Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Việt Nam và TPP cùng vượt qua thử thách

Việt Nam và TPP cùng vượt qua thử thách
Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) là hiệp định thương mại do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm tạo ra một khu vực mậu dịch tự do giữa các quốc gia ký kết. Tiến trình ký kết TPP đầy rẫy những phức tạp và tranh cãi nhưng hiệp định này đang lách qua những khó khăn để tiến gần hơn giai đoạn hoàn tất. Việt Nam tin rằng nước này sẽ có nhiều phần lợi nếu tham gia kí kết hiệp định nhưng dường như thách thức vẫn còn nhiều ở phía trước.
Mười hai quốc gia đàm phán giệp định TPP bao gồm: Hoa Kỳ, Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Brunei, Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Chile và Peru. Các quốc gia này trải rộng trên ba châu lục, chiếm khoảng 40 phần trăm GDP toàn cầu và khoảng 30 phần trăm mậu dịch thế giới .

Như một phần trong chính sách “Trục châu Á –Thái Bình Dương” của Washington, Tổng thống Obama đã thực hiện các bước nhằm cố gắng tăng cường mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng như với các nước khác ở châu Á. Đối với Hoa Kỳ, TPP được xem như là cách để tiếp tục củng cố mối quan hệ với châu Á và để đối trọng lại với sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng trong khu vực của Trung Quốc. Tất nhiên, như với hầu hết các kế hoạch lớn, con đường phía trước không phải lúc nào cũng dễ đi.

Nếu TPP được ký kết thành công, thuế quan sẽ được gỡ bỏ đối với khoảng hơn 2 nghìn tỷ USD hàng hóa và giao dịch giữa các quốc gia ký kết hiệp định.

Theo tờ New York Times, TPP sẽ yêu cầu các nước ký kết “duy trì chế độ pháp lý tương thích, tạo thuận lợi cho các giao dịch tài chính của công ty, thiết lập các luật bảo vệ bằng sáng chế và bản quyền để quản lý quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài”.

Những cơ hội tốt ở phía trước

Việt Nam tin rằng TPP sẽ cho phép nước này tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới và duy trì thị trường truyền thống vốn đã có sẵn.

Trong vài năm trước, 50 phần trăm dòng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam đến từ các nước thành viên TPP. Số tiền này dự kiến ​​sẽ tăng sau khi thỏa thuận được hoàn tất.

Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Việt Nam, “dòng chảy vốn đầu tư để hỗ trợ các ngành công nghiệp, các dịch vụ giá trị gia tăng và các lĩnh vực công nghệ sẽ thuận lợi hơn cho việc thu hút đầu tư nhờ vào các quy định đầu tư do quy định của thỏa thuận TPP. Tái đầu tư vào các lĩnh vực truyền thông, tài chính, ngân hàng, giao thông cũng sẽ thực hiện dễ dàng hơn”.

Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Thông tin Gia Định, dự đoán rằng sản phẩm may mặc của Việt Nam, giày dép và đồ gỗ nội thất có thể sẽ đi vào các thị trường xuất khẩu mới một khi TPP giảm thuế nhập khẩu xuống mức không phần trăm.

TPP dự kiến ​​sẽ giúp nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam. Ví dụ , hiệp định sẽ tăng số lượng các lợi thế thuế quan cho ngành công nghiệp đồ gỗ vì các đối tác xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam hầu hết đều tham gia ký kết TPP. Điều này sẽ làm cho các sản phẩm Việt Nam trở nên cạnh tranh như sản phẩm của Trung Quốc vì Trung Quốc không phải là thành viên trong TPP .

Hơn nữa, có dự đoán rằng TPP sẽ giúp Việt Nam tạo ra môi trường pháp lý minh bạch hơn. Để chuẩn bị cho TPP và thu hút các nhà đầu tư, cả nước đã và đang xây dựng chương trình sửa đổi luật đầu tư, đất đai, đấu thầu. Ngoài ra, TPP dự kiến ​​sẽ tăng cường vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này có thể giúp cải thiện công nghệ của Việt Nam cũng như các kỹ năng quản lý và phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng.

Sự ưu ái nằm ở đâu?


Tuy nhiên, đó không phải là con đường dễ đi đối với Việt Nam. TPP có thể gây nên một số hậu quả tiêu cực cho nước này, đặc biệt là việc cạnh tranh sẽ bắt đầu gia tăng gay gắt từ các quốc gia khác có thể dẫn đến sự thất bại của một số doanh nghiệp Việt Nam có công tác quản lý yếu kém. Hơn nữa, trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như các sản phẩm nông nghiệp thì nước naỳ sẽ không thể tận dụng lợi thế của việc cắt giảm thuế quan.

Thậm chí ngay ở Hoa Kỳ, TPP không phải lúc nào cũng được ưa chuộng. Hiện có cuộc chiến giữa khu vực được tổ chức tốt (có nghiệp đoàn) với các công ty đa quốc gia vốn hưởng lợi chủ yếu từ TPP. Những người phản đối gọi thỏa thuận này là “lén lút, phi dân chủ và giết chết việc làm”.

Dẫu vậy, khi chúng ta xem các thỏa thuận mậu dịch tự do khác từng có trong lịch sử, có thể biện luận rằng lợi ích kinh tế được xem nặng hơn so với các chi phí phát sinh từ thỏa thuận như TPP.

Đạo luật nông nghiệp của Hoa Kỳ vừa được thông qua đã tạo ra nhiều tranh cãi cả trong nước và quốc tế. Đặc biệt là luật Dán nhãn Nguồn gốc Xuất xứ (COOL) đã tăng chi phí trong việc nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm nước ngoài.

Làm phức tạp thêm vấn đề, dự luật nông nghiệp có một điều khoản dành cho chương trình thanh tra cá da trơn do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) quản lý. Việt Nam thấy rằng chương trình này là một rào cản bảo hộ thương mại. Chương trình yêu cầu cá của các đại lý cá da trơn phải được kiểm tra bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ nếu loại cá này đến từ những nơi như Việt Nam. Ngoài ra, các quốc gia xuất khẩu cá da trơn phải thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm trong quốc gia của họ trước khi gửi sản phẩm của họ đến Hoa Kỳ, do đó làm tăng chi phí và thời gian liên quan đến việc sử dụng cá bên ngoài Hoa Kỳ.

Những người ủng hộ chương trình thanh tra nói rằng việc này giúp gia tăng an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, ngay cả Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ của Hoa Kỳ cũng cho rằng chương trình này là “lãng phí và không cần thiết”. Việt Nam đang cân nhắc động thái trả đũa để có thể bảo vệ ngành công nghiệp cá tra địa phương. Nhiều nhà phân tích cho rằng nước này có thể đưa vấn đề này ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nếu như vậy thì khả năng hoàn tất ký kết TPP có thể sẽ bị trì hoãn.

Tổng nhập khẩu trung bình cá tra hiện nay khoảng 19 triệu bảng Anh mỗi tháng. Các nhà xuất khẩu chính là Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Bangladesh và Brazil.

Mặc thương mại giữa hai nước vẫn còn một số vấn đề chưa giải quyết nhưng riêng trong năm 2013 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 21,3% so với năm trước với tổng số lên đến 23,87 tỷ USD. Con số này chiếm 18% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Những mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của Việt Nam đối với Hoa Kỳ trong năm 2013 là:

– Hàng dệt và may mặc (8,61 tỉ USD, tăng 15,5%)

– Giày da (2,63 tỉ USD, tăng 17,3%)

– Đồ gỗ (1,98 tỉ USD, tăng 12,2%)

– Máy tính, đồ điện tử (1,47 tỉ USD, tăng 57,6%)

– Thủy sản (1,46 tỉ USD, tăng 25,5%)

– Máy móc, công cụ, phụ kiện (1,01 tỉ USD, tăng 7,3%)

Riêng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ sang Việt Nam trong năm 2013 tăng 8,3% so với năm 2012, lên 5,23 tỷ USD.

Hãy để mọi thứ bắt đầu

Cả Việt Nam và Nhật Bản đều kêu gọi Hoa Kỳ hoàn tất thỏa thuận khung TPP trước chuyến thăm của Tổng thống Obama sang châu Á vào tháng Tư năm nay. Cả hai nước lo ngại rằng nếu Hoa Kỳ càng cần thêm nhiều thời gian để hoàn tất thì quá trình này lại càng có thêm khả năng Hoa Kỳ sẽ đưa ra thêm các thay đổi đối với bản thỏa thuận.

Trong khi đó, theo tờ báo Japan Times thì cả hai nước đều mạnh mẽ ủng hộ Hoa Kỳ trong vai trò tại châu Á và xem Washington “có ảnh hưởng nhất định nhằm ổn định tình hình khu vực hiện có nhiều vấn đề tranh chấp lãnh thổ”.

Thùy Dương chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Edward Barbour-Lacey, Asia Briefing
Edward Barbour-Lacey hiện là Biên tập viên cấp cao của Asia Briefing
© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét