Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Sợ quá: Bác sĩ bị tỉnh ép làm “đao phủ”

Bác sĩ bị tỉnh ép làm “đao phủ”
Được lệnh điều động đi cấp cứu, hỗ trợ sức khỏe nhưng khi đến nơi, các y, bác sĩ bị buộc phải tiêm kim vào tĩnh mạch phạm nhân để thi hành án tử hình. Cuộc họp giao ban sáng 13-12 của Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Phú Yên trở nên căng thẳng khi nhiều bác sĩ (BS) bức xúc việc BV đã cử BS tham gia thi hành án tử hình bằng thuốc độc tại tỉnh Đắk Lắk.
BS L.C.T đã làm việc trở lại nhưng vẫn ám ảnh sau 
khi tham gia đoàn thi hành án tử hình bằng thuốc độc

Ám ảnh ánh mắt tử tù

Theo phản ánh, trưa 9-12, BS L.C.T và điều dưỡng N.N.T ở Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc nhận được lệnh từ giám đốc BV lên đường đến Đắk Lắk cùng đoàn thi hành án của tỉnh với nhiệm vụ cấp cứu, hỗ trợ sức khỏe. “Chúng tôi còn được chỉ đạo mang theo các dụng cụ cấp cứu khi cần thiết nên chuẩn bị sẵn sàng để sáng 10-12 lên đường” - BS C.T kể.

Thế nhưng, trong bữa ăn chiều 10-12, BS C.T và điều dưỡng N.T được phân công tìm và tiêm kim vào tĩnh mạch của phạm nhân để Hội đồng Thi hành án tử hình tỉnh Phú Yên tiêm thuốc độc. “Nghe phân công nhiệm vụ, chúng tôi đã bị sốc. Tôi phản ứng ngay rằng chúng tôi đi hỗ trợ sức khỏe nhưng họ khẳng định theo quy định, chúng tôi phải thi hành nên tôi không còn cách nào từ chối. Ngày hôm sau (11-12), chúng tôi đành phải làm theo” - BS C.T bức xúc.

Đến bây giờ, BS mới vào nghề được 4 tháng này vẫn ám ảnh về ánh mắt đau đáu của phạm nhân khi anh cùng điều dưỡng luồn kim vào tĩnh mạch. “Tôi thật sự rất buồn. Tôi được học và công việc của tôi là để cứu sống người chứ đâu phải làm cho người ta chết. Nếu biết trước, tôi đã từ chối. Giờ đây, nỗi ám ảnh sẽ theo tôi đến hết cuộc đời” - BS C.T run run nói.

Còn điều dưỡng N.T vẫn chưa hết bàng hoàng: “Tôi bị choáng. Hồi nào giờ có làm cái việc ấy đâu. Cứ nghĩ lên đấy để hỗ trợ sức khỏe cho đoàn nên đi thôi”.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Phú Yên, tỏ ra bất ngờ khi nghe y, BS thông báo họ tham gia tìm và tiêm kim vào tĩnh mạch để thi hành án tử. Trước đó, ông nhận được công văn của Sở Y tế Phú Yên đề nghị cử 1 BS và 1 điều dưỡng đi cùng đoàn thi hành án.

“Tôi cứ nghĩ đi theo đoàn để nếu có gì sẽ cấp cứu chứ đâu ngờ lại ra vậy. BS cứu người chứ đâu phải giết người. Nếu biết rõ công việc nhân viên của mình phải làm như thế thì tôi đã báo cáo lại với sở y tế rồi” - giám đốc BV Đa khoa tỉnh Phú Yên phân trần.

Quy định không bắt buộc

Về vấn đề này, ông Phan Vũ Nhân, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, cho biết sở chỉ đạo BV Đa khoa tỉnh Phú Yên cử y, BS tham gia đoàn thi hành án của tỉnh dựa trên văn bản đề nghị của TAND tỉnh Phú Yên. “Họ chỉ yêu cầu cử BS đi với đoàn thi hành án tử hình ấy thôi chứ làm việc gì thì mình cũng không biết. Tôi cứ nghĩ là tham gia với đoàn để giám sát việc tử hình. Khi hỏi họ tham gia làm sao, BS lên làm gì thì họ chẳng nói gì cả” - ông Nhân nói. Ông Nhân cũng đã đề nghị cử BS pháp y tham gia với đoàn nhưng hội đồng thi hành án tử hình tỉnh không đồng ý.

Theo ông Nguyễn Phi Đô - Phó Chánh án TAND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi hành án tử hình tỉnh Phú Yên, đây là vụ thi hành án tử hình bằng thuốc độc đầu tiên của tỉnh Phú Yên, được thực hiện tại Nhà Thi hành án số 5 (tỉnh Đắk Lắk) vào ngày 11-12. Tử tù là Nguyễn Thành Khâu (ngụ xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) can tội hiếp dâm trẻ em, giết người và cướp tài sản.

Ông Đô cho rằng Sở Y tế Phú Yên biết BS tham gia đoàn thi hành án làm việc gì. “Nếu không biết sao sở này còn hỏi rõ chế độ công tác phí khi tham gia đoàn?” - ông Đô nói. Mặt khác, các y, BS của BV Đa khoa tỉnh Phú Yên đi cùng để xác định tĩnh mạch, tiêm kim vào tĩnh mạch rồi để đó. Việc nối ống thuốc độc vào kim tiêm cũng như bấm nút để bơm thuốc độc vào phạm nhân do đội thi hành án thực hiện.

“Việc BS BV tìm và tiêm kim vào tĩnh mạch đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 05-2013 giữa Bộ Y tế, Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Quốc phòng hướng dẫn tổ chức thi hành án tử hình bằng thuốc độc. Thật ra, BS bên đội thi hành án cũng làm tốt điều đó nhưng luật đã quy định rồi” - ông Đô nói.

Tuy nhiên, tại điều 9 của thông tư này nêu rõ BS do sở y tế cử tham gia đoàn thi hành án chỉ “để hỗ trợ việc xác định tĩnh mạch của người bị thi hành án tử hình trong trường hợp cần thiết”, không yêu cầu tự tay tìm và tiêm kim vào tĩnh mạch phạm nhân để hội đồng tiến hành thi hành án tử hình bằng thuốc độc.

Còn tại điều 10 Nghị định 82-2011 của Chính phủ quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc cũng chỉ quy định công an “phối hợp với cơ quan y tế tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thi hành án tử hình trong công an nhân dân”.

Nếu trái quy định, BV sẽ không làm


Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Phú Yên, cho biết đang chỉ đạo các bộ phận chức năng của BV này rà soát lại toàn bộ các văn bản quy định việc y, BS của BV tham gia Hội đồng Thi hành án tử hình để báo cáo lên Sở Y tế Phú Yên.

“Chúng tôi sẽ nói rõ việc bức xúc của y, BS BV khi buộc phải tìm và tiêm kim vào tĩnh mạch để đoàn thi hành án tử hình bằng thuốc độc. Nếu việc này không đúng với quy định, lần sau chúng tôi sẽ không cử cán bộ tham gia” - ông Trúc khẳng định.


Bài và ảnh: HỒNG ÁNH
(Người Lao động)
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/bac-si-bi-ep-lam-dao-phu-20131213104839541.htm

  • Robert
    0Thích  
    13/12/2013 23:25
    Đọc tin này tôi bị sốc thật sự rồi! Trong quy định hành nghề của Bộ y tế không có điều khoản nào quy định việc này, đành rằng thi hành án tử đối với tử tội là cần thiết nhưng bắt một BS và ĐD bình thường đang làm việc cứu người làm việc này có đáng không.  
  • Tường Vy
    1Thích  
    14/12/2013 00:04
    Ghê quá. Cũng may ngày xưa không chọn ngành Y. Hú hồn
  • toan
    0Thích  
    14/12/2013 00:20
    luơng y như từ mẫu mà kêu làm vậy thì đạo đức xã hội ở đâu?
  • Dở hơi
    0Thích  
    14/12/2013 00:28
    Nhân viên y tế, bác sĩ được đào tạo không phải để tham gia "giết người có tổ chức" dù đó là phạm nhân. Ai cũng phải ám ảnh suốt đời khi phải bóp cò súng, bơm thuốc, gạt cầu dao điện, mở van hơi ngạt...để làm người khác mất mạng.
  • Quan Trung
    1Thích  
    14/12/2013 05:38
    Thôi rồi, tôi không dám cho con thi ngành y, sợ quá.
  • Năm Xà Ben
    4Thích  
    14/12/2013 06:16
    Sao không chế ra cái máy chích tự động dùng thi hành án để cho các Bs khỏi "vấn vương" bởi ánh mắt tử tù và cũng khỏi có cảm giác tội lỗi giết người?
  • Hăng rết
    21Thích  
    14/12/2013 06:34
    Bác sĩ nói đúng, học nghề Y là để cứu người chớ đâu để giết người. Nếu được thông báo trước, cụ thể hoặc là lấy phiếu tình nguyện có phải là hay hơn không. Chứ nói một đàng làm một nẻo ai mà chẳng sốc, với lại có thể làm từng công đoạn một. Bác sĩ chỉ luồn kim vô tĩnh mạch là xong còn cho thuốc vào là việc của đội thi hành án. Chứ ép người ta làm những việc không chuyên thì cũng tội lắm.
  • Xuân Thơi
    10Thích  
    14/12/2013 06:48
    Dùng luật nhỏ bỏ luật lớn...Từ trước tới giờ, bác sĩ phải cứu người dù người đó là ác thú, thế sao nỡ buộc họ giết người. Ông Giám Đốc Bệnh Viện lấy luật bào chữa mà chính mình không hiểu cái tâm của bác sĩ thì sao làm giám đốc được ?...
  • Sáu Xỉn
    8Thích  
    14/12/2013 06:55
    Tui được biết có tỉnh phải cử người đi Hà Nội học hỏi kinh nghiệm về tiêm thuốc tử hình. Trong khi Phú Yên lại đưa bác sĩ đi...mà họ không biết đi đâu, cụ thể làm việc gì. Bây giờ ông Phó Chánh lại bảo là có Thông tư quy định rồi. Dù có quy định thì trước khi đi làm nhiệm vụ, người thi hành cũng phải biết họ đi đâu, làm việc gì. Tại sao lúc làm văn bản gửi Sở y tế không nói rõ là đi tiêm thuốc thi hành án tử hình để người ta còn biết mà chuẩn bị.
  • Đỗ Công Trường
    14Thích  
    14/12/2013 07:10
    Không những không tham gia mà cũng nên kiện Sở Y tế và TAND tỉnh Phú Yên vì họ cố tình lập lờ mọi chuyện.
  • Dung
    21Thích  
    14/12/2013 07:29
    Thỉnh cầu Quốc hội, cơ quan chức năng làm rõ vụ việc. Không thể để cơ quan chấp pháp mà coi thường pháp luật. Làm sao để BS hằng ngày cứu người lại thỉnh thoảng đi làm đao phủ như thế được. Đây là việc trái đạo đức.
  • Kiệt Ròm
    10Thích  
    14/12/2013 08:39
    Vị bác sĩ này sẽ bị ám ảnh khi cầm mũi kim tiêm suốt đời !!!
  • Ba Lơn
    4Thích  
    14/12/2013 08:51
    Gặp tôi, tôi cũng bị ám ảnh suốt ngày luôn.
  • Nguyen Song Giang
    9Thích  
    14/12/2013 08:53
    Thấy thuốc được học cứu người, sao lại bắt họ giết người. Tử tù là người gây tội ác bị xử tội cách ly xã hội nhưng họ vẫn là con người. Đúng ra phải tập huấn cho những người thi hành án thao tác luồn kim tỉnh mạch chứ không thể chỉ định nhân viên ngành Y làm công việc này. Như vậy là trái y đức.
  • qui nguyenvan
    0Thích  
    14/12/2013 08:55
    Nếu được huấn luyện và lương đủ để nuôi gia đình mà không phải chạy vạy kiếm miếng ăn, tôi tình nguyện tham gia thi hành án tử đối với những kẻ tàn độc mất tính người. Tôi nhận thức rõ ràng rằng: Đối với bọn này KHÔNG CÓ GÌ PHẢI ÂN HẬN HAY ÁM ẢNH. Chỉ cần nghĩ đến hậu quả bọn này gây ra cho gia đình nạn nhân là tôi sôi máu.
  • Cuong
    2Thích  
    14/12/2013 09:02
    Phải chi sử dụng ghế điện thì chỉ cần bấm ngược đồng hồ là xong. Hoặc cứ để nhiều công tắc, nhiều người cùng bấm (không biết cái nào thật) và có thể cho luôn cả người nhà nạn nhân bấm nếu họ có yêu cầu.
  • Nguyễn Phương
    4Thích  
    14/12/2013 09:10
    Thật ra nếu xóa án tử hình thì tốt nhất, con người khi sống vẫn có tác dụng lao động để đền bù tội lỗi do mình gây ra với XH. Có thể xử tù đến 100 năm như nhiều nước đã làm.
  • nghia ly
    3Thích  
    14/12/2013 09:16
    Cát tường đâu rồi. Ông ta thích hợp với việc này.
  • Nguyen
    3Thích  
    14/12/2013 10:21
    Việc tiêm thuốc độc này nên giao cho bác sĩ Tường của TMV Cát Tường làm là hợp lý.
  • võ vẫn
    4Thích  
    14/12/2013 10:58
    BS này sao lại yếu bản lĩnh như vậy, từ chối họ có dám giết hay bỏ tù mình không, sợ bị kỷ luật, cắt thi đua ghê gớm thế sao. Nên kiện các cơ quan bắt mình làm những việc "nghiệp dư" đi.
  • NĂM Y TÁ
    0Thích  
    14/12/2013 12:54
    Sao lại có chuyện ngành y cố gắng cứu người lại bị bắt buộc giết người, có còn Y đức không?
  • h-trang
    0Thích  
    14/12/2013 14:02
    theo tôi BCA hoặc các cơ quan chức năng thi hành án phải đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp thi hành án tử với hình thức tiêm thuốc độc cho đúng chức trách và nhiệm vụ của họ.
  • Single Firefly
    0Thích  
    14/12/2013 14:48
    Nếu là tôi, tôi đã từ chối không làm; bởi đó không phải là công việc của tôi. Công việc của một bác sĩ là cứu người, không phải giết người, cho dù đó là một tù nhân bị án tử! Đề nghị Ban Cải cách Tư pháp cho ý kiến chỉ đạo về vụ việc này! Quá trái với lương tâm và đạo đức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét