Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Sự trỗi dậy của Nga và đối sách cho Mỹ

"Lựa chọn chính sách "hợp tác bình đẳng" với Moskva dường như là phương án tối ưu nhất của Washington hiện nay để đối phó với một nước Nga đang trỗi dậy mạnh mẽ". Báo chí viết rất hay là Washington cần "hợp tác bình đẳng" với Moskva, tức là thừa nhận trong hơn hai chục năm qua Mỹ đã chèn ép Nga quá nhiều (đặc biệt là kết nạp hàng loạt nước quanh Nga vào NATO và dùng khối NATO bao vây, đe dọa Nga), đến mức Nga không thể chấp nhận và buộc phải hành động dù tiềm lực vẫn thua xa Mỹ (và không bao giờ bằng Mỹ vì dân số nước Nga quá ít). 
Sự trỗi dậy của Nga và đối sách cho Mỹ
Sự hồi sinh của cường quốc Nga kể từ khi bước sang thiên niên kỷ mới đã bị các nhà hoạch định chính sách của Mỹ lờ đi. Có lẽ đó là do những đánh giá sai lầm về mặt chiến lược khi Mỹ vẫn cho rằng mình đang tiếp tục duy trì thế siêu cường đơn cực.
Tổng thống Mỹ Obama (trái) và Tổng thống Nga 
Putin trong một cuộc gặp song phương.
Việc Nga trỗi dậy ngày hôm nay thể hiện một cách đầy đủ sự suy giảm của Mỹ - một đối thủ chính của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh và hiện đang đứng ở "bờ bên kia chiến tuyến" về vấn đề Ukraine và Crimea (Crưm). Hơn nữa, một nước Nga đang trỗi dậy cũng nên được xem xét trong bối cảnh Washington đang phải vật lộn với một “mớ hỗn độn chiến lược” của mình ở Syria cùng với việc tìm cách để đưa Iran trở lại bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân.

Nga, với những hành động quả quyết và mạnh mẽ ở Ukraine và cả trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dường như đã thể hiện rõ mục tiêu chiến lược của mình vươn lên là một cường quốc độc lập và gửi tín hiệu đến Mỹ rằng, đã đến lúc Moskva cần được đối xử như một “đối tác bình đẳng” với Washington. Thực tế này cùng với sự hồi sinh của Nga thực sự là một thành công liên tục của Moskva trong suốt thập kỷ qua.

Các nhà hoạch định cũng như cố vấn chính sách của Mỹ về Nga dường như đã có những đánh giá sai lầm về các mục tiêu chiến lược của Nga cũng như tác động từ sự trỗi dậy của Moskva đến tình hình địa chính trị trên toàn thế giới nói chung và với Mỹ nói riêng. 

Washington vốn không xem Moskva là đối thủ "ngang cơ" của mình từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, vì cho rằng nước này không có sức mạnh tiềm tàng, có những điểm yếu không thể khắc phục được và vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề kinh tế trầm trọng.

Mỹ đã xem nhẹ và có thái độ lưỡng lự đối với Nga, phát sinh chủ yếu từ nhận thức trên và cũng có niềm tin sai lầm rằng: Trong các cuộc đối đầu và đối đầu trực tiếp giữa các cường quốc trên toàn cầu, Trung Quốc - một cường quốc cũng đang trỗi dậy - có lẽ sẽ không ủng hộ Nga vì Bắc Kinh đang theo đuổi tham vọng của riêng mình nhằm trở thành một trung tâm quyền lực độc lập, độc lập với cả Moskva và Washington.

Thực tế đang tồn tại trên buộc Mỹ phải xem xét lại và thay đổi quan điểm của mình về Nga, một quốc gia vừa là một đối tác toàn cầu, vừa có ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an ninh của châu Âu và cũng là một cường quốc châu Á-Thái Bình Dương. 

Vì vậy, có một số điều mà Washington cần chú ý trong những tính toán chiến lược của mình, đó là:

Thứ nhất, về mặt nhận thức, Mỹ là một siêu cường đang suy giảm trong khi sức mạnh của Nga đang trong quỹ đạo tiến lên.

Thứ hai, Liên minh châu Âu cũng không thể có ảnh hưởng nhiều đến chiến lược của Washington trong bất kỳ cuộc đối đầu tiềm năng nào với Moskva thuộc khu vực ngoại vi phía tây của Nga bởi vì EU vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào Nga trong lĩnh vực an ninh năng lượng. Điều này hạn chế việc áp dụng các biện pháp mạnh mẽ chống lại Nga trong bất kỳ cuộc tấn công nào.

Thứ ba, mới đây, Mỹ cũng đã có những động thái nhằm hợp tác với Trung Quốc để thành lập nhóm “G-2”, nhưng liên minh này khó có thể phát triển nhanh được vì phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ Nhật Bản và Ấn Độ cùng với các cường quốc mới nổi khác. Tuy nhiên, cả Nhật Bản và Ấn Độ cũng sẽ không “thoải mái” với hệ thống quyền lực toàn cầu lưỡng cực “G-2” giữa Nga-Mỹ.

Kết quả là, Mỹ sẽ có 3 sự lựa chọn trong chính sách tiếp cận với một nước Nga đang trỗi dậy, cụ thể:

Một là, tìm cách khôi phục, duy trì và kéo dài thế đơn cường siêu cực.

Hai là, tạo ra thế đối đầu địa chiến lược và chính trị với Nga như cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài nửa thập kỷ qua cùng với chính sách “bên miệng hố chiến tranh” đầy nguy hiểm.

Ba là, hợp tác với Nga như một “đối tác bình đẳng” trong việc quản lý các hệ thống an ninh và ổn định toàn cầu.

Tuy nhiên, khi xem xét tình hình môi trường an ninh hiện nay có thể dễ dàng thấy rằng: “Giai đoạn siêu cường đơn cực Mỹ” đã qua từ lâu, trong khi tìm cách khôi phục, duy trì theo hướng này là vượt quá nguồn lực của Mỹ. Bên cạnh đó, Washington - với những khó khăn hiện nay trong việc cắt giảm ngân sách quốc phòng và sự mệt mỏi của công chúng Mỹ khi hành động can thiệp quân sự của nước này không kết quả, cùng với việc triển khai về phía trước trên phạm vi toàn cầu - có thể không đủ khả năng để khơi dậy một cuộc Chiến tranh Lạnh mới trong khi chiến lược “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương, một chiến lược lớn của Mỹ cũng đang gặp khó khăn do việc cắt giảm ngân sách.

Như vậy, lựa chọn chính sách "hợp tác bình đẳng" với Moskva dường như là phương án tối ưu nhất của Washington hiện nay để đối phó với một nước Nga đang trỗi dậy mạnh mẽ. Nó dường như cũng là sự lựa chọn chiến lược hợp tác “hai bên cùng thắng". Yếu tố quan trọng mang tính quyết định ở đây là liệu Mỹ đã sẵn sàng để có một sự lựa chọn như vậy hay chưa?

Công Thuận (S.A.A)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét