Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Cô giáo Tòng Thị Minh: Vui không thể tả xiết

Đọc đoạn này thấy thương quá: " không hề có sóng điện thoại, lại càng không có điện lưới để xem tivi hay nghe đài, nên cô và các đồng nghiệp cắm bản không hề hay biết thông tin về clip gây sự chú ý đến thế". Cách mạng tin học và bùng nổ thông tin đã bắt đầu từ năm 1980 mà bây giờ người dân vùng núi vẫn đói thông tin đến vậy. Không có thông tin thì làm sao phát triển kinh tế, làm sao xóa đói giảm nghèo được ? Rất hoan nghênh Bộ trưởng Đinh La Thăng đã quyết liệt và rất thần tốc xử lý vụ này. Cám ơn Bộ trưởng nói ít làm nhiều và làm rất nhiều thứ lợi cho dân nghèo. Tiền ngân sách sử dụng để xây cầu như thế này mới có ích cho phát triển kinh tế, xã hội,
Cô giáo Tòng Thị Minh: Vui không thể tả xiết
Cầu sẽ xây xong trong hai tháng
TT - “Em quá bất ngờ khi biết nhờ clip của mình mà tới đây người dân Nà Hỳ và người dân bản Sam Lang, trong đó có học sinh của em, sẽ có một cây cầu treo mới bắc qua suối Nậm Pồ. Em vui lắm, giờ không biết nói sao...”. Cô giáo mầm non Tòng Thị Minh, tác giả clip “chui vào túi nilông để... qua suối”, không giấu nổi niềm vui khi tâm sự với Tuổi Trẻ trưa 18-3. 
Một học sinh chui vào túi nilông để người lớn kéo 
qua suối - Ảnh trích từ clip của cô giáo Tòng Thị Minh
Cô giáo Minh cho biết ở điểm Trường Sam Lang (một trong những bản xa nhất của xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ) không hề có sóng điện thoại, lại càng không có điện lưới để xem tivi hay nghe đài, nên cô và các đồng nghiệp cắm bản không hề hay biết thông tin về clip gây sự chú ý đến thế.

Chỉ đến 19g ngày 17-3, khi có việc phải ra ngoài trường trung tâm, vừa về đến trường chính thì một cô giáo đã kéo cô vào phòng bật máy tính cho xem đoạn clip đang gây sự chú ý của dư luận.

“Lúc đó em rất bất ngờ, có lẽ cũng bất ngờ như chính các anh khi lần đầu được xem clip. Lúc đó em cũng chỉ biết clip của mình đã được lên báo thôi. Nhưng sáng nay, khi biết nhờ clip này mà trung ương, tỉnh đã cử hẳn một đoàn vào khảo sát và nói sẽ sớm xây dựng một cây cầu thì em vui không thể tả xiết. Bây giờ sau 4-5 tiếng biết tin mà em và đồng nghiệp vẫn lâng lâng vui sướng” - Minh thật thà chia sẻ.

"Lần đầu tiên em cũng sợ lắm, nhưng các anh chị đi trước bảo không còn cách nào khác đâu, không thể đợi lũ xuống được". Cô giáo Tòng Thị Minh

Minh cho biết cô sinh ra (năm 1991) và lớn lên ở mảnh đất Thanh Luông (huyện Điện Biên). Ngay sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm tỉnh thì tháng 10-2012 cô vào ngành và nhận công tác tại xã Nậm Chua (huyện Nậm Pồ). Một năm sau (8-2013) cô có quyết định điều chuyển về Trường Nà Hỳ.

Và để chuẩn bị cho năm học mới tại một địa bàn mới, ngay sau khi về trường, Minh cùng nhiều đồng nghiệp đã đi các bản nhiều chuyến vừa để nắm địa bàn, vừa thực hiện nhiệm vụ chiêu sinh.

Thời điểm này là mùa mưa lũ, muốn đến các bản không còn cách nào khác phải băng qua suối và trong những chuyến đi như vậy, Minh cùng các đồng nghiệp phải chui vào túi nilông để người khác khỏe hơn, biết bơi kéo qua suối.

“Lần đầu tiên em cũng sợ lắm, nhưng các anh chị đi trước bảo không còn cách nào khác đâu, không thể đợi lũ xuống được. Hồi còn dạy ở Nậm Chua, khi qua suối vào mùa lũ thì người dân làm dây cáp bắc qua suối để đu sang. Còn ở Sam Lang việc qua suối bằng cách chui vào túi em thấy lần đầu, nhưng vẫn phải... liều sang vì ở đây chẳng có dây mà đu sang, cũng chẳng có cầu. Cũng biết nguy hiểm, nhưng chẳng còn cách nào... Rồi lần đi chiêu sinh tiếp theo, trong đoàn có thêm chị Hà Thị Huệ, giáo viên mầm non Trường Nà Bủng. Chúng em cũng phải qua suối bằng cách chui vào túi nilông. Huệ thấy thế hoảng quá, cứ đứng bờ bên kia chưa dám sang. Cũng như em đi lần đầu, mọi người trong đó có em lại phải thuyết phục, hò hét cổ vũ để Huệ chui vào túi mà qua suối...” - Minh hồn nhiên kể.

Minh cho biết khi thấy Huệ đồng ý chui vào túi để qua suối, Minh đã lấy điện thoại ra quay lại toàn bộ quá trình Huệ chui vào túi, được kéo qua suối, rồi lên bờ như để lưu lại một kỷ niệm của người giáo viên cắm bản, cho Huệ và mọi người xem lại.
Có thể clip Huệ qua suối sẽ “động viên” được các đồng nghiệp khác từ sau muốn qua suối, nhìn thấy túi nilông thì không còn thắc mắc, lo ngại nữa.

Trao đổi qua điện thoại với Minh, chúng tôi cảm nhận cô giáo cắm bản này vẫn còn gì đó hồi hộp, xúc động. Minh bảo: “Khi gửi các anh clip này em không biết tác động của clip ghê gớm thế, chứ nếu biết (sẽ có cầu treo - PV) em đã gửi clip sớm hơn”.

ĐỨC BÌNH
http://tuoitre.vn/Ban-doc/598719/tac-gia-clip-tong-thi-minh-vui-khong-the-ta-xiet.html

Cầu sẽ xây xong trong hai tháng

TT - Ông Nguyễn Đình Giang - giám đốc Sở GTVT Điện Biên - đã cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻchiều 18-3 về cây cầu dân sinh dự kiến xây dựng tại Sam Lang, Nà Hỳ, Nậm Pồ (Điện Biên).
Cảnh cắt từ clip người dân phải khiêng xe máy lội qua suối

Theo ông Nguyễn Đình Giang, ngay sau khi báo Tuổi Trẻ phản ánh vụ “chui vào túi nilông để... qua suối” thì chiều 17-3, đang công tác ở Nhật Bản nhưng Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vẫn điện thoại trực tiếp về cho ông chỉ đạo Sở GTVT tỉnh phối hợp, khẩn trương khảo sát để nhanh chóng xây dựng một cây cầu treo. Ngay sau khi nhận chỉ đạo từ bộ trưởng, ông đã yêu cầu phó giám đốc Sở GTVT làm trưởng đoàn công tác, trực tiếp có mặt tại Sam Lang từ sáng 18-3 để khảo sát, tính toán phương án xây dựng cầu. Đồng thời ông cũng về ngay Hà Nội để trực tiếp bàn chuyện này với lãnh đạo Bộ GTVT.

Ông Giang cho biết cuối buổi trưa 18-3, đoàn công tác đã có báo cáo nhanh và ông đã trực tiếp báo cáo lại Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường. Tại cuộc trao đổi này, Bộ GTVT quyết định sẽ giao việc xây cầu cho một đơn vị của bộ là Xí nghiệp cơ khí Quang Trung. Phương án sẽ là cầu treo dân sinh, thiết kế khung thép, ván thép và việc xây dựng phải hoàn tất, đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ năm nay. Theo ông Giang, với cây cầu dân sinh như thế này, thời gian thi công sẽ không quá hai tháng.

“Để xây dựng một cầu treo dân sinh bêtông, cốt thép ở Điện Biên cần đầu tư khoảng 3,5 tỉ đồng. Còn nếu là cầu khung thép, ván thép mức đầu tư sẽ phải cao hơn. Hằng năm ngân sách trung ương hay của Bộ GTVT rót về để xây dựng cầu rất ít, thậm chí không có, mà chỉ thường khi có các dự án làm đường nếu cần xây dựng cầu thì mới có cầu. Bộ cũng đang có đề án xây dựng 186 cây cầu treo trên toàn quốc thì riêng Điện Biên cũng chỉ được có sáu cây nằm trong đề án, trong khi chúng tôi khảo sát thấy cần phải xây dựng 51 cầu treo dân sinh nữa” - ông Giang nói.

Ông Nguyễn Văn Thái - chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ - cũng cho biết chiều 18-3 ông cùng ông Đỗ Văn Chung - phó giám đốc Sở GTVT Điện Biên - sau khi khảo sát địa điểm sẽ xây dựng cầu treo, đã ký văn bản đề nghị Bộ GTVT về việc xây dựng cầu treo dân sinh này. Theo đó, phía UBND huyện cùng Sở GTVT thống nhất đề nghị xây dựng một cây cầu dài 64m, bề rộng mặt cầu 1,5m. Vị trí cầu nằm dịch lên phía thượng nguồn suối Nậm Pồ so với vị trí cũ mà người dân thường qua suối bằng túi nilông khoảng 10m.

Ông Thái cũng cho biết ông đã nhận được thông tin ngay trong hôm nay 19-3, Bộ GTVT cùng đơn vị liên quan trực tiếp đến Nà Hỳ để khảo sát, tính toán, lên thiết kế cây cầu.

Thiếu tá Phùng Công Quý - đồn trưởng đồn biên phòng Nà Hỳ, người có nhiều năm bám biên giới Tây Bắc, trong đó có năm năm ở xã biên giới Nà Hỳ - cho biết toàn xã Nà Hỳ có 10 thôn bản thì bản Sam Lang, Xín Chải xa nhất (giáp với Lào), khó khăn nhất.

Mỗi khi vào mùa mưa lũ, gần như hai bản này bị cô lập suốt 4-5 tháng. Vào mùa mưa, để đến các bản này vô cùng khó khăn, đường đất trơn trượt nên nếu đi xe máy phải chằng thêm xích vào bánh xe để bám đường. Rồi phải qua nhiều đoạn ngầm, suối.

Chẳng hạn từ đồn biên phòng (ở trung tâm xã) vào đến trung tâm bản Sam Lang nếu tính theo đường chim bay chỉ vài kilômet, nhưng do địa hình dốc, núi cao nên con đường vòng vèo, quanh co kéo dài đến 16km và phải qua bốn đoạn ngầm.

Đoạn ngầm nào cũng sâu, lũ cũng xiết nên đúng lúc mưa to, đỉnh lũ thì không thể qua được nếu không có cầu
. Riêng đoạn ngầm vào bản Sam Lang trong clip hay đoạn ngầm vào bản Xín Chải thì mùa lũ nước lúc nào cũng sâu và chảy mạnh.

Vì không có cầu, khi có người ốm đau hay những thầy cô giáo bắt buộc phải vào để vận động học sinh đến trường, dạy học thì không còn cách nào khác phải chui vào túi nilông như vậy để qua suối...

ĐỨC BÌNH
http://tuoitre.vn/Ban-doc/598720/vu-chui-vao-tui-nilong--qua-suoi--cau-se-xay-xong-trong-hai-thang.html

Phải xây nhiều cây cầu


Gần 700 ý kiến phản hồi của bạn đọc trong hai ngày 17 và 18-3 về clip “chui vào túi nilông...” đã đi từ cảm giác sốc, bàng hoàng, rơi lệ... đến reo vui khi có tin sẽ có cầu treo cho người dân Sam Lang.

Bạn đọc Đàm Thị Xuân Uyên viết: “Tôi xem clip mà nghĩ sẽ ra sao khi chẳng may túi rách hay người thanh niên cầm túi bị tuột tay hoặc bị nước cuốn... Thời gian nín thở qua suối theo đồng hồ trên clip hơn 40 giây nhưng tôi tưởng chừng dài lắm. “Đến bờ rồi! Khi ấy tôi biết là mình sống rồi!”, câu tường thuật của cô giáo nghe xót xa biết dường nào! Giá mà các quan chức ngành giao thông thử một lần ngồi trên “phương tiện” giao thông này chắc sẽ hiểu cảm giác mà hàng trăm con người già trẻ, bé lớn ở vùng này khi đi lại. Đặc biệt là các cô giáo, tôi thật sự khâm phục và thương cảm cho họ - những người vì gieo chữ mà bất chấp hiểm nguy”.

Lo cho người dân qua suối quá hiểm nguy, nên bạn đọc đã reo vui với tin Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo xây cầu cho người dân. Bạn đọc Lê Hoàng bày tỏ: “Sáng 17-3 xem clip thầy trò vượt suối bằng bao nilông, vừa cảm thương vừa bất ngờ. Nhưng bất ngờ nhất là buổi tối xem Chủ tịch nước thăm Nhật Bản có Bộ trưởng Thăng tháp tùng. Sáng 18-3 đã thấy Bộ trưởng Thăng chỉ đạo xây cầu cho các em. Hoan nghênh Bộ trưởng Thăng đã phản ứng nhanh”.

Tuy nhiên, nhiều bạn đọc khác cho rằng một cây cầu được xây ngay ở nơi người dân phải “chui vào túi nilông để... qua suối” vẫn chưa đủ, mà cần phải xây nhiều cây cầu khác ở những vùng cao, vùng xa đang còn có những cây cầu tạm, cầu xuống cấp... đang đe dọa người qua sông, qua suối. Bạn đọc Trần Cao Huấn viết: “Thật đau lòng và rơi lệ trước tình cảnh này! Chính phủ phải hành động xóa bỏ tất cả trường hợp đau lòng thế này trên toàn quốc một cách ráo riết và khẩn trương. Xây một chiếc cầu treo cho một thôn xã nghèo chỉ 1,5-3 tỉ đồng. Hãy tập trung quyết liệt thu từ những nguồn lãng phí, nguồn tham nhũng để phục vụ nhu cầu đi lại chính đáng này của người dân”.

N.N. tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét