Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Sáng trăng suông: “Thi ca dục ái trong văn học”

SÁNG TRĂNG SUÔNG
Tháng Ba 2014, mưa tuyết – chắc là lần mưa tuyết cuối cùng của mùa Đông Virginia 2014 – vừa đi qua Rừng Phong. Tuyết đi qua nhưng tuyết còn ở lại trắng trời, trắng đất, trắng cây. Vợ chồng già líu ríu bên nhau trong căn phòng ấm. Già, cơm không là vấn đề. Vợ đan áo, chồng mò mẫm trên Internet.
Tìm được bài viết “ Thi Ca Dục Ái trong Văn Học” của Nhà Biên Khảo Trần Bích San.Thấy chuyện Lá Đa, Mõm Chó, Sự Đời, Hái Chè, Con Cúi..vv.., bèn có hứng muốn viết góp ý. Trước hết mời quí vị đọc:
Trần Bich SanThi ca dục ái trong văn học
Thi ca dục ái xuất hiện từ lâu trong văn chương truyền khẩu. Phong dao, tục ngữ, câu đố có những bài, những câu liên quan đến tính dục nam nữ . Loại tác văn này không bóng bảy như văn chương chữ viết mà đôi khi còn thô lỗ, trắng trợn, tục tằn nữa. Thực ra đó chỉ là phản ảnh đặc tính nôm na, mộc mạc, tượng hình và cụ thể của nền văn học dân gian:
Sáng trăng em tưởng tối trời
Ngồi buồn em để cái sự đời em ra
Sự đời như chiếc lá đa
Đen hơn mõm chó, chém cha cái sự đời.
hoặc:
Hôm qua em đi hái chè
Gặp thằng phải gió nó đè em ra
Em lạy nó cũng chẳng tha
Nó cứ ấn, cứ nhét cái đầu cha nó vào
Cái gì như cái củ nâu
Cái gì như thể cái cần câu nó gật gù...
(Phong Dao)
Văn chương chữ nghĩa bề bề
Thần l.. ám ảnh cũng mê mẩn đời
hoặc:
Không giàu thì cũng đẹp giai
Không thông kinh sử cũng dài con Q.
(Tục Ngữ)
Canh một thì trải chiếu ra
Canh hai bóp vú, canh ba sờ l..
Canh tư thì lắc xom xom
Canh năm cuộn chiếu ẵm con mà về
(Câu đố tả người kéo vó ban đêm)
Từ ngàn xưa đạo Nho bao trùm xã hội Việt Nam, quan hệ tình dục bị coi là thô tục nên văn gia tránh không đề cập tới. Nội dung thơ văn không hợp với đạo lý thánh hiền đều bị lên án khắt khe như “đàn ông chớ kể Phan Trần, đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều”. Truyện Phan Trần có đoạn tả Phan Sinh ốm tương tư, si tình đến toan tự tử. Với người xưa, nam nhi mà nhu nhược, ủy mị như thế là điều không thể chấp nhận được. Thúy Kiều vượt vòng lễ giáo đang đêm lẻn sang nhà Kim Trọng tình tự là điều luân lý Khổng Mạnh không cho phép. Truyện Kiều bị lên án là dâm ô, khiêu khích tình dục vì có đoạn tả nàng Kiều tắm và lúc Kiều thất thân với Mã Giám Sinh tuy rằng chỉ với những nét ước lệ, mờ nhạt thiếu tính cách cụ thể sinh động:
Buồng the phải buổi thong dong
Thang lan rủ bức trướng hồng tắm hoa
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên
(Kiều tắm)
Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về
Một cơn mưa gió não nề
Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương
(Mã Giám Sinh phá trinh Kiều)
Các thi gia có tư tưởng phóng khoáng như Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Khuyến cũng chỉ dám phớt qua:
Giang sơn một gánh giữa đồng
Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ không
(Nguyễn Công Trứ)
Đàn bà con gái sắn quần lên
Cái gì trăng trắng như con cúi
(Nguyễn Khuyến, Chỗ Lội Làng Ngang)
Hồ Xuân Hương, nhà thơ đầu tiên vượt trên cấm cản của xã hội, mô tả thật sống động cuộc mây mưa giữa nam nữ :
Trai co gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song
Chơi xuân có biết xuân chăng tá?
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không
(Đánh Đu)
Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa
Thiếp vội vàng vướn phứa tịnh lên
Hai xe hà chàng gác hai bên
Thiếp sợ bí thiếp liền ghểnh sĩ
Chàng lừa thiếp đương cơn bất ý
Đem chốt đầu dú dí vô cung...
(Đánh Cờ)
Bà không ngại ngùng ca ngợi vẻ đẹp thể chất con người. Những bộ phận kín phụ nữ được diễn tả rõ ràng bằng lời thơ đầy nghệ thuật:
Thân em như quả mít trên cây
Da nó sù sì, múi nó dày
Quân tử có thương thì đóng nõ
Xin đừng mân mó nhựa ra tay
(Quả Mít)
Cỏ gà lún phún leo quanh mép
Cá giếc le te lách giữa dòng
(Giếng Nước)
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên nước chửa thông
(Thiếu Nữ Ngủ Ngày)
Thi ca dục ái Hồ Xuân Hương được lồng dưới hình thức ẩn dụ. Chính phần ẩn dụ chứa đựng những điều bị cho là thô tục, lả lơi, dâm dục có hại cho thế đạo nhân tâm. Thi sĩ Tản Đà lên án như sau: “Người ta thường có câu Thi Trung Hữu Họa, nghĩa là trong thơ có tranh. Như thơ Hồ Xuân Hưong lại là Thi Trung Hữu Quỉ, nghĩa là trong thơ có quỉ (An Nam Tạp Chí số 3 ra ngày 1/10/1932). Dương Quảng Hàm viết trong Quốc Văn Trích Diễm: “ Suốt tập thơ Hồ Xuân Hương không mấy bài là không có ý lả lơi, dầu tả cảnh gì vật gì cũng vậy” (Quốc Văn Trích Diễm, chương 10).
Trong nền văn học chữ quốc ngữ, thời tiền chiến sự hiện diện của thi ca dục ái chỉ thấp thoáng trong thơ Hàn Mặc Tử :
Tiếng ca ngắt. Cành lá rung rinh
Một nường con gái trông xinh xinh
Ống quần vo xắn lên đầu gối
Da thịt, trời ơí trắng rợn mình...
(Thi tập Gái Quê, bài Nụ Cười)
Thi ca dục ái bắt đầu rõ nét hơn trong thơ Bích Khê. “Sự trần truồng dâm đãng đã nhường lại cho ý vị nên thơ của hương, của nhạc, của trăng, của tuyết” (Hàn Mặc Tử, Tựa tập thơ Tinh Huyết của Bích Khê):
Dáng tầm xuân uốn trong tranh tố nữ
Ô tiên nương! nàng lại ngự nơi này?
Nàng ở mô? xiêm áo bỏ đâu đây?
Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?
Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc
Vài chút trăng say đọng ở làn môi
Hai vú nàng, hai vú nàng, chao ôi !
Cho tôi mút một giòng sông ngọt lộng
Và ô kìa một tòa hoa nghiêm động
Tay run run hãm lại cánh tình si
Hai tay nàng đã nở ngọc lưu ly
Hai chân nở màu sen ẻo lả
Cho tôi nàng, hãy cho tôi tất cả !...
(Tranh Lõa Thể)
Sang thế kỷ 21 thi ca dục ái là sự kết hợp nghệ thuật thơ Hồ Xuân Huơng, tính cách phong dao cận nhân tình và thêm chất thực tế trần trụi chói gắt của thi ca hiện đại. Nhà thơ công khai mô tả, ca ngợi vẻ đẹp lành mạnh tràn đầy nhựa sống, quyến rũ của thân thể con người cả hai phái nam nữ. Các điều đạo đức lánh xa che mặt được nhà thơ biến thành những đối tượng hấp dẫn. Tính dục mang tính cách tất yếu, một bản chất tự nhiên như ăn ngủ, là hạnh phúc hào hứng thực tế nhân loại. Chuyện ái ân nam nữ trong thơ dục ái dồi dào sức sống, bừng bừng sinh lực, đầy ắp không khí tươi mát lành mạnh đất trời. Con người và thiên nhiên hòa nhập, tương ứng, hài hòa với nhau. Thiên nhiên chứa đựng sinh lực con người. Con người thấm đượm màu sắc rực rỡ tươi thắm thiên nhiên:
Trong gió sớm cuộc hẹn hò cảnh khác
Rạch sậy lau che kín chiếc thuyền câu
Dành riêng em hưởng nguyên vẹn tình đầu
Đang trượt té qua cuộc tình nhục cảm
Ôi thế sự, ôi cuộc đời bụi cám !
Có nghĩa gì bằng dâng hiến tình yêu ?
Trái cấm dành người dám bạo dám liều
Tòa hoan lạc thường có ngoài cổ tích.
Hai thân thể trần truồng cùng quấn quít
Nụ hôn nồng, môi ham hố cơn say
Chồi nhân sinh gay gắt đỏ, giương dài
Cứ hăm hở chui huyệt sâu khoái lạc.
Trong gió sớm ôm mông chàng thật sát
Em lắng nghe thân ngún lửa từng cơn
Chàng vẫy vùng, thọc ngoáy thật sâu hơn
Cùng bay bổng lên thiên đường cảm giác
Trong gió sớm nhựa tinh chàng thơm ngát
Tuôn vào em từng đợt quánh và trơn
Em tặng chàng những vết máu tươi son
Khi chàng sống bản năng con thú đực
(Hồ Trường An, Trong Gió Sớm)
Thơ dục ái không hoằng dương nhục cảm. Nhà thơ sử dụng nó như phương tiện chuyên chở nghệ thuật, gây thích thú thưởng ngoạn, kích thích giác quan thẩm mỹ, tạo không khí trân trọng nghệ thuật. Tình yêu trong thơ dục ái là sự thăng hoa toàn diện, triệt để, vô hạn giữa tâm hồn và thể xác, giữa cá nhân với quê hương, giữa con người với thiên nhiên:
Rồi đó một trang đời mở rộng
Anh đưa em dưới vòm lá đêm
Tham lam môi nóng ghì môi ướt
Tay cứng nhồi xoa tảng ngực mềm
Đưa đẩy em trong một chiếc giường
Xem thường hiểm họa đạp tai ương
Khi nhìn thân thể anh ngồn ngộn
Da thịt nồng nàn như bốc hương
Em nghe bật vỡ nơi sâu kín
Máu thắm tuôn ra vậy cũng đành
Không biết thiên đường hay địa ngục
Khi nằm rạo rực dưới thân anh
(Hồ Trường An, Xa Bến Thiên Đường)
Thiên-đường-huyền-thoại vốn là không gian ảo chỉ hiện hữu trong ước mơ, nơi hứa hẹn hạïnh phúc vĩnh cửu nhưng xưa mai có ai tới được ngưỡng cửa thiên đường ? Thiên-đường-dục-ái là không gian có thật. Trong suốt hành trình đời sống hầu như mọi người ai cũng hơn một lần bước vào. Con thuyền-thơ-dục-ái chở những người yêu nhau chân chính trở lại tìm kiếm không gian và thời gian mà họ đã sống đến tận cùng giây phút tuyệt vời ngút lửa của hoan lạc thân xác trên giòng sông đam mê có thực. Thi ca dục ái là tiếng lòng nức nở và hoài niệm thiết tha của những tâm hồn nghệ sĩ đích thực. Một thời đại mới trong thi ca Việt đã mở đầu và dục-ái-ca thực sự chắp cánh bay bổng rạo rực ca ngợi hạnh phúc trần tục, thiên đường có thật của con người.
TRẦN BÍCH SAN
CTHĐ Sao Y Bản Chánh.

Công Tử Hà Đông bàn loạn: Xin Nhà Biên Khảo cho tôi góp vài ý mọn. Tôi không nói quyết tôi viết đúng, chỉ là góp ý thôi.
Chuyện thú vị tôi nên góp là chuyện “ Sáng trăng.”
Sáng trăng em tưởng tối trời
Ngồi buồn em để cái sự đời em ra
Sự đời như chiếc lá đa
Đen hơn mõm chó, chém cha cái sự đời.
Lời phong dao tôi biết từ năm tôi 12 tuổi::
Sáng trăng suông em tưởng tối trời.
Em ngồi em để cái sự đời em ra..
Kính thưa: Phải là “ sáng trăng suông” em mới tưởng là tối trời. Nếu trời sáng trăng, em không thể tưởng là tối trời, đang sáng trăng em tưởng tối trời là không có lý. Nhiều người Việt tuổi đời năm nay dưới Năm Bó, Sáu Bó,  không biết, không hiểu  “ sáng trăng suông” là gì, tại sao lại gọi là “ sáng trăng suông?”
“ Sáng trăng suông” theo sự biết không bảo đảm trúng trật, tức không quyết là đúng, cũng không quyết là trật, là sai, của kẻ viết CTHĐ là : đêm có trăng nhưng trăng bị mây mù che kín cả bầu trời, nhưng vẫn có ánh trăng sáng mờ mờ. Khi sáng trăng suông, ta không nhìn thấy trăng.
Tục Ngữ Phong Dao. Tác giả Nguyễn Văn Ngọc. Tập Dưới. Trang 182:
Sáng trăng suông, em nghĩ tối trời,
Em ngồi em đề cái sự đời em ra.
Sự đời bằng cái lá đa,
Đen như mõm chó, chém cha sự đời.
Và Trang 128:
Sáng trăng suông
Sáng cả vườn đào, sáng cả vườn chanh.
Ba bốn cô đằng ấy có côn nào còn không?
Có một cô thật đích cô chưa có chồng,
Cho anh ghé chút làm chồng. Nên chăng?
Phải là “sáng trăng suông” em mới tưởng là tối trời. Chỉ trong 4 câu thấy có ba hình ảnh gợi cảm: Sự đời, Lá Đa, Mõm Chó. Chuyện théc méc là “ Sự đời, Lá Đa, Mõm C ” chúng có tội gì mà chúng bị  người đe dọa “ chém cha.” Oan thay cho Lá Đa.
Em phải mặc váy thì khi em ngồi, sáng trăng suông em tưởng tối trời, em mới để cái sự đời của em ra được. Em mặc quần thì vô phương. Phải viết rõ là em gái quê em mặc váy, em “ không để nó ra,” nó là “ cái sự đời” của em, nó vẫn ở trong đó nhưng vì em ngồi hớ hênh nên người ta nhìn vào, người ta thấy “ nó.” Viết lại: Em mặc quần thì vô phương.

Đến đây có vấn đề Váy và Quần Con Gái, Đàn Bà. Sử ghi: Ngày xưa, đàn bà Bắc kỳ mặc váy. Bắc kỳ đây là từ Ải Nam Quan vào đến tỉnh Quảng Bình. Viết cách khác: từ Sông Gianh trở ra bắc. Từ Quảng Bình vào nam, đàn bà mặc quần. Ngày xưa đây là thời Thực Dân Pháp chưa đến nước Việt Nam. Cũng Sử ghi: Năm 1882 Vua Minh Mạng hạ chiếu, tức ra lệnh:
“ Cấm đàn bà mặc váy, lại tức: Đàn bà Bắc kỳ phải mặc quần.
Tháng Sáu có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông.
Đi thì bóc lột quần chồng, sao đang.
Lệnh của Vua Minh Mạng không được nữ thần dân Bắc kỳ tuân theoVua cấm đàn bà mặc váy, đàn bà Bắc kỳ vẫn cứ mặc váy. Những năm 1947 đến 1950, kẻ viết những dòng chữ này sống trong những làng quê ba tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên, thấy tận mắt 90/100 đàn bà miền quê mặc váy. Chỉ môt số cô gái trẻ, sinh sau năm 1930, mới mặc quần.
Chuyện năm xưa tôi trẻ, 14, 15 tuổi, tuổi sắp dậy thì, làm liên lạc viên Cuc Tình Báo, khi đi ngang qua những cánh đồng chim, thấy những cô gái quê 15, 16 , 17 tuổi cào cỏ trong những thửa ruộng ven đường, nước ruộng lên đến đầu gối các cô, váy các cô sắn cao để khỏi bị ngập nước, chú liên lạc viên  có ý đi thật chậm, chờ mong có làn gió thổi qua, làm váy các cô tốc lên, cho chú được nhìn – dù chỉ thoáng qua trong hai, ba sát-na – cái Sự Đời của các cô, cái chưa bao giờ chú nhìn thấy. Nhưng không lần nào chú được nhìn. Váy các cô là váy sồi, dầy và nặng, gió có là bão cũng không thể làm cho tung lên. Các cô còn cẩn thận đục hai lỗ nhỏ ở gấu váy trước sau, dung cát lạt tre buộc dính lại. Gió có thốc vô, các cô ngồi bệt có hớ hênh, có dạng hang cũng không ai có thấy trông thấy cái Lá Đa của các cô.    
  
Théc méc: đàn bà Việt mặc váy từ miền Bắc đi xuống miền Nam, tại sao đến miền Trung lại bỏ mặc váy để mặc quần? Phải có nguyên nhân gì chứ? Ta không biết đó thôi.
TB San: Hôm qua em đi hái chè
Gặp thằng phải gió nó đè em ra
Em lạy nó cũng chẳng tha
Nó cứ ấn, cứ nhét cái đầu cha nó vào
Cái gì như cái củ nâu
Cái gì như thể cái cần câu nó gật gù...
CTHĐ: Hôm qua lên núi hái chè.
Gặp thằng phải gió nó đè em ra.
Lậy van nó cũng chẳng tha.
Nó đem nó nhét cái mả cha nó vào.
Trong Tục Ngữ Phong Dao NV Ngọc không có bài “ Hôm qua lên núi hái chè..”
Chỗ lội làng Ngang:
Cái gì trắng trắng như con cúi?:
Théc méc: Con cúi là con gì? Từ lâu tôi – CTHĐ – vẫn théc méc về chuyện “ con Cúi.” Trong mấy quyển Tự điển ở Rừng Phong tìm không thấy có “ con Cúi.”  “Trăng trắng” chỉ là “ bẹn.” Cái Lá Đa Sự Đời nó phải đen đen. Ông Cuội phải nhìn thấy cái Lá Đa  đen đen ông Cuội mới có thể mỉm miệng cười.
Quí vị đọc bài này ai biết “ con Cúi” là con gì, hình dáng nó ra sao, xin cho mọi người cùng biết.
Theo tôi: “ Đàn bà đến đó sắn váy lên.”
Đánh đu.
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Théc méc: Bốn mảnh quần hồng: Trai mặc quần hồng? Đùi trai cũng là đùi ngọc?
Tiếng “Suông” trong Thơ Tản Đà.
Đêm suông phủ Vĩnh.
Đêm suông năm bẩy cái suông suồng.
Suông rượu, suông tình, bạn cũng suông.
Một bức mành con coi ngán nỗi.
Một câu đối mảnh nghĩ dơ tuồng.
Một vầng trăng khuất đi mà đứng,
Một lá màn treo cuốn lại buông.
Ngồi hết đêm suông suông chẳng hết.
Chùa ai xa điểm mấy hồi chuông.
Theo tôi “ trăng khuyết”, không phải “ trăng khuất.”
TB San: Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về
Một cơn mưa gió não nề
Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương
CTHĐ: Một cơn mưa gió nặng nề.
CÔNG TỬ HÀ ĐÔNG 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét