Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Đôi lời về việc Cụ Hồ đi tát nước chống hạn với dân

Đôi lời về việc Cụ Hồ đi tát nước chống hạn với dân
Gocomay - Từ chuyện bác Cả Trọng trồng cây thông già đầu xuân năm nay (Giáp Ngọ-2014) trên đồi thông xã Vật Lại huyện Ba Vì Hà Nội, cư dân mạng lại lôi cả chuyện Cụ Hồ đi tát nước chống hạn với dân.
Đêm qua tát nước đầu đình
Để quển chiếc áo trên cành hoa sen
Anh được thì cho em xin
Hay là anh để làm tin trong nhà?

Từ chuyện bác Cả Trọng trồng cây thông già đầu xuân năm nay (Giáp Ngọ-2014) trên đồi thông xã Vật Lại huyện Ba Vì Hà Nội, cư dân mạng lại lôi cả chuyện Cụ Hồ, cách đây 56 năm về tát nước chống hạn với dân ở huyện Thường Tín Hà Đông ra để phẩm bình. Những ý kiến nêu ra thật đa chiều đa dạng.

Cụ Hồ đi tát nước chống hạn với bà con nông dân 
Thường Tín Hà Đông ngày 12-1-1958 (Theo: TTO)

- Tôi xem tấm ảnh trên và nhận xét rằng, Bác Hồ của chúng ta đang tát nước bùn đen vào các chiến sĩ bộ đội tham gia giúp dân tát nước dọc sông Hòa Bình (theo báo Tuổi trẻ). Không nhẽ một vị lãnh tụ của nhân dân lao động lại có việc làm vô cảm như thế: Tát nước vào nhân dân?. Do đó lời giải thích đúng đắn nhất sẽ là: tấm hình ấy cũng chỉ là tư liệu ghi lại thời khắc Bác Hồ diễn kịch, nhưng vớ phải tay đạo diễn tồi. Vì từ xưa đến nay khi xem các hình ảnh của Bác Hồ thì ai ai cũng dành cho Bác sự kính trọng và tin Bác không diễn kịch hay dàn dựng nên không ai để ý sơ xuất này. (Trích: Dân bây giờ ghe gớm lắm – Kami)

Bức ảnh chưa được cắt cúp rõ cả mặt nước… (Ảnh: Internet)

- Trở lại ảnh Cụ Hồ khi tham gia tát nước chống hạn với bà con nông dân ở Thường Tín, Hà Đông ngày 12-1-1958. Chắc chắn đây là ảnh trung thực, không hề có sự bố trí, chuẩn bị hay đóng kịch.

Trong ảnh chắc chắn Cụ Hồ đang chỉ cho nhiều người hiểu rằng công việc tát nước không phải là dễ. Người cầm dây gầu phía đối diện, còn để tréo dây, tư thế tay và đứng như thế, làm sao múc được nước, mà vội suy luận “Tôi xem tấm ảnh trên và nhận xét rằng, Bác Hồ của chúng ta đang tát nước bùn đen vào các chiễn sĩ bộ đội tham gia giúp dân tát nước dọc sông Hòa Bình “.

Bạn đọc lưu ý, trong ảnh trên, phần mương khá rộng, đủ để biết là cái sòng cụ đang lấy nước vào gầu là có nước chứ không phải bùn. Không hiểu do vô tình hay cố ý, người ta đăng ảnh trên các báo lại cắt mất phần mương đầy nước, gây cho người xem có cảm giác cụ đang tát bùn.


Để cho hết nhẽ, nhà cháu theo đường chỉ dẫn tìm coi bằng được cái bài đăng trên Báo Tuổi Trẻ – Từ buổi Bác về tát nước. Bài báo xuất bản vào ngày 15/10/2008 06:07 (GMT + 7). Trong đó viết, xin trích:

- Lúc ấy các thôn đã cấy sắp xong. Riêng Tả Thanh Oai diện tích bị hạn nặng hơn, tập trung vào 50 mẫu Bắc bộ ở cánh đồng Quai Chảo. Thanh niên, bà con tát nước dọc bờ sông Lán; bộ đội về giúp dân tát nước dọc sông Hòa Bình. Khoảng 8 giờ sáng 12-1-1958, khi bà con đang tát nước thì một cụ già vận đồ kaki trắng, đội mũ kết, chân đi dép cao su, xắn quần ngang gối bước tới.

Mọi người ngạc nhiên, mắt hướng về phía cụ. “Bác Hồ! Bác Hồ!” – bà con, thanh niên trong thôn nhận ra Bác reo lên vui sướng. Bác không vào ủy ban xã mà xắn cao quần, tự tay xách dép đi thẳng ra cánh đồng Quai Chảo. Mọi người đề nghị lấy đất khô rải đường cho đỡ trơn để Bác đi. Bác không đồng ý mà nhanh nhẹn lội luôn xuống ruộng.

Khi đến tàu tát gàu giai của cụ Ngô Văn Lan, Bác nói cụ Lan tạm nghỉ để Bác tát. Người nói: “Tôi tuy xa công việc nhà nông mấy chục năm nay nhưng tát nước thì vẫn nhớ”. Một số đồng chí muốn được cùng tát đôi với Bác, nhưng Người đã đề nghị một đồng chí lãnh đạo của Hà Đông có mặt lúc ấy tát cùng. Thấy đồng chí này có vẻ lóng ngóng, Bác hướng dẫn: “Phải kéo bằng dây trên, đổ bằng dây dưới”. Trong tư thế vững chãi của người tát gàu giai có kinh nghiệm, Bác thả gàu vục nước đổ nước một cách thuần thục không khác một nhà nông.

(hết trích)

Như vậy, việc Cụ Hồ xuống đồng tát nước làm vụ lúa Chiêm với dân là hoàn toàn có thật. Các thao tác của ông Cụ như thế đứng, cách cầm dây gàu (cùng với ngoại hình như chân đất, quần Tây xắn lưng ống quyển…) là hoàn toàn tự nhiên và giống hệt người nông dân thực thụ.

Cái phản cảm ở đây là tay phó nháy, đã không am hiểu nhiều đến công việc đồng áng đã làm hại ông Cụ. Khiến cho câu hỏi của tay Facebooker nào đó: Bác Hồ đang tát nước vào ai? cứ như mũi kim xoáy vào tâm những ai đang quan sát sự kiện này. Như bức ảnh đăng tải (trên tờ Tuổi Trẻ hay trên Internet) thì với gần bốn chục cả người lớn lẫn trẻ con (chưa kể những người đứng bị khuất) dày đặc vây kín cái đầu gàu, nơi ông Cụ đang “tác nghiệp”, thì có tài thánh Cụ cũng không thể đổ nước đi đâu, khi gàu nước đầy được kéo lên đã căng (dây) hết đà?

Chả nhẽ ”Bác thả gàu vục nước đổ nước một cách thuần thục không khác một nhà nông” (lời tường thuật), đem so với ngữ cảnh (bức ảnh) ấy, tránh sao khỏi có người bị ướt như chuột lột bởi chiếc gàu “thuần thục” của Bác?

Điều sơ hở này, nếu như trước đây, không ai (dù có biết) dám nói, vì ngại “dìm hàng” lãnh tụ tối cao. Thì nay, khi những cấm kỵ bớt đi, người ta mạnh dạn nêu câu hỏi, thiết nghĩ cũng là chuyện bình thường. Tiếng nói phản biện có lý có tình sẽ làm cho các nhà truyền thông sẽ khắc phục được những non kém (ấu trĩ) về nghề để trở thành chuyên nghiệp hơn.

Tát nước chống úng bằng gàu sòng (Ảnh TL)

Là con một nông dân chính hiệu, nhà cháu cũng không xa lạ với cảnh (và cả trực tiếp tham gia) tát nước. Tát nước (tưới hay chống úng) cho lúa, khoai tây, lạc đỗ đã đành. Còn tát chuôm ao thu hoạch cá ăn tết nữa. Nhà nông chuyên nghiệp trước khi đi tát nước ở đâu đã biết phải dùng loại gàu nào. Gàu giai (hai người một gàu) là tát nước ở độ chênh cao hơn gàu sòng (một người một gàu). 

Bảo rằng tát gàu sòng nhàn hơn gàu giai chưa hẳn đúng. Tát gàu sòng thường phải ngâm chân trong bùn, trong nước. Gặp hôm trời rét ngâm cả ngày cũng oải lắm chứ chả chơi. Tát gàu giai mà gặp cái đầu gàu thành vại cao ngất, khiến tay luôn phải hất lên ở góc độ gần 90° thì cũng “phê” vì mỏi lắm chứ bộ. Người nông dân tát nước ít khi đếm gàu. Chỉ biết nhẫn nại tát cho tới khi mức nước ở ruộng đã đạt (theo yêu cầu). Chứ ít ai đếm số gàu cần phải tát bao giờ. Những người chăm đếm gàu là đám trẻ con đang tập tát nước mới thế.


Nhà cháu đã từng được tát những chiếc gàu giai có thâm niên lâu đời. Bởi nó được đan bằng những cật tre già, được gác bếp kỹ để chống mối mọt. Dây gàu có thể phải thay nhiều lần chứ những chiếc gàu được giữ gìn bảo quản tốt thì khá bền. Nhất là có những suốt tay nắm bằng xương hay sừng cứ nhẵn bóng theo thời gian, khiến ta có cảm giác thật thú vị mỗi khi được cầm nắm trong tay…

Những cảnh tát nước đêm trăng trên cánh đồng hay nơi chốn nên thơ (tức cảnh sinh tình như đình chùa tôn miếu cổ kính ở làng quê) đã đi vào ca dao với nhiều áng văn trác tuyệt mà khó có công việc nhà nông nào lại sánh kịp!

Hôm qua tát nước đầu đình
Để quên chiếc áo trên cành hoa sen
Anh được thì cho em xin
Hay là anh để làm tin trong nhà?

Hoặc:

Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?

Thời nay, điện khí hóa nông thôn. Máy bơm nước đã thay cho sức người, nên gàu giai và gàu sòng đã đi vào dĩ vãng. Tết trồng cây cũng vậy. Tấc đất tấc vàng, ở nông thôn ven đô ngày nay có ai còn thiết tha gì tới “Tết trồng cây nhớ ơn (làm theo lời) Bác” nữa.

Đó là một thực tế đau lòng. Cây xanh là rất cần cho môi trường sống của con người. Nhưng vì lợi ích trước mắt, người ta đã quên (hay không chú ý đúng mức) qui hoạch cây xanh. Cả diện tích mặt nước (hồ ao sông ngòi tự nhiên) cũng vậy. Tất cả được san lấp hay xả nước thải chưa qua xử lý thật bừa bãi. Đó chính là lý do tỷ lệ bệnh ung thư và các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa… ngày càng cao. Ai là người phải chịu trách nhiệm? Mỗi người nên tự vấn lại bản mình!

Việc hai bác Cả (bác Phú Trọng và Quang Nghị) đầu xuân, lên ngọn đồi Đồng Váng lịch sử để phát động phong trào “Tết trồng cây…” là điều rất có ý nghĩa. Nhưng cách làm (trồng một cây thông già) như vậy là phản cảm. Nên có người cho là “nhạo báng Cụ Hồ” thì hơi nặng. Nhưng nếu ai đã thấy ông Tập Cận Bình bên Trung Hoa đã đầu têu trồng một cây to (cây phong già?) thì mới hiểu được cái lý trồng cái cây thông già năm nay của hai bác Cả nhà ta chăng?

TBT Nguyễn Phú Trọng trồng cây tại đồi Đồng Váng,
thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì. (Ảnh: Hà Nội Mới)

TBT Tập Cận Bình trồng cây to như TBT Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh Inter.)

Các chính khách họp Thượng đỉnh G8, tháng 7-2008 tại 
Tokyo cũng bắt chước chính khách ta trồng cây… (Ảnh Inter.)

(lời bác Cả Trọng tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc… tại Hà Nội ngày 27 tháng 02 năm 2012).

Trở lại hình ảnh Cụ Hồ đi tát nước chống hạn với bà con nông dân Thường Tín Hà Đông ngày 12-1-1958, dù ai có nguỵ biện giỏi tới đâu cũng không thể thuyết phục được những độc giả thông minh và có cái nhìn khách quan như thượng dẫn đã phân tích. Đó chính là hạn chế, là sự ”phản tuyên truyền” của thông tin áp đặt mà báo chí “định hướng” xứ ta đã và đang lâm vào.

Thay cho lời kết xin chép lại lời của danh sỹ Lục Tài-Tử, thời Xuân Thu đã nói:
Nuốt được cái cay đắng trong cái cay đắng mới làm được hạng người trên loài người.

Mong các thế hệ hậu sinh hiểu thấu ý của người xưa!


http://gocomay.wordpress.com/2014/02/09/815-doi-loi-ve-chuyen-cu-ho-di-tat-nuoc-chong-han-voi-dan/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét