Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Cộng: Cà phê 'đồng nát' giá sang chảnh

Nom quán cà phê này mê quá:
Cộng: Cà phê 'đồng nát' giá sang chảnh
Giá thành và chất lượng cà phê chưa hẳn đặc biệt, nhưng Cộng cà phê vẫn được nhiều người lựa chọn, vì sự độc, lạ nhờ trưng bày đồ “đồng nát”.
Từ một cửa hàng trên phố Triệu Việt Vương (Hà Nội) vào năm 2007, đến nay Cộng cà phê đã có 8 địa điểm và chuẩn bị khai trương điểm thứ 9 tại phố Nhà Thờ. Địa điểm của chuỗi cà phê này thường là các tuyến phố có nhiều quán cà phê, khối văn phòng. Cửa hàng tại phố Nguyễn Hữu Huân của Cộng có 2 mặt tiền là Hàng Mắm và Nguyễn Hữu Huân.

Một địa điểm khác của Cộng tại phố Vạn Phúc khiến cho người bước vào có cảm giác như sống trong ngôi nhà thời kỳ bao cấp. Dù chất lượng cà phê và đồ uống tại chuỗi cửa hàng này không quá đặc biệt, nhưng chính không gian và cách bài trí đồ đạc lại là yếu tố gây ấn tượng mạnh với khách.

Điểm đặc biệt thu hút của chuỗi quán cà phê Cộng là tạo cho khách sự thoải mái và thư thái. Trên tầng các quán đều có các ô cửa thoáng để mọi người có thể vừa nhâm nhi cafe vừa ngắm phố phường

Không gian quán đậm chất xưa cũ với cách bố trí một hàng bàn ghế quay ra ngoài cửa sổ để người ngồi uống cà phê ngồi ngắm phố xá Hà Nội từ trên cao. “Tôi đặc biệt thích địa điểm của Cộng tại phố Nguyễn Hữu Huân - nơi tôi có thể ngắm nhìn cảnh tấp nập của phố phường Hà Nội, từ ban công trên tầng”, Jame - một du khách đến từ Melbourne (Úc) đã uống cà phê tại 3 địa điểm của Cộng, chia sẻ trên một website du lịch.

Nếu không dùng bàn gỗ, chủ quán cũng khéo léo gợi lại tiềm thức khách hàng với ghế gỗ, ghế cắt tóc và bàn máy khâu. Những vật dụng này, theo lời nhiều người kinh doanh, vừa có vô giá lại vừa... vô giá trị. Với những người bình thường, chiếc ghế gỗ sơn xỉ, chiếc bàn máy khâu hỏng chỉ là đồ "đồng nát" bỏ đi, nhưng với những người có tính sáng tạo, các vật dụng này lại trở thành điểm nhấn. Tại Cộng cà phê, chính cách trưng bày như vậy là yếu tố ghi điểm.

Ở một góc khác, chiếc đồng hồ báo thức, đèn bão (đèn Hoa Kỳ), quạt điện cũ... được chọn làm đồ trưng bày, tạo điểm nhấn.

Quyển menu đơn giản, cùng hình ảnh những chiếc cốc, đĩa tráng men từ thời trước cũng là điểm đặc biệt của chuỗi cà phê này.

Các món đồ ăn, thức uống được viết bằng tay, dán kèm ảnh minh họa. Chính nét chữ không thẳng thớm lại khiến cho khách hàng thích thú vì gợi sự giản dị, thân thuộc.

Khách hàng của quán hầu hết là các bạn trẻ, họ đến đây ngoài tán gẫu, còn để cảm nhận cái không khí khác biệt. Giá cà phê cũng như đồ uống tại Cộng không rẻ, trung bình từ 40.000 đồng trở lên - tương đương với những quán đắt tiền. Anh Kiên, một khách hàng thường xuyên của chuỗi cửa hàng này cho biết: “Đồ uống tại đây không ngon bậc nhất, cũng chẳng rẻ, nhưng không gian và cảm giác mà những cửa hàng cà phê này tạo ra đúng là số một”. Điều này lý giải vì sao Cộng được yêu mến.

Không chỉ người trẻ đến quán cà phê này vì tò mò, thử cảm giác lạ, có những vị khách trung ruổi và đứng tuổi, đến quán để cảm nhận không gian và không khí xưa cũ.

Điểm nhấn cho chuỗi quán cà phê nói trên ở Hà Nội còn là những bức ảnh tư liệu được dán trên tường. Jame - du khách đến từ Úc nói trên tiết lộ, đây là một trong những góc yêu thích của anh khi đến uống cà phê tại Cộng. Những hình ảnh trưng bày về chiến tranh vệ quốc của Việt Nam là điểm nhấn thú vị cho khách hàng!

Chủ quán tận dụng mọi khoảng không gian tường để "khoe" chủ đề đồng nhất trùng với tên gọi ngắn nhưng có phần lạ lẫm của quán.

Sự kết hợp yếu tố truyền thống, cũ kỹ là những vật dụng bằng men, bàn gỗ sơn xỉ với nét hiện đại là bình hoa được cho là điểm nhấn tinh tế của chuỗi quán.

Khi khách hàng đã quen thuộc với hình ảnh nhân viên phục vụ mặc đồ Tây, đeo tạp dề trắng, thì chủ chuỗi Cộng lại khéo léo dùng hình ảnh nhân viên mặc đồ với màu bộ đội...

... thậm chí là áo trấn thủ - chiếc áo của bộ đội ngày xưa - để thu hút khách. Nhiều khách hàng đến đây thích thú với trang phục của nhân viên phục vụ.

Chuỗi cà phê nói trên còn hấp dẫn vì khách đến đây không chỉ được uống cà phê mà còn có thể mua những món quà nhỏ mang dáng dấp hoài niệm về làm quà.

Hoàng Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét