Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Nhận diện bản chất của chủ nghĩa tư bản ngày nay

GS Trần Hữu Dũng: "Các "giáo sư, tiến sĩ" của Đảng tiếp tục múa bút, bàn chuyện viển vông để giữ nồi cơm và tương lai cho con cái: Nhận diện bản chất của chủ nghĩa tư bản ngày nay (TCCS 12-4-13)"
Nhận diện bản chất của chủ nghĩa tư bản ngày nay
Đứng trước những thay đổi của chủ nghĩa tư bản, nhiều người cho rằng xã hội tư bản hiện nay không còn giống xã hội tư bản thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX như C. Mác - Ph. Ăng-ghen và V.I. Lê-nin mô tả nữa. Người ta tuyên bố học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác đã cáo chung và rằng, chủ nghĩa tư bản đã phát triển lên một bước mới và không còn là nó nữa.
Người ta nói đến một xã hội “hậu tư bản”, một “chủ nghĩa tư bản nhân dân” hay “chủ nghĩa tư bản xã hội”, trong đó phúc lợi ngày càng được chia đều cho mỗi người. Điều đó có nghĩa là xã hội hiện nay không còn phân chia ra kẻ bóc lột và người bị bóc lột; quy luật giá trị thặng dư không còn là quy luật tuyệt đối của xã hội hiện đại

Vậy xã hội tư bản ngày nay có biến đổi hoàn toàn như những học giả tư sản cố tình chứng minh hay không? Chủ nghĩa tư bản ngày nay có thực sự là “chủ nghĩa tư bản xã hội” hay không? Quy luật giá trị thặng dư có còn là quy luật tuyệt đối của xã hội tư bản hiện đại hay không? Để nhìn nhận về vấn đề này, thiết nghĩ cần phân tích hết sức khách quan trên cả ba mặt của quan hệ sản xuất: quan hệ sở hữu, quan hệ tổ chức quản lý và phân phối sản phẩm.


1. Để biện minh cho luận điểm của mình các học giả tư sản cho rằng, khoa học ngày nay đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, kinh tế hiện đại cũng đang chuyển dần sang kinh tế tri thức. Vì vậy, vấn đề sở hữu tư liệu sản xuất không còn đóng vai trò quan trọng như đã có trong các thế kỷ trước; sở hữu trí tuệ đã thay thế vai trò của sở hữu tư liệu sản xuất trong việc đưa loài người tiến lên; chủ thể của sự phát triển và tiến bộ khoa học là các nhà khoa học chứ không phải các ông chủ tư sản.

Trên thực tế, những sáng chế phát minh khoa học và công nghệ được nảy sinh trong trí não một nhà phát minh nào đó, chỉ anh ta biết và thuộc sở hữu của anh ta. Song một sáng chế phát minh ở dạng như vậy mới chỉ dừng lại là một tiềm năng sản xuất. Để trở thành một lực lượng sản xuất mới, phát minh đó phải trải qua một quá trình ứng dụng, thử nghiệm nhiều lần trước khi có thể sản xuất đại trà. Tất cả quá trình đó đòi hỏi phải có sự đầu tư, nhiều khi rất tốn kém. Nếu nhà phát minh có tiền, họ tự mình làm thử nghiệm, công bố kết quả, đăng ký sở hữu trí tuệ rồi đứng ra sản xuất theo công nghệ mới thì người đó vừa là nhà tư bản vừa là nhà phát minh. Tuy nhiên, trong xã hội tư bản có rất ít trường hợp như vậy. Phần lớn các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu do không có tiền để đầu tư, thử nghiệm nên buộc phải bán sản phẩm trí tuệ của mình như một thứ hàng hóa cho nhà tư bản. Nhà tư bản sử dụng hàng hóa đó như một công cụ hữu hiệu để tăng năng xuất lao động, tăng giá trị thặng dư cho mình. Như vậy, lúc đầu, sáng chế, phát minh, thuộc sở hữu của nhà khoa học nhưng thông qua hành vi mua và bán trên thương trường, những sáng kiến, phát minh sau đó đã thuộc sự sở hữu của các nhà tư bản. Điều đó có nghĩa là những phát minh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ chỉ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp dưới hình thức là tư bản mà thôi.

Trường hợp khác, nếu nhà khoa học bán những phát minh, sáng chế, tức là bán hàng hóa sức lao động trí óc của mình cho nhà tư bản nhằm kết hợp với các thiết bị nghiên cứu trong các xí nghiệp khoa học do nhà tư bản tổ chức, thì phát minh sáng chế đó ngay khi mới ở trong đầu nhà khoa học đã thuộc quyền sở hữu của nhà tư bản. Như vậy, trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, không thể có việc sở hữu trí tuệ thay thế cho sở hữu tư liệu sản xuất trong quá trình tạo ra giá trị thặng dư.

Mặt khác, trong xã hội hiện đại, do đòi hỏi khách quan, trình độ văn hóa và nghề nghiệp của người công nhân cao hơn trước rất nhiều. Cũng có trường hợp do tính chuyên nghiệp đặc thù của một khâu sản xuất do một người công nhân nào đó đảm nhiệm mà anh ta có thể mặc cả với ông chủ. Từ đó, các học giả tư sản cho rằng, ngày nay quyền lực của nhà tư bản đối với công nhân đã giảm đi bởi vì công nhân cũng có trí tuệ của mình và sở hữu nó như một sự đối trọng với sở hữu tư bản; rằng mối quan hệ giữa giới chủ và giới thợ đã thay đổi, mối quan hệ đó là quan hệ bình đẳng, thậm chí có quan điểm cho rằng do người công nhân sở hữu trí tuệ nên họ có ưu thế hơn so với chủ sở hữu tư liệu sản xuất. Các quan điểm trên là hoàn toàn xuyên tạc bởi lẽ, chừng nào xã hội hiện đại vẫn là chế độ tư bản thì mọi quyền lực chi phối vẫn thuộc về giai cấp nào nắm giữ tư bản, đó là giai cấp tư sản chứ không có gì thay đổi. Giai cấp tư sản vẫn là giai cấp thống trị và người công nhân vẫn chỉ là người làm thuê cho ông chủ tư sản mà thôi.

2. Ở thời C. Mác, sự tách rời giữa tư bản tiền tệ và tư bản sản xuất ở các công ty cổ phần đã có song chưa nhiều. Nó mới chỉ là những hiện tượng kinh tế mới xuất hiện ở những ngành kinh doanh lớn. Còn ngày nay, công ty cổ phần đã trở thành phổ biến, không chỉ ở các công ty lớn, mà cả ở các công ty vừa và nhỏ. Trong các công ty cổ phần không chỉ các nhà tư bản có cổ phần, mà những người công nhân cũng có cổ phần. Đương nhiên, lợi tức cổ phần được chia bình đẳng cho mọi cổ phiếu. Song do lượng cổ phiếu ít ỏi, người công nhân không thể nắm quyền chi phối hoạt động của công ty. Mặt khác, ngày nay trong các công ty cổ phần, xuất hiện tương đối phổ biến một tầng lớp giám đốc, điều hành, quản lý. Trên thực tế, những giám đốc đó vẫn là người làm thuê cho tư bản bởi lẽ, họ điều hành công ty dưới sự lãnh đạo của hội đồng quản trị. Tuy nhiên, bên cạnh những giám đốc là người làm thuê, cũng có một lượng không nhỏ những giám đốc đồng thời là chủ tư bản, họ sở hữu trong tay một tỷ lệ cổ phiếu không nhỏ, có thể giữ địa vị khống chế. Như vậy, các giám đốc và chủ tư bản đan xen, xâm nhập lẫn nhau, hình thành một hình thức tư bản tập thể.

Cũng không như trước đây, các công ty cổ phần cũng hoàn toàn không mang tên một ông chủ nào nữa. Điều hành công ty là những liên minh tạm thời của những nhà tư bản. Điều đó, làm cho công nhân và nhân viên của các hãng trong công ty nhiều khi không biết ông chủ thực sự của mình là ai. Ngược lại, các ông chủ cũng không biết công nhân của mình là ai. Trong các hệ thống đó, dường như giữa chủ tư bản, công nhân và nhân viên làm thuê không còn ranh giới nữa; tư bản làm quản lý, giám đốc làm chủ sở hữu và công nhân cũng được chia lợi tức cổ phiếu như nhà tư bản, mọi người đều trở thành tư sản và đều phải lao động và chẳng ai bóc lột ai nữa.

Trên thực tế, không phải thu nhập của mọi tầng lớp đều như nhau, do lượng cổ phiếu khác nhau nên xét về thu nhập thực tế, công nhân vẫn là công nhân, nhà tư bản vẫn là nhà tư bản. Giai cấp tư sản vẫn là giai cấp bóc lột, vẫn sống nhờ vào lao động làm thuê. Chỉ có khác là trong một công ty hiện đại, người ta không thể biết được chính xác giá trị thặng dư do người công nhân nào sản xuất và nộp cho ông chủ tư bản cụ thể nào.

3. Ngày nay, với sự xuất hiện những nhà máy tự động hóa cao, làm xuất hiện huyền thoại về “nhà máy không người”. Từ đó, các học giả tư sản lại xuyên tạc, phủ nhận học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác từ góc độ khác. Họ cho rằng, ngày nay, máy móc hiện đại đã thay thế lao động sống. Ở những nhà máy tự động, “nhà máy không người” không có lao động sống và do đó không còn bóc lột giá trị thặng dư nữa.

Trong phân tích quá trình sản xuất giá trị thặng dư, C. Mác đã phát hiện ra tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa: lao động cụ thể và lao động trừu tượng. Vận dụng lý luận đó vào quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa, C. Mác phát hiện ra tư bản bất biến và tư bản khả biến. Trong quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa, với tính chất là lao động cụ thể, lao động của người công nhân đã chuyển nguyên vẹn giá trị cũ của máy móc, nguyên nhiên liệu vào sản phẩm lao động mới và làm cho sản phẩm đó có một giá trị sử dụng xác định. Tuy nhiên, vẫn là quá trình lao động đó, nhưng với tính chất lao động trừu tượng, người công nhân đã sáng tạo ra một giá trị mới, trong đó có giá trị thặng dư. Như vậy, dù cho máy móc, các tư liệu lao động có hiện đại, có vai trò quan trọng, nếu không có chúng thì quá trình sản xuất không diễn ra thì giá trị thặng dư vẫn chỉ do lao động sống của công nhân sản xuất chứ không phải do máy móc tạo ra.

Mặt khác, máy móc không thể tự chạy mà phải có người công nhân vận hành cho nó chạy và theo dõi quá trình vận hành đó để xử lý lỗi khi gặp sự cố kỹ thuật. Nói cách khác, vẫn phải có lao động sống của người công nhân làm nhiệm vụ giám sát, điều hành trong quá trình tự động hóa của máy móc. Hơn nữa, để một dây chuyền tự động hoạt động, cần phải có một bộ phận nhân viên lo đầu vào sản xuất, tiếp liệu đúng thời hạn và chất lượng; một bộ phận nhân viên khác lo đầu ra sản phẩm, quảng bá, tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm. Nếu các bộ phận này không làm tốt thì nhà máy không thể hoạt động được. Như vậy, không thể có cái gọi là “nhà máy không người” bởi trong quá trình sản suất vẫn không thể thiếu được lao động của người công nhân với tư cách là lao động sống.

Từ những phân tích trên chúng ta có thể kết luận về hình thức quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ngày nay đã có những biến đổi nhất định. Song về bản chất, quan hệ sản xuất trong xã hội tư bản hiện đại vẫn không có gì thay đổi, vẫn là chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất mà thôi. Điều đó cũng có nghĩa quy luật giá trị thặng dư vẫn là quy luật tuyệt đối của xã hội tư bản hiện đại./.

TS. Đỗ Văn NhiệmHọc viện Chính trị

(TC Cộng sản)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét