Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Vợ Mao: "Tôi tuy thân ở Bắc Kinh, nhưng lòng ở Nam Hải"

Hải chiến Hoàng Sa và Trung Quốc năm 1974
Lê Mai: Chỉ hơn một tuần sau trận hải chiến Hoàng Sa kết thúc, Giang Thanh gửi thư cho Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Trần Tích Liên…đồng thời yêu cầu họ chuyển lời đến Hứa Thế Hữu, Triệu Tử Dương, trong thư nhấn mạnh:
Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình
“Hãy thay mặt tôi gửi lời chúc mừng năm mới của giai cấp vô sản cách mạng tới toàn thể quân dân khu quân sự Quảng Châu, đảo Hải Nam, quần đảo Tây Sa. Tôi tuy thân ở Bắc Kinh, nhưng lòng ở Nam Hải, tuy không ở bên cạnh cùng các đồng chí chuẩn bị chiến đấu, nhưng về tư tưởng và chính trị thì tôi đang tiến hành cuộc đại đấu tranh này”.

Giang Thanh là ai, lấy tư cách gì mà gửi thư dạy dỗ quân đội, ngay khi Mao đang còn đó? Lại còn ví von “thân ở Bắc Kinh, lòng ở Nam Hải”, ngang ngược coi quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) vừa mới cướp được là lãnh thổ TQ, đòi “đại đấu tranh”? Chẳng qua Giang Thanh là vợ Mao Trạch Đông và những lời bà ta phát ra là của Mao đó thôi. “Tôi chỉ là con chó của Mao Chủ tịch. Chủ tịch bảo cắn ai thì tôi cắn người đó” – Giang nói.

Cho nên, điều rất rõ ràng, Mao là người quyết định cuộc xâm chiếm Hoàng Sa.

Năm 1974 – cách đây đúng 40 năm, là một năm rất đặc biệt đối với TQ. Cuộc cách mạng văn hóa do Mao phát động đã được 8 năm mà hậu quả đã làm đất cho nước TQ tiêu điều, kiệt quệ. Mao thấy cần đưa ra chiêu bài “ổn định, đoàn kết”. Đây là một thuận lợi cho phái “nguyên lão” trong cuộc đấu tranh giành quyền lực hết sức quyết liệt với phái “văn cách” nổi lên trong cách mạng văn hóa. Mao là ông hoàng, lãnh tụ tối cao, lợi dụng cả hai phái. Cả hai phái đều thống nhất với nhau một điểm xuyên suốt, đó là tư tưởng bành trướng đại Hán tộc – một tư tưởng phong kiến đã tồn tại hàng ngàn năm ở TQ. Và TQ cũng rất thành thạo trong việc lấy sự kiện bên ngoài để giải quyết mâu thuẫn bên trong. Chính trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm 1974, TQ đột ngột tung ra cuộc tấn công, tiến chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của VN – bấy giờ đang do chính quyền VNCH quản lý.

Ba nhân vật chóp bu của phái “nguyên lão” là Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình trực tiếp bố trí hành động quân sự đánh chiếm Hoàng Sa.

Mặc dù là Thủ tướng, song Chu Ân Lai là người am hiểu quân sự, được các tướng lĩnh TQ nể trọng, ông ta từng là Trưởng ban quân sự của Đảng trước khi Mao giành được quyền lãnh đạo. 

Chu chính là người vạch ra nguyên tắc tác chiến cho quân đội TQ tại chiến trường Triều Tiên: “Tập trung ưu thế tuyệt đối về binh lực và hỏa lực, bao vậy tiêu diệt một thiểu số quân địch đã bị chia cắt, từng bước làm suy yếu quân địch để có lợi cho tác chiến lâu dài”, được Mao và Quân ủy Trung ương phê chuẩn. 

Xét cho cùng, nguyên tắc tác chiến đó là nguyên tắc tác chiến “biển người”. Nguyên tắc tác chiến đó lại tiếp tục thể hiện trong trận hải chiến Hoàng Sa và cuộc chiến biên giới Trung – Việt năm 1979. Chu giám sát toàn bộ phương án tác chiến Hoàng Sa và là người trực tiếp báo cáo tình hình với Mao, đồng thời đích thân xử lý các vấn đề về đối ngoại.

Trong khi TQ dàn trận khiêu khích hải quân VNCH tại khu vực Hoàng Sa, Chu lập tức bàn bạc đối sách với Diệp Kiếm Anh, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương; báo cáo sau khi được Mao phê chuẩn, Diệp liền nhanh chóng triệu tập Đặng Tiểu Bình, người vừa mới được khôi phục công tác, bắt tay vào việc bố trí hành động quân sự đánh chiếm Hoàng Sa.

Sau trận hải chiến Hoàng Sa, Giang Thanh muốn nhảy vào quân đội. Bà ta liên tục gửi thư cho quân đội huấn thị. Bà ta nói với Chu Ân Lai, Thủ tướng có nhớ không, thời kỳ chiến sự ác liệt ở vùng Đông Bắc, tôi ở bên cạnh Mao chủ tịch giúp người chỉ huy mấy chiến dịch lớn đấy chứ? Bà ta lại nói, có người cho rằng tôi chỉ làm văn nghệ, thực ra tôi là nhà chính trị. Thời gian tôi làm văn nghệ chẳng qua chỉ dăm ba năm, còn thời gian làm công tác chính trị, quân sự cùng Mao chủ tịch dài gấp mấy lần. Anh bảo tôi không làm nổi việc lãnh đạo quân đội hay sao?

Chu đáp: Chị muốn đảm nhiệm chức vụ gì tôi cũng đồng ý, song cái đó còn tùy quyết định của Mao chủ tịch. Bất kỳ người ra quyết định nào, tôi cũng kiên quyết chấp hành. Sao, chị có cần tôi báo cáo ý kiến của chị lên Mao chủ tịch?

Chu khéo léo nói chuyện với Mao, đồng chí Giang Thanh trong cách mạng văn hóa có công lao mang tính quyết định. Tôi tính vào thời điểm thích hợp sẽ để đồng chí Giang Thanh làm Phó Chủ tịch Đảng hoặc Thường vụ Bộ chính trị một cách danh chính ngôn thuận. Đồng chí Giang Thanh cũng khỏi cần đi sắp đặt chỗ này chỗ nọ.

Mao ngạc nhiên: “Sắp đặt cái gì, sao tôi không biết nhỉ?”

Chu thẳng thắn: “Có người nói thẳng rằng đồng chí Giang Thanh đang muốn trở thành Võ Tắc Thiên đương đại. Công lao của đồng chí Giang Thanh há thua gì Lã Hậu?”

Mao thấp giọng: “Chỉ cần tôi còn một hơi thở, Giang Thanh cũng quyết không trở thành Võ Tắc Thiên”.

Thế nhưng, trò đánh lừa của Mao, rút cuộc đã bị lịch sử vượt qua.

Kinh nghiệm và nghệ thuật đấu tranh chính trị của Giang Thanh không thể so sánh với Chu Ân Lai.

Một lần, Chu trao đổi với Đặng: “Nếu Gia Cát Lượng sử dụng cái kế “bỏ trống thành” lần thứ hai, chắc chắn ông ta sẽ bị bắt. Dĩ nhiên, ông ta sẽ không làm như vậy. Song, tôi phát hiện, Giang Thanh cứ lặp đi lặp lại mãi cùng một sách lược, điều này đối với bà ta chẳng có gì là hay ho”.

Đặng nói: “Thưa Thủ tướng, Giang Thanh thuộc quyền quản lý của đồng chí, lại không chịu nghe lời của đồng chí. Mao chủ tịch còn sống thì chẳng ai làm gì được mụ ta, nhưng khi Mao chủ tịch trăm tuổi, thì sao đây?”.

“Giang Thanh sẽ làm Chủ tịch Đảng cũng nên” – Chu Ân Lai gần như buột miệng.

“Thật ư” – Đặng ngớ người, choáng váng.

“Chẳng lẽ anh không hy vọng ở TQ sẽ xuất hiện một Võ Tắc Thiên hay sao? Ít ra đó cũng là một kỳ tích của TQ”.

“Thế thì hỏng. Tôi dù bị đánh đổ một lần nữa, cũng sẽ không phục vụ một chính quyền như vậy. Thưa Thủ tướng, có phải Mao chủ tịch bắn tin cho đồng chí hay không?”.

“Là tôi đoán vậy thôi. Giang Thanh không có cái tài của Võ Tắc Thiên. Trong hoàn cảnh lịch sử này của TQ, nếu Mao chủ tịch để cho Giang Thanh đảm nhiệm chức vụ của người thì sẽ làm trò cười cho thiên hạ”.

Đặng tiếp tục hỏi Chu về sức khỏe của Mao, Chu trả lời là không được rõ. Mao dấu rất kỹ bệnh tình của mình, không cho các bác sỹ khám toàn diện nên mỗi người chỉ biết một chút. Từ đầu năm 1974, mắt của Mao đã mờ, chỉ nhìn thấy một màng trắng nhờ nhờ. Đó là sự thoái hóa hoàn toàn do tuổi già, song không đều ở hai mắt. Giang dặn: “Phải tuyệt đối giữ bí mật, ai tiết lộ sẽ nghiêm trị”. Tuy vậy, Mao vẫn tiếp tục ngồi trong lều liệu việc ngoài ngàn dặm.

Trong khi đó, Giang Thanh hoạt động rất mạnh, tìm cách bố trí nội các. Bà ta muốn Vương Hồng Văn làm Chủ tịch Quốc hội, Trương Xuân Kiều làm Tổng tham mưu trưởng hoặc Phó Thủ tướng thứ nhất. Dĩ nhiên, bà ta dành cho mình chức Chủ tịch Đảng.

Diệp Kiếm Anh nói với Chu Ân Lai, mụ Giang Thanh này to gan lắm, cứ như một bà hoàng, chỗ nào cũng phân phát tài liệu. Nghe đồn Mao chủ tịch thường ca ngợi Võ Tắc Thiên, rằng hy vọng thời đại xã hội chủ nghĩa chúng ta xuất hiện nhân vật như Võ Tắc Thiên, vấn đề thiếu hụt cán bộ nữ sẽ được giải quyết trong vài năm. Xem chừng, Mao chủ tịch định giao phó chính quyền vào tay Giang Thanh rồi đó?

Nhằm tranh thủ Mao, Chu Ân Lai lúc này đành ôm bệnh đi Trường Sa báo cáo với Mao dự định sắp xếp nhân sự, phá tan kế hoạch nội các của Giang Thanh. Đặng được Mao trọng dụng: Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Tổng tham mưu trưởng. Diệp phụ trách quân ủy. Chu vẫn là Thủ tướng.

Năm 1974, quan hệ Trung – Mỹ tiếp tục có những bước tiến quan trọng. Hoa Kỳ và TQ trao đổi rất nhiều thông tin tình báo. Đặng đi thăm Mỹ, dự phiên họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Đây là lần đầu tiên ông ta xuất hiện ở Mỹ. 
Ngày 10.4.1974, trong một buổi diễn thuyết gay gắt, Đặng trình bày thuyết “ba thế giới” của Mao. Ông ta lên án Liên Xô là “điển hình của hung ác”, kêu gọi chống bá quyền và đấu tranh giải phóng. 

Kissiger có cuộc gặp gỡ không chính thức với Đặng. Kissiger cho rằng “Đặng không am hiểu lịch sử bằng Chu, thiếu kỹ năng thuần thục trong các cuộc diễn thuyết ngoại giao. Nhưng Đặng có phong cách cá nhân của một tiền vệ pha chút chua ngoa”.

Đặng Tiểu Bình là con người rất khinh người và đầy cuồng vọng. Các cuộc đấu đá nội bộ TQ năm 1974 có vẻ nghiêng về phe “nguyên lão”. Nhưng, năm 1974 và lịch sử cho thấy các cuộc đấu đá nội bộ ở TQ sẽ không bao giờ chấm dứt.

… Bốn thập kỷ đã trôi qua. Thời gian càng lùi xa, trận hải chiến Hoàng Sa càng trở thành một biểu tượng. Chừng nào còn nhắc đến Hoàng Sa, chừng đó Hoàng Sa vẫn thuộc về chúng ta.

http://lemaiblog.wordpress.com/2014/01/11/hai-chien-hoang-sa-va-trung-quoc-nam-1974/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét