Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Khủng hoảng Ukraine: Trừng phạt Nga, EU vừa dọa vừa run

Khủng hoảng Ukraine: Trừng phạt Nga, EU vừa dọa vừa run
Về hồ sơ Ukraine - Crimea, dưới hàng tựa “Bruxelles sẵn sàng hợp tác với Kiev”, báo Pháp L'Humanité cho rằng việc “vế chính trị” trong thỏa thuận hợp tác Ukraine - Liên minh Châu Âu sẽ được đôi bên thông qua nhân Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu mở ra trong hai ngày 20 và 21/03/2014 là “một lời cảnh cáo Bruxelles gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin”.
Lực lượng thân Nga hạ cờ Ukraine tại một căn cứ quân sự Ukraine ở Crimea
Nhưng, nếu như Putin đang thuận buồm xuôi gió thì phương Tây và Liên minh Châu Âu lại vô cùng lúng túng. “Khủng hoảng Ukraine, cuộc trắc nghiệm mang tính quyết định đối với NATO” tựa một bài báo của Le Monde.

Về phần Liên minh Châu Âu, bề ngoài tỏ ra đoàn kết và mạnh dạn tuyên bố sẽ trừng phạt nước Nga. Nhưng ở hậu trường, như bài báo của tờ Les Echos cho thấy “Châu Âu do dự”. Ngay bản thân nước Pháp không hề muốn hợp đồng cung cấp tàu chiếu Mistral cho Nga bị đình chỉ vì sợ đe dọa trực tiếp đến công ăn việc làm của 1.000 nhân viên đóng tàu (và bị phạt hơn 1 tỷ euro).

Báo Pháp Le Figaro ghi nhận: Bruxelles vừa dọa Matxcơva nhưng lại vừa run. Nga có thể dùng khí đốt để đẩy Châu Âu vào thế khó. Đức và các nước Đông Âu ý thức được điều đó hơn ai hết. Báo kinh tế Les Echos dành hẳn một trang để giải thích về mức độ lệ thuộc của Liên minh Châu Âu vào khí đốt Nga. Đức mua vào đến 30 tỷ mét khối khí đốt của Nga. Ý hơn 13 tỷ. Pháp hơn 7 tỷ mét khối. Còn Rumani thì lệ thuộc đến 100 % vào khí đốt của Nga.

Từ năm 2009 tới nay, Liên minh Châu Âu không hề giảm bớt mức độ lệ thuộc vào khí đốt của Nga. 36 % khí đốt tiêu thụ hàng năm tại 28 thành viên trong khối vẫn do Nga cung cấp. Sự lệ thuộc đó dẫn tới việc nhập siêu của Liên minhChâu Âu đối với Nga lên tới 92 tỷ euro. Đành rằng kể từ khủng hoảng về khí đốt giữa Nga với Ukraine vào mùa đông năm 2009 gây tác động dây chuyền đến các nước Tây Âu. Từ đó, Bruxelles đã tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung cấp, chẳng hạn như hướng tới khí đốt của Hoa Kỳ và tăng cường khả năng dự trữ của các nước thành viên trong Liên minh.

Tiếc là “chính sách về năng lượng của Châu Âu đã có quá nhiều thất bại”. 

Thứ nhất, một lần nữa, hồ sơ năng lượng mà nhẽ ra phải là trọng tâm của cuộc họp Thượng đỉnh lần này, sẽ bị vấn đề Ukraine làm lu mờ. Mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng lồng kính của Liên minh Châu Âu vốn đã là đề tài gây nhiều tranh cãi trong khối, lại càng không có hy vọng được các bên đả động đến trong những giờ sắp tới tại Bruxelles.

Thứ hai là khủng hoảng Ukraine - Crimea, lại càng củng cố cho lập luận của một số nước Đông Âu - đứng đầu là Ba Lan- là phải duy trì năng lượng than đá. 85 % năng lượng điện của Ba Lan sử dụng than, khiến quốc gia này trở thành nguồn phát khí CO2 và gây ô nhiễm không khí vào bậc nhất của Liên minh Châu Âu.Vào thời điểm này, Bruxelles càng khó thuyết phục Vacxava thay đổi chính sách năng lượng ! 

Cách nay đã 6 năm, Liên minh Châu Âu đề ra ba mục tiêu : Vào năm 2020, giảm 20 % CO2 thải ra so với thời điểm của năm 1990; đẩy mức sử dụng năng lượng tái tạo lên thành 20 % nhu cầu của Châu Âu và tăng thêm 20 % hiệu quả năng lượng sử dụng. Cả ba mục tiêu đó coi như đã bị thời sự ở Crimea và Ukraine nhận chìm tại Thượng đỉnh Bruxelles lần này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét