Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Sau Ukraine: Đông Á chạy đua hạt nhân chống TQ?

Tình hình Ukraine có thể khiến Đông Á chạy đua hạt nhân chống TQ?
(Soha.vn) - Các nước láng giềng của Trung Quốc ở Đông Á đang theo dõi sát sao các diễn biến hiện nay ở Ukraine do lo ngại họ có thể trở thành một Ukraine thứ hai.

Tạp chí Diplomat (Nhật Bản) vừa có bài phân tích, bình luận về những lo ngại rằng tình hình căng thẳng ở Ukraine có thể kích động sự phổ biến hạt nhân ở châu Á nhằm đối phó với Trung Quốc. Nội dung bài viết như sau:

Những sự kiện xảy ra gần đây ở Ukraine không chỉ đặt ra những câu hỏi về chính sách của Nga trong tương lai mà còn gây quan ngại ở những khu vực khác trên thế giới. Tại Đông Á, Trung Quốc từ lâu đã nuôi dưỡng mộng bành trướng, và gần đây không ngần ngại cho biết sẽ theo dõi sát sao phản ứng của phương Tây đối với tham vọng của Nga. Tương tự, các nước láng giềng của Trung Quốc ở Đông Á cũng đang đánh giá các diễn biến hiện nay ở Ukraine do lo ngại họ có thể trở thành một Ukraine thứ hai.


Viện bảo tàng các lực lượng tên lửa chiến lược của Ukraine. Nơi đây vốn là một căn cứ tên lửa hạt nhân bí mật của Liên Xô ở Ukraine nhưng sau đó, chính quyền Kiev đã biến nó thành một bảo tàng.

Một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của cuộc khủng hoảng tại Ukraine có lẽ là việc nó sẽ thúc đẩy quá trình phổ biến vũ khí hạt nhân. Khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, một phần kho vũ khí hạt nhân này nằm lại ở Ukraine và thuộc về nước cộng hòa vừa độc lập này. Nếu chính phủ Ukraine không đồng ý từ bỏ số vũ khí này, thì Ukraine hiện nay vẫn đang sở hữu kho hạt nhân đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga, và cuộc kủng hoảng hiện nay có thể đã có kết cục rất khác.

Lo ngại trước viễn cảnh vũ khí hạt nhân được phổ biến tràn lan ở Châu Âu sau khi Liên Xô tan rã, chính Mỹ đã gây sức ép để Ukraine phi hạt nhân hóa và chuyển giao số vũ khí hạt nhân của mình cho Nga. Ukraine thuận theo với mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Phương Tây. Đó là nguồn gốc ra đời của Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, trong đó Ukraine đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân và đổi lại nhận được sự cam kết từ Nga, Mỹ và Anh tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Với việc Nga can thiệp vào Crimea, Ukraine có quyền đặt câu hỏi về giá trị của thỏa thuận trên.


Tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm trung RSD-10 Pioneer của Ukraine tại Viện bảo tàng lịch sử của Không quân Ukraine ở Vinnytsia

Từ khi Nga bắt đầu hoạt động quân sự tại Crimea, một cựu ngoại trưởng Ukraine đã lên tiếng kêu gọi Kiev tái trang bị vũ khí hạt nhân, và một số nhà phân tích phương Tây đã đặt câu hỏi liệu Nga có hành động liều lĩnh như vừa qua không nếu Ukraine vẫn sở hữu vũ khí hạt nhân. Câu hỏi tương tự cũng có thể xuất hiện trong tâm trí các lãnh đạo của những nước đang có tranh chấp lãnh thổ hoặc không tin tưởng vào sự thành tâm của các nước lớn.

Vấn đề này đặc biệt nhạy cảm ở Đông Á, nơi Trung Quốc đang tỏ rõ tham vọng bành trướng với nhiều nước láng giềng. Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan chắc hẳn đã ghi nhận sự chần chừ của Mỹ trong vấn đề Ukraine và tự hỏi liệu đồng minh siêu cường nhưng đang mệt mỏi này có thể cứng rắn đến đâu nếu Trung Quốc lặp lại hành động của Nga. Đặc biệt là khi xét đến việc cho đến nay, chính sách "xoay trục" của Tổng thống Obama chủ yếu để chuyển nguồn lực ra khỏi khu vực Trung Đông hơn là củng cố mối liên hệ với những đồng minh trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Tuy vậy, phát triển vũ khí hạt nhân không phải là một bước đi khôn ngoan, cho dù nó có vẻ là một giải pháp hiệu quả cho những nước đang có tranh chấp lãnh thổ với nước mạnh hơn. Đó là do vũ khí hạt nhân chỉ có tác dụng răn đe, ngăn ngừa một cuộc chiến tranh toàn diện, nó không hẳn có ích đối với những cuộc xung đột quy mô nhỏ. Như trong tình hình Ukraine hiện nay, ngay cả khi nước này có vũ khí hạt nhân cũng khó có thể tưởng tượng họ sẽ dùng vũ khí hạt nhân trước để đáp trả sự xuất hiện của một số binh lính Nga ở Crimea. Tương tự, việc Trung Quốc áp đặt vùng nhận dạng phòng không cũng không thể là lí do chính đáng để một nước khác đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.

Những cường quốc với tham vọng bành trướng như Trung Quốc luôn có cách để tránh né các luật lệ và quy tắc quốc tế mà không chịu hậu quả. Tuy nhiên việc các nước nhỏ đe dọa dùng vũ khí hạt nhân như là cách đối phó có thể lại khiến họ bị xem là kẻ gây hấn thay vì là nạn nhân. Bên cạnh đó, nó cũng khiến cuộc xung đột có khả năng leo thang thành chiến tranh hạt nhân.


Cửa ra của một silo tên lửa đạn đạo liên lục địa RT-23UTTKh, tại Bảo tàng các lực lượng tên lửa chiến lược của Ukraine

Bên cạnh đó, Mỹ sẽ khó thực thi lời cam kết đảm bảo an ninh cho các đồng minh hơn nếu cuộc xung đột trở thành chiến tranh hạt nhân. Khi một nước đồng minh quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân trước đồng nghĩa với việc Mỹ có thể trở thành mục tiêu trong đòn đáp trả hạt nhân của Bắc Kinh, và đó là một rủi ro mà lãnh đạo Mỹ muốn tránh. Do đó, nếu những đồng minh của Mỹ trong khu vực cảm thấy lo lắng về sự cam kết an ninh thì vũ khí hạt nhân là một giải pháp phản tác dụng.

Một giải pháp hợp lý hơn, cho cả Ukraine hay các đối thủ của Trung Quốc, là tăng cường sức mạnh quân sự quy ước của mình. Nga và Trung Quốc là những cường quốc, nhưng quân đội của họ đã không tham gia chiến tranh quy mô lớn trong một thời gian dài. Viễn cảnh về một cuộc chiến khốc liệt kéo dài có tác dụng răn đe lớn hơn là một cuộc tấn công hạt nhân mà ít có khả năng xảy ra trên thực tế. Mỹ cũng dễ dàng hỗ trợ đồng minh trong một cuộc xung đột phi hạt nhân hơn. Mặc dù tình hình tại Ukraine cho thấy đây vẫn là một thế giới "cá lớn nuốt cá bé", nhưng việc phổ biến vũ khí hạt nhân chỉ càng khiến nó trở nên nguy hiểm hơn.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Andrew Gawthorpe, Giảng viên tại Học viện quốc phòng Anh.

http://soha.vn/quan-su/tinh-hinh-ukraine-co-the-khien-dong-a-chay-dua-hat-nhan-chong-tq-20140320232102644.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét