Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

THUYỀN GIẤY

THUYỀN GIẤY
Gió bấc rồi, trời hanh hao lạnh và xám nghét một màu. Bắt đầu có gió bấc nên mặt trời trốn đi đâu mất biệt, trời buồn trời cứ âm u chốc chốc lại rõ vài giọt mưa phùn đủ để người ta chạy trốn, đủ để người ta lao xao dẹp bàn ghế và đủ để ướt áo kẻ cố tình đi dưới mưa như nó. Nó không yêu mưa đến như thế, nhất là mưa phùn thế này. Nhưng áo của nó đã khô mấy bận rồi ướt cũng bấy nhiêu lần. 
 Cái “cơ ngơi” này của má để lại, nó cố bán để giữ mối, chứ con trai mà ngồi đỗ bánh xèo bán thiệt là coi không được chút nào. Nó cố sức kiếm tiền chạy lo thuốc men cho má. Má nhập viện đã năm ngày rồi. Năm ngày là năm ngày nó chạy lo tiền. Buổi sáng nó rảo bước khắp các hang cùng ngỏ hẹp bán vé số, trưa ngồi đây bán bánh xèo thế má, tối lại vào nhà thương chăm sóc và ngủ luôn với má ở đó.

Giờ này ngồi đây nhưng nó biết má đang đau nhức ở trổng. Không biết má bệnh gì mà cứ than nhức ngực, nóng sốt liên miên, ăn không được, nuốt từng muỗng cháo trệu trạo rồi nôn ra hết. Cả đời má không gì vui, lấy chồng từ năm mười tám tuổi, hai năm sau bị người ta đuổi đi vì không sinh con được. Nó cũng bị người ta quẳng ra đường vì mẹ ruột của nó nằm xuống, vì ba của nó đi lấy vợ khác, vì bà ngoại, người dã cưu mang nó cũng ra đi vào một đêm mưa gió bà cố vớ tay múc nước cho uống rồi trượt chân té. Nó lê la đi xin, rồi đánh nhau với đám bụi đời. Sáu tuổi nó dã biết nằm dưới hiên nhà người ta ngủ, sáu tuổi nó đã biết đứng ở những quán ăn chờ người ta vừa đứng lên là chạy nhào đến trút hết các thứ dư lại vào miệng mặc kệ nóng, mặc kệ cay để một chốc khi nó chưa kịp nuốt hết các thứ trong miệng đã bị người ta túm cổ áo liệng ra đường. Má bán bánh xèo ở gốc cây vú sữa nó hay ngồi. Má cho nó ăn rồi dắt nó về, từ đó nó có má, có nơi để đi về. Má cho nó một căn nhà mặc dù lụp xụp như ổ chuột, má cho nó một tình thương của người đàn bà thèm khát làm mẹ.

Giờ nó lại hối hận vì thời gian qua nó phó mặc việc kiếm tiền cho má, nó đã dành thời gian chơi quá nhiều thay vì học, thay vì kiếm tiền thay má, để rồi kết quả là nó thi trượt đại học, má vào viện nó cũng không có khả nănng mua thuốc nhức cho má, trời lạnh thế này má càng kêu đau nhức. Nhiều lúc nó tự hỏi không biết nó có phải là sao chổi không nữa, những người phụ nữ dính dáng vào đời nó đều có kết cục thê thảm như vậy.

Chiều nay, bác sĩ gọi nó ra thông báo với nó rằng cần phải có bốn mươi triệu để phẩu thuật cho má nó. Bốn mươi triệu để cứu sống má nó, bốn mươi triệu để cắt của má nó một bên vú. Má nó bị ung thư vú. Một người chưa bao giờ làm mẹ, một người chưa bao giờ nếm trãi cảm giác hạnh phúc áp đứa con vào bầu vú ấm áp của mình lại bị ung thư vú. Ừ , đã không để nuôi ai thì nên cắt bỏ đi cho rồi. Má nói vậy nhưng muốn cắt bỏ thì phải có tiền chứ đâu dễ như người ta cầm kéo cắt phăng chùm tóc mình không thích nữa, mà không có tiền thì má nó chết.

Hôm sau, có một cô bé chuyển vào nằm cùng phòng với má nó. Một cô bé có đôi mắt buồn mênh mông. Nói là cô bé chứ chắc cô cũng trạc tuổi của nó. Người xanh xao, gầy guộc, da trắng xanh mong manh, nó tưởng chừng chỉ một cái chạm tay mạnh thôi là cô bé sẽ vỡ tan như bong bóng xà phòng. Đã chuyển vào đây chắc lại là ung thư nữa rồi. Từ hôm chuyển vào cô bé cứ kêu đau nhức suốt. Những lúc không đau cô lại ngồi xếp thuyền giấy, những chiếc thuyền đủ màu sắc, kích cỡ, chắc là một cách để giết thời gian. Nó lặng lẽ quan sát công việc của cô một cách thú vị, cũng là một cách giết thời gian.


Hai hôm rồi, ba hôm, một buổi sáng nó thấy đôi mắt cô bé sưng mộng nước, cô ngồi ủ rũ không xếp thuyền giấy nữa. Nó lân la hỏi thăm:

_ Tối qua nhức lắm à?

_ Không. Cô lắc đầu, vẫn cúi gầm.

_ Sao khóc? – nó hỏi cộc lốc, nó không có đủ ngôn từ để nói năng ngọt ngào hơn.

Chỉ chờ có vậy hai hàng nước mắt của cô thi nhau tuôn, nó luống cuống không biết làm sao. Tự nhiên sao cô khóc dữ vậy? Hay câu hỏi cộc lốc của nó đã chạm tới vết thương của cô?

_ Em bị bỏ rồi – cô nghẹn ngào, lí nhí rồi nấc nghẹn – hôm qua tới giờ mẹ không tới.

_ Nói bậy. Chắc mẹ bận gì đó thôi, lát tới giờ, đừng khóc nữa người ta thấy tưởng tui ăn hiếp cô nữa.

_ Không đâu em biết mà, mẹ bỏ em rồi. Em đâu phải con ruột. Em làm mẹ tốn tiền quá mà. – càng ngày tiếng nấc của cô càng lớn hơn. Nó chết điếng nhớ tới cảnh nó cũng bị người ta quẳng ra đường.

_ Sao lại…?


Vậy đó, Khuê – tên cô bé - vừa khóc, vừa kể, vừa nấc. Câu chuyện chấp vá nhưng nó cũng hiểu. Khuê đi lạc năm ba tuổi khi cùng mẹ đi chợ tết vì mãi lo nhìn mấy con cá vàng trong chậu thủy tinh đến khi Khuê chực nhớ lại thì bàn tay cô nắm chặt nảy giờ là của một gương mặt lạ xa. Kí ức về gia đình của một cô bé lên ba quá mờ nhạt đến giờ Khuê cũng không thể nhớ nỗi gương mặt mẹ ruột của mình. Rồi Khuê được gia đình mới nhận về nuôi sau khi ở trong trại trẻ mồ côi được hai năm. Gia đình mới không có con nên rất yêu thương Khuê. Thời gian gần đây phát hiện Khuê bị ung thư xương bác sĩ đề nghị tháo khớp tận háng để cứu cô, không thì… Khuê suy nghĩ thật nhiều, mình đã là gánh nặng của cha mẹ nuôi, giờ có sống cô cũng trở nên tàn phế, thà cứ thế này cũng là cách ra đi nhẹ nhàng giải thoát cho nhau vì dù sao ba má nuôi cũng vừa được thụ tinh nhân tạo thành công. Họ đang vui mừng chờ đón thành viên mới Khuê nên ra đi để nhường chỗ cho em. Nhưng Khuê không ngờ mình bị bỏ rơi sớm thế này, dù sao Khuê vẫn còn một chút luyến lưu cuộc sống này, cô vẫn chưa tìm được mẹ ruột dẫu chỉ để vùi đầu vào lòng mẹ trút hơi thở cuối cùng. Hằng ngày Khuê vẫn xếp thuyền giấy, những chiếc thuyền bé nhỏ mong manh Khuê hy vọng nó đủ sức chứa những mơ ước lớn lao của cô. Nhưng có xếp bao nhiêu đi nữa có cũng không đủ để chở những ước mơ quá lớn, quá tham của Khuê.


Từ ngày đó nó ra sức xếp thuyền giấy cùng Khuê. Bàn tay thô kệch vụng về của một thằng con trai thô lỗ xếp nên những chiếc thuyền giấy méo mó, lệch vẹo. Những chiếc thuyền ấy cũng chở đầy những ước mơ lớn lao không kém của nó. Nó đang tiếp thêm một chút hy vọng nhỏ nhoi cho Khuê và cho chính nó nữa.

Mấy hôm nay cả má và Khuê đều bị chuyển ra kê ghế bố nằm ngoài hành lang vì không tiền đóng viện phí. Nó không ở nhà đỗ bánh xèo được nữa vì má và Khuê cứ kêu đau nhức, những lúc như vậy nó cần ở cạnh bên. Nó đếm vé số mang vào bệnh viện bán, thấy tình trạng nó như vậy người ta mua giúp hội, nó có thêm tiền gánh thêm phần cơm của Khuê. Một bên chân của Khuê sưng to, khớp gối rách ra lầy lội mủ và máu. Có hôm ra máu nhiều tới ướt cục bông gòn nửa kí, Khuê cắn chặt răng nén đau nuốt nước mắt vậy mà những giọt nước mắt ấy lại tuôn trào khi nghe những câu hỏi đầy khó chịu, gay gắt và không có câu trả lời:

_ Người nhà đâu? Nằm đây tới chừng nào? Ai đóng viện phí?

Nếu bước đi được Khuê đã đi, nhưng Khuê biết đi đâu bây giờ? Những món nữ trang Khuê mang trên người đã nhờ nó bán hết, chỉ còn duy nhất sợi dây chuyền nhỏ xíu trên cổ Khuê nói để mang theo lúc đi xa vì đó là kỉ vật duy nhất Khuê còn giữ được lúc lạc mẹ, biết đâu xuống dưới cô nhận lại được mẹ mình. Mà chắc xuống dưới rồi Khuê phải chờ lâu lắm.

* *
Người đàn bà bị ung thư vú được đẩy vào phòng mổ cùng với cô gái bị ung thư xương. Người đàn bà bị cắt một bên vú, cô gái bị tháo khớp một bên chân tránh ung thư di căn. Thằng con trai là đứa trả mọi chi phí phẩu thuật. Nó nói với má nó cộc vé số ế của nó trúng giải nhất đủ tiền lo cho má và Khuê. Nó nói với Khuê, Khuê cần phải sống dù là tàn phế cũng phải sống, sống để có cơ hội tìm lại mẹ ruột, con người ta còn sống là còn tất cả chỉ cần họ có một trái tim tràn đầy hi vọng.

* *

*

Cả gian phòng chìm trong tiếng thở dài ngao ngán, ai cũng xót xa cho bản án của một đứa con nuôi. Năm năm tù sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ. Nó bị kết án vì trộm của chủ thầu sáu mươi triệu – một ông chủ giàu sụ sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng ủng hộ những đêm văn nghệ từ thiện. Người mẹ đau khổ đấm thùm thụp vào ngực mình, khuôn ngực lép kẹp, chỉ vì nó mà thằng con trai bà lượm được ngoài đường phải vào vòng lao lí, vì cái khuôn ngực chưa từng dùng để nuôi nó mà nó phải trả giá.

Bà chánh án nắm lấy tay cô gái xanh xao đang khó nhọc chống tó:

_ Ở đâu con có sợi dây chuyền này?

Cô nhìn bà lâu rồi nói:

_ Cháu đâu có ăn cắp.

_ Không, bà vội thanh minh, tại vì ta có một đứa con gái thất lạc từ lâu, trên người nó cũng có mang một sợi dây chuyền như vầy. Ở đâu con có nó?

Nước mắt chực trào trên khóe mắt Khuê, cô đưa tay chùi, nhìn người đàn bà thật lâu như cố thu hình ảnh phúc hậu ấy vào tâm trí của mình, rồi hít một hơi thật dài:

_ Là của bạn con cho con, tụi con quen nhau trong trại mồ côi. Bạn ấy nói đây là kỉ vật của mẹ bạn, bạn đi lạc vì mãi lo xem cá vàng. Giờ bạn đã đi xa rồi, trước khi đi bạn đã tặng nó lại cho con, kêu con trả cho ai nhìn được nó. Bà đừng khóc vì trong tim bạn ấy lúc nào cũng có bà, bạn ấy luôn khao khát tìm được bà chỉ để một lần được gọi “mẹ ơi!” trước khi đi xa trên môi bạn ấy vẫn gọi bà.

Bà chánh án run run, trên tay nắm chặt sợi dây chuyền nhìn theo hai cái bóng một già một trẻ dìu nhau ra khỏi sân tòa.


Dù sao Khuê cũng biết bà ấy là mẹ mình, hằng ngày Khuê sẽ đi ngang đây dẫu chỉ để được nhìn thấy mẹ. Có thể nỗi đau mất con trong lòng bà đỡ đau hơn khi nhìn lại Khuê mà Khuê đã tàn phế thế này, rồi một ngày nào đó Khuê phải đi xa lại tiếp tục cứa vào trái tim mẹ Khuê một nỗi đau nữa. Thà cứ để thế này. Từ mai Khuê sẽ lại xếp thêm thuyền giấy để cầu mong nó mau ra tù, để cầu mong mẹ Khuê bình an và thôi đừng nhớ Khuê nữa.

Nguyễn Thị Thanh Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét