Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Gái yêu Tây, trai ế vợ trong cộng đồng Việt ở châu Âu

Gái yêu Tây, trai ế vợ trong cộng đồng Việt ở châu Âu
Không khó khăn lắm để thấy hình ảnh cô gái Việt trẻ trung, nhí nhảnh khoác tay chàng trai Tây đi lại hồn nhiên giữa phố phường, đặc biệt ở các trung tâm thương mại của người Việt ở Cộng hòa Séc.
Nhiều phụ nữ Việt khổ vì lấy chồng Tây / 
Lấy chồng ngoại cũng là một xu thế
Anh chị bạn tôi có đứa con gái năm nay bước sang tuổi 18. Cô nữ sinh có khuôn mặt xinh thánh thiện. Sống trong gia đình bố mẹ đều là những người coi trọng nền nếp gia phong của người Việt. Ngoài việc dạy các phẩm chất công, dung, ngôn, hạnh ra họ còn thường xuyên trao đổi về các mối quan hệ tình bạn, tình yêu để qua đó nắm bắt được ý thích và nguyện vọng của con mình.
Hình minh họa. Maison de Bil
Tất cả những cố gắng đó đều hướng tới mục tiêu: cho con gái mình tìm người yêu là người Việt. Rồi một ngày, cháu dẫn về chàng trai da trắng, tóc vàng và tự tin giới thiệu đây là người yêu của mình. Quá bất ngờ nhưng anh chị vẫn bình tĩnh ngồi tiếp chuyện để xem xét thái độ và cách ứng xử của cả hai.

Cũng từ buổi ra mắt ấy, chàng trai mũi lõ kia tập ăn bằng đũa, học nói tiếng Việt và khi có cơ hội đều tranh thủ gặp gỡ các phụ huynh tìm hiểu để sau này có “nhập gia” thì “tùy tục” cũng dễ hơn.

Khác với anh chị trên, anh Vĩnh, bạn tôi là người mang nặng tính phong kiến. Khi cháu dẫn bạn trai là anh chàng Tây về, anh không thèm nói chuyện mà còn giận đến cả tháng trời, mặc cho vợ, con gái giải thích. Không khí gia đình ngột ngạt. Vợ anh đề nghị họp gia đình để tìm cách tháo gỡ. Vừa ngồi xuống ghế, anh đã chỉ thẳng tay vào mặt con gái mà rằng: "Mày giỏi cứ đi lấy Tây đi, đừng về nhìn mặt tao nữa”. Cô con gái mặt xanh tái, chỉ ngồi khóc.

Sau nhiều lời khuyên giải của mẹ, cô gái mới ngước mắt lên mà rằng: "Con xin lỗi bố mẹ, nhưng con không thể tìm được người yêu là người Việt. Không phải không có người tử tế nhưng những người con quen phần lớn đều học dở dang. Người học cùng con từ phổ thông, lúc còn bé họ khoe quần áo hàng hiệu, lớn hơn khoe điện thoại, khoe ôtô, lấy vũ trường làm đẳng cấp. Họ khinh con không thức thời, học làm gì khi bố mẹ đã lo hết đến cả đời cháu rồi".

"Còn bạn Tây này thì chưa bao giờ coi thường con, bạn ấy giúp con rất nhiều trong học tập, bênh vực mỗi khi con bị trêu chọc trong khi các bạn trai là người Việt cùng học lại rất thờ ơ. Con cần sự che chở đó, con xin lỗi đã làm bố phải buồn".

Nghe xong lời con gái trần tình, ông bố đi ra ban công, mở cửa rồi đứng nhìn ra xa, tư lự: “Có nên cho nó tiếp tục yêu?"

Anh Thành có đứa con trai đã học xong đại học, có công ăn việc làm ổn định. Năm nay đã 29 tuổi mà không tìm được người yêu là người Việt. Tận dụng mối quan hệ làm ăn, quen thân, anh chị và mọi người giới thiệu cho cháu nhiều “mối” nhưng hình như ông tơ bà nguyệt vẫn chưa cho bén duyên ai. Tìm hiểu kỹ mới thấy khâu tỏ tình của cháu “cứng” quá, không ga lăng chút nào như tâm sự của một vài cháu gái được bà mối xe duyên thổ lộ.

Không khó khăn lắm để thấy hình ảnh cô gái Việt trẻ trung, nhí nhảnh khoác tay chàng trai Tây đi lại hồn nhiên giữa phố phường hay các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, đặc biệt ở các trung tâm thương mại của người Việt.

Họ là những thiếu nữ đang học hoặc đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học, đều xinh xắn, dễ thương. Đại đa số đang cùng ở với bố mẹ và nhất định tình yêu mà họ đang có kia các phụ huynh đều biết hết. Vậy điều gì đã làm đổi thay nếp nghĩ tưởng như không thể kia trong đầu của họ? Và vì sao các cô gái xinh đẹp nhường kia lại đi chọn cho mình một nửa không cùng màu da trong khi việc tìm người yêu của một bộ phận không nhỏ các nam thanh niên là người Việt đang sinh sống ở đây hầu như khó khăn, không có cơ hội?

Cách đây không lâu báo chí trong nước đã lên tiếng về nạn "chảy máu phụ nữ” khi rất nhiều các cô gái đua nhau đi lấy chồng nước ngoài. Động cơ muôn vẻ nhưng chủ yếu đẩy lỗi cho đàn ông Việt thời nay.
Còn rất nhiều câu chuyện về tình yêu của giới trẻ hôm nay với thanh niên bản địa. Sự lý giải nào cũng thuyết phục. Mới biết trong trăm vạn nẻo đường để đến với tình yêu, phải chăng sự yêu chiều, đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ có sức nặng làm lệch quan điểm của một thời: “Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn”? Viết đến đây đâu đó trong tôi dội về câu hát mênh mang, xa tít: "Anh xuống đồng sâu em lại lên ruộng cạn. Anh đi tìm bạn, bạn còn đi xa… như ong tìm hoa… hoa nở phương nào…”.

Xem thêm: Sao cứ phải so sánh chồng nội, chồng ngoại

Thiều Quang (từ CH Séc)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét