Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Trái tim em trong ba lô

Trái tim em trong ba lô
HOÀI HƯƠNG: Tháng 5/1977, 18 tuổi, vừa thi tốt nghiệp lớp 12, tôi lén ba mẹ lên phường đội đăng ký nghĩa vụ quân sự. Một lý do đơn giản để giải thích, vào thời điểm đó, tôi, con nhà lính, cả ba và mẹ đều là quân nhân, tuy là phận gái nhưng không thể làm ngơ khi cuộc chiến biên giới Tây Nam nổ ra.
Tháng 5/1977, 18 tuổi, vừa thi tốt nghiệp lớp 12, tôi lén ba mẹ lên phường đội đăng ký nghĩa vụ quân sự. Một lý do đơn giản để giải thích, vào thời điểm đó, tôi, con nhà lính, cả ba và mẹ đều là quân nhân, tuy là phận gái nhưng không thể làm ngơ khi cuộc chiến biên giới Tây Nam nổ ra.
Cứ nghĩ rằng sẽ như ba, mẹ mình ngày xưa được ra thẳng biên giới chiến đấu, lòng vòng hay một “zích zắc” thế nào đó, sau đợt huấn luyện ở quân trường Quang Trung, tôi được điều về Cục Chính trị Quân khu 7, công tác tại Phòng Tuyên huấn…

Cuối năm 1978, chiến sự biên giới Tây Nam đã vào hồi quyết liệt, quân tình nguyện Việt Nam đã vượt sang biên giới, đánh sâu vào đất Campuchia, thực hiện nghĩa vụ quốc tế, giải phóng người dân xứ Chùa Tháp khỏi thảm họa diệt chủng của KhMer Đỏ. Tôi cũng được đi theo một nhóm văn công xung kích của Quân khu 7, gồm 2 nữ và 4 nam, tất cả 7 người, phục vụ các chiến sĩ ở Sư đoàn 5, Mặt trận 479.

Nhóm của chúng tôi, mang danh là văn nghệ xung kích nhưng chỉ biểu diễn phía sau, không trực diện với trận chiến. Tuy nhiên, ngoài một số nhạc cụ như đàn guitar, kèn harmonica, phong cầm, chúng tôi còn được trang bị đầy đủ vũ khí, quân trang, quân dụng như một chiến sĩ bộ binh thực sự, vì trên đường biểu diễn, có thể gặp tàn quân KhMer Đỏ. May mắn là chúng tôi được cấp AK báng gấp khá nhẹ, một số vật dụng cá nhân như tăng, võng, mùng, mền… đều là chiến lợi phẩm của thời chiến tranh chống Mỹ để lại, nên đỡ nặng chút ít, và may mắn hơn nữa, trong nhóm công tác có hai anh đội nhạc là “Giải phóng quân” thời chống Mỹ. Các anh đã dạy chúng tôi cách thắt nút buộc dây võng chắc chắn nằm không đứt hay tuột, nhưng khi cần chỉ nháy mắt là tháo dây xếp võng trong vòng 1 phút, rồi cách bỏ mùng ém sao cho muỗi không vào, nhưng có động sẽ nhảy ra khỏi mùng chỉ trong tích tắc, các anh còn chỉ cho cách buộc tăng che mưa sao không ướt võng, cách để súng trong võng như thế nào để nằm không bị cấn, khi gặp chuyện không xoay trở vẫn có thể bắn ngay mục tiêu. Đó là chuyện ngủ, còn chuyện ăn cũng được truyền kinh nghiệm, từ cách nấu nước bằng hăng-gô treo trên vài thanh cây đến cách đun lửa không khói, cách nướng khoai mì, khoai lang trực tiếp trên lửa không bị khét. Đó là những trải nghiệm đầu tiên trước khi bước vào một chuyến đi không biết điều gì sẽ đến với mình, nhưng nhiều háo hức và hồi hộp, bởi tôi đã được tham gia vào trận chiến biên giới Tây Nam thực sự, chứ không phải chỉ ngồi xem, và tổng kết báo cáo từ các đơn vị ngoài mặt trận chuyển về.

Đêm đầu tiên ở cửa khẩu Cà Tum nhóm chúng tôi đã có một cuộc biểu diễn ngoài chương trình cho mấy cô thanh niên xung phong và bộ đội xem. Những anh bộ đội xem chúng tôi biểu diễn đêm ấy nằm ngay ngắn và im lặng trên thùng của mấy chiếc xe tải. Mỗi người đều được bọc trong một tấm pông-sô đen. Họ đã hy sinh vì bị tập kích bất ngờ trong cuộc chiến ở Kratie. Rất nhiều bộ đội của ta thiệt mạng. Không hiểu sao lúc đó, tôi không sợ, mà chỉ thấy tim mình thắt nhói một nỗi đau. Tôi đã bắt đầu chạm vào cuộc chiến mà sự mất mát hy sinh đã thấy hiện trước mắt, dù chưa nghe tiếng đạn nổ, chưa ngửi thấy mùi thuốc súng.

Trèo lên cabin một chiếc xe sáng lờ mờ ánh đèn, tôi bắt gặp cô thanh niên xung phong có lẽ hơn tôi vài tuổi đang ngồi sau tay lái, lật giở cuốn sổ tay, nước mắt rơi từng giọt xuống trang giấy. Ngước mắt nhìn tôi, chị nói giọng nghẹn lại:

- Anh ấy là bạn cùng xóm, học trên một lớp, hay bày trò nghịch rắn mắt trêu chọc mọi người. Bữa nay đi nhận tử sĩ, nhìn trong danh sách thấy tên ảnh mà không tin. Mở ba lô di vật thấy cuốn sổ tay này. Dè đâu ảnh thương mình hồi nào hổng biết. Em đọc đi…

Nét chữ viết bằng bút bic mực màu tím, cứng nhưng tròn trịa trên trang giấy không kẻ hàng nhưng khá thẳng. Anh đã đánh gần tới PhNom Penh, đã thấy những bức tượng vũ nữ Apsara, nhưng sao anh nhớ đến em, cô bé hàng xóm… Anh đã mang em theo vào hành trang lính của anh…. Kế bên những dòng nhật ký đó là lời ca khúc Trái tim em trong ba lô của nhạc sĩ Tăng Minh Thành rất thịnh hành vào khi ấy. Chào tạm biệt quê hương, lên đường ra biên giới/ Ba lô anh mang trên vai, mang trái tim em đi cùng…

Bỗng nhiên như có luồng điện chạy dọc sống lưng, cả tôi và chị thanh niên xung phong cùng nhìn nhau rất nhanh và hướng ra bên ngoài. Trên vạt đất trống cạnh đó, Kim Lan giọng alto nữ đang hòa với Hoàng Vĩnh giọng teno nam trong tiếng đàn guitar của anh Liêm “Giải phóng quân” lời ca khúc Trái tim em trong ba lô. Bất giác, tôi nhìn qua cửa kính từ cabin vào thùng xe, hình như các anh đang động đậy. Nhảy ra khỏi xe, tôi vội xin nắm nhang cắm xung quanh chỗ các anh nằm…

Suốt chặng đường từ Cà Tum sang đất Campuchia, hành quân cùng một số đơn vị chiến đấu của F5, theo đường 1 qua tỉnh Svay Rieng, nhắm bến phà chiến lược Neak Luong, chúng tôi hướng tới PhNom Penh. Vừa đi vừa diễn, bất kể ở đâu, vào thời gian nào, không chỉ cho chiến sĩ mình mà cho cả đồng bào Campuchia vừa được giải thoát khỏi họa diệt chủng. Cả tuần lễ liền gần như nhóm chúng tôi chưa gặp phải chuyện gì nghiêm trọng. Thế tiến công của bộ đội tình nguyện Việt Nam đang hợp lực thắt gọng kìm vào PhNom Penh làm tê liệt sức kháng cự của bọn lính Pol Pot. Nhóm chúng tôi theo sát một đơn vị chiến đấu, được các chiến sĩ bảo vệ khá an toàn, súng đạn mang theo vẫn chưa có dịp phải sử dụng đến. 

Thú vị nhất, và cũng làm tôi ngạc nhiên là nhóm văn nghệ xung kích này biết hát rất nhiều bài dân ca của nước bạn bằng tiếng KhMer, rồi còn múa lăm-thôn rất nhuyễn, gây cảm tình với đồng bào các phum, sóc mới giải phóng. Hóa ra, trong nhóm ngoài anh Liêm guitar còn anh Sáu phong cầm từng là Việt kiều Campuchia thời trước, nhóm đã có kế hoạch và học rất nhiều bài dân ca truyền thống, cũng như phong tục của người KhMer trước khi lên đường để không chỉ là biểu diễn cho bộ đội mình mà còn làm công tác “dân vận” khi cần thiết.

Đêm bên này bến phà Neak Luong đợi qua sông cũng là một đêm không ngủ với rất nhiều tâm trạng. Không phải cái chộn rộn của không khí cuộc chiến với những đoàn quân qua sông, chuẩn bị đánh chiếm giải phóng PhNom Penh. Không phải tiếng súng đạn nổ lúc thưa lúc dày phía bên kia sông khuấy động cả bến phà, và ai cũng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Cách Việt Nam không xa, chưa đầy 300km, nhưng cảm giác sao xa quá, cũng chỉ mới 2 tuần lễ, nhưng thời gian thấy thật dài. Tôi đã không biết bao nhiêu lần rơi nước mắt khi thấy những chuyến xe chở tử sĩ ngược đường hành quân trở về Việt Nam như một đoàn quân im lặng, rồi những chuyến xe chở thương binh nữa, toàn trai trẻ, chừng 18, 20 cùng những đôi mắt buồn rười rượi...

Nhóm văn nghệ xung kích chúng tôi cũng tranh thủ thời gian tổ chức ngay một buổi biểu diễn văn nghệ dã chiến. Chỉ cần vài phút chuẩn bị vì có cần gì phông màn sân khấu, có cần gì trang điểm son phấn… Chúng tôi tiễn các đoàn quân qua sông bằng các ca khúc của quê hương, của người thân, để họ mang theo tình yêu vào trận chiến. Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Rừng gọi, Hãy yên lòng mẹ ơi, Tiếng đàn guitar của Đại đội 3, Đồng đội, Trái tim em trong ba lô… lần lượt được cất lên.

Trái tim em trong ba lô có lẽ là ca khúc được hát đi hát lại nhiều lần nhất. Đêm trên bến phà Neak Luong, hai giọng ca Kim Lan, Hoàng Vĩnh hát bài này đến 6 lần, vì mỗi đoàn quân đi qua, lại có lời yêu cầu. Duy có đoàn xe tăng hành quân đi qua, vị chỉ huy tóc đã bạc, nói giọng Hà Nội, dè dặt đề nghị:

- Có thể cho tôi nghe một ca khúc Nga?

Không phải đợi lâu, anh Sáu phong cầm kéo đàn bài Kachiusa, Hạ Châu giọng soprano và Kim Lan cùng cất giọng: Này hỡi chim nhắn cho ta mấy câu về phương trời. Đến tai người yêu, rằng ta nhớ nhung đêm ngày. Không hỏi, nhưng tôi nghĩ, có lẽ vị chỉ huy xe tăng này từng là “Giải phóng quân” thời chống Mỹ, đã từng có kỷ niệm về nước Nga xa xôi. Tôi quay sang nói với anh Sáu:

- Anh cho nghe thêm Bài ca người lính lấy khí thế đi anh Sáu!

Đường dài hành quân xa/ Đi khắp non sông nhà/ Ngày ngày quàng trên vai/ Ba lô và cây súng/ Chân băng qua gió mưa/ Đầu đội trời sao thưa/ Thân băng qua thép gai/ Vượt làn đạn mưa bay/ Ôi tim ta bốc cao lửa thiêng anh hùng… Không phải một giọng ca, mà tất cả chúng tôi cùng hòa giọng, bùng lên một khúc tráng ca tiễn chân các đoàn quân chuẩn bị vào trận chiến đấu bên kia sông.

Một ánh mắt ngoái nhìn da diết từ tháp pháo chiếc tăng M113 thay lời cảm ơn của vị chỉ huy.

Rồi chúng tôi cũng qua sông, đi cùng các đoàn quân. Chỉ còn một tiểu đội đi cùng. Chúng tôi phải tách ra, lùi lại ở một phum cách khá xa PhNom Penh. Cuộc chiến phía trước báo hiệu rất nhiều cam go. Phum chúng tôi tạm dừng gần tỉnh Prey Veng đã được giải phóng. Dân lác đác có vài người trôi dạt từ nơi khác đến. Dân cũ của tỉnh đã bị dồn vào mấy Angka xa xôi, chẳng còn ai ở lại. Có một đơn vị của quân đội bạn (UFNSK) ở lại giữ. Khi chúng tôi tới đây, người chỉ huy UFNSK cho biết là tàn quân Pol Pot có thể sẽ quay lại, tất cả phải luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu. Người chỉ huy tên Thạch Thuôn, nói tiếng Việt rất sõi. Quê anh ở Kratie, nhưng gia đình lưu lạc sang vùng An Giang từ hồi 1972, trước khi gia nhập UFNSK, anh đã từng phục vụ trong quân đội Việt Nam. Anh cho chúng tôi mật khẩu dùng trong đêm: Apsara - Nàng Thơm. Anh giải thích, hồi ở Việt Nam, vùng An Giang hay trồng lúa Nàng Thơm, nên bây giờ, các mật khẩu dùng ở đây cứ lấy một tên Campuchia, một tên Việt Nam, vừa khó vừa dễ nhớ.

Đoàn văn công xung kích Quân khu 7 trong ngày gặp mặt truyền thống - Ảnh: TL 

Sau cuộc liên hoan vui nhộn “samaki”- đoàn kết với các bạn trong đơn vị UFNSK, vừa ăn uống, vừa hát hò nhảy múa, chúng tôi chia nhau ra thành tổ nhỏ gác đêm cùng với tiểu đội đi theo và đơn vị UFNSK. Hai anh “Giải phóng quân” Liêm, Sáu giành gác ca từ 1 đến 3 giờ, các anh nói, theo kinh nghiệm chiến trận xưa, giờ đó ngủ say, biệt kích Mỹ, hay quân đội Sài Gòn thường tập kích vào hậu cứ của quân mình, mất cảnh giác là “đi tong”. Ca trực đầu của chúng tôi từ 11 giờ đến 1 giờ. Sau ca của anh Liêm và anh Sáu là ca từ 3 giờ đến 5 giờ của nhóm 3 người còn lại - Kim Lan, Hạ Châu và Hoàng Anh. Hai ngày đầu, mọi chuyện suôn sẻ, yên tĩnh, gần như không có tiếng súng đạn. Chúng tôi được sống trong cảm giác bình yên, nghỉ ngơi hiếm có. Nhưng hai anh “Giải phóng quân” thì cứ luôn miệng nhắc hoài:

- Tụi tao thấy có gì đó không ổn lắm, cái linh cảm bao nhiêu năm đánh trận giờ như mách bảo sắp có chuyện xảy ra. Mấy đứa tụi bây phải cảnh giác, súng không được rời người, đạn phải đeo đủ cơ số, không được làm biếng. Cấm đi đâu xa vào mấy chỗ rừng cây rậm. Bọn con gái khi tắm phải kêu mấy thằng con trai cảnh giới, phải mặc cả quần áo mà tắm, có động là chủ động sẵn sàng chiến đấu…

Hai anh vốn là lính văn công Miền, xuất thân Nhạc viện quốc gia Sài Gòn, rồi theo phong trào sinh viên “Hát cho đồng bào tôi nghe”, sau lên rừng, vào Giải phóng quân. Anh Liêm guitar còn được đặt biệt danh là “Liêm biệt kích”. Có một lần đoàn văn công giải phóng đi biểu diễn trong rừng cho một đơn vị chủ lực chuẩn bị đánh chiến dịch lớn. Đêm đó, ở sở chỉ huy, khi mọi người đã ngủ yên, xui khiến thế nào, anh lại đau bụng, mắc “đi xa”, thế là nhẹ nhàng ra khỏi võng, mang theo cây AK như một quán tính thói quen ở chiến trường. 

Đang khoan khoái trút “bầu tâm sự” thì anh thấy hình như có bóng ai lướt qua rất nhanh, một mùi oi oi, khét khét rất đặc trưng của bọn biệt kích ngụy thoảng qua mũi. Anh lập tức “thu dọn chiến trường”, im lặng náu mình quan sát kỹ hơn. Khi thấy không chỉ một bóng, mà là nguyên một hàng dài chừng hơn 10 dáng người đang lò dò về phía đơn vị quây võng ngủ, anh liền tắt ngay con đường chắn ngang chỗ mọi người nằm, đối diện với đường tiến của bọn biệt kích, lia một loạt đạn vỗ mặt. Bọn biệt kích bị tập kích bất ngờ, mất thế chủ động, tản ra xung quanh. Quân ta cũng lập tức rời võng, triển khai đội hình chiến đấu. Hàng loạt đạn được bắn ra. Trận chiến cũng không kéo dài, phía đối phương rút chạy, không nghe tiếng súng bắn lại, kiểm tra, thấy có 2 xác chết không kịp mang đi. Lệnh hành quân cấp tốc di chuyển đơn vị ngay trong đêm. Anh Liêm sau đó được Bộ Tư lệnh Miền khen thưởng huân chương. Cũng từ đó anh Liêm được đặt biệt danh “Liêm biệt kích”.

Anh Sáu phong cầm thì ngoạn mục hơn với thành tích bắn rơi trực thăng địch bằng súng AK. Năm 1973, khi vừa ký kết Hiệp định Paris, quân đội Sài Gòn và Quân Giải phóng cùng ở thế “cài răng lược”, thậm chí có vùng ban ngày của quân đội Sài Gòn, ban đêm của ta, hai bên cứ tranh chấp không tiến chiếm cũng không xâm lấn, cứ dùng dằng hoài không dứt điểm. Bữa đó, nhằm mùa nước nổi ở miệt Đồng Tháp Mười, khi trở về căn cứ mấy anh bị đụng trận càn của quân đội Sài Gòn, đang tính xóa sổ con đường tiếp tế trên sông của ta, thế là mấy anh phải chém vè dưới nước, được cả buổi trời, chịu không xiết, phải nổi lên, nương vào mấy bụi dừa nước, ô rô, cóc kèn náu mình. 

Chẳng dè, sơ suất sao đó mà bị phát hiện, thế là một cuộc rượt đuổi trên sông nước không cân sức diễn ra. Bên ta có mấy người, còn đám quân Sài Gòn thì đuổi bắn bằng 2 chiếc trực thăng. Lúc đầu các anh còn cố bơi và núp né từng loạt đạn bắn xuống, sau anh Sáu thấy nếu cứ bơi chạy kiểu này thì chỉ lát sau sẽ bị chúng bắn chết hết. Anh đề nghị mấy người kia tiếp tục bơi thoát đi, để anh ở lại bắn nhử mồi. Nói thì dài, nhưng trong lúc sống chết gang tấc, chẳng có hơi sức đâu tranh giành bàn thảo như phim ảnh hay sân khấu miêu tả sau này. Và rồi anh đứng giữa đồng, chĩa AK về phía 2 chiếc trực thăng, bóp cò. Loạt đạn của anh ghim ngay vào chiếc trực thăng phía sau, nó chao nghiêng và bốc cháy như một bó đuốc lao thẳng đầu xuống nước. Chiếc kia vội quay đầu tháo chạy. Anh Sáu sau đó cũng được Bộ Tư lệnh Miền khen thưởng huân chương chiến công, và đồng đội đặt biệt danh “Sáu trực thăng”.

Nhóm văn nghệ xung kích còn 2 cặp nam nữ nữa, rất đẹp đôi, cả người lẫn giọng ca. Họ ban đầu là những chiến sĩ tuyên văn ở dưới đơn vị, tham gia mấy lần Hội diễn, rồi được tuyển vào Đoàn Văn công Quân khu. Chuyến đi biểu diễn này với họ có lẽ là thử thách lớn nhất, tất cả cùng quan tâm đến nhau, cùng chăm sóc lẫn nhau. Trong không khí giáp mặt với cuộc chiến, chứng kiến nhiều cái chết mỗi ngày, họ cảm thấy quý giá hơn những gì mình đang có, không tị nạnh, ghen hờn, không so đo hơn thiệt… Giữa họ đã có những mối dây tình cảm kín đáo sóng sánh. Tôi đã nhận ra Hoàng Vĩnh với Hạ Châu, Kim Lan với Hoàng Anh bắt đầu phát tín hiệu cho nhau. Mọi người coi tôi như em út trong nhà, chỉ là con nhỏ Út chót, trẻ mỏ, không được tham gia chuyện tình cảm của người lớn.

Ngày thứ tư ở phum hẻo lánh đúng vào Tết dương lịch 1/1/1979. Điện từ ban chỉ huy F5 báo chúng tôi chuẩn bị hành quân vào hôm sau, theo một đơn vị tăng cường. Quân của ta đã áp gần sát PhNom Penh. Báo cáo chiến sự của mặt trận cho biết, trước đó F5 tiến từ hướng Đông, cùng F303 tiến theo hướng Tây Bắc từ Snuol cùng đánh vào Kratie, chiếm giữ được thành phố. Lực lượng Quân khu 5 tiến dọc sông Mekong chiếm được Stung Treng. F302 tiến về phía Tây đã chiếm được Kongpong Cham. Sau đó, F302 và F303 quay lại đánh chiếm thị xã Chlong. Toàn bộ lãnh thổ Campuchia ở phía đông sông Mekong được giải phóng.

Để ăn mừng chiến thắng và tạm biệt đơn vị UFNSK của bạn, đêm đó chúng tôi tổ chức liên hoan. Có lẽ vì uống quá nhiều rượu thốt nốt, lại hát múa quá nhiệt tình, hầu như ai cũng thấm mệt. Vẫn chia nhau ra trực đêm, vẫn luôn cảnh giác, vẫn tuân theo mọi quy định chiến trận, nhưng có lẽ mấy ngày bình yên cộng thêm với buổi liên hoan chia tay hơi khuya, nên mọi giác quan có phần chùng xuống, bớt đi sự thính nhạy.

Hết ca trực của tôi và Hoàng Vĩnh không thấy có gì khác lạ xảy ra, chỉ có điều anh Sáu không ngủ, cứ đi ra đi vào ngôi nhà chúng tôi ở. Thi thoảng thấy anh lẩm bẩm gì đó, rồi ngó rất lâu ra màn đêm ngoài sân. Chưa nằm ấm chỗ, mọi người trong nhóm tôi đã bị anh đánh thức dậy, kêu nai nịt gọn gàng, mang súng vào người, rồi lại… nằm ngủ tiếp. Tất cả chúng tôi nghe theo lệnh anh, vì anh là trưởng nhóm. Riêng anh Sáu và anh Liêm không những khoác súng mà còn chuyển trên vai, bỏ khóa an toàn, với tư thế sẵn sàng bắn. Chưa hết, hai anh còn gài vào khóa lưng vài trái lựu đạn…

Lát sau có một bóng đen đi qua sân. Anh Sáu hô:

- Tây Ninh!

Bóng đen kia đáp lại:

- PhNom Penh!

Hóa ra đó là người của đơn vị UFNSK đang đi tuần tra canh gác. Nhưng rồi lại có một bóng đen nữa thấp thoáng. Anh Sáu hô:

- An Giang!

Bóng đen đáp lại:

- PhNom Penh!

Tiếng anh Sáu bật ra:

- Sai! Ai?

Không có tiếng đáp. Lại thấp thoáng vài bóng đen nữa trong màn đêm tiến tới.

Anh Sáu quát to:

- Tâu na? Đi đâu? Đứng lại…

Đúng lúc ấy có những tiếng nổ dội tới. Ầm! Ầm! Những ánh chớp lửa lóe lên cùng tiếng đạn xé gió trong màn đêm. Chừng mấy chục bóng đen ào tới căn nhà chúng tôi. Mọi người liền nhào ra khỏi võng, lăn mấy vòng, áp sát vào bên vách nhà. Tiếng anh Liêm hét:

- Có đứa nào làm sao không?

Hoàng Anh nói to: “Không! Các anh có sao không?”

Tiếng anh Liêm:

- Không làm gì được mấy anh đâu. Tụi bây đừng lo. Không được ra khỏi nhà, chia ra từng góc. Không chùm nhum với nhau, hướng mũi súng ra cửa, bất kể thấy bóng đen nào nhào vào là bắn.

Tiếng anh Sáu nói to ở phía ngoài bằng tiếng Việt:

- Tiểu đội Việt Nam không di chuyển nhiều, hiện không thể phân biệt lính Pol Pot với các bạn trong đơn vị UFNSK. Còn chỉ huy Thạch Thuôn đâu?

Tiếng chỉ huy đơn vị UFNSK đáp lại:

- Chúng tôi bị tập kích, đã bị thương hết mấy người rồi.

Tiếng anh Sáu lại vọng ra:

- Đồng chí chỉ huy anh em tản ra, đề phòng chúng ném lựu đạn hay bắn B.40. Yêu cầu tất cả khẩu lệnh bằng tiếng Việt. Anh chỉ huy bên ấy. Tôi chỉ huy anh em bên đây.

Anh Liêm lại nói:

- Mấy đứa bây từng đứa một bò nhanh ra khỏi nhà. Nấp sau mấy bao cát gần gốc thốt nốt. Anh yểm hộ. Xem chừng chúng có B.40 đó. Ra mau.

Không biết mất bao nhiêu lâu, nhưng cảm giác rất nhanh, chúng tôi đã bò ra khỏi ngôi nhà, tập kết tại vị trí khá an toàn, có thể quan sát được mọi diễn biến trận đánh, trong khi hai anh Sáu, Liêm bắn theo hai hướng ghìm đầu bọn tàn quân.

Tôi lúc này mới thật sự bình tĩnh, nhìn ánh chớp lửa đạn nháng lên tứ phía. Bọn tàn quân không ít, phải vài chục tay súng, đạn chúng bắn như vãi trấu. Chúng đang bao vây khu vực chúng tôi ở. Lại nghe tiếng anh Sáu:

- Mấy đứa đừng bắn lung tung, tiết kiệm đạn. Bọn này khá dai đó. Hai thằng con trai để mắt đến mấy đứa con gái. Mấy em gái ráng lên, đừng sợ. Không đứa nào được lên tiếng. Bọn nó nghe tiếng con gái là mệt đó.

Không biết trận chiến kéo dài bao lâu, chỉ thấy tiếng súng vẫn không ngớt. Phía tàn quân vẫn tạo ra một vòng cung lửa đạn, quây lấy chúng tôi. Đã thấy cả chớp lửa của đạn B.40. Nhà của đơn vị UFNSK cháy phừng phừng. Sáng rực thế này sẽ gây bất lợi cho chúng tôi. Đơn vị bạn có lẽ thương vong nhiều nên tiếng súng phía bên ấy đã ngớt, phía chúng tôi gần như hứng trọn hỏa lực của bọn tàn quân. Hai anh Liêm, Sáu thấy tình thế bất lợi, hét chúng tôi di chuyển nhanh về phía mấy gốc cây xa hơn. Bên Hoàng Anh - Hoàng Vĩnh có vài bóng đen nhào tới. Lửa lại chớp lóe. Chúng ném lựu đạn…

Tiếng anh Liêm thất thanh đau đớn:

- Các em ơi!

Không thấy động tĩnh gì. Chợt tôi nhói thắt một cơn đau với linh cảm không lành. Cạnh tôi, Kim Lan cũng đang chết lặng nhìn về hướng Hoàng Anh - Hoàng Vĩnh. Cùng lúc đó, phía Hạ Châu một loạt AK vang lên. Tôi và Kim Lan cùng hiểu điều gì đã xảy ra...

Rất lâu, rất lâu, tôi không còn khái niệm thời gian, chỉ biết nằm bẹp gí xuống mặt đất, không dám ngóc đầu lên vì sợ, sợ thật sự khi chứng kiến ngay trước mắt mình cái chết của bạn. Sợ thật sự một viên đạn ghim trúng mình. Có thể tôi bị chê là hèn nhát, nhưng lúc đó, quả thật tôi gần như cứng người, không còn phản xạ nào.

… Ngày 7/1/1979, nhóm văn nghệ xung kích chúng tôi chỉ còn 4 người đến được PhNom Penh, chứng kiến giờ phút lá cờ 5 ngọn tháp được treo lên Hoàng cung, báo hiệu PhNom Penh đã giải phóng, toàn bộ đất nước Campuchia chính thức thoát khỏi nạn diệt chủng từ đây.

Đêm mừng công, khi Kim Lan hát Trái tim em trong ba lô trên sân khấu Hoàng cung rực rỡ ánh đèn, hai hàng nước mắt của cô rơi lã chã, anh Liêm đệm guitar cũng rơi nước mắt, tôi ngồi bên cánh gà khóc như mưa, anh Sáu đứng kế bên mắt đỏ hoe… Phía dưới nhiều người cũng khóc trước ca từ thấm đẫm cảm xúc của người ca sĩ xung kích:

Ba lô anh mang trên vai, mang trái tim em đi cùng

Trên đường hành quân xa, có em đang đi bên anh,

Trên đường hành quân xa, trái tim em trong ba lô…

H.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét