Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Chỉ trích lẫn nhau trong vụ tìm máy bay Malaysia mất tích

Chỉ trích lẫn nhau trong khi tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích
William Wan | Washington Post - 12.3.2014 - Người dịch: Lê Anh Hùng
“Việt Nam thì cứ tìm kiếm. Malaysia thì cứ phủ nhận. Trung Quốc thì cứ điều tới hết thứ này đến thứ nọ. Các phóng viên thì cứ ngồi chờ tại khách sạng Lido [nơi thân nhân các hành khách đang tập trung]… Còn chiếc máy bay mất tích kia thì đang ở đâu?” 
(BẮC KINH) — Khi nỗi thất vọng dâng cao, những lời chỉ trích nhằm vào nhau đã bắt đầu vang lên trong bối cảnh cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines vẫn đang diễn ra. Trung Quốc phê phán cuộc điều tra do Malaysia dẫn dắt là nước này đã không tìm kiếm đủ nhanh chóng và quyết liệt. Malaysia chỉ trích Việt Nam vì đã công bố (quá sớm, Malaysia nhấn mạnh) những bức ảnh có thể là về các mảnh vỡ của chiếc máy bay bị mất tích.

Trong khi đó, một số gia đình của những hành khách trên chiếc máy bay kia lại phê phán cả ba nước về tình trạng thiếu thông tin liên lạc, đồng thời tố cáo họ về sự yếu kém nói chung, cũng như việc họ chủ yếu quan tâm đến hình ảnh của mình thay vì số phận của những người sống sót.

Trung Quốc là quốc gia lớn tiếng nhất trong 10 nước đã gửi tàu thuyền và máy bay đến hỗ trợ cuộc tìm kiếm.

Trong số 239 hành khách trên máy bay thì 154 người là người Trung Quốc hoặc Đài Loan, nhưng chính phủ Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm trước vụ việc bởi dư luận trong nước những năm qua vẫn phê phán họ là đã làm chưa đủ để bảo vệ công dân của mình ở nước ngoài.

Các quan chức Trung Quốc từ Chủ tịch Tập Cận Bình trở xuống liên tiếp đưa ra những tuyên bố nhấn mạnh cả số lượng máy móc thiết bị và nhân lực mà họ đã triển khai, lẫn mức độ chỉ trích mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhằm vào các đối tác Malaysia những ngày qua.

Hôm thứ Hai, phát ngôn viên Tần Cương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hối thúc nhà chức trách Malaysia “tăng cường nỗ lực và đẩy mạnh cuộc điều tra”, đồng thời đảm bảo rằng Trung Quốc và thân nhân của những hành khách người Trung Quốc “biết được sự thật của vụ việc càng sớm càng tốt”.

Truyền thông Trung Quốc, vốn thường bị chính quyền kiểm soát và kiểm duyệt, lên tiếng chỉ trích khá gay gắt.

Cho đến nay, Trung Quốc đã triển khai 9 tàu thuỷ và 4 máy bay trực thăng. Họ cũng đã triển khai 10 vệ tinh, gác những nhiệm vụ thường ngày để hướng vào việc hỗ trợ hoạt động tìm kiếm.

Chính phủ Malaysia loan báo là họ đã mở rộng phạm vi tìm kiếm về phía tây, sang Biển Andaman,cách xa lộ trình theo hướng đông bắc tới Trung Quốc của chiếc máy bay mất tích.

Ngoài ra, Trung Quốc còn gửi một tổ công tác đến Malaysia, bao gồm các quan chức từ Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và cơ quan hàng không dân dụng.

Malaysia phải hứng chịu phần lớn sự chỉ trích, chủ yếu nhằm vào chiến lược tìm kiếm của họ và thất bại của giới chức sân bay trong việc đối chiếu hộ chiếu của hai hành khách với dữ liệu của Interpol về giấy tờ đi lại bị mất cắp.

Đáp lại, các quan chức Malaysia đã công khai bảo vệ nỗ lực của mình, và đưa ra lời nhận xét tích cực của đại sứ Trung Quốc tại Malaysia về sự điều phối của họ.

Với một số người trên mạng thì không một chính phủ nào của cả ba nước phản ứng đặc biệt thành công.

Một bài đăng phổ biến được chuyển tiếp hàng ngàn lần trên phiên bản Twitter của Trung Quốc đã chế nhạo một số nước vì tìm cách chỉ trích lẫn nhau thay vì tìm kiếm chiếc máy bay: “Việt Nam thì cứ tìm kiếm. Malaysia thì cứ phủ nhận. Trung Quốc thì cứ điều tới hết thứ này đến thứ nọ. Các phóng viên thì cứ ngồi chờ tại khách sạng Lido [nơi thân nhân các hành khách đang tập trung]… Còn chiếc máy bay mất tích kia thì đang ở đâu?”

Điều trớ trêu trong nỗ lực đa quốc gia này là ở chỗ, một số nước liên quan lại mắc míu vào những tranh chấp lãnh thổ căng thẳng, bao gồm cả Biển Đông, gần với khu vực tìm kiếm về phía đông.

Còn Trung Quốc thì được các nước trong khu vực cảm nhận như một quốc gia gây hấn đặc biệt trắng trợn trong những năm gần đây.

Sự trách cứ lẫn nhau phản ảnh tình trạng thiếu hợp tác bên trong do những căng thẳng khu vực như thế, Zhang Mingliang - chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Đại học Tế Nam ở Quảng Châu - nhận xét.

Thay vì chỉ trích lẫn nhau trong cuộc tìm kiếm cứu nạn, “các bên liên quan có thể rút ra bài học từ vụ việc về sự cần thiết của hợp tác. …Điều đó có thể hữu ích cho quan hệ ngoại giao trong tương lai”, ông nói.

Bài viết có sự đóng góp của Gu Jing Lu và Xu Jing.
Nguồn: Washington Post

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét