Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Nhói lòng vụ lừa 170 tờ vé số

Nhói lòng vụ lừa 170 tờ vé số
(PL)- Sáng 10-4, nhiều người chứng kiến cảnh một phụ nữ kêu khóc thảm thiết vì bị lừa mất 170 tờ vé số trị giá gần 2 triệu đồng.
Vào thời điểm trên, chị Mai Thị Trung (53 tuổi, quê Thanh Hóa, hiện tạm trú phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa) đi bán vé số dạo ngang qua một công trình xây dựng trên đường Dương Tử Giang (phường Tân Tiến). Tại đây, một người đàn ông khoảng 60 tuổi, tự xưng là “bảo vệ công trình” xây dựng gọi chị lại nhưng không mua vé số. Người này nói với chị Trung rằng công nhân trong công trường thường mua vé số, chị Trung vào đó mà bán. Nghe vậy, chị Trung định vào công trường để bán thì người “bảo vệ” ngăn lại và nói: “Nội quy ở đây cấm người lạ vào ra công trình, chị đưa xấp vé số cho tôi vào bán giúp, còn chị ở ngoài trông xe”.
Chị Trung kêu khóc khi biết bị lừa mất 170 tờ vé số. Ảnh: DUY ĐÔNG
Hơn 10 phút sau, tay “bảo vệ” đi ra nói với chị Trung rằng đã bán hết vé số, chị Trung đứng chờ lấy tiền, các công nhân sẽ ra đưa. Tuy nhiên, khi chị Trung vừa quay lưng thì người đàn ông “tốt bụng” nhanh chân biến mất. Biết mình bị lừa mất trắng vốn liếng, chị Trung dường như ngã quỵ.
Người dân chung quanh biết được sự việc đã góp lại giúp người phụ nữ bán vé số tội nghiệp này được gần 500.000 đồng.

DUY ĐÔNG

Bán vé số khổ trăm bề
Sau tin “Nhói lòng vụ lừa 170 tờ vé số” (Pháp Luật TP.HCM ngày 11-4), một bạn đọc từng có nhiều năm đi bán vé số bộc bạch nỗi khổ: Hầu như ngày nào cũng có người bán vé số gặp nạn, không kiểu này thì cũng kiểu khác.
  • Sáng hôm qua, xóm trọ bán vé số của tôi xôn xao trước thông tin một đồng nghiệp của mình ở Đồng Nai bị lừa mất gần 2 triệu đồng tiền vé số. “Ngày nào cũng có người bị lừa. Cái quân ác nhơn!” - một hàng xóm của tôi bức xúc. Hai triệu đồng với người khác có thể là ít nhưng đó là số tiền lớn của dân bán vé số.

  • Chiêu lừa “nhận bán giúp rồi sau đó cuỗm luôn” như tin trên đã phản ánh đang trở nên rất phổ biến. Khoảng nửa tháng trước, trên đường Trường Sa, một người mù bán vé số cũng bị một thanh niên đi xe máy hỏi mua vé số nhưng liền sau đó giật hết xấp vé số rồi rồ ga bỏ đi trước sự ngỡ ngàng của ông. Trước đó, một ông bạn mù của tôi bán vé số ở ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Điện Biên Phủ bị một phụ nữ đi đường “tốt bụng” bê nguyên cả bàn vé số đi bán giùm rồi một đi không trở lại. Ông đứng ôm gốc cây khóc ngon lành. Sống gần hết tuổi trời ông già mới chứng kiến lòng người tệ bạc như vậy. Thương cho cảnh không nhà cửa của ông, chính quyền đã đưa ông vào Trung tâm Bảo trợ người già và tàn tật. Có thể nhận thấy kẻ lừa đảo thường nhắm vào các đối tượng là phụ nữ, trẻ em, người tàn tật và hay đi lừa vào buổi chiều, lúc những người bán vé số rất mong bán hết vé số.
Chị Mai Thị Trung (tạm trú phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa) khóc thảm thiết khi bị lừa lấy 170 vé số vào sáng 10-4. Ảnh: DUY ĐÔNG
Bản thân tôi cũng có vài lần bị lừa nhưng không phải ở dạng trên mà là bị làm giả vé trúng (thường là các giải sáu, bảy, tám). Vé số giả được in bằng máy tính rất tinh vi và bọn lừa đảo đã dựa vào tâm lý của số đông người bán vé số để làm ăn. Cứ khoảng 2 giờ chiều trở đi, người bán vé số dạo nào cũng nơm nớp lo vé số ế. Trong khi đó, những người đổi vé số trúng thường mua lại 20, 50 tờ vé số khác. Mà bán được nhiều vé số thì ai chẳng ham! Thế là trong vài chục lần đổi thì hầu như người bán vé số nào cũng bị dính chấu ít nhất một lần vé giả, coi như mất toi vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Có người trong một tháng bị lừa tới hai lần đã phải đi vay lãi nặng để sống.
Hầu hết người bán vé số không có vốn. Họ được chủ đại lý cho lấy vé chịu (nợ), cho ăn ở ngay trong những căn nhà trọ chật chội của chủ đại lý. Bán 100 vé họ chỉ lời được 90.000 đồng sau khi đã trừ tiền hoa hồng cho đại lý. Họ luôn bị áp lực từ chủ đại lý là mỗi ngày không được bán dưới 100 vé. Đa phần người bán vé số là dân nhập cư từ các tỉnh. Dù nghề bán vé số phải dầm mưa dãi nắng với bàn chân lúc nào cũng to bè vì đi nhiều nhưng đó là một trong những cách dễ kiếm tiền nhất để hằng tháng gửi về quê lo cho gia đình. Điều đáng nói là không phải nạn nhân nào cũng may mắn được người đi đường góp tiền giúp đỡ, có trường hợp đành chịu trắng tay.
Tôi mong mọi người lên án mạnh mẽ để những hành vi bất nhân trên không còn xảy ra.
NGUYỄN VĂN MẠNH (C3 ấp Tân Thới Nhất, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP.HCM)
T.MẬN ghi

Nhiều người bán dạo đã bị “cướp” vé số

Gần đây, dư luận ở Biên Hòa rất bức xúc trước nạn “cướp” vé số của những người bán dạo. Những kẻ táng tận lương tâm đã dùng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt những đồng tiền khổ cực của những người nghèo. Ngoài vụ chị Mai Thị Trung (53 tuổi) bị một người đàn ông chiếm đoạt 170 tờ vé số trị giá gần 2 triệu đồng vào sáng 10-4, trước đó còn có mấy vụ lừa đảo tương tự.
Ngày 21-3, chị Huỳnh Thị Thuận (không có cả tay lẫn chân) hằng ngày vẫn dầu dãi nắng mưa bán vé số ở khu vực ngã 4 Tân Phong đã bị lấy mất hàng trăm tờ khiến chị không thể thanh toán tiền cho đại lý.
Theo một người chứng kiến sự việc kể lại, khoảng 10 giờ cùng ngày, có hai người ghé lại chỗ chị Thuận xem vé số. Họ nói họ có bốn tờ trúng giải năm (mỗi tờ 1 triệu đồng) và đề nghị đổi vé số mới. Tin lời, chị Thuận đã đổi cho họ 400 tờ. Chừng ra đại lý để đổi lại thì chị Thuận mới hay bốn tờ trúng đó là giả mạo. Sau khi có kết quả xổ số, kẻ gian đã kiếm những vé cũ cắt lấy dãy số rồi dán lên vé số mới, lừa đổi những người bán dạo.
Chị Huỳnh Thị Thuận (không có cả tay lẫn chân) đã nhiều lần bị kẻ gian lừa lấy vé số. Ảnh: DUY ĐÔNG
Tiếp xúc với PV, chị Thuận cho biết chị lăn lộn bán vé số ở quê nghèo tại thôn Đại Cát, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa nhưng không đủ ăn. Cách đây hai năm, chị Thuận vào Biên Hòa mưu sinh. Ngày nắng cũng như ngày mưa, đằng đẵng 12 tiếng đồng hồ chị ngồi trên xe lăn bán vé số. Nhiều lần bị lừa lấy vé số, chị hết sức đau khổ nhưng bất lực không biết kêu ai.
Một trường hợp nữa cũng đau lòng không kém là chị Ninh Thị Tính, quê ở Thanh Hóa. Hằng ngày chị Tính bán vé số ở khu vực phường Tân Hiệp. Nhiều lần chị ghé một quán cà phê ở phường này thì gặp một ông khách ăn mặc lịch sự, đi xe ô tô. Cứ mỗi lần được mời, ông đều mua từ 40 đến 50 tờ. Có lần mua 20 tờ nhưng ông đưa cho chị Tính 500.000 đồng. Do không có tiền thối nên chị đã cho ông nợ và chiều hôm sau chị ghé lại lấy tiền. Thấy vị khách này sòng phẳng nên chị Tính rất tin tưởng.
Sáng 6-4, chị ghé quán bán vé số và gặp lại ông khách trên. Khi chị mời mua thì ông khách nói mới sáng sớm nên kiêng, không trả tiền được. Ông đồng ý mua hết vé số, khoảng 2 tiếng sau chị quay lại lấy tiền. Nể vị khách sộp, chị đã để lại gần 500 tờ rồi vui vẻ đi chợ mua đồ ăn. Thế nhưng hơn 1 tiếng sau quay lại, ông khách nọ đã biến mất. Hai ngày liên tục chị đến quán ngồi chờ nhưng ông khách vẫn biệt vô âm tín. Biết mình bị lừa nhưng chị Tính không có cách nào cứu vãn được.
Thiếu tá Vũ Văn Nhiệm, Trưởng Công an phường Tân Hiệp (TP Biên Hòa), cho rằng những đối tượng lừa đảo thường chọn những người bán vé dạo, chủ yếu là phụ nữ để lừa đảo. Do vậy, những người bán vé số cần nâng cao cảnh giác để đỡ bị thiệt hại.
DUY ĐÔNG
http://phapluattp.vn/20130412121117809p1027c1098/ban-ve-so-kho-tram-be.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét