Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Câu chuyện về “bánh xèo” nước Pháp

Câu chuyện về “bánh xèo” nước Pháp
Nếu như Việt Nam nổi tiếng với những chiếc bánh làm từ hạt gạo đặc trưng của vùng lúa nước thì người Pháp lại tự hào với món bánh Crepe – loại bánh làm từ bột mì, trứng đường và tráng mỏng như kiểu bánh xèo. Ngày nay, crepes đã được biến thể muôn hình vạn dạng khác nhau và trở thành món ăn được yêu thích trên toàn thế giới.
)
Crepes bán ở hè phố Paris
Khoảng thế kỉ thứ 12, lúa mì bỗng trở nên khan hiếm nên những người nông dân đã nghĩ ra món bánh tráng làm từ bột mì pha loãng thay cho bánh mì. Sau đó, lúa mạch đen trở thành một loại ngũ cốc được ưa chuộng vì giàu dinh dưỡng mà giá thành lại rẻ và họ đã dùng nó để làm bánh những chiếc bánh crepes cho bữa ăn hàng ngày và chủ yếu là được ăn cùng với đường, mật ong.



Thời kỳ khó khăn cũng qua đi, người ta lại dùng bột mì để làm bánh ăn hằng ngày, nên chiếc bánh không còn “đen đúa” nữa. Cộng với đó là sự khéo léo và đầy tính sáng tạo, các bà nội trợ đã chế ra nhiều món ăn từ crepes, ngon miệng và đẹp mắt. Món ăn này ngày càng trở nên phổ biến, chinh phục giới quý tộc và nhanh chóng lan rộng sang cả châu Âu.


Dù đều làm từ bột mì, trứng, sữa và đường tráng trên một chiếc chảo phẳng, song không phải ai cũng có thể làm nổi bật được hương vị đặc trưng vốn có. Người làm bánh thành công là khi cho ra thành phẩm bánh mềm, thơm mùi nguyên liệu tự nhiên, có vị ngọt dịu, đặc biệt là trình bày để sao cho đĩa bánh thể hiện được sự mềm mại, đơn giản nhưng không kém phần tinh tế. Bánh Crêpe đạt chuẩn phải có kết cấu đủ ổn định để không bị rách khi gấp vào, nhưng mặt khác bột bánh vẫn mềm, không được sạn, và nhất định phải "mỏng như giấy".

Ở Pháp có rất nhiều nhà hàng bánh crepes và chúng thường mang dáng vẻ cổ điển. Bánh Crêpe mặn làm từ bột lúa mạch đen, nhân thường là trứng, jambon, phô mai, thị gia cầm, uống cùng loại rượu Cidre thoang thoảnghương táo thơm. Tuy nhiên, crepes ngon nhất là khi ăn cùng chút rượu táo ngon tuyệt từ vùng Bretagne. Thoáng tê tê nơi đầu lưỡi, rồi đến cảm giác ngọt ngào khắp khoang miệng như hương vị của những trái táo chín đỏ trong mùa bội thu.


Khi đến Ý, Crêpe được gọi là là Crespelle và ban đầu chỉ là món ăn dành cho tầng lớp bình dân. Khi vua xứ Wales ghé thăm một tiệm cafe ở Montercarlo và bị chinh phục những lát bánh mỏng tang ngon tuyệt này, Crespelle mới thực sự có chỗ đứng trong ẩm thực nước Ý.Tuy nhiên, người Ý lại ăn Crepes với sốt cà chua, rau chân vịt cùng với rất nhiều phô mát - linh hồn của ẩm thực miền Địa Trung Hải.

Ngao du đến Nga, chiếc “bánh xèo” của Pháp lại được đặt tên là Blini. Để phù hợp với xứ lạnh, Blini của vùng Bắc Âu thường có rất nhiều nguyên liệu cung cấp chất béo và năng lượng như thịt xông khói, thịt nguội, các loại cá biển, nấm, mứt, rau củ...Lát bánh Blini cũng dầy hơn Crêpe thông thường, và có phần gần với pancake hơn.


Ngày nay, tại Pháp người ta vẫn tổ chức lễ hội bánh crepes vào ngày 2/2 hằng năm. Với sự chứng giám của Thánh Brigid, những người nông dân sẽ cầm bó đuốc chạy vòng quanh các cánh đồng và cầu nguyện đức thánh thần phù hộ cho những vụ mùa sau. Người ta tạo những chiếc bánh Crepe thơm ngon và đầy màu sắc trong suốt lễ hội. Lễ hội mangý nghĩa vui vẻ, may mắn và những chiếc bánh màu vàng tượng trưng cho sự thịnh vượng.

Tại Việt Nam, trong một vài năm gần đây, Crepes cũng bắt đầu trở nên quen thuộc, tại TPHCM đã có những nhà hàng chuyên kinh doanh món bánh này. Ngoài ra, những quán ăn Âu ở các tỉnh thành cũng phục vụ crepe. Thậm chí ở nhiều quán ăn bình dân, crepe đã được chế biến thành 1 món ăn phổ biến dành cho giới trẻ và được kết hợp với các nguyên liệu mới lạ như kem, hoa quả tươi và xốt sô cô la…, và cả thịt xào rau, hay kẹp nhân mì, cơm…

Bếp Bống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét