Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Hãy cứu lấy nông dân!

Chẳng cứ nông dân, hãy cứu lấy toàn thể nhân dân lao động nước ta.
Hãy cứu lấy nông dân!
Tác động của suy thoái kinh tế thế giới đến nền kinh tế Việt Nam ngày càng mạnh hơn theo hướng xấu đi. Trong lúc hàng chục ngàn tỉ đồng được chi hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản, hàng chục ngàn tỷ đồng khác cho người dân đô thị vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội, trợ giá xe buýt hàng ngàn tỷ…, thì tình cảnh nông dân trồng lúa lại đang phát đi những lời kêu cứu khẩn cấp. 
Mỗi hạt gạo cõng nhiều món nợ mà người nông dân phải trảẢnhHV
Hiện lúa hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long chín rục, nhiều nông dân khóc ròng: "Lúa thóc thế này chỉ có nước cho vịt ăn chứ ai mua mà bán”. Đó là giá lúa rất thấp mà cũng không có người mua, nhiều nông dân phải bỏ lúa lên mộng chứ không thể thu hoạch. Với cây lúa, chuyện này chưa từng xảy ra trong quá khứ. 
Trong khi đó, thương lái mua lúa cũng than "đứt ruột” rằng bị doanh nghiệp bỏ rơi, nhiều người phải bỏ tiền đặt cọc mua lúa của nông dân để "bỏ của chạy lấy người”, bởi nếu mua lúa sẽ lỗ nặng hơn. Đa số doanh nghiệp giảm tới 90% sản lượng mua vào, có một số ngừng hẳn cho an toàn. Doanh nghiệp xuất khẩu thì "án binh bất động” như thế thì nông dân không "chết” sao được?  
Còn nữa, mỗi hạt gạo cõng nhiều món nợ mà người nông dân phải trả: từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến chi phí hạ tầng, thủy lợi, đê điều, ... Trong khi chờ giấc mơ "lãi 30%” chưa biết khi nào trở thành hiện thực, nông dân vẫn đang thiếu vốn sản xuất. Giá chai thuốc diệt cỏ là 120.000 đồng, mua thiếu phải ghi nợ là 150.000 đồng, lãi suất… 25%! Và không chỉ duy nhất có thuốc diệt cỏ!  Theo các chuyên gia,  trong cơ cấu giá thành hạt lúa ở trường hợp này thì chi phí cho phân và thuốc bảo vệ thực vật chiếm tỉ trọng cực khủng: 80%!

Mua thiếu, nợ cao nhưng còn vốn vay của ngân hàng? Trung bình một vụ lúa tổng chi phí trên 1 công (1.000 m2) ruộng là 2,2-2,5 triệu đồng, trong khi ngân hàng cho vay chỉ 1 triệu đồng/công. Cơn đói vốn triền miên và không còn cách nào khác người nông dân phải mua thiếu vật tư như với ví dụ nêu ở trên. Nhưng không chỉ có phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mới "đè” lên hạt lúa. Còn những khoản phí, khoản huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như đê bao thủy lợi và bêtông hóa giao thông nông thôn, mà tiếng là được "vận động”, thật ra gần như bắt buộc. Còn phải nộp thêm phí an ninh trật tự, xây dựng hệ thống đèn đường, phí tiền điện chiếu sáng, rồi là các quỹ đền ơn đáp nghĩa, xã hội từ thiện, khuyến học, xây dựng ký túc xá sinh viên... 

Có thể dẫn chứng một nông dân tỉnh An Giang kể về chuyện địa phương kêu xáng múc đất dưới kênh đổ lên làm đường: "Làm bốn đợt như vậy, tổng cộng gia đình tôi đóng hết 15 chỉ vàng, phải đi hỏi đi vay. Sau đó vay thêm ngân hàng 5 triệu đồng, ba năm sau mới trả xong nợ”. Đó chính là tình cảnh của những người trồng lúa. 

Rõ ràng làm lúa trong bối cảnh hiện nay là không thể nào đủ ăn. Dễ hiểu vì sao tỷ lệ học sinh bỏ học sớm ở nông thôn lại luôn luôn cao. Những thanh thiếu niên này tạo ra một dòng di cư tự phát về các đô thị sẽ ngày một đông. Nghề nghiệp không, vốn không, sẽ làm gì để mưu sinh tại những nơi tạm bợ?  Nhiều người trong số họ có khả năng làm mồi cho các tệ nạn xã hội, tạo thêm gánh nặng cho các thành phố với những hệ lụy hết sức lớn. Kinh phí bỏ ra khắc phục hoàn toàn không nhỏ.  Thiết nghĩ, cứu nông dân là việc cần làm ngay. 

Ở nông thôn đâu cũng có những cửa hàng bán vật tư nông nghiệp của tư nhân với mức lãi suất vét túi người trồng lúa như đã nói, thì sao ngành nông nghiệp của nhà nước lại không có những cửa hàng như thế để hỗ trợ cho nhà nông? Hai tổ chức khác là ngân hàng cũng có thể có một chính sách tín dụng mới hơn, thoáng hơn, mang tính hỗ trợ thiết thực hơn cho những người trồng lúa. Và, các địa phương có phải vì chạy theo thành tích mà "sáng tạo” ra hàng loạt những loại phí khiến cho nông dân "nghèo gặp cái eo”? Gọi là cứu lấy nông dân nhưng nghĩ cho cùng đó cũng là cứu các đô thị, tránh cho người nông dân tiếp tục phải dồn về đô thị để kiếm sống,  xa hơn là làm bớt gánh nặng của cả nền kinh tế.
Thư Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét