Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Cấm vận Nga trở thành 'lợi bất cập hại' với Mỹ, EU

6 lý do khiến cấm vận Nga trở thành 'lợi bất cập hại' với Mỹ, EU
Bất kì lệnh cấm vận nào nhằm vào Nga liên quan đến phản ứng của Moskva trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine đều sẽ có ảnh hưởng đến Mỹ và những nước theo đuôi. Có nhiều lý do cho thấy điều này.
Cấm vận Nga sẽ làm tất cả các bên bị ảnh hưởng. Ảnh: AP
1. Nước Nga quá lớn, khó có thể sụp đổ: GDP bình quân đầu người của Nga hiện đứng hàng đầu trong nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Đến năm 2020, Nga sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Nga ghi nhận mức mức tăng trưởng ấn tượng 83% trong năm 2013, đạt 94 tỉ USD, đưa Nga trở thành nước đứng hàng thứ 3 toàn cầu về thu hút FDI sau Mỹ và Trung Quốc. Điều này nói lên rằng: Nga là nước mà nhiều người muốn đến làm ăn, chứ không phải muốn tẩy chay.

2. Sợi dây kết nối chặt chẽ toàn cầu: Đây không phải là thời điểm của những năm 1980, khi mà Tổng thống Jimmy Carter lãnh đạo nước Mỹ và đồng minh áp đặt các lệnh cấm vận nhằm vào khối Đông Âu. Ngày nay, có quá nhiều sự ràng buộc giữa các nền kinh tế. Chính cộng đồng doanh nghiệp của Mỹ cũng công khai thừa nhận rằng, họ muốn tránh một lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ nhằm vào Nga, do lo ngại các đối thủ cạnh tranh châu Âu có thể chiếm lấy miếng bánh thị trường ở Nga. Myon Brilliant, Phó chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Mỹ nhìn nhận “cộng đồng doanh nghiệp không muốn bị lôi vào cuộc chiến”. Châu Âu cũng có những lợi ích của mình. EU hiện là đối tác thương mại số 1 của Nga, chiếm 41% trao đổi thương mại. Đức có đầu tư lớn vào ngành công nghiệp sản xuất ở Nga, còn Anh thì có đến 6.000 nhà xuất khẩu hàng hóa tới Nga.

3. Vũ khí năng lượng: Mạng lưới đường ống dẫn dầu, khí của Nga, với tổng chiều dài lên đến 259.913km (gấp 6 lần vòng trái đất), là “mạch sống” đối với châu Âu. Một nửa lượng dầu tiêu thụ hàng ngày, 2,8 triệu thùng của Đức, là nhập khẩu từ Nga, qua tuyến đường ống Druzhba xuyên Belarus. Năm 2012, lượng khí đốt xuất khẩu của Nga chiếm 24% thị trường Đức, 19% thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, 24% thị trường các nước Đông Âu... Nếu Ukraine phong tỏa nguồn khí gas của Nga cấp cho châu Âu, nguồn cung này sẽ không thể bù đắp nhanh được.

4. Nga không phụ thuộc quá nhiều thị trường châu Âu: Kinh tế Nga tập trung vào xuất khẩu năng lượng và khoáng sản, nhưng thực ra không hề “phụ thuộc nguy hiểm” vào lĩnh vực này như truyền thông phương Tây tuyên bố. Họ bỏ qua một điều rằng, nhu cầu năng lượng không bao giờ mang tính thời vụ, hay chu kì, mà là thường xuyên. Ngoài châu Âu, không có bất kì dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc và Ấn Độ sẽ cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng nhập khẩu. Nếu nói Nga “phụ thuộc nguy hiểm”, chắc hẳn điều tệ hại đã xảy ra từ lâu đối với nhiều đồng minh của Mỹ và nhiều nước ở vùng Vịnh như Saudi Arabia, Qatar, Bahrain, Các tiểu Vương quốc A rập thống nhất (UAE) - những nước thu nhập chủ yếu lấy từ dầu múc lên bán.

5. "Gấu" bị dồn vào chân tường sẽ biết cách phản đòn: Nga có nguồn dự trữ ngoại hối lớn và có tham gia vào thị trường nợ ở Mỹ. Hiện tại, Nga nắm giữ 490 tỉ USD và đứng thứ 5 về dự trữ ngoại tệ. Theo cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga Valdimir Putin, ông Sergei Glazyev, trước khi thực hiện quy định cấm dự trữ bằng đồng USD, Moskva có thể sử dụng ngay biện pháp giảm thanh toán bằng đồng tiền này trong các giao dịch thương mại quốc tế. Ông Glazyev cũng nói rằng, nếu Mỹ phong tỏa tài khoản của các doanh nghiệp và cá nhân Nga, Moskva sẽ tính đến việc hối thúc các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu Mỹ bán ra, tạo nên nhiều hệ lụy đối với đồng USD.

6. Nhiều cách chống lại sức ép về tài chính: Phương Tây muốn khó khăn cho các cá nhân giàu có người Nga trong các hệ thống nhà băng. Đối tượng nhắm đến trực tiếp là các tài phiệt người Nga, những người thường giữ tài sản trong các ngân hàng Mỹ, châu Âu. Những người theo đuổi cấm vận hy vọng rằng, chính tầng lớp giàu có này vì lo ngại số tài sản của mình sẽ quay lưng lại với Điện Kremlin, như những gì từng xảy ra đối với Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych. Thế nhưng, những tính toán này là sai lầm. Đã qua rồi thời kì Điện Kremlin bị tác động, chi phối bởi các trùm tài phiệt. Trong trường hợp xấu, nếu các công ty Nga bị cấm tiếp cận các nhà băng phương Tây, sẽ luôn có lối thoát - đó là Trung Quốc. Với lượng dự trữ ngoại tệ lên đến 3.200 tỉ USD, Bắc Kinh đang trở thành “người chơi chính” trong ngành công nghiệp cho vay.

Hoài Thanh (Rusia & India Report)
http://thegioi.baotintuc.vn/the-gioi/7-ly-do-khien-cam-van-nga-tro-thanh-loi-bat-cap-hai-voi-my-eu-20140314103238670.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét