Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Vụ máy bay mất tích: Thêm nhiều chi tiết lộn xộn

Chưa có tông tích máy bay mất tích, chỉ có thêm chi tiết lộn xộn 
Hà Tường Cát/Người Việt (Tổng Hợp): Bằng sự phối hợp quốc tế rộng lớn nhất từ trước đến nay trong một công cuộc tìm kiếm và cấp cứu, 35 máy bay và 40 tàu các loại của 10 quốc gia, sau 4 ngày tích cực rà soát trên vùng bển phía Nam đảo Thổ Chu, đến nay vẫn chưa tìm thấy một dấu vết gì của chiếc máy bay Malaysian Airlines mất tích.
Phóng viên quốc tế ráo riết săn tin: hai chục microphones đặt trước mặt Tư Lệnh 
Cảnh Sát Malaysia trong buổi họp báo hôm Thứ Ba. (Hình: AP/Wong Maye-E)
Hôm Thứ Ba một tin tức đột ngột được các cơ quan truyền thông quốc tế loan báo khiến cho mọi chuyện trở nên rắc rối lộn xộn hơn. Truyền hình CNN cho biết một giới chức cao cấp quân đội Malaysia, yêu cầu không nêu danh tánh, nói là chiếc máy bay Boeing 777-200 đã đổi hướng đi, bay về phía Tây vượt ngang bán đảo Malaysia và cuộc tìm kiếm bây giờ đang tập trung vào vùng eo biển Malacca thuộc Ấn Độ Dương.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Thanh Niên, Thứ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải Phạm Quý Tiêu nói rằng, ông chỉ biết thông tin ấy qua truyền thông và cơ quan có trách nhiệm ở Malaysia chưa thông báo gì cho phía Việt Nam. Theo lời ông, “cho đến thời điểm này, kế hoạch tìm kiếm máy bay mất tích của lực lượng cứu hộ Việt Nam không có gì thay đổi."

Việt Nam đóng vai trò then chốt trong công cuộc này vì khu vực nghi ngờ máy bay Malaysia mất tích thuộc hải phận Việt Nam. Chính quyền Việt Nam đã cam kết sẽ dành tất cả mọi sự dễ dàng về thủ tục và hợp tác với các quốc gia tham gia công tác cứu hộ. Hai tàu Trung Quốc đã được phép đi vào vùng biển giữa Cà Mau và Thổ Chu và thêm hai tàu khác đến trong ngày Thứ Ba. Sở chỉ huy Trung Tâm Cứu Nạn Hàng Không Việt Nam cho biết sáng Thứ Ba một máy bay IL-76 của Trung Quốc đã được cấp phép bay đến vùng biển tìm kiếm và đã tới khu vực này lúc 11 giờ. Một máy bay khác của Trung Quốc kiểu TU-154 cũng chuẩn bị bay vào.

Hoa Kỳ đã thông báo cho Việt Nam hiện có một khu trục hạm Hải Quân hoạt động tại phía nam FIR -HCM City cùng với Malaysia. Một khu trục hạm thứ nhì cùng với hai tàu tiếp liệu khác sẽ đi vào khu vực được xác định là nơi máy bay Malaysia mất liên lạc trước ngày Thứ Tư.


Việt Nam đưa vào chiến dịch bốn máy bay vận tải An-26, hai trực thăng Mi-171 của Không Quân, một thủy phi cơ DHC-6 của Hải Quân, hai máy bay Casa-212 của Cảnh Sát Biển; 11 tàu các loại của Hải Quân và Cảnh Sát Biển. Số máy bay và tàu có thể được tăng thêm theo nhu cầu có thể tăng cường thêm tùy theo tình hình cũng như nhu cầu nghỉ ngơi của đoàn viên đã làm việc căng thẳng liền trong mấy ngày. Ủy Ban Quốc Gia Tìm Kiếm Cứu Nạn cho biết từ ngày Thứ Ba các tàu tham gia cuộc tìm kiếm sẽ sử dụng máy quét đa tia đề dò tìm tín hiệu dưới mặt biển

Ngoài Malaysia, các quốc gia có tàu hoặc máy bay tham gia trong công cuộc tìm kiếm gồm: Việt Nam, Philippines, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ, Malaysia. Đài Loan hôm Thứ Ba cũng phái tàu tới giúp.

Qua bốn ngày tìm kiếm, máy bay và tàu đã gặp nhiều vật lạ trôi trên mặt biển nhưng sau khi vớt lên và thử nghiệm, tất cả đều không phải là mảnh vỡ, vật dụng hay nhiên liệu của máy bay.

Tin tức về chuyến bay MH370 có thể đã đổi đường bay được nhà chức trách Malaysia nói đến từ hôm Chủ Nhật, nhưng không cung cấp một chi tiết nào. Việc mở cuộc tìm kiếm bắt đầu từ ngày Thứ Hai ở vùng biển phía Tây là sự cụ thể hóa điều này, tuy nhiên, cũng không đưa ra lời giải thích là căn cứ trên dữ kiện gì.

Báo chí Malaysia hôm Thứ Ba dẫn lời tướng Tư Lệnh Không Quân Rodzali Daud nói rằng quân đội nhận được “tín hiệu” của chiếc Boeing 777-200 sau khi mất liên lạc với các trung tâm điều hành không lưu, và máy bay chuyến hướng đi từ Đông-Bắc sang Tây và bay hàng trăm dặm ngang qua bán đảo Malaysia ra eo biển Malacca.

Ông không nói “tín hiệu “ này thuộc loại gì. Tuy nhiên, người ta hiểu rằng, khác với radar dân sự ở các đài điều hành không lưu, radar quân sự có khả năng theo dõi dù cho máy bay không phát tín hiệu định vị.

Ông cho biết tín hiệu cuối cùng nhận được lúc 2 giờ 40 phút sáng và khi đó máy bay ở gần Pulau Perak, một hải đảo nhỏ cách bờ biển phía Tây Malaysia 100 dặm.

Người ta không hiểu có phải vì dữ kiện này mà Malaysia Airlines thoạt tiên đã loan báo thời điểm máy bay mất tích là 2 giờ 40 phút hay không, trong khi FIR-HCM City không nhận được tín hiệu của MH370 một phút trước thời điểm dự trù máy bay đi vào vùng trách nhiệm của mình lúc 1 giờ 30 phút. Căn cứ vào thời điểm ấy, nghĩa là chỉ 50 phút sau khi máy bay rời khỏi Kuala Lumpur, mà người ta tin rằng máy bay mất tích trong vùng biển Tây-Nam Việt Nam trên phi trình đi Bắc Kinh như đã định.

Reuters dẫn nguồn tin từ giới điều tra nói rằng, máy bay Malaysia Airlines đã không gắn bộ liên lạc tự động gọi là ACARS như các máy bay Boeing 777-200 ER thường dùng. Thiết bị này có khả năng tự động liên lạc với mặt đất cho biết tình trạng hoạt động của máy bay để có thể sẵn sàng các chuẩn bị cần thiết cho máy bay sau khi hạ cánh, hầu rút ngắn thời gian ở lại phi trường. Chính thiết bị này có thể giúp dưới đất hiểu được chuyện gì đang xảy ra khi máy bay mất liên lạc.

Tuy nhiên, hệ thống ACARS cũng có trường hợp gặp trục trặc không hoạt động hữu hiệu. Được hỏi về chuyện này, một phát ngôn viên của hãng Boeing từ chối giải thích, nói rằng trong tình hình công cuộc cấp cứu và điều tra đang tiến hành, không thể đưa ra bình luận gì khác.

Những tin tức loan báo không đầy đủ và có những điểm mâu thuẫn của Malaysia đã từng làm gia đình các nạn nhân phẫn nộ và Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng phải lên tiếng phê phán. Trên mạng xã hội Sina.com Weibo ở Trung Quốc, tương đương với Twitter của Mỹ, có lời chất vấn về tin do giới Không Quân Malaysia tiết lộ: “Malaysia! Tại sao quý vị che giấu một tin lớn như vậy đến bây giờ mới nói ra?”

Trong vụ này, chính quyền, hãng hàng không Malaysia Airlines từng đưa ra những thông tin không chính xác và thiếu sót, đồng thời đến nay mâu thuẫn với phía quân đội. Nếu lời của tướng Daud là chính xác, tại sao chính quyền và cơ quan hàng không dân sự Malaysia chưa bao giờ chịu xác nhận là có thể máy bay đã đổi hướng bay về phía Tây và vì thế cho tìm kiếm trên eo biển Malacca?

Tình hình thêm lộn xộn khi phát ngôn viên Tengku Ahmad của Thủ Tướng Phủ, trả lời phỏng vấn qua điện thoại của báo New York Times, nói rằng ông đã kiểm chứng với các giới chức quân sự cao cấp và họ đều nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy máy bay đã bay ngang qua bán đảo, mà “chỉ có ý định quay trở về.”

Bộ phận phát tín hiệu định vị để cho các đài không lưu xác định được vị trí máy bay đã ngưng hoạt động cùng lúc với khi máy bay mất liên lạc. Đây là điều bí ẩn nhất cho đến nay chưa ai hiểu vì sao. Do trục trặc kỹ thuật? Điều mà các chuyên gia hàng không cho rằng khó có thể xảy ra ở Boeing 777. Do máy bay mất điện hay đã nổ và rớt? Do phi công hay người nào đó giành được quyền điều khiển đã tắt đi để cho máy bay “tàng hình.”

Ông Mikael Robertson, đồng sáng lập Flightradar24, hệ thống theo dõi hỗ trợ các đường bay thương mại trên thế giới, nói rằng với nhiên liệu đủ dùng cho đường bay tới Bắc Kinh, nếu quả thật máy bay đổi hướng về phía Tây thì không phải nó chỉ tới được eo biển Malacca mà có thể đến Ấn Độ! Do đó việc không quân Malaysia theo dõi được tới 2 giờ 40 phút hay giờ nào khác, là vấn đề vô cùng quan trọng.

Có hai hành khách sử dụng hộ chiếu của người khác lên chuyến bay là vấn đề được chú ý và nghi ngờ có hành động mờ ám. Nhưng qua cuộc điều tra, nhà chức trách Malaysia cho biết đã xác định được hai người đều là dân Iran, một người là thiếu niên di dân tìm đường qua với bà mẹ ở Đức và người thứ nhỉ có thể là người dẫn đi. Cả hai không có liên hệ gì với một tổ chức khủng bố nào.

Nhưng còn những hành khách khác thì sao? Rất có thể có những phần tử khủng bố lọt vào vì bây giờ dư luận rất hoài nghi Malaysia về khả năng bảo đảm an ninh, qua những việc đã và đang diễn ra.

Tuy nhiên, ông Ronald Noble, tổng thư ký Cảnh Sát Quốc Tế (Interpol), trong cuộc họp báo ở Lyon, Pháp, tuyên bố: “Với những thông tin nhận được thêm xung quanh vụ máy bay Malaysia mất tích, càng lúc chúng tôi càng thiên về kết luận rằng đây không phải là hành động liên quan đến khủng bố.”

Ông nói là các cuộc điều tra ở Malaysia không tìm thấy tổ chức khủng bố nào có dính dáng trong chuyện này.

Giám Đốc CIA John Brennan không lạc quan như vậy. Ông nói rằng cơ quan của ông chưa thể gạt bỏ khả năng có âm mưu gì đó trong những chuyện “hết sức là xáo trộn” về chiếc máy bay mất tích bí ẩn này, bởi vì cho tới nay chưa thu được bằng chứng nào để hiểu là vì sao nó mất tích.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét