Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Không có quân phục: Tổng thống Thein Sein

Không có quân phục
Christoph Hein/Udo Schmidt
Phan Ba trích dịch từ “Miến Điện/Myanmar – Con đường gian truân đi tới tự do”
Tổng thống Obama thăm Tổng thống Myanmar Thein Sein
Một viên tướng trở thành người tốt
Một người thì chân trần trong dép tắm và quấn cái xà rông truyền thống có vạch xanh nước biển, một người trong bộ comlê màu đen, giày sang trọng và thắt cà vạt: khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm Thein Sein, Tổng thống Myanmar, trong thành phố Rangoon, sự tương phản hầu như không thể hơn được nữa.
Trước đó, chưa từng có một tổng thống Mỹ đến thăm Myanmar. Vài tuần trước vẫn còn chưa có ai chờ đợi từ Obamar một chuyến viếng thăm như thế. Nhưng đến cuối Thu 2012, đất nước này sống trong một thời kỳ chuyển tiếp – thời quá độ từ một chế độ độc tài quân sự sang một nền dân chủ được ban bố. Thein Sein, vị tổng thống, đại diện cho cả hai hệ thống. Từ một thành viên của nhóm quân đội cầm quyền, viên tướng này đã trở thành nhà cải cách đất nước.

Mãi đến đầu tháng 2 năm 2011, sau cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên – bị tranh cãi – từ hai mươi hai năm nay, Thein Sein mới được tuyên thệ trở thành tổng thống dân sự. Trước đó, ông đứng trong vị trí lãnh đạo của giới quân sự cầm quyền, nô dịch hóa và tàn phá Myanmar, từ 2007 là thủ tướng. Vào ngày 30 tháng 3 năm 2011, “Hội đồng nhà nước về Hòa bình và Phát triển” chính thức giải tán, và Thein Sein tuyên thệ trở thành tổng thống nhà nước cùng với chính phủ mới gồm năm mươi tám người. Vừa mới là Tổng thống, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia và Tổng tư lệnh quân đội, người đàn ông đã có tuổi này với cái đầu hói hết nửa và chiếc kính gọng vàng đã thể hiện là một nhà cải mới toàn hảo. Vị nguyên thủ quốc gia, về mặt hình thức là đầu tiên của đất nước này kể từ lần đảo chánh quân sự năm 1962, trả tự do cho các tù nhân chính trị, công nhận người nữ lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi trong vai trò của bà ấy, mở cửa cho nền kinh tế. 

Với mỗi một tuần trôi qua trên đất nước này, thế giới lại càng ngạc nhiên nhiều hơn về viên tướng không có quân phục ấy. Trong y phục dân sự, ông trông giống như một thầy giáo dạy tiếng La tinh, một viên kế toán, có lẽ là một dược sĩ – nhưng không giống như một thành viên đứng đầu của chính quyền quân sự mà đã chịu trách nhiệm về cái chết của hàng ngàn con người. Không một ai tin rằng người sĩ quan đã được thanh minh đó lại có được một sự thay đổi như thế.

Tối tối, tại nhà riêng, ở phía sau cánh cửa đóng kín, ông chắc cũng không thể tin được chính bản thân mình: trong mùa Xuân 2012, tờ Time Magazine bình chọn Thein Sein là một trong số một trăm nhân vật có ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới. Tên của ông nằm trong danh sách đề cử cho Giải Nobel Hòa bình. Và Thant Myint-U, tác giả và là con trai của cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, U Thant, vinh danh Thein Sein như là “kiến trúc sư của một trong những biến đổi dân chủ ít có khả năng nhất trên toàn thế giới”. 

Theo cách nhìn của ông, con người sáu mươi bảy tuổi này đang tìm thế cân bằng theo nhiều hướng: “Ông ấy phải sắp đặt chính phủ theo hướng dân chủ, cải cách một trong những nền kinh tế quốc dân lạc hậu nhất trên thế giới, và thương lượng chấm dứt hơn một tá các xung đột sắc tộc đã kéo dài lâu nay.” Tất cả những việc đó, trong khi ông phải làm sao cho các tướng lĩnh trước đây không nổi giận, những người vẫn còn quyết định chính phủ, liên kết các viên chỉ huy quân đội, giới doanh nhân, các đảng đối lập và xã hội dân sự trẻ tuổi.

Rõ ràng là máu vẫn còn vấy trên bàn tay của viên tướng qua đêm trở thành dân sự: Thein Sein là thủ tướng, khi chính quyền quân sự chấm dứt cuộc nổi dậy hòa bình của các nhà sư trong một biển máu năm 2007. Và trong vai trò đấy, ông cũng là người ít nhất thì phải cùng chịu trách nhiệm khi những người giúp đỡ nước ngoài không được phép nhập cảnh sau cơn bão Nargis năm 2008 – hơn một trăm ngàn người đã thiệt mạng trong khi đó. Theo huyền thoại, Thein Sein đã nhận ra được tính cần thiết của những cuộc cải cách ngay trong khi vẫn còn ngồi trong chiếc trực thăng bay trên những vùng đất bị ngập lụt mà ngôi làng quê hương của ông cũng nằm trong đó.

Trong bộ tham mưu các tướng lĩnh, Thien Sein có quê từ miền Nam của đất nước chưa bao giờ được tôn trọng nhiều. Người ta nói rằng ông ấy là một con người đồng tình với tất cả, như là một người lúc nào cũng gật đầu. Nhà cố vấn và cũng là người viết diễn văn cho ông Nay Wing Maung mô tả ông là “không tham vọng lẫn không quyết định nhanh chóng lẫn lôi cuốn, nhưng rất ngay thẳng và thật thà”. Trong nhân dân, có người gọi ông là “Mr. Clean”, vì ông không tham nhũng nhiều như đồng nghiệp trong hệ thống dễ bị mua chuộc của Myanmar. 

Người ta nhận ra điều đấy từ đâu? Vì ông cho tới nay vẫn không giúp đỡ ngôi làng quê nghèo nàn của ông, không khoe khoang ở đấy như những người khác, không cho xây chùa tưởng niệm Đức Phật và chính mình. Surin Pitsuwan, cho tới 2012 là tổng thư ký hùng biện của cộng đồng các nhà nước Đông Nam Á ASEAN, cộng đồng mà Myanmar cũng là thành viên, mô tả Thein Sein là “rất mềm mỏng, rất hiền hòa và rất cẩn thận”.

Các đặc tính đó đã đưa đẩy ông lên cao trong chính quyền quân sự: từ 2001 đến 2003, ông là người phụ tá cho Than Shwe, viên tổng tư lệnh đáng sợ. Không có sự đồng ý của ông thì Thein Sein không bao giờ được phép nhận quyền lãnh đạo đất nước đi đến dân chủ. 

Con đường thăng tiến của ông không được vạch sẵn ra từ bé. Thein Sein xuất thân trong hoàn cảnh nghèo khổ. Ở Kyonku, nơi đồng bằng rộng lớn của con sông Irrawaddy mở ra biển Andaman, cho tới nay vẫn chưa có điện và nước máy. Cha của ông, cũng như nhiều người dân Myanmar khác, đã từng là nhà sư, sau đó là nhà giáo, đã dệt chiếu và bán mì từ một căn nhà nghèo nàn dọc theo con đường bụi bặm và làm cu li kiếm tiền ở bến tàu. “Đối với tôi, cái nghèo là dấu ấn lên tuổi thơ. Vì thế mà giảm nghèo là yếu tố quan trọng nhất của cuộc cải cách”, Thein Sein nói giống như một chính khách. Người con trai thoát khỏi cảnh nghèo nàn của gia đình mình, cũng như nhiều nam thanh niên Myanmar khác, qua lần bước vào Học viện Quân sự. 

Ở độ tuổi bốn mươi, viên tướng đứng thứ tư của đất nước được phép viếng thăm Trung Quốc và Singapore trong những chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên. Sau đó, khi ông là viên tướng chịu trách nhiệm về vùng người Shan ly khai ở miền Bắc, ông được cho là đã hành xử ít tàn bạo hơn những người khác. Tất nhiên là giới đối lập lan truyền rằng thời trước, Thein Sein thích ra sân golf hơn là quan tâm đến một chiếc máy bay rơi xuống vùng của ông ấy.

Tướng Than Shwe. Hình: The Telegraph

Ngược lại, về việc mở cửa cho đất nước của mình thì rõ ràng là người tổng thống tự làm lấy. Khi đạo luật đầu tư hết sức quan trọng cho sự phát triển bị những người crony, những người đồng minh của chính quyền quân sự, làm cho mềm đi để họ hưởng lợi từ đó, văn phòng tổng thống đã lập tức thu hồi và chỉnh sửa nhiều điểm để tạo cho người nước ngoài có được những khả năng lớn hơn trong công cuộc xây dựng đất nước.

Nhưng thành tựu to lớn nhất của Thein Sein là việc công nhận Lady: nữ lãnh tụ phe đối lập Aung San Suu Kyi biết rằng bà đã nhận được gì từ người thủ tướng đó. Và điều đó cũng đúng theo chiều ngược lại: cả hai người có tuổi bằng nhau, và không ai trong hai người có thể đóng vai trò của mình trong nước Myanmar mới mà không có người kia. “ASSK” bắt đầu tin tưởng, khi Thein Sein mời bà vào dinh tổng thống tháng 8 năm 2011, nơi bà nhìn thấy một bức ảnh khổng lồ của cha bà, người anh hùng dân tộc Aung San. Viên cựu tướng lĩnh và người phụ nữ bị đàn áp nhiều năm trời đã bắt tay nhau ở dưới đó. 

Thein Sein còn tiếp nữa: ông ấy không ngần ngại công khai tuyên bố sự kính trọng của mình đối với gia đình của người phụ nữ đấu tranh cho tự do: “Nếu như anh nhìn vào lịch sử của đất nước chúng tôi thì tấm gương duy nhất mà tôi có được chính là người anh hùng giành độc lập của chúng tôi, Tướng Aung San.” Với sự hiện diện của vợ ông và mẹ của hai cô con gái của gia đình, băng đá giữa người phụ nữ đấu tranh phản kháng và thành viên chính quyền quân sự đã tan chảy. Trong khi đó, vài tháng trước Aung San Suu Kyi còn bị giới quân đội căm ghét cho mức nhà độc tài toàn trị Than Shwe cấm không cho phép nói tên của bà ra trước mặt ông ấy.

Aung San Suu Kyi biết rõ rằng hiện bây giờ chỉ có Thein Sein là có thể tiếp tục đẩy mạnh quá trình cải cách. “Tôi nghĩ Thein Sein thành thật”, người nữ trí thức để cho cả thế giới trích dẫn. Và Thein Sein cũng biết rằng Aung Sau Suu Kyi có đủ quyền lực để đánh đắm bất cứ một dự định nào của chính phủ. Thế nhưng sự im lặng của người phụ nữ đấu tranh đó mang lại cho ông tính chính danh mà ông cần, để có thể lấy điểm ở Myanmar và trước hết là ở nước ngoài.

Giống như đôi vợ chồng già, những người là địch thủ của nhau trước đây đã tạo một thỏa hiệp vì một Myanmar mới – “không với bạn và không thể không có bạn”, nó là như thế. Nếu như họ vẫn còn ngáng trở nhau trong những chuyến công du vào những tuần đầu tiên – sau khi AungSan Suu Kyi đến thăm Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thái Lan trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên của bà sau lần bị quản thúc tại gia, Thein Sein đã hủy bỏ không tham gia nữa –, họ nhanh chóng học được cách cũng để cho người kia đóng vai trò của mình ở nước ngoài. 

Vài tháng sau đó, khi ở New York, Thein Sein cũng nói về Lady: “Aung San Suu Kyi có một vai trò mang tính quyết định trong quá trình cải tổ. Bà ấy là nghị sĩ của Quốc hội và bà ấy đã làm việc với chúng tôi để đẩy mạnh một vài cải cách. Bà ấy là một người đồng nghiệp tốt. Tôi chắc chắn là bà ấy đang làm những gì mà bà ấy có thể làm, để hoàn thành quá trình cải cách.” 

Chỉ sau vài tháng trong chức vụ khó khăn, viên cựu tướng lĩnh đã tìm thấy những từ ngữ đúng đắn: “Di sản chính trị của tôi là việc chỉ cho thế hệ kế tiếp thấy rằng chúng tôi tôn trọng sự khác biệt; chúng tôi có ý kiến khác nhau, nhưng chúng tôi có thể làm việc cho cùng một mục đích vì đất nước này. Ngay với cả sự kình địch chính trị của hai thập niên vừa rồi.” Rằng “kình địch chính trị” chính là sự tô điểm có một không hai khi nhìn đến những bất công và thống khổ mà Thein Sein và những người đồng nghiệp trong chính phủ quân đội của ông đã gây ra cho đất nước này, điều đấy thì ông cố tình ỉm đi.

Nhưng liệu vị tổng thống đã tỉnh ngộ như thế có thể tự mình “hoàn thành quá trình cải cách” hay không? “Nếu theo ý tôi thì tôi chỉ muốn đứng đầu đất nước một nhiệm kỳ thôi”, ông nói. “Nhưng các quyết định trong tương lai tất nhiên là phụ thuộc vào nhu cầu của đất nước và mong muốn của người dân.” Sức khỏe của ông không được tốt. Vị tướng phải gắn một máy tạo nhịp tim ở thành phố Singapore hoa lệ – trên quê hương đã bị chính ông và các đồng nghiệp trong chính quyền quân sự tàn phá thì việc đó không đủ an toàn đối với ông.

Ngay cả khi Thei Sein cùng với người nữ lãnh tụ phe đối lập quyết định tốc độ mở cửa Myanmar, thì vẫn còn không rõ là ông muốn đi đến đâu. Vị tổng thống chỉ thỉnh thoảng mới đưa ra những lời nói ám chỉ. Như ông đã xin lỗi cho giới quân sự cầm quyền, rằng quân đội không còn sự lựa chọn nào khác khi giành lấy quyền lực vào cuối những năm 80, để tái lập “hòa bình và ổn định”. Và rằng các tướng lĩnh với hai mươi lăm phần trăm số phiếu vẫn tiếp tục giữ quyền phủ quyết, điều đấy là hợp lý theo quan điểm của ông: điều này tương tự với các hoàn cảnh trong thời quá độ ở Nam Hàn và Indonesia. Nhưng như vai trò của giới quân đội đã giảm dần đi cùng với sự ổn định của nền dân chủ trong cả hai nước đó, thì điều đấy cũng có thể xảy ra ở Myanmar.

Christoph Hein/Udo Schmidt
Phan Ba dịch
Đọc các bài khác ở trang Con đường Miến Điện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét