Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Không học không thi: Sau môn sử sẽ là môn gì?

Sau môn sử sẽ là môn gì?
Thiên hạ đang phát sốt với mối lo con em không chịu học sử, thi sử. Không chịu học thì nói chi đến chuyện mê. Bằng chứng là không có học sinh nào của Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh ngay tại thủ đô chịu đăng ký thi môn sử. Thầy Hiệu trưởng Văn Như Cương bảo rằng tỷ lệ là không phần trăm (0%).
Nghe thầy nói thẳng ra điều đó mà ái ngại. Mà đâu phải chỉ trường thầy Cương, nhiều trường THPT khác ở Hà Nội và trên cả nước cũng trong tình trạng ấy.

Lâu nay có những điều khó xác định được thực chất bởi nó cứ lem nhem thật giả, ví dụ vị trí, giá trị của một số môn học trong nhà trường. Nhưng giờ thì tương đối rõ. Chả là Bộ GD-ĐT vừa có động thái cải tiến thi cử, giảm gánh nặng cho học sinh. Các em chỉ còn phải thi 4 môn, bắt buộc 2 môn toán và văn, tự chọn một số môn còn lại. Thế là phát lộ tự nhiên, chẳng ai uốn nắn, ép buộc. Các môn khoa học xã hội, hay còn gọi là khối C, rơi vào bi kịch. 

Nhiều trường dở khóc dở cười. Thà như Trường Lương Thế Vinh tiệt không em nào đăng ký thi sử hoặc địa thì còn dễ xử lý, đằng này có không ít trường chỉ một hoặc vài ba em thi địa, thi sử. Thế mới khổ. Môn sinh khấm khá hơn một chút, nhưng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các thầy các cô dạy mấy môn đó chả biết nên buồn hay vui. Có lẽ là buồn. May mà môn văn là môn bắt buộc chứ nếu thẳng băng lựa chọn như mấy môn kia, chưa chắc đã hơn gì.

Vì đâu sự học nên nỗi tang thương vậy? Tại trò không hiếu học, tại thầy dạy không hay, tại sách giáo khoa dở, tại chủ trương đường lối giáo dục chưa đúng đắn, tại tính thực dụng trong xã hội ngày càng đậm đặc, tại… Giống như ngày xưa nhà thơ Tố Hữu viết Ôi kể làm sao hết được, anh/Buồn vui muôn nỗi của quê mình.

Có những sự đi xuống mang tính quy luật, nhưng cũng có nhiều sự xuống dốc thảm hại do thái độ của con người, nhất là người trong cuộc. Lại nhớ hồi nào, sử là môn học vô cùng hấp dẫn, mỗi tiết sử của những thầy giỏi chứa đầy sự cuốn hút. Sách sử mà hay như Sử ký Tư Mã Thiên hoặc Đại Việt sử ký toàn thư thì ai mà chả đọc. Cũng cái thời ấy, thi đậu được vào khoa văn, khoa sử các trường đại học Tổng hợp hoặc Sư phạm là cả kỳ công vượt vũ môn, oai lắm, hãnh diện lắm. Cầm cái bằng tốt nghiệp văn hoặc sử đi đến đâu cũng có nơi đón nhận, việc làm luôn trong tầm tay. Thời đó, văn sử địa không phải là môn học thuộc, khô khốc như bây giờ. Chúng cân bằng được với toán lý hóa bởi ngoài trí tuệ, tư duy khoa học thì con người cũng rất cần mở mang, bồi bổ tâm hồn, tình cảm, hiểu biết quá khứ hiện tại tương lai.

Học sinh thờ ơ với môn sử, và chắc không dừng lại ở chừng đó. Nếu không có sự thay đổi tích cực thực trạng học hành, thi cử, xin việc như hiện nay, chả bao lâu nữa các em sẽ quay lưng cả với địa, với văn, với sinh, với hóa… Các em sẽ chỉ học những môn tạo chiếc cần câu thực dụng vác vào đời, số môn còn lại đều không có nghĩa gì cả. Sự méo mó, thiếu hụt, dị dạng của con người những thế hệ kế tiếp, ta có thể hình dung được. Nhưng đó đâu phải lỗi của riêng các em.

Nguyễn Thông
(Thanh niên)

1 nhận xét:

  1. Thế hệ trẻ CH XHCN VN sẽ đặt môn Anh văn lên đầu, sẽ quên hết các môn sử với chữ Nôm như giun bò cùng với Mục Nam Quan do Quan Nam Mục nay đã thuộc về Tàu , sẽ quên hết môn văn với "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt nam" cũng như xưng hô cách vạn lần khó hơn " I-You-Sir",,sẽ chẳng còn đọc Truyện Kiều vì trong đầu đã lấp đầy phim Tàu ,phim Hàn ,phim Mĩ...Phải chăng đó chính là con người XHCN đã được trồng mấy chục năm ròng để rồi xây XHCN không được mà xây TBCN cũng không nên.

    Trả lờiXóa