Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Lý do TQ "quay lưng" với Nga trong vấn đề Ukraine

Tôi không tin những vấn đề kinh tế làm TQ "quay lưng" với Nga trong vấn đề Ukraine, còn có nhiều vấn đề quan trọng hơn, chiến lược hơn (như lãnh thổ) để TQ quan hệ tốt với Nga.
Lý do TQ "quay lưng" với Nga trong vấn đề Ukraine
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Theo báo “Thư tín địa cầu” (Canada) ngày 5/3, Nga không phải là quốc gia duy nhất có lợi ích thương mại và quân sự tại Ukraine. Trung Quốc đang theo dõi những động thái đe dọa Kiev của Moskva với sự “bứt rứt” ngày càng tăng, nhưng ít người chú ý rằng Bắc Kinh không hoàn toàn là một nhà quan sát vô tư.

Điều này đã trở nên rõ ràng vào ngày 3/3 khi Chính phủ Trung Quốc làm bẽ mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sau khi được các quan chức Kremlin yêu cầu đảm bảo rằng Trung Quốc ủng hộ sự can thiệp của Nga tại Ukraine, Bắc Kinh đã từ chối và tuyên bố ủng hộ “độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

Chắc chắn rằng ông Putin đã hy vọng sẽ được Trung Quốc ủng hộ việc tiến quân vào Krym. Nếu đúng như vậy thì ông Putin đã được cố vấn sai. Sự mâu thuẫn và đối xử lạnh nhạt của Trung Quốc với Nga không phải do sự trung lập hay sự đối đầu lịch sử giữa hai nước, mà bởi vì Trung Quốc đang có lợi ích thương mại và chính trị lớn tại Ukraine, như các thỏa thuận mua vũ khí, lương thực và những khoản vay lớn cho quốc gia Đông Âu đang sắp phá sản này.

Ukraine nằm trong nhóm 10 quốc gia xuất khẩu vũ khí thông thường lớn nhất thế giới, một di sản của ngành sản xuất vũ khí Xô viết trước đây. Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Ukraine đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu vũ khí trong năm 2012. Trung Quốc đang mong muốn tiếp cận công nghệ Nga và phát hiện ra rằng Ukraine là cửa sau hữu ích để khám phá các xưởng sản xuất vũ khí cũ thời Liên Xô. Trong khi Nga ngày càng ít nhiệt tình trong việc cung cấp vũ khí cho Trung Quốc, Ukraine rất vui lòng lấp đầy khoảng trống này. Mối quan hệ cung cấp vũ khí Trung Quốc-Ukraine được bắt đầu từ năm 1998, khi Ukraine bán tàu sân bay cũ thời Liên Xô “Varyag” cho Trung Quốc, bề ngoài là để Trung Quốc cải tạo thành một sòng bạc nổi. Tàu sân bay này đã được đưa về Đại Liên, trang bị lại, đổi tên thành Liêu Ninh và trở thành tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Trung Quốc.

Sự quan tâm của Trung Quốc tại Ukraine đi xa hơn việc mua vũ khí. Bắc Kinh quan tâm hơn tới lương thực và tiềm năng nông nghiệp lớn của Ukraine. Năm 2013, truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng một công ty Trung Quốc đã giành được một hợp đồng thuê 5% diện tích đất nông nghiệp của Ukraine để sản xuất thực phẩm, ngũ cốc và nuôi lợn để xuất khẩu sang Trung Quốc. Kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc- Ukraine đã tăng lên 10 tỷ USD, khiến hai nước trở thành những đối tác thương mại lớn của nhau. Hai nước cũng đã ký một loạt hiệp định thương mại và cho vay lớn, có liên quan đến cơ sở hạ tầng, các cảng xuất khẩu khí đốt và cảng mới tại Krym.

Năm 2012, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận đổi nợ lấy lương thực với Ukraine, theo đó Trung Quốc cung cấp khoản tín dụng trị giá 3 tỷ USD, sẽ được thanh toán bằng ngô. Tuy nhiên thỏa thuận này cũng bất thành như hầu hết những dàn xếp tài trợ khác với Ukraine. Mới đây có tin Trung Quốc đang kiện đòi Ukraine trả lại khoản vay 3 tỷ USD này do Ukraine không chịu cung cấp cho Trung Quốc số ngô trị giá hơn 150 triệu USD. Người ta tin rằng Chính phủ Ukraine đang mắc nợ Trung Quốc khá nhiều. Trong lúc tuyệt vọng tìm kiếm những giải pháp cho những hóa đơn năng lượng chưa được thanh toán của nước này, tháng 12/2013, Tổng thống Ukraine lúc đó là Yanukovych đã tới Bắc Kinh và được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa hẹn cho vay thêm 8 tỷ USD, ngoài khoản tín dụng 10 tỷ USD trước đó.

Việc Trung Quốc tích cực lôi kéo Ukraine và mong muốn cung cấp tiền cho một quốc gia sắp phá sản dường như đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên điều đó đang phản ánh quyết tâm của Trung Quốc nhằm đảm bảo các nguồn cung cấp lâu dài những mặt hàng cơ bản như dầu mỏ, ngũ cốc và kim loại. Điều đó giải thích lý do Bắc Kinh đang “lo sốt vó” khi chứng kiến một kịch bản Chiến tranh Lạnh giữa các nước NATO và Nga vì một quốc gia Đông Âu.

Trung Quốc không quan tâm đến bản chất chính phủ tại Kiev, mà họ chỉ muốn mua lương thực và chuẩn bị trả nhiều tiền cho việc đó. Trung Quốc đang có những thỏa thuận khác với Nga về việc cung cấp dầu mỏ và khí đốt. Vì thế họ không muốn thấy nước Nga láng giềng giàu năng lượng thôn tính Ukraine, một nguồn cung cấp lương thực có tiềm năng lớn. Một tình huống như vậy sẽ không có lợi cho Trung Quốc và Bắc Kinh đã quyết định làm ông Putin bẽ mặt./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét