Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Nhật gia nhập cuộc đua nới lỏng tiền tệ

Nhật gia nhập cuộc đua nới lỏng tiền tệ
Kế hoạch kích thích được ngân hàng trung ương công bố khiến niềm tin của các nhà đầu tư dâng cao, nhưng cũng tạo ra mối lo về bong bóng tài sản, lạm phát và căng thẳng thương mại trong khu vực.
Châu Á hưởng lợi khi Nhật Bản nới lỏng kỷ lục

Sau phiên họp diễn ra ngày 4/4, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) - Haruhiko Kuroda tuyên bố tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ không giới hạn để đạt mục tiêu lạm phát 2%. Theo đó, BOJ sẽ mua lại 7.500 tỷ yen (78,6 tỷ USD) trái phiếu mỗi tháng. Lượng tiền cơ sở, gồm tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi của các tổ chức tài chính trong BOJ, cũng được nâng gấp đôi lên 270.000 tỷ yen (2.800 tỷ USD) cho đến cuối năm 2014.
Động thái này vượt xa dự đoán của các nhà kinh tế (5.200 tỷ yen mỗi tháng) và là chương trình nới lỏng mạnh mẽ nhất từ năm 2001. BOJ cũng sẽ đổ thêm 1.000 tỷ yen vào các quỹ ETF và 30 tỷ yen vào quỹ đầu tư địa ốc. Chương trình mua lại tài sản của cựu thống đốc Masaaki Shirakawa cũng bị xóa bỏ. Thay vào đó, BOJ sẽ mua trái phiếu có thời gian đáo hạn lên tới 40 năm.

Ông Haruhiko Kuroda trong buổi họp tại BOJ. Ảnh: Bloomberg
Ông Haruhiko Kuroda trong buổi họp tại BOJ. Ảnh: Bloomberg
Như vậy, Nhật Bản đã chính thức gia nhập nhóm nền kinh tế phát triển có chính sách nới lỏng mạnh mẽ nhất thế giới, đó là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BOE). BOJ đang nỗ lực chấm dứt hai thập kỷ tăng trưởng chậm và 15 năm giảm phát tại Nhật Bản. Trước đó, ông Kuroda đã đặt mục tiêu đưa nước này đạt lạm phát 2% trong vòng hai năm.

Sau tin tức trên, yen Nhật giảm xuống mức thấp nhất so với USD kể từ 2009. Chỉ số Nikkei cũng gần lên đỉnh 5 năm ngày 5/4. Thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh cho thấy ông Kuroda đã lấy được niềm tin của nhà đầu tư trong chiến dịch hồi sinh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Theo nhà phân tích Frederic Neumann từ HSBC, việc BOJ nới lỏng sẽ có nhiều tác động đến các nước mới nổi ở châu Á, dù không mạnh như động thái từ Mỹ. Thái Lan, Malaysia và Indonesia là ba thị trường châu Á có mối liên hệ tài chính mật thiết nhất với Nhật Bản. Vì vậy, Nhật bơm tiền sẽ khiến dòng vốn đổ vào ba nước này tăng lên trong những quý tới.
Philippines và Việt Nam cũng được kỳ vọng đón dòng tiền mạnh do các ngân hàng, nhà đầu tư tổ chức Nhật Bản đang tìm kiếm cơ hội mới. Bên cạnh đó, các công ty nước này cũng muốn đa dạng hóa địa điểm sản xuất.
Trên lý thuyết, việc các ngân hàng trung ương đẩy mạnh kích thích có thể khiến tăng trưởng toàn cầu năm nay vượt dự đoán 2,4% của Ngân hàng thế giới (WB). Tuy nhiên, bơm tiền cũng đi kèm rủi ro lạm phát, bong bóng tài sản cũng như căng thẳng với các nước mới nổi như Trung Quốc, Brazil hay Hàn Quốc về vấn đề tỷ giá và dòng vốn nóng.
Hai tỷ phú đầu tư hàng đầu thế giới là George Soros và Bill Gross đều cảnh báo động thái của BOJ đang hủy hoại đồng yen. Soros nhận định việc làm của BOJ là quá nguy hiểm. “Một khi đã bắt đầu, họ sẽ không thể dừng lại. Nếu yen cứ tiếp tục suy yếu, và người Nhật nhận ra xu hướng này còn tiếp tục, họ sẽ muốn để tiền ở nước ngoài và khiến nội tệ trượt giá không phanh”, ông nói.
Gross cũng cho rằng, cả thế giới sẽ không chấp nhận đồng yen yếu đi chỉ để BOJ hoàn thành mục tiêu. "Tôi không chắc các nước G7 sẽ cho phép điều này xảy ra. Họ phải tìm cách kiểm soát ở một mức độ nào đó", Gross nói.
Đồng quan điểm với Gross, David Poh, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại Ngân hàng Societe Generale Singapore cho biết: "Động thái của BOJ không thể thúc đẩy chứng khoán toàn cầu, mà chỉ có tác dụng với Nhật Bản. Những ảnh hưởng thương mại của việc này sẽ gây hại cho Hàn Quốc và Trung Quốc".
Tuy vậy, Junko Nishioka - nhà kinh tế trưởng tại Công ty chứng khoán RBS lại cho rằng "BOJ đã có câu trả lời hoàn hảo đối với kỳ vọng của thị trường. Kuroda đang thực hiện đúng cam kết đẩy mạnh nới lỏng tiền tệ cả về quy mô và loại tài sản mua lại". Bản thân ông Kuroda cũng nhận xét "chẳng thấy rủi ro nào về tăng lãi suất dài hạn hay tạo ra bong bóng tài sản".
Sự kiện kinh tế nổi bật khác trong tuần:
1. Tổng thống Mỹ - Barrack Obama tự cắt lương 5% sau khi kế hoạch giảm chi tiêu có hiệu lực.
2. Nhiều hãng viễn thông lớn tham gia đấu thầu xây dựng dịch vụ tại Myanmar.
3. Đại gia cho vay thế chấp Mỹ - Fannie Mae lãi kỷ lục sau 7 năm.
4. Ngân hàng lâu đời nhất thế giới mất hàng tỷ euro vì bê bối.
Thùy Linh (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét