Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

THĂM NGHĨA TRANG LIỆT SĨ VỊ XUYÊN

THĂM NGHĨA TRANG LIỆT SĨ VỊ XUYÊN
thơ Phan Duy Kha
Kỷ niệm 35 năm Chiến tranh Biên giới chống quân Trung Quốc xâm lược (1979 – 2014)
Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) nơi có trên 1.700 nấm mồ liệt sĩ, trong đó chỉ có 7 liệt sĩ thời chống Pháp, chống Mỹ. Còn lại là các Liệt sĩ chống quân Trung Quốc xâm lược. Đa số các Liệt sĩ hi sinh trong trận chiến ngày 12.7.1984.

Vị Xuyên! Vị Xuyên!
Hơn Một ngàn bảy trăm Liệt sĩ
Có tên và không tên
Khói hương quặn đau quẩn trên mộ chí.

Trong một ngày hơn sáu trăm chiến sĩ hi sinh (1)
Suốt 30 năm giải phóng Miền Nam
Chưa trận nào tổn thương nhiều đến thế !

Máu chảy đỏ suối nguồn Thanh Thủy
Xác giặc ngổn ngang Cao điểm 772
Thung lũng gọi hồn, Ngã ba cửa tử
Những cái tên nghe đến rợn người.

Súng bắn đỏ nòng, đá núi hóa thành vôi
“Đạn xé toác vai, đạn cày rách mặt” (2)
Khe Cụt Đồi xanh, thung sâu Khe Ngặt
Tuổi trẻ các anh nằm lại chốn này.

Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên
Dấu chấm than “!” trên địa đầu Tổ Quốc
Nhắc nhở chúng ta bài học ngàn năm :
Hiểm họa rập rình đến từ phương bắc!

Ngày 12.2.2014
P.D.K
*
Chú thích:
(1): Trận đánh ngày 12.7.1984, hơn 600 Liệt sĩ hi sinh cùng một đơn vị thuộc Sư đoàn 356
(2) : Mượn câu thơ của một cựu chiến binh từng tham gia trận đánh trên

Ảnh trên: Đài tưởng niệm Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên hình dấu chấm than, nhắc nhở chúng ta hiểm họa từ phương bắc.
Nguồn: Phan Duy Kha blog.
http://xuandienhannom.blogspot.ch/2014/02/tham-nghia-trang-liet-si-vi-xuyen-tho.html

Khắc khoải Vị Xuyên: Không thể lãng quên
Thứ Sáu, 26/07/2013 22:22

Gần 30 năm sau cuộc chiến, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 356 vẫn còn nằm lại chiến trường xưa. Đồng đội và người thân của các anh luôn day dứt nhưng bom mìn còn sót lại quá nhiều đã ngăn trở việc tìm kiếm

Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên ở Hà Giang có hơn 1.700 ngôi mộ, phần lớn là của những cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong các trận chiến đấu chống quân Trung Quốc để giành lại các cao điểm thuộc xã biên giới Thanh Thủy. Trong đó, có rất nhiều ngôi mộ vô danh.

Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, nơi yên nghỉ của hàng ngàn cán bộ, 
chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc Tổ quốc Ảnh: ĐÌNH THẮNG
Ngày giỗ tập thể
Những cựu binh Sư đoàn 356 cho biết cứ đến ngày 12-7 hằng năm, họ lại gặp nhau để tưởng nhớ hàng trăm đồng đội đã khuất mặt. Ông Đặng Việt Châu - nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 - day dứt: “Không ai có thể nguôi ngoai hay lãng quên những đồng đội đã hy sinh. 29 năm rồi, anh em vẫn còn nằm lại chiến trường xưa... Chúng tôi luôn mong mỏi một ngày nào đó, tất cả đồng đội đã ngã xuống trên cao điểm 772 được đưa về với quê hương, gia đình”.
Theo ông Hoàng Thế Cương, Trưởng Ban liên lạc Cựu quân nhân Sư đoàn 356 tại Hà Giang, nhiều cựu binh của đơn vị này từ mọi miền Tổ quốc đều cố gắng tề tựu về Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, lên Đài Tưởng niệm Thanh Thủy để tưởng nhớ đồng đội vào ngày 12-7. “Hàng chục năm nay, chúng tôi xem đó là ngày giỗ chung của anh em sư đoàn đã hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên” - cựu binh Nguyễn Văn Kim, Trưởng Ban Liên lạc Cựu quân nhân Sư đoàn 356 tại Yên Bái, cho biết.
Theo chân những cựu binh Sư đoàn 356, chúng tôi lên Đài Tưởng niệm Thanh Thủy dâng hương. Đứng trên đồi cao, các cựu binh bồi hồi phóng tầm mắt quanh khu vực vốn là chiến trường ác liệt 29 năm trước. Suối Thanh Thủy đỏ quạch vẫn cuồn cuộn chảy. “Ngã ba cửa tử” giờ đã mọc lên những căn nhà đẹp đẽ, khang trang. “Khi đào móng dựng nhà, bà con thường phát hiện những bộ hài cốt bộ đội ta. Ngày nào chúng tôi cũng lên đây dọn dẹp và hương khói để các anh luôn được ấm cúng” - một cán bộ UBND xã Thanh Thủy xúc động.
Tham gia chiến dịch chống quân Trung Quốc lấn chiếm những điểm cao thuộc chủ quyền Việt Nam khi tuổi chưa tròn đôi mươi, nay những người lính Sư đoàn 356 tóc đều điểm bạc. Theo ông Nguyễn Văn Kim, ngoài việc viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên và dâng hương Đài Tưởng niệm Thanh Thủy, các cựu binh Sư đoàn 356 bao giờ cũng sắm sửa mâm lễ rồi đi ngược lên cao điểm 772 để “gặp gỡ” bao đồng đội còn nằm lại chốn này.
“Không ai có thể yên lòng khi hài cốt nhiều anh em vẫn còn nằm lại chiến trường xưa. Anh em nào đã về yên nghỉ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên thì còn được thăm viếng, khói hương. Còn trên các cao điểm 772, 685 hay ở Đồi Xanh, Khe Cụt, Nậm Ngặt..., rất nhiều đồng đội của chúng tôi hiu quạnh suốt 29 năm nay” - ông Kim xót xa.
Bom mìn ngăn trở
Nhiều cựu binh bảo rằng cứ đến tháng 7 hằng năm, họ lại thao thức, khắc khoải, hình ảnh đồng đội đang còn nằm lại ở chiến trường năm nào luôn hiện lên ám ảnh. “Riêng Tiểu đoàn 3, số cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận đánh ở Vị Xuyên ngày 12-7-1984 trên dưới 200 người nhưng chỉ không quá 10 liệt sĩ có tên tuổi được quy tập hài cốt về Nghĩa trang Vị Xuyên, còn lại đều vô danh hoặc vẫn nằm đâu đó trên cao điểm 772” - ông Đặng Việt Châu trăn trở.
Cựu sĩ quan Sư đoàn 356 Nguyễn Xuân Đệ, thương binh đang sinh sống tại Vị Xuyên, cho biết sau khi rời quân ngũ, cuộc sống của ông cũng như nhiều cựu binh khác tuy bộn bề khó khăn, ai cũng lo toan mưu sinh nhưng ký ức về một thuở bi hùng vẫn luôn dâng tràn. “Tháng 7 năm nào nhà tôi cũng đón rất nhiều khách, phần lớn họ là thân nhân của các đồng đội đã hy sinh đến cúng viếng hoặc trên đường tìm hài cốt. Những cựu binh Sư đoàn 365 và người nhà liệt sĩ đều có chung một mong ước cháy bỏng: Hài cốt tất cả anh em đồng đội được đưa về với quê hương, gia đình” - ông Đệ cho biết.
Tại sao đã 29 năm trôi qua mà rất ít liệt sĩ hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên nói chung và cao điểm 772 nói riêng được tìm thấy hài cốt? Ông Đặng Việt Châu giải thích: “Nhiều khu vực ở chiến trường Vị Xuyên, nhất là cao điểm 772, bom mìn còn sót lại nhiều vô kể. Vì thế, việc đi tìm kiếm hài cốt đồng đội là cực kỳ nguy hiểm. Chúng tôi và thân nhân liệt sĩ luôn chờ đợi nhà nước có kế hoạch rà phá hết bom mìn ở khu vực này để việc đi tìm kiếm, quy tập hài cốt anh em thuận lợi hơn”.
Ông Châu cho biết chiến trường Thanh Thủy - Vị Xuyên tuy không rộng lớn nhưng những người lính ở khắp mọi miền đất nước hầu như đều có mặt. “Mỗi người đều cùng chung tay góp sức thì chắc chắn một ngày không xa, những cán bộ, chiến sĩ còn nằm lại chiến trường Vị Xuyên năm nào sẽ được tìm thấy và đưa về nơi yên nghỉ đàng hoàng. Bộ Quốc phòng đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành quy tập hài cốt anh em” - ông Châu kỳ vọng.
Tuổi xuân giữ lại chốn này
Ông Đặng Hữu Châu còn có mong ước xây một am nhỏ ngay tại khu vực sở chỉ huy của Sư đoàn 356 ngày nào trong thung lũng Nậm Ngặt ở Vị Xuyên. “Khi hàng trăm liệt sĩ vẫn còn nằm lại nơi đây thì tháng 7 hằng năm, đồng đội và thân nhân đến chiến trường xưa có chỗ mà thắp nén tâm hương để anh em luôn được ấm lòng” - ông Châu tâm sự.
Chưa xây được am, chưa tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ vì bom mìn ngăn trở, ông Châu gửi gắm tình cảm với đồng đội qua những vần thơ mộc mạc: Những Thanh, những Đa, những Hà, những Lý/ Tiến, Công, Ký, Kết, Chỉ, Ngọ, Thêm.../Nơi nghĩa trang, có danh và vô danh/ Trong hố chôn chung hay nằm rải rác/ Nơi thung sâu Nậm Ngặt hay Khe Cụt đồi xanh/ Người nằm lại và tuổi xanh mãi mãi/ Bảy bảy hai, bảy bảy hai/ Tuổi xuân giữ lại chốn này...

VĂN DUẨN
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/khac-khoai-vi-xuyen-khong-the-lang-quen-2013072610227188.htm

  • vulong
    0Thích  
    01/01/2014 16:07
    Cho em hỏi liên hệ với Ban Liên lạc Cựu quân nhân Sư đoàn 356 theo địa chỉ nào? Xin cam on!
  • Võ Chiến
    1Thích  
    14/11/2013 15:55
    Hôm nay tình cờ đọc bài báo này, tôi bồi hồi nhớ lại những năm tháng ở Vị Xuyên, Hà Tuyên 28 năm về trước. Đó là vào tháng 9/1985 chúng tôi được bổ sung từ F390, QĐ1 lên Vị Xuyên, vào B.Thông tin, D8, F754 (lúc đó thuộc F313). Sau khi ở hậu cứ vài ngày để làm quen rồi đi qua ngã 3 Thanh Thuỷ lên Hang dơi, rồi lên H6 , H21 (gần khu 4 hầm). Trong thời gian ở H21 tôi mới hiểu được cuộc sống và chiến đấu của người lính chốt tiền tiêu, chúng tôi ở trong hầm, thật ra là các ngách đá tự nhiên, được gia công thêm gỗ và các tảng đá . Hàng ngày thức ăn và nước uống đều được bộ phận ở hậu cứ từ Hang Dơi mang lên. Bên TQ thường xuyên bắn các loại pháo, cối sang bên ta, nhất là những đợt chúng tấn công đánh chiếm các điểm cao nào đó thì tất cả các chốt, điểm cao khác đều bị pháo dữ dội . Tranh thủ những lúc rảnh rỗi chúng tôi thường làm những cái nhẫn, vòng đeo tay từ đạn B41, mấy tháng ở điểm tựa tiền tiêu không hề biết tắm, rửa, thay quần áo (chỉ mặc quần đùi). Thỉnh thoảng vẫn có thương vong nhưng mọi người vẫn lạc quan không hề sợ hãi, chúng tôi thường nói bao giờ cho đến tháng 10 (để được thay quân). Đến tháng 12/1985 chúng tôi được về tuyến sau (F31 vào thay). Sau đó lên những hướng khác ít ác liệt hơn.
  • CU COI
    4Thích  
    28/07/2013 00:28
    Cam ơn tác giả Văn Duẩn và báo NLĐ. Đọc bài viết đã nhắc nhở và lời tri ân đến các chiến sĩ anh dũng hy sinh chống quân Trung Quốc xâm lược. Đọc bài viết mà lòng tôi nghẹn ngào cảm xúc, dù chiến tranh tạm đi qua. Nhung cái thời cả dân tộc đang phải gồng mình để ngăn bước quân thù phía Nam phía Bắc. Ngày mà 3 thằng chúng tôi đang là học sinh rủ nhau khai tăng 2 tuổi xin tình nguyện để được cầm súng chiến đấu bảo vệ tổ quốc. 
  • khanh
    1Thích  
    27/07/2013 23:36
    Cuộc chiến đẫm máu với TQ ít khi đc nhắc tới nhưng với Mỹ thì ra rả suốt ngày, nghe mãi thấy nhạt.
  • Bảy Ròm
    1Thích  
    27/07/2013 22:22
    Những năm trước, vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7, báo chí chỉ đăng về những anh hùng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nhưng dịp kỷ niệm 27-7 năm nay, nhờ báo NLĐ, bạn đọc chúng tôi được biết thêm nhiều tấm gương hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đã xả thân chiến đấu chống quân TQ xâm lược năm 1984. Kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh cao cả, bi hùng của các anh, những người đã ngã xuống vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
  • NGUYỄN VĂN TƯỜNG
    2Thích  
    27/07/2013 21:41
    Có 2 dân tộc mà người Tàu không nên đụng đến là Việt Nam và Nhật Bản, bởi nếu đụng đến thì Tàu trước sau gì cũng ôm đầu máu bỏ chạy. Thế nhưng thật đáng tiếc, Hoa Đông thì liên quan tới Nhật Bản, còn Biển Đông thì liên quan tới Việt Nam. Vậy chỉ còn một cách tốt nhất cho người Tàu là phải rút bỏ những đòi hỏi chủ quyền phi lý, học cách sống tôn trọng các nước khác!
  • Hăng rết
    3Thích  
    27/07/2013 20:54
    Đã đọc qua mấy bài về cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược thời kỳ năm 1979. Rất cảm động với những lời văn chân thực và phản ánh được lòng mong đợi của bao nhiêu người. Những cảm xúc như được nhân lên bởi các còm có những tình tiết và lời kể của người trong cuộc. Nghẹn ngào và khó nói nên lời, xin cảm ơn báo đã cho tui được bày tỏ. Và mong sao những người vì tổ quốc đã hy sinh sẽ được tôn vinh suốt đời.
  • Lê Văn Tấn
    5Thích  
    27/07/2013 20:48
    Chiến trường Vị xuyên những năm 84-85 ác liệt và gian khổ vô cùng. Cánh lính trẻ chúng tôi nghêu ngao hát: "Ai lên Vị xuyên, thì không có ngày về. Không có ngày về, thì coi như rồi đời. Cho tôi về nhà, thì ăn sắn cũng xong. Cho tôi về quê là một phút tôi đi liền". Thế nhưng tuyệt đại đa số chúng tôi vẫn ở lại, lác đác cũng có người về rồi lại quay lên chốt. Mặc kệ bọn Trung Quốc bắn pháo suốt ngày, có ngày chúng dội xuống Minh tân, Thanh thủy hơn mười nghìn quả đạn pháo các loại. Cao điểm 685, bình độ 300, 400 đá nát tơi trắng như vôi, điểm cao 973 của chúng tôi cây cối đổ sập, đất cày xới nhiều lần. Chúng tôi chấp nhận cuộc sống khó khăn: mỗi sáng chỉ có 2 đến 3 bát nước đánh răng rửa mặt, cả tuần vài cọng rau đã úa vàng, một điếu thuốc lá cả hầm chia nhau hút, một điếu thuốc lào cũng có khi 3 thằng cùng vui, rồi sốt rét, phù thũng, teo cơ,... Chúng tôi vẫn sống và chiến đấu. 
  • Nguyen thi bich Hoang
    2Thích  
    27/07/2013 18:27
    Mình đã đọc bài của Duẩn, có thật nhiều cảm xúc. Duẩn vẫn viết tốt như ngày nào. Cố gắng nhé.
  • Hồ Đăng Phú
    7Thích  
    27/07/2013 17:25
    Một buổi chiều tối cuối đông, đơn vị chúng tôi đang nằm trên những sườn đồi của xã Đạo Đức,Vị Xuyên khu vực cây số 17 từ thị xã Hà Giang xuôi về Hà Nội. Lệnh báo động di chuyển chiến đấu khi bữa cơm chiều sắp tới,vậy là nhịn. Vài phút sau chúng tôi tập trung tại sân bóng đá Việt Lâm, từng đại đội hàng ngũ chỉnh tề, quân trang gọn gàng, vũ khí đầy đủ súng và đạn trang bị đủ cho tấn công. Trung đoàn quán triệt nhiệm vụ và phát lệnh vào chiếm lĩnh trận địa, chiến đấu. Dù trên vai rất nặng quân trang, lương thực, vũ khí. Nhưng ai ai cũng như đứng thẳng hơn,ngực như ưỡn ra làm căng hàng chữ thêu trên áo: Hồ Đăng Phú H² AT² ĐL C1 D1 E981 - QT Sau đó chúng tôi được hạ quân tư trang ngồi xuống,bắt đầu xem bộ phim: Bài Ca Tôi Không Quên. Trong phim có lồng bài hát cùng tên Bài Ca Tôi Không Quên, lời bài hát da diết hào hùng đưa chúng tôi vào trận.. Có một bài ca không bao giờ quên Là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên Có một bài ca không bao giờ quên Là lời mẹ ru con đêm đêm ...... Bộ phim vừa kết thúc thì từng đoàn xe zin 31 lầm lũi xuất hiện trong làn sương mù trắng đục. Những tốp lính của trung đoàn 982 Lê Lợi vào thế chỗ, chúng tôi lính trung đoàn 981 Quang trung lên những chiếc xe đó thẳng hướng cửa khẩu Thanh Thủy tiến tới. Đã gần 30 năm trôi đi, ký ức hào hùng một thời vẫn còn nguyên. Người trở về mỗi người một phương trời lặn lội trong đời thường, kiếm sống. Tóc đã bạc, dù cuộc sống còn vất vả khó khăn vẫn không nguôi nhớ về đồng đội, một thời trai trẻ mãi mãi không về, nhiều người vẫn còn lẩn khuất nơi rừng xanh như mới ngày nào đi làm nhiệm vụ, để người trở về vẫn còn cảm giác đứng chờ nơi tiền tiêu hay cửa mở..... đón bạn trở về hay hiệu lệnh tấn công.
  • Minh Đức
    5Thích  
    27/07/2013 16:09
    Xin cảm ơn báo Người Lao Động. Cảm ơn TBT Danh Phương. Tôi là chiến sỹ quân tình nguyện ở CPC từ năm 1978 đến 1988. Chúng tôi mỗi ngày nghe tin biên giới phía Bắc, Vị Xuyên, Xà Nu, ... với nỗi niềm của người lính chiến. Biết bao hy sinh, gian khổ phía trước. Biết bao hạnh phúc, niềm vui phía sau. Đó là thời kỳ vừa hoà bình, vừa chiến tranh. Vậy mà 27/7 năm nay trên các phương tiện truyền thông nhà nước vẫn chỉ nói gần 40 năm sau chiến tranh (chỉ tính từ 1975) sao không nói rõ mãi đến 1988 vẫn còn những trận đánh ác liệt ở biên giới và hải đảo. Cảm ơn báo Người Lao Động về 3 kỳ báo, giải tỏa nỗi lòng của bao chiến sỹ và gia đình của họ.
  • Nguyễn ngọc Khuê
    3Thích  
    27/07/2013 15:00
    Tại sao chúng ta không tổ chức một lể tưởng niệm như đã làm ở Khe Sanh để cả nước nhớ đến sự hy sinh cao cả mà thầm lặng của các anh..., làm đươc như thế làm ấm lòng các gia đinh có người thân ngã xuống và cũng để linh hồn các anh được siêu thoát...
  • Nguyên ngọc khuê
    3Thích  
    27/07/2013 14:47
    Taij sao chúng ta không tổ chức một buổi lể tưởng niệm như Tà Cơn Khe Sanh để cả nước nhớ đến sự hy sinh cao cả mà thầm lặng của các anh, làm như thế cũng mong linh hồn các anh được siêu thoát, gia đình các anh được ấm lòng...
  • Single Fìerfly
    5Thích  
    27/07/2013 14:20
    Đề nghị quyết liệt, triệt để truy thu thiền tham những của Vínahin để có kinh phí tìm hài cốt liệt sĩ hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên nói riêng và tại nhiều nơi khác nữa.
  • NGẬM NGÙI VỀ ĐỜI LÍNH D14, E4, F31, Q Đ3
    4Thích  
    27/07/2013 13:57
    Người lính đã ra trận thì có mấy ai được sống trở về, nỗi đau để lại cho người còn sống một phần thì nỗi đau cho người đã chết gấp nhiều phần. Tôi mong Đảng, Nhà nước hãy tạo lập Qũy để xây dựng các đền thờ tại các chiến trường có nhiều anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh, mời các nhà Ngoại cảm cùng các đoàn từ tâm ... để truy tìm hài cốt các anh Hùng Liệt sỹ hiện đang nằm đâu đó trong rừng, núi, sông, rach… trở về.
  • Việt Dũng Trần
    1Thích  
    27/07/2013 13:51
    Mong Bộ Quốc phòng và các cơ quan có tránh nhiệm nên cố gắng và nỗ lực để đưa được hết các phần mộ của các cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị 772 nói riêng và tất cả  cán bộ, chiến sĩ còn nằm lại trên biên giới phía bắc về quy tụ lại để các anh đỡ phải hiu quạnh. Những gia đình nào có người thân còn chưa được quy tụ về thì mới thấy trăn trở và day dứt như thế nào, cảm ơn báo Người Lao Động đã quan tâm và đưa tin vì tới ngày kỷ niệm 27.7
  • Hồ Văn Thiện
    2Thích  
    27/07/2013 13:14
    Thời kỳ đó tôi còn nhỏ nhưng thường xuyên theo dõi đài Tiếng nói Việt Nam. Thật là cuộc chiến đấu rất ác liệt. Xin thắp nén nhang cho hương hồn các anh hùng liệt sỹ nhân ngày 27/7. Hôm nay sống trong sung sướng mong mọi người hãy chung tay xây dựng đất nước, đừng có vì chức quyền vơ vét tham ô, lãng phí, để tiền mua thêm vũ khí phòng quân xâm lược!
  • nguyễn văn thao
    6Thích  
    27/07/2013 11:58
    tôi đọc bài viết này không khỏi bồi hồi xúc động, còn có người tri ân, nhớ tới các chiến sĩ sư đoàn 356 chiến đấu bảo vệ biên giới của tổ quốc hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên ngày đó. Tôi cũng lên thắp cho anh em nén tâm nhang năm ngoái ....không biết anh em E153 có ai còn nhớ tới nhau không? Tôi nguyên là đại đội phó C17 công binh E153.
  • kvn
    7Thích  
    27/07/2013 10:36
    Xin trân trọng cảm ơn bài viết của nhà báo Văn Duẩn, bài viết đã nói lên mọi sự thật mà lâu nay chưa báo báo nào nói đến. Chúng tôi, lớp lính TPYB (3/84-11/87) nói riêng, D3-E876-F356 nói chung thật sự rất xúc động. Mong muốn sau bài viết này sẽ còn nhiều bài viết khác nói về sự anh dũng hy sinh của các anh hùng liệt sỹ, đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân của mình vì đất nước. Để các thế hệ mãi mãi "Không thể lãng quên".
  • Lê Hoàng
    9Thích  
    27/07/2013 10:23
    Đọc loạt bài của tác giả Văn Duẩn bản thân tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động trước sự hy sinh anh dũng của quân và dân ta khi chiến đấu chống lại bọn xâm lược Bắc Kinh. Một thời gian dài những gì liên quan đến cuộc chiến với Trung Quốc như Chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979 hay sự kiện quân Trung Quốc giết hại 64 Cán bộ-Chiến sĩ của ta tại đảo Gạc Ma thuộc Quần đảo Trường Sa và chiếm 1 số đảo của Việt Nam để rồi có sự hiện diện của Trung Quốc ở Trường Sa mà trước đó không hề có. Thiết nghĩ cần có nhiều tác giả, nhiều bài báo hơn nữa quan tâm và viết về những sự kiện nói trên để độc giả và các thế hệ mai sau được biết về hy sinh-mất mát của Việt Nam trước sự bành trướng của Bắc Kinh. Một lần nữa xin cảm ơn tác giả Văn Duẩn và báo Người Lao động.
  • quê choa
    6Thích  
    27/07/2013 10:22
    khắc cốt ghi xương tội ác của bọn xâm lược
  • LÃ XUÂN NGỮ
    3Thích  
    27/07/2013 09:35
    Đến thời điểm này cả nước vẫn còn hàng trăm ngàn liệt sĩ trong chiến tranh vẫn chưa tìm thấy hài cốt, trong đó có 2 người Bác vợ của tôi. 27/7 xin gửi tới các anh ngã xuống vì Tổ Quốc lời tri ân và biết ơn sâu sắc nhất. Mọi người dân VN sẽ không bao giờ quên các anh.
  • Ams-Hanoi
    39Thích  
    27/07/2013 09:01
    Cơ số đạn gần hết, không kịp ngắm, chúng lên gần quá, phía sau, lũ dân binh hò hét điên cuồng. Súng bắn đỏ đầu nòng, cảm tưởng từng viên không kịp theo quỹ đạo, từng đụn thịt đổ vật ra sùi bọt mép. 3 thằng tôi trên 1chốt, vừa bắn, vừa toài người lấy những khẩu súng còn mới toanh, băng còn đầy ắp chưa kịp bắn của thằng Tàu non choẹt. Chốt vẫn vững vì pháo ta kịp chi viện. 3 thằng tôi, 1 thằng ở lại vĩnh viễn, 1 thằng về quê dạy học, còn tôi quay lại trường, nơi chắp cánh chúng tôi đi. Hôm nay ngồi một mình, mắt cay cay...
  • kyky
    15Thích  
    27/07/2013 08:58
    Anh nằm đó không hoa không nhang khói. Không mộ phần hay bia đá ghi tên. Đồng đội anh người nằm cạnh bên anh. Người thì mãi tìm anh trong nước mắt. Anh đã ngủ khi tuổi xuân phơi phới. Vì quê nhà anh cầm súng đứng lên. Để bảo vệ quê hương từng tấc đất. Anh không màng đến sinh tử cá nhân. Linh hồn anh có lẽ đã phiêu linh. Ở đâu đó trong cõi miền cực lạc. Vì anh đã sống như một anh hùng. Anh hy sinh để đất nước thanh bình. Người còn lại sẽ phải khắc tên anh. Lên bia đá nơi đỉnh đầu biên giới. Sẽ tìm anh để về với gia đình. Tổ quốc này mãi mãi nhớ ơn anh.
  • Trần Bình Trọng
    6Thích  
    27/07/2013 08:47
    Tục ngữ có câu " trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ", lịch sử oai hùng của Việt nam mãi trường tồn theo thời gian, không thể phai mờ sự thật khách quan.
  • Tùng
    6Thích  
    27/07/2013 07:59
    Có rất nhiều liệt sỹ hy sinh trên các cao điểm như 1509 nhưng có lẽ chúng ta khó có thể tìm lại được họ vì điều kiện quá khó khăn.
  • Vũ Tuấn
    13Thích  
    27/07/2013 07:44
    Nhân ngày 27/7 Tôi xin kính cẩn tưởng nhớ đến đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh chống quân xâm lược Trung quốc năm 1979. Cũng nhân ngày này tôi tưởng nhớ đến người bạn thân yêu của tôi anh là Đoàn Văn Phong, hy sinh ngày 10/05/1981 chống lại quan xâm lược Trung quốc. Anh ngã xuống khi tròn 27 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của tuổi trẻ. Thương nhớ anh tôi căm thù kẻ xâm lược, giá như không có cuộc xâm lược tàn bạo vô nhân đạo ấy, bạn tôi đã không phải ra đi quá sơm như vậy, anh sẽ trở thành nhà khoa học, hay một doanh nhân tài năng, vì khi còn đi học anh là một học sinh rất thông minh, anh học rất giỏi.
  • longthuoc(Trần Hữu Long)
    17Thích  
    27/07/2013 07:37
    30 năm/sự vô tình đã thành quên lãng/ 1. QUY TẬP CÁC LIỆT SỸ VỀ NGHĨA TRANG 2. VINH DANH CÁC ANH HÙNG LIỆT SỸ 3. SỬ SÁCH PHẢI GHI LẠI NHỮNG SỰ KIỆN ANH DŨNG NÀY.
  • Kiệt Ròm
    10Thích  
    27/07/2013 07:27
    ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ đã VỊ QUỐC VONG THÂN .
  • nguyễn văn tùng
    10Thích  
    27/07/2013 07:23
    Đọc bài rất cảm động, cám ơn tác giả cho tôi và các độc giả sống lại ngày tháng hào hùng của lịch sử dân tộc. Tuy VN và TQ đã khép lại quá khứ nhưng bài học về lịch sử năm nào và đặc biệt là những hình ảnh về nghĩa trang liệt sĩ, những ngôi mộ vô danh, những hài cốt chưa được tìm thấy... luôn là bài học đáng quý của chúng ta trong việc bảo vệ non sông ngày nay...
  • cua đồng
    16Thích  
    27/07/2013 06:05
    Súng đã ngắt không còn vang nơi biên giới/tuổi xế chiều vẫn lặn lội trèo non/Và đồng đội người còn người mất/các anh vì đất mẹ thiêng liêng. Bao nhiêu năm đã qua thời hào hùng khí thế năm ấy với lứa tổi chúng tôi không ai quên được. Giờ đọc bài báo viết về các anh, những người đã cầm súng chiến đấu chống quân TQ xâm lược. Nay người mất người còn nhưng vẫn âm thầm lặng lẽ và có người chưa tìm thấy xác. Phải vinh danh các anh mới là người con cháu bà Trưng bà Triệu, tri ân vẫn chưa đủ mà phải thành kính vì họ là những người con ưu tú của đất mẹ.
  • vothisau
    18Thích  
    27/07/2013 06:04
    Đọc xong 03 kì báo xúc động dâng trào. Thương tiếc cho các Anh, những người lính trẻ Anh hùng vì nước quên thân giữ yêu bình cho tổ quốc, 29 năm nay các anh không được vinh danh để mọi người biết đến.
  • CU COI
    15Thích  
    27/07/2013 02:45
    Thật xúc động, đau xót thay đã gần 30 năm rồi mà vì khó khăn ta chưa tìm được hài hài cốt các anh. Đề nghị các tổ chức đoàn thể, quân đội, doanh nghiệp, cá nhân trong cả nước mở cuộc vân động góp kinh phí để tìm hài cốt liệt sĩ hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên là việc làm cần thiết.
  • Hồ Đăng Phú
    22Thích  
    27/07/2013 01:04
    Không thể lãng quên! Quên làm sao được những đồng đội đã từng cùng nhau sát cánh, trong những giây phút hiểm nguy vẫn không một chút sợ hãi hay chùn bước. Pháo bầy dập xuống, người tiếp người vẫn tiến lên đầy quả cảm... Có những chiến sĩ tuổi vừa tròn 17, cái tuổi mà ở trong thời bình như thế việc phải làm quan trọng nhất là học để trưởng thành. Vào một buổi chiều muộn trời xám đục do mây phủ đeo bám kín mặt đất. Tôi đang ở ngoài hào nơi sát địch nhất, đang cố gắng quan sát sẵn sàng chiến đấu nếu địch lợi dụng sương mù tập kích vào trận địa của ta. Liên lạc dẫn lên một chú bé trắng trẻo nhỏ nhắn dáng rất thư sinh, cho dù cậu ấy mặc bộ quần áo lính mới chớm bạc màu. Nhưng tôi vẫn không thể tin được đó sẽ là một chiến binh, bảo chú bé vào hầm nghỉ và tôi lại tiếp tục công việc của mình, theo dõi động tĩnh của địch. Đến lượt làm nhiệm vụ của cậu ấy, tôi mới có điều kiện để hỏi han...
  • cong nhan
    15Thích  
    27/07/2013 00:53
    Các anh nằm xuống nhưng những linh hồn các anh vẫn cầm súng bảo vệ từng tấc đất quê hương, các anh luôn là trang sử máu cho đời đời con cháu tự hào noi theo.
  • Liem Tran
    17Thích  
    27/07/2013 00:27
    Xin gửi tặng hương hồn các anh vài dòng thơ Thanh Thủy: Súng rền vang vọng tiếng/Vị Xuyên rạng tỏa tiết hùng anh/Ra đi anh giữ từng tất đất/Tổ Quốc thân yêu mãi vững vàng/Chút nén nhang thơm lòng tri niệm/Trong lòng đất mẹ mãi còn anh.
  • Bùi Tuấn Chung
    27Thích  
    27/07/2013 00:12
    "Chiến đấu vì độc lập tự do" là bài hát do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác vào đêm ngày 17 tháng 2 năm 1979, khi nghe tin chiến tranh biên giới Việt-Trung bùng nổ vào sáng ngày hôm đó. Đây là bài hát mở đầu cho dòng nhạc "biên giới phía Bắc". Ca khúc này thường được gọi bằng cái tên không chính thức là "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới" - câu đầu tiên trong ca từ. Bài hát được phổ biến rất nhanh chóng. Dàn hợp xướng Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam thu thanh ngày 20 tháng 2. Ngày 9 tháng 3, bài hát được đăng trên báo Nhân Dân. Quân nhạc biểu diễn vào tháng 4. Theo lời kể của nhạc sĩ Phạm Tuyên, có nhà xuất bản muốn in bài hát này trong một tuyển tập ca khúc của thời kỳ nhưng đề nghị nhạc sĩ sửa lại một số từ trong lời bài hát. Ông không đồng ý và bài hát không được đưa vào tuyển tập. 
  • Ngo Ba Nghia
    23Thích  
    26/07/2013 23:52
    "Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia!"
  • Hoàng Tuấn
    24Thích  
    26/07/2013 23:38
    Tôi vẫn nhớ bản nhạc Bài Ca Tôi Không Quên vào những tháng ngày quân TQ xâm lăng nước ta, bài ca đã làm tôi xúc động từ thưở còn là thanh niên...
  • Lê Huy Dũng
    32Thích  
    26/07/2013 23:29
    cảm động trước sự hi sinh của các anh hùng liệt sỹ,căm thù quân xâm lược,muốn một phen sống mái với quân thù.

1 nhận xét:

  1. chúng tôi cũng là lính vị xuyên chỉ mong ai là đại biểu quốc hội thuộc lính vị xuyên hãy phát biểu để những người lính vị xuyên chống quân Trung Quốc xâm lược luôn được nhắc đến như là một bài học lịch sử để thế hệ sau này biết được cha ông ta luôn phải đối mặt với quân bành trướng Trung Quốc. Lính quân đoàn 3 sư đoàn 10 đoàn Đắc Tô tân cảnh. Tiểu đoàn 6 trung đoàn 24

    Trả lờiXóa