Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Sự tích Hồ Kim Ngưu

Nhà mình ở gần hồ Tây, lâu mới có dịp được đọc lại chuyện này:
Sự tích Hồ Kim Ngưu
Hồ Tây không chỉ là một thắng cảnh đẹp, một lá phổi xanh không thể thiếu của đất Thăng Long mà còn có những truyền thuyết làm cho miền đất này như càng linh thiêng hơn. Đứng từ bờ này nhìn sang bờ bên kia thấy mênh mông sóng bạc sương lam. Với những ngày đẹp trời có thể nhìn thấy cả bóng núi Ba Vì mờ ảo.
Thật ra Hồ Tây có rất nhiều tên gọi như là Dâm Đàm - có nghĩa là Đầm mù sương, hay Hồ Kim Ngưu – có nghĩa là Hồ Trâu Vàng, hay Hồ Xác Cáo, Hồ Lãng Bạc… Còn tên Hồ Tây là xuất phát từ chỉ chung hồ nằm phía tây bắc của Kinh Thành, gọi mãi thành tên riêng là Hồ Tây.
Minh Không hòa thượng còn có pháp danh khác là Không Lộ, là người đức cao trọng vọng và cũng có nhiều phép thuật, sang Trung Quốc chữa bệnh cho hoàng đế Trung Hoa. Khỏi bệnh, vua Trung Hoa muốn ban thưởng cho vị đại sư Việt một món quà. Hòa thượng nói: “Xin bệ hạ cho bần tăng một lượng đồng đen chứa vừa trong cái tay nải này”. Thuở bấy giờ, nước Việt đang thiếu thốn đồng và sắt. Bao nhiêu quý kim, vàng bạc, châu báu đã bị người Tàu vơ vét về phương Bắc. Một ngày kia, sư Không Lộ lên đường sang Trung Quốc, mang theo một cái túi nhọ. Nhà sư xin yết kiến vua nhà Tống, để quyên một ít kim khí, đựng trong một túi vải nhỏ đem về đúc thành tượng Phật.

Thấy cái túi vải bé nhỏ của nhà sư, vua Tống không ngần ngại sai bảo quan hãy đưa sư Không Lộ vào tận kho, chọn lựa tuỳ thích vàng hay đồng, miễn là chỉ đựng đầy túi thôi. Vừa bước vào cửa kho, sư Không Lộ trông thấy một con trâu to lớn, đúc toàn bằng vàng ròng. Trâu vàng lớn hơn cả con trâu thật ngoài đời, đứng nghênh ngang như muốn canh giữ kho vua. Ở gian chính giữa, có cất giữ một số kim khí hiếm quý hơn vàng, gọi là đồng đen. Sư Không Lộ bèn giở phép thuật thần thông, mở cái túi vải nhỏ ra, thâu tóm quá phân nữa số đồng đen trong kho vàng bạc cuả vua Tống.


Viên quan giữ kho hốt hoảng trước hành vi thần bí kỳ lạ của nhà sư, bèn bắt nhà sư phải trả lại số đồng đen quý giá về chỗ cũ. Sư Không Lộ nhắc lại cho viên quan Tầu nhớ rằng chính nhà vua đã cho phép ngài được chọn lấy bất cứ thứ kim loại nào, miễn là không chứa đầy quá cái túi vải nhỏ bé của ngài.

Khi về nước, ông dùng đồng đen lấy được đúc thành một cái chuông lớn. Tương truyền số đồng đen còn lại hòa thượng còn đúc được An Nam Đại Tứ Khí. Chuông đồng đúc xong, khi gióng lên tiếng kêu xa khắp thiên hạ. Lúc đó, tại cung điện Trung Hoa có tượng một con trâu đúc bằng vàng rất lớn. Theo truyền thuyết thì đồng đen là mẹ của vàng, nghe tiếng chuông của mẹ đồng đen gọi, con trâu vàng cựa mình và phóng sang Đại Việt, nằm phụ phục bên cạnh cái chuông của hòa thượng Minh Không. Ngài Minh Không giật mình vì cho rằng nếu tiếp tục gióng chuông thì vàng từ các nước lân bang sẽ tụ về Đại Việt. Ngài bèn ném cái chuông xuống hồ tây. Tiếng chuông âm vang lần cuối, con trâu vàng theo mẹ nhảy xuống hồ.



Mỗi năm, đến cữ mưa rào mùa hạ, nước Hồ Tây đầy tràn, thỉnh thoảng các nhà chài đi đánh cá sớm lại trông thấy trong khói song nổi lên hình quả chuông đen nhánh. Đôi khi trở trời, nhìn rõ cả chiếc sừng trâu vàng vùng vẫy trên nước. Bởi vậy sinh ra câu chuyện hoang đường rằng nếu nhà ai đẻ được mười người con trai mà đem thả xuống Hồ Tây thì kéo được trâu vàng.

Truyền thuyết dân gian biến hóa theo dòng chảy của cuộc đời, tựu trung Trâu được coi là một con vật thiêng có khả năng trừ ma quái, bảo vệ dân làng. Tín ngưỡng thờ Trâu Vàng là một tín ngưỡng tích cực, phù hợp với nguyện vọng cầu mong một cuộc sống yên ổn của nhân dân xưa. Đền thờ Trâu Vàng bên bờ Hồ Tây là một biểu hiện vật chất của tín ngưỡng và nguyện vọng đó. Trên bản đồ Hà Nội vẽ năm 1873 vẫn còn ghi địa điểm đền Kim Ngưu ở đầu doi đất Tây Hồ.

Dẫu biết rằng đó chỉ là truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian không có thực song từ trong sâu thẳm chúng ta vẫn cảm thấy sự linh thiêng và tôn thờ những truyền thuyết đó. Hồ Tây nói riêng là Hà Nội nói chung luôn là mảnh đất địa linh nhân kiệt ẩn chứa trong mình biết bao bí ẩn và là niềm tự hào của nhân dân cả nước.

Xung quanh hồ có nhiều làng cổ truyền thống mang đậm sắc thái văn hóa dân gian, gắn với tên tuổi nhiều danh nhân nổi tiếng. Làng Nghi Tàm, quê hương Bà Huyện Thanh Quan, có chùa Kim Liên với kiến trúc độc đáo; làng Nhật Tân có nghề trồng hoa đào nổi tiếng, tương truyền là nơi Lạc Thị đời Hồng Bàng sinh ra một bọc trứng nở thành bảy con rồng. Rồi làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng, làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh, làng Kẻ Bưởi có nghề làm giấy cổ truyền và đền Đồng Cổ là nơi bách quan hội thề thời Lý, làng Thụy Khuê có chùa Bà Đanh nổi tiếng một thời… Đền Quán Thánh ở góc đường Thanh Niên và đường Quán Thánh, trấn phía Bắc của Kinh thành Thăng Long. Chùa Trấn Quốc ở phía nam Hồ Tây cũng là một ngôi chùa đẹp, nổi tiếng ở Hà Nội. Nhiều ngôi chùa, đền là thế, nhưng có lẽ người Hà Nội, khách du lịch vẫn tìm đến đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc và phủ Tây Hồ. 

Người người đến đây chẳng những được thưởng thức nét đẹp kiến trúc của đền chùa cổ xưa mà còn cầu may, cầu phúc… đông nhất là vào những ngày rằm, mồng một âm lịch hàng tháng và ngày lễ, Tết. Bên cạnh hồ Tây là hồ Trúc Bạch, giữa hai hồ là đường Thanh Niên thơ mộng. Trước đây, đường được gọi tên là Cổ Ngư. Ngoài ra, một số công trình nhà ở mới xây dựng bên hồ làm cảnh quang thêm đa dạng.

Thảo Phương (Thethaovietnam.vn)
http://thethaovietnam.vn/du-lich/an-tuong-viet-nam/201304/Su-tich-Ho-Kim-Nguu-277525/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét