năm đánh dấu sự hồi phục ngoạn mục của nền kinh tế Nhật Bản. Lần lượt trong 4 quí của năm 2013, tăng trưởng kinh tế của Nhật là 4,1; 3,6; 1,1 và 1,0.
Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đang giảm (Ảnh: Telegraph)
Mặc dù vậy, sang đến đầu năm 2014, chính sách Abenomics đã không tiếp tục làm cho nền kinh tế Nhật Bản khởi sắc. Dư luận trong ngoài nước bắt đầu tỏ ý thất vọng đối với chính sách này, thậm chí có ý kiến cho rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ trở lại thời kỳ đen tối trước đây. 

Dân trong nước nghi ngờ hiệu quả của chính sách

Theo cuộc điều tra mới đây do báo Mainichi thực hiện, 80% trong số những người trả lời cho rằng sinh hoạt của họ không hề thay đổi. Bên cạnh đó, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Nhật Bản, ông Kuroda cho rằng cần phải tiếp tục thực hiện những chính sách cân bằng tài chính qui mô lớn để có thể tăng trưởng tỉ lệ chỉ số giá tiêu dùng.

Nhà phân tích kinh tế của tờ Bloomberg, William Pseck trong bài viết phân tích về hiện trạng cũng như những vấn đề còn tồn tại trong nền kinh tế Nhật Bản cho rằng hiện có hai vấn đề lớn còn tồn tại trong nền kinh tế Nhật Bản đó là vấn đề mang tính cơ cấu và kinh tế tư nhân kỳ vọng thấp đối với sự hồi phục của nền kinh tế.

Để có thể giải quyết được 2 vấn đề này, Nhật Bản phải mở rộng qui mô mua trái phiếu và tiến hành thực hiện chính sách kích thích tài chính linh hoạt. Bên cạnh đó, việc phát huy triệt để quyền lực của Thủ tướng Abe là cực kỳ quan trọng. Nếu có không thực hiện những vấn đề trên, hiệu quả của Abenomics khó có thể mang lại hiệu quả như mong muốn và tiếng nói của ông Kuroda cũng khó mà thuyết phục được giới doanh nghiệp cũng như dân Nhật Bản.

Thực hiện Abenomics cũng có tính mạo hiểm và sau một năm chính sách này vấp phải sự “hoài nghi” của nhân dân Nhật Bản về hiệu quả của Abenomics.

Trước tiên thử không đề cập tới Abenomics mà đề cập tới thời điểm hơn 1 năm trước khi Thủ tướng Abe đưa những biện pháp nhằm làm thay đổi “thời đại” đối với nền kinh tế đất nước.

Lúc đó, kinh tế Nhật đã trải qua giai đoạn khốn khó của lạm phát, tình hình kinh tế có dấu hiệu ấm dần lên, tất cả chính sách kích thích kinh tế và những rủi ro của nó như thế nào đều do Thống đốc Kuroda chịu trách nhiệm.

Cũng phải thừa nhận rằng trong 1 năm qua ông Kuroda đã đạt được một số thành công nhất định khi đã làm thay đổi suy nghĩ “chán nản” về nền kinh tế không mấy sáng sủa của Nhật khi tạo ra sự ổn định cho thị trường chứng khoán, giải quyết các vấn đề liên quan đến giảm phát.

Trong các nước phát triển hàng đầu của thế giới, nợ công của Nhật Bản cũng rất lớn. Để giải quyết vấn đề này, Nhật Bản cần tăng cường việc thiết lập lại kế hoạch mở rộng qui mô mua trái phiếu chính phủ. Báo cáo của Nội các Nhật Bản vừa công bố cho rằng đây là một trong những biện pháp tốt nhất để kích thích nền kinh tế.

Theo Báo cáo này, 22% người dân Nhật Bản cho rằng kinh tế Nhật Bản đang đi đúng hướng. Đây là tỷ lệ cao ủng hộ nhất kể từ năm 1998 đến nay, nhưng tỷ lệ này không thấm vào đâu khi gần 80% tỏ ý không mấy tin tưởng vào khả năng thành công của Abenomics.

Hiện kinh tế Nhật Bản không chỉ đối diện với những rủi ro do quá trình thực hiện duy trì tăng trưởng kinh tế mà còn bị áp lực từ mong muốn của dân chúng đối với nền kinh tế Nhật Bản.

Quí 4/2013, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Nhật Bản tăng khoảng 0,2% so với quí trước, nhưng giữa quí 1/2014, Nhật phải điều chỉnh giảm tỷ lệ tăng trưởng do báo cáo tháng1 và tháng 2/2014 GDP cho thấy thấy đều giảm. Điều này càng làm cho dư luận thêm phần nghi ngờ tính khả thi của của Abenomics trong việc hồi phục nền kinh tế.

Theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, tháng 1/2014 Nhật đã bị thâm hụt khoảng 1589 tỷ Yên gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2013 và trở thành con số thâm hụt lớn nhất từ trước tới thời điểm hiện tại.

IMF hạ mức dự báo tăng trưởng liên tiếp

Quĩ tiền tệ Quốc tế IMF cũng vừa hạ dự đoán tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản năm 2014 từ 1,7% xuống còn 1,4% và cho rằng Thủ tưởng Abe phải thực hiện việc cải cách nhanh chóng và thực chất như đã cam kết nhằm khôi phục nền kinh tế nước này. IMF cũng dự đoán năm 2015, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản ước đạt khoảng dưới 1,0% .

Abenomics không đạt được hiệu quản như mong muốn (Ảnh: AFP)

IMF cũng không mấy tin tưởng vào hiệu quả của chính sách Abenomics trong việc mở rộng thu chi tài chính và cân bằng tiền tệ. Mâu thuẫn hóa trong thị trường lao động và vấn đề trong Hiệp định thương mại tự do là những vấn đề lớn trong chính sách Abenomics cho đến nay vẫn được coi là “lý thuyết nhiều hơn thực tế”.

Bên cạnh đó, IMF cảnh báo rằng sau 2015, việc cải cách cơ cấu và tái xây dựng dựng nền tài chính mới mà Abenomics đưa ra khó có thể là những cú hích làm cho kinh tế Nhật Bản tăng trưởng cao và bền vững, mà chính sách này cần tập trung vào nhu cầu người dân trong nước đang tăng mạnh.

Theo truyền thông Trung Quốc, Abenomics bước sang 2014 đã không phát huy được hiệu quả của nó và rơi vào tình trạng khó khăn. Nguyên nhân là do chậm cải cách cơ cấu và thực hiện gói kích thích kinh tế.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng kích thích kinh tế chỉ có tác dụng đối với những cơ thể khỏe mạnh còn Nhật Bản thì không ở trong tình hình đó. Trên thực tế hoạt động sản xuất của Nhật Bản đang xấu dần đi, dự trữ giảm dần, hoạt động đầu tư ảm đạm, những thị trường nước ngoài truyền thống của Nhật, đặc biệt những thị trường lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc đang gây áp lực đối với Nhật.

Bên cạnh đó, dây chuyền sản xuất của Nhật tập trung nhiều ở thị trường nước ngoài cũng là nguyên nhân khiến cho những sản phẩm cao cấp, hàng hóa xuất khẩu của Nhật bị hạn chế bởi hàng hóa của Trung Quốc.

Nhìn một cách tổng thể, hơn một năm qua, Abenomics không đem lại hiệu quả như mong muốn. Thời điểm cuối năm 2013, nợ trong nước của Nhật đã vượt 1000 tỷ Yên tương đương với 240% của GDP. Quí 4/2013 Nhật bắt đầu bị thâm hụt ngân sách, thêm vào đó, từ 1/4/2014 thuế tiêu thụ tăng thêm 3% làm cho nhu cầu trong nước giảm theo.

Với những thực tế đó khó có thể nói Abenomics sẽ đi từ đầu đến cuối. Nếu như tăng trưởng kinh tế Nhật Bản bị chững lại thì các nhà đầu tư sẽ mất lòng tin đối với việc giải quyết vấn đề nợ của Thủ tướng Abe, đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ phải đương đầu với nguy cơ nợ. Điều này cũng là rủi ro lớn của quá trình phục hồi kinh tế thế giới./.

Bùi Hùng/VOV online
http://vov.vn/The-gioi/Abenomics-that-bai-kinh-te-Nhat-lai-khung-hoang/321539.vov

1 nhận xét:

  1. Ông LíQuangDiệu đã có một bài rất hay về Nước Nhật già nua và tôi cũng nghĩ vấn đề cần cho Nhật phải là nhập cư chất xám trẻ.Người Đức cũng lo lắng về sự già nua dẫn tới giảm năng suất sáng tạo và sản xuất và đã buộc phải học Mĩ ( vì chất xám cao cấp chảy sang Mĩ).Trong khi đó Hàn quốc với SAM SUNG đã ngang ngửa với SONY trong điện tử,mạnh hơn trong Smatphon và HYUNDAI cũng vươn lên về otô nên phát triển tốt.Còn đồ tầm tầm thì TrQ soán chỗ. TG ngày càng phẳng và ai như VN không dốc lực thì sẽ chẳng còn chỗ để đứng chân đâu.

    Trả lờiXóa