Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Nếu Cụ Hồ còn sống…

Nếu Cụ Hồ còn sống…
Bài viết hưởng ứng “Cuộc vận động học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Bài viết dưới đây đã đăng cách đây mấy năm. Hôm nay đọc được tin nhân vật chính vừa bị đề nghị tước danh hiệu anh hùng vì tội khai man thành tích nên chủ blog xin đăng lại dưới đây để ăn theo dòng thời sự.
Có những chuyện mà chúng ta không bao giờ nghĩ có thể xảy ra ở trên đời mặc dù chúng lại là sự thật 100%. Chẳng hạn như câu chuyện dưới đây xảy ra cách đây đã hơn 4 năm mà mình mới chỉ vừa được biết qua blog Quê Choa.

Trong câu chuyện cũ này mà báo Lao Động thời gian đó đã đăng thì nhân vật chính là 1 vị quan đầu tỉnh vừa mới được tuyên dương là tấm gương tiêu biểu trong phong trào “học tập tấm gương đạo đức HCM”

Chuyện kể rằng:

“… một bữa trưa đẹp trời, “quan” lớn cùng một số “quan” nhỏ vào ăn trưa ở một nhà hàng ở ven đô. Một nữ tiếp viên trẻ, mới đến làm việc của nhà hàng, như lệ thường, đến đon đả mở bia, tiếp đá cho các “quan”. Và (có lẽ cũng như thường lệ), “quan” lớn nhất đã không cầm lòng trước nhan sắc của cô tiếp viên chỉ đáng tuổi con mình nên đã… ghì đầu cô ta lại rồi hôn đánh chụt một cái vào má, trước sự chứng kiến của quan khách có mặt trong nhà hàng hôm đó! Quá bất ngờ và cảm thấy nhục nhã bởi hành vi của vị “quan” đáng kính mà lâu nay cô chỉ thỉnh thoảng được thấy mặt và nghe nói toàn lời hay, ý đẹp trên ti-vi, cô tiếp viên đã đáp trả ngay lập tức bằng một cái tát như trời giáng vào mặt “quan”!

Cát tát làm cả nhà hàng “chết lặng” như… sóng thần xuất hiện!

Chuyện đến đây chưa hẳn đã có đoạn kết tệ hại, nếu “quan” hành xử như một người có văn hoá (lỡ có tí bia rượu), chẳng hạn nói một lời xin lỗi. Đàng này, sau một lúc bỏ đi vào nhà vệ sinh, “quan” quay trở ra, mặt hầm hầm chỉ tay, lớn tiếng: “Đuổi, đuổi ngay cô tiếp viên không biết làm việc kia!”. Tất nhiên chủ quán thanh toán tiền công và cho cô nghỉ việc ngay sau đó. Chưa hết, “quan” còn doạ sẽ cho đóng cửa, không chỉ nhà hàng này mà còn cả… các nhà hàng bên cạnh! …

Chắc nhiều người sẽ đoán ra ngay nhân vật chính trong câu chuyện này chính là vị quan đầu tỉnh của đất Cố Đô

Đã có những nhận xét khá nặng nề về hành vi và thái độ của ông “đầy tớ” lớn nọ.

Riêng mình cứ muốn nghĩ rằng có thể ông bí thư ấy thành thực coi cô bé ấy như con cháu và nghĩ rằng ở Huế thì ai mà chẳng biết ông, nên nếu ông có ôm (mà báo Lao Động bảo là “ghì”) lấy đầu cô bé ấy mà dịu dàng hôn lên má (mà báo Lao Động tả là “đánh chụt 1 cái”) thì cũng chỉ là 1 cách thể hiện tình cảm như bậc cha chú đối với con cháu trong nhà. Chuyện các lãnh tụ cách mạng trong nước và thế giới ôm hôn các cháu thiến niên nhi đồng đâu phải là lạ!

Nhưng có lẽ cô bé ấy chưa bao giờ được người lạ “âu yếm” như thế, có thể lại chưa biết ông bí thư là ai, mà lại trong 1 tình huống bất ngờ, nên mới phản ứng mạnh theo bản năng tự vệ như vậy.

Mình muốn nghĩ như thế cho nó lành.

Nhưng giá mà ông bí thư lúc ấy chỉ cười xòa rồi nói rằng cái con này ghê thật, dám đánh cả bác, bác coi mày như con gái bác mà sao mày làm dữ thế, thôi cho bác xin nhé… như là 1 cách chữa “quê” thì chắc cũng chỉ hơi “quê” 1 tí rồi thôi.

Vì thế mình thấy hành động đáng tiếc nhất của ông bí thư là nổi nóng quát nạt rồi ra lệnh cho nhà hàng đuổi cô bé. Cách cư xử như thế không đàng hoàng và không xứng tầm là một viên chức chính trị, chưa nói là 1 nhà lãnh đạo, đó là chưa kể thái độ đe dọa đóng cửa các nhà hàng đang hoạt động kinh doanh hợp pháp của ông bí thư là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, là lạm dụng chức vụ mà hậu quả nghiêm trọng của nó là làm giảm uy tín của tổ chức mà ông là người đại diện.

Các nhà lãnh đạo chính quyền, các chính khách nói chung, nếu không phải là người quân tử thì cũng cần phải biết… giả vờ là người quân tử trong những tình huống như thế.

Có lẽ trước khi phải qua các lớp chính trị trung cao cấp như quy định hiện hành của nước ta, các nhà lãnh đạo của chúng ta cũng nên được tập huấn về những cách ứng xử tối thiểu của một chính khách nơi công cộng. Những ví dụ đáng được đưa vào những bài giảng như thế không thiếu, chẳng hạn như cách xử thế của Giáo Hoàng khi bị 1 người đàn bà xô ngã, của Thủ tướng Ý khi bị một người đàn ông đấm gãy răng, của Tổng thống Mỹ khi bị 1 phóng viên ở Iraq ném giày vào mặt, hay của Ngoại trưởng Bỉ khi bị tiếp viên hàng không Việt Nam “đuổi” xuống ngồi ghế hạng thường trong khi ông đã mua vé hạng thương gia trên chuyến bay HN-HCM năm nào…

Đằng này khó mà có thể nói rằng cô bé người Huế nọ tại cái nhà hàng hôm ấy là người có lỗi!

Mình vẫn còn nhớ câu chuyện hồi còn ở Pắc Bó, Cụ Hồ đã cho người sỹ quan cận vệ gần gũi của mình 1 cái bạt tai về tội ông này đã hống hách và đánh dân. Câu chuyện này đã được chính người sỹ quan cận vệ đó – chính là tướng Phùng Thế Tài- kể lại trong hồi ký của mình như là 1 bài học đáng nhớ trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.

Vì thế mà mình đoán nếu Cụ Hồ còn sống, chắc Cụ sẽ cho ông bí thư này vài cái tát nữa, giống như Cụ đã từng tát tướng Tài năm xưa vì tội hách dịch với dân.

Và biết đâu nếu Cụ Hồ còn sống, Cụ đã chẳng trao tặng huy hiệu mang tên Cụ cho cô bé người Huế nọ đã dũng cảm dạy cho ông “đầy tớ” dân kia 1 bài học cần thiết, như Cụ đã từng trao những huy hiệu như thế cho những tấm gương “Người tốt, Việc tốt” những năm tháng đã xa…

Hà Hiển
(Blog Hà Hiển)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét