Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Châu Âu bất lực nhìn Nga thôn tính Crimée ?

Châu Âu bất lực nhìn Nga thôn tính Crimée ?
Mai VânThời sự Pháp dĩ nhiên rất được quan tâm trên trang nhất báo Pháp hôm nay, từ vấn đề học đường đến bầu cử địa phương. Nhưng sự kiện được dành nhiều trang bài và bình luận nhất là các diễn biến ở Ukraina, sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimée.
Lãnh đạo Ngoại giao châu Âu Catherine Ashton và Ngoại trưởng Anh William Hague tại Bruxelles ngày 17/4/2014 trong cuộc họp về Crimée sau ngày trưng cầu dân ý sáp nhập vùng đất tự trị này vào Nga. REUTERS/Francois Lenoir
Sau khi ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của bán đảo, Tổng thống Nga Putin tối qua, trong buổi gặp với các lãnh đạo Crimée tại điện Kremly, đã ký hiệp ước sát nhập vùng này vào Nga. Le Figaro chạy hàng tít lớn trang nhất : «Putin thôn tính Crimée». Theo tờ báo, có vẻ như là không có gì lay chuyển được Tổng thống Nga, ông Putin không nao núng chút nào trước đe dọa trừng phạt của phương Tây.


Trong bài xã luận ngay trang nhất : « Bài học của Putin », Le Figaro chỉ trích gay gắt Châu Âu : « Lịch sử do kẻ thắng viết, Vladimir Putin một lần nữa đã chứng minh điều này ở Crimée. Không có gì bắt buộc các quốc gia phương Tây công nhận sự thôn tính này, nhưng không nên có ảo tưởng, Ukraina đã mất Crimée ».

Đối với Le Figaro Châu Âu chỉ có thể tự trách mình trong việc này với chiến lược lộn xộn, như hợp thức hóa vội vã cuộc nổi dậy ở Ukraima, không tôn trọng thỏa hiệp mà chính mình đã đề nghị... trong khi chủ nhân điện Kremly đã dậy cho châu Âu cho một bài học về chiến lược : Trong nước thì đoàn kết dư luận, rửa ‘mối nhục’ đối với Nga, và luôn đi trước một bước các đối thủ ở Mỹ và Châu Âu đang có ý muốn nâng mức trừng phạt.

Nhưng nếu trừng phạt cho phép giảm mức độ leo thang, thì người ta cũng không thấy lợi ích khi chỉ tập trung vào Crimée mà không tim giải pháp thương lượng cho toàn Ukraina. Mối lo ngại hiện nay, theo Le Figaro, là Putin không dừng lại ở vùng bé nhỏ vừa sát nhập.

Le Monde cũng gần cùng quan điểm với đồng nghiệp Le Figaro. Trong bài xã luận ở trang nhất, tờ báo ghi nhận trong hàng tựa : « Trước hành động phạm tội của Nga, Châu Âu bất lực ».

Le Monde tỏ ý chê trách : Putin có thể hài lòng, Châu Âu đã có phản ứng tối thiểu trước hành động cắt xén một phần Ukraina của ông. Trùng phạt của Châu Âu chỉ là một vài biện pháp nhắm vào một số cá nhân – cấm visa. 

Liên Hiệp Châu Âu như thường lệ trên mặt đối ngoại, vẫn thể hiện nhiều bất đồng nội bộ : Một bên thì không muốn làm gì chống Nga, một bên thì muốn cứng rắn đối với Putin. Đứng giữa Đức, Anh, Pháp, cũng không có một chọn lựa rỏ ràng. Kết quả, là sau Gruzia năm 2008, Nga một lần nữa thay đổi ranh giới trên lục địa mà không phải trả giá cao.

Hồ sơ Ukraina và đối sách của Obama 

Libération ở trang trong nhận định về phản ứng của Mỹ trong bài viết tựa đề : « Obama, khôn ngoan hay mềm yếu ? ». Tờ báo ghi nhận là Tổng thống Mỹ từ chối không khiêu khích Putin. Tác giả bài báo nhắc lại là Barack Obama đã hứa là sẽ sử dụng nhiều hơn ‘điện thoại’ và ‘bút viết’ của ông trong nhiệm kỳ hai này, và ông đã làm đúng như thế trong hồ sơ Ukraina, và người ta đã thấy hệ quả trên thực địa. 

Từ 3 tuần qua, Tổng thống Mỹ liên tục gọi điện thoại, vừa đe dọa Putin, vừa cố thuyết phục chủ nhân điện Kremly trở lại giải pháp ngoại giao, cố gắng cô lập Matxcơva và trấn an các láng giềng của Nga. 

Ông Obama tổ chức cuộc họp nhóm G7 tuần tới đây tại Hà Lan để cho Nga thấy là không còn được mời vào bàn những nước lớn trên thế giới. 

Còn với cây bút, Tổng thống Mỹ đã ký hai loạt trừng phạt đầu tiên nhắm vào một số nhân vật Nga và Ukraina. Nhà Trắng còn hứa hẹn những trừng phạt khác.

Nếu Mỹ tỏ ra chừng mực như vậy trước hành động của Nga, là vì không muốn khiêu khích điện Kremly, không muốn khiến vị chủ nhân tiếp tục đi xa hơn nữa vào Ukraina. Như chính quyền Obama đã biện minh, họ muốn ‘xuống thang’ hơn là ‘leo thang’.

Tác giả bài viết cho là một lần nữa ông Obama muốn tỏ ra ‘chừng mực’ cho dù có thể bị xem là yếu đuối. Thế nhưng, chuyên gia về chính sách Mỹ, Simon Serfaty, giáo sư về bang giao quốc tế, nhận định rằng sở dĩ phản ứng của Mỹ giới hạn như thế, đó cũng là do khả năng của Mỹ cũng giới hạn.

Hơn nữa không ai muốn chiến dịch quân sự, trao đổi thương mại Mỹ - Nga kém hơn giữa Nga và Châu Âu. Vả lại, vẫn theo chuyên gia trên, nếu khủng hoảng ở Ukraina buộc Mỹ quay lại nhìn Châu Âu, thì những ưu tiên chiến lược của Washington vẫn là ở những nơi khác. Đối với Mỹ tình hình Ukraina được đánh giá không nghiêm trọng như ở Trung Cận Đông, như Iran, nơi « không thể loại trừ sử dụng sức mạnh ».

Đảng Cộng hòa Mỹ đánh giá là ông Obama còn mềm yếu hơn cả Jimmy Carter. Ông Carter còn tỏ ra cứng rắn sau khi Liên Xô chiếm Afghnistan năm 1979. Mỹ cho triệu hồi đại sứ, cấm vận ngũ cốc, cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy Afghanistan v.v.. 

Tuy nhiên trích dẫn giáo sư Mark Kats, đại học George Mason – Virginia, tác giả bài báo cho là ông Obama không phải người đầu tiên có phản ứng như thế đối với Nga. George W Bush cũng phản ứng như vậy năm 2008 trong hồ sơ Gruzia.  Theo ông Serfaty trong hồ sơ Ukraina hiện nay còn phải chú ý đến khía cạnh vũ khí hạt nhân. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét