Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Hài hước: Cần chia sẻ gánh nặng Chính phủ đang gánh

Bài phỏng vấn rất dài nhưng đọc mãi mà hầu như không thấy ý nào của ông Bạt làm tôi tán thành. Không tán thành ngay từ tên bài này: "Cần chia sẻ gánh nặng Chính phủ đang gánh". Có ai bắt Chính phủ gánh nặng thế đâu. Tự Chính phủ muốn ôm đồm, cái gì cũng muốn làm, muốn gánh (và như thế mới dễ xài thoải mái tiền thuế của dân), trong khi dân muốn làm thì không được làm; đến khi CP gánh không nổi thì ngã làm người dân bị vạ lây, lại phải đóng góp thêm thuế để chia sẻ gánh nặng.
"Thị trường bất động sản đóng băng, tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đòi hỏi phải có biện pháp "giải cứu” mạnh mẽ". Ai nói điều này ? Chỉ có đám kinh doanh BĐS và nhóm đồng lợi ích trong bộ máy cầm quyền nói, chứ xem phản hồi khắp nơi trên mạng, có người dân nào tán thành đâu; tuyệt đại đa số dân chúng ủng hộ để giá BĐS rơi tự do.
Đặc biệt, ông Bạt đổ hoàn toàn lỗi gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội toàn diện, chưa từng có ở nước ta kể từ năm 1986 đến nay, là do khủng hoảng thế giới và Chính phủ có tài mấy cũng không ngăn cản được.
Ghê tởm hơn, ông Bạt còn kêu gọi dân không được kêu la, không được sốt ruột, kiên nhẫn chịu đựng, đáng ra ăn hai con cá thì chỉ ăn một con, đáng ăn hai bát cơm thì chỉ ăn một bát, không phải chỉ trong năm 2013, mà cả trong năm 2014 và rất có thể cả trong năm 2015. Đúng là lời của các đại gia sống trên tiền, nhắm mắt làm ngơ trước cuộc sống của đồng loại đang vô cùng khốn khổ, thậm chí đang cùng cực.
Bài này tôi lưu vào mục "văn hóa" của một "nhân vật - người nổi tiếng" vì nó không có giá trị để đọc tìm hiểu về kinh tế lẫn xã hội.
Luật sư Nguyễn Trần Bạt: 
Cần chia sẻ gánh nặng Chính phủ đang gánh
Kín lịch với những cuộc thuyết trình, gặp gỡ, nhưng Luật sư Nguyễn Trần Bạt vẫn luôn dành thời gian cho báo chí, bởi ông gọi đó là "quyền được trả lời phỏng vấn” và bởi ông chưa bao giờ đưa ra truyền thông một ý kiến nào không qua con đường báo chí chính thống. Dù có là cuộc gặp lần thứ mấy, dù cho vẫn là khung cảnh phòng khách quen thuộc ở trụ sở Investconsult Group trong ngõ phố Thái Hà – nơi ông là Chủ tịch, Tổng giám đốc thì mỗi cuộc trò chuyện là mỗi lần ông gây ngạc nhiên cho người phỏng vấn, bởi sự cuốn hút đặc biệt của sự mẫn tiệp dường như đang mỗi ngày mỗi tỉ lệ thuận với tuổi tác. Câu chuyện đề cập toàn diện mọi vấn đề của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới khi chúng ta đã bước vào năm thứ 6 của thời kỳ hội nhập (tính bởi mốc gia nhập WTO). Ông truyền cho người đối thoại tinh thần tự tại của người biết hành xử việc đời.

Thị trường bất động sản đóng băng, tác động tiêu cực
đến nền kinh tế, đòi hỏi phải có biện pháp "giải cứu” mạnh mẽ

Con đường để cải thiện suy giảm tổng cầu còn vất vả
PV: Thưa ông, trong cuộc trò chuyện cuối năm 2012 với Đại Đoàn Kết, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: Năm 2013, làm sao nâng tổng cầu thì mới hồi phục được sản xuất. Giờ chúng ta đã đi hết quý I của năm 2013, và quả thật thực tế nền kinh tế đang cho thấy đó là điều không dễ?
LS. Nguyễn Trần Bạt: Tôi có quan điểm không ngược lại. Nhưng đó cũng không phải là một khái niệm mới. Bởi vì suy cho cùng, toàn bộ cố gắng của nhân loại là nâng tổng cầu và toàn bộ nền kinh tế thế giới đang "giãy giụa" bởi giảm tổng cầu. Giảm tổng cầu phản ánh đầy đủ tất cả các khía cạnh khác nhau của khái niệm được gọi là khủng hoảng kinh tế. Giảm tổng cầu thể hiện ở giảm việc làm và thất nghiệp. Giảm tổng cầu thể hiện khủng hoảng tài chính và tiền tệ. Giảm tổng cầu thể hiện khủng hoảng công nghiệp vì thế giảm tổng cầu là tất cả mọi khía cạnh của sự suy thoái hoặc khủng hoảng của một nền kinh tế. Giảm tổng cầu đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, để tăng tổng cầu là toàn bộ cố gắng, toàn bộ khó khăn mà Nhà nước, Chính phủ đều đang phải đối mặt. Tất cả những bế tắc của sự phát triển kinh tế hiện nay tập trung thể hiện ở sự suy giảm tổng cầu.
Chúng ta cố gắng diễn đạt sự suy giảm tổng cầu này dưới những hình thức khác nhau, dưới những thuật ngữ khác nhau để cho đỡ gây hoang mang như hàng tồn kho, bong bóng bất động sản…. Đã có thời chúng ta ăn nên làm ra, mọi người có tiền và tạo ra hiện tượng phấn khởi sảng, lạc quan sảng. Cho nên chúng ta mới tạo ra một đống bong bóng, tạo ra các quả đấm thép, tạo ra thị trường bất động sản rộng lớn. Đất nước ta có 327.000 km2 đất đai. Và chúng ta đã coi đất đai như là một loại tài nguyên, giải thích đất đai là một loại tài nguyên. Trong nhận thức của chúng ta có rất nhiều vấn đề được hình thành trong quá trình phấn khích một cách không chừng mực. Chắc chắn con đường để cải thiện  tổng cầu còn vất vả.
Vấn đề không phải là kêu la
Phân tích của ông khiến trong tôi xuất hiện tâm lý AQ (vì giảm tổng cầu là vấn đề của cả nhân loại, không phải chỉ của riêng Việt Nam), nhưng đồng thời cũng thấy e ngại (vì thoát khỏi khủng hoảng kinh tế còn là con đường rất xa)?
- Nói những khía cạnh tiêu cực, phân tích khía cạnh tiêu cực vào lúc này làm cho tôi suy nghĩ là liệu có nên không? Bởi giống như khi cái taluy sắp trượt thì vấn đề không phải là kêu la. Cả hệ thống chính trị đều đang cố gắng. Trong khi chờ đợi hiệu ứng tích cực từ việc cải thiện tổng cầu thì chúng ta phải làm những việc khác để cải thiện những yếu tố làm chất xúc tác cho sự phát triển, ví dụ như cải thiện thể chế, nâng cao dân chủ...
Đây là lúc phải  củng cố thể chế
Thưa ông, đó là những việc lớn, có tính chiến lược lâu dài, không phải việc tình thế?
- Đúng, trong những lúc "nông nhàn" (tức là giai đoạn tổng cầu chưa thể lên được) chúng ta phải làm những việc lâu dài. Trong giai đoạn này  phải củng cố thể chế. Công việc lúc "nông nhàn” là cải thiện thể chế, xây dựng thể chế. Sau một chu trình phát triển chúng ta đã nhận ra có những vấn đề gây bức xúc trong xã hội buộc ta phải cải thiện. Sở dĩ tôi ví giai đoạn này như giai đoạn "nông nhàn”, là bởi tôi cho rằng "mùa vụ” (tức là lúc công việc sản xuất, kinh doanh sôi động) là công việc ngắn hạn. Còn những việc làm lúc "nông nhàn" là những việc chiến lược để cải thiện một cách lâu dài. Từ đó để nhận thức rằng, nếu không cải thiện thể chế thì mùa vụ sẽ bị ảnh hưởng.
Tôi không đánh giá thấp việc nông nhàn. "Làm nhà, lấy vợ, tậu trâu” đều ở giai đoạn nông nhàn. Cả ba việc ấy đều là việc chiến lược. Xây dựng thể chế là một việc "làm nhà”. "Lấy vợ” tức là tổ chức đoàn kết xã hội. Còn "tậu trâu” tức là chúng ta phải tái thiết lại những động lực cơ bản của nền kinh tế, của sự phát triển xã hội. Những việc ấy là việc chiến lược. Tôi không xem việc lúc "nông nhàn" là việc chơi. 
Luật sư Nguyễn Trần Bạt
Báo Đại Đoàn Kết nói với công chúng rằng không sốt ruột được
Phân tích của ông thật thú vị, tôi cho rằng đó là một nhận thức không phải ai cũng nhận ra vì có vẻ mọi người, như từ ông dùng ở trên, là đều thiên về hướng "kêu la” và sốt ruột mong muốn sớm thoát khỏi thời kỳ suy thoái kinh tế?
- Không phải ai cũng học được việc chịu trách nhiệm, cũng từng đi qua việc phải chịu trách nhiệm về những vấn đề nào đó. Vì thế đối với một số người dễ dàng có tâm lý lo sợ.
Kinh tế chưa có dấu hiệu gì ra khỏi khó khăn. Tôi đề nghị báo Đại Đoàn Kết nói với công chúng rằng không sốt ruột được. Khi trả lời báo chí đã nhiều lần tôi nói: Chúng ta trên thực tế đã mở cửa và trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu. Bộ phận ấy chịu ảnh hưởng của tất cả các phản ứng, các rủi ro, các biến đổi của nền kinh tế toàn cầu và chúng ta không ra khỏi khó khăn được, nếu nền kinh tế toàn cầu không ra khỏi khó khăn.
Với rất nhiều người bây giờ đều muốn quy trách nhiệm cho Chính phủ. Nhưng như thế nghĩa là chúng ta khi thất bại về kinh tế thì phải đi tìm "thủ phạm” đổ lỗi để bù lại cảm giác thất bại. Có lẽ, lúc đầu Chính phủ không lường được hết chúng ta lại gắn bó với nền kinh tế thế giới đến như thế. Chúng ta tưởng rằng quyền lực ở trong nhà chúng ta, tiền bạc ở trong nhà chúng ta, đất đai ở trong nhà chúng ta nên có giá cả tùy ý thích của chúng ta. Nhưng lại quên mất rằng tất cả những cái chúng ta có ở trong nhà, giá cả của nó, lợi ích mà nó mang lại dao động cùng với cái gọi là tổng cầu ở bên ngoài.
Chúng ta phải thấy vinh dự được "ốm” cùng nhân loại về mặt kinh tế
Vâng, thưa ông, chúng ta đang ở năm thứ 6 sau WTO. Nhưng với rất nhiều người vẫn luôn có tâm lý chỉ chúng ta mới đang khó khăn, đang suy thoái và luôn tìm cách "đổ lỗi” như ông vừa nói?
- Trước đây ta lên án Việt Nam tham nhũng, bây giờ ta nhìn lại toàn bộ châu Âu tham nhũng cũng đầy rẫy. Ở Mỹ đã có những thành phố đông hàng triệu dân phá sản. Ta quên mất việc nhìn sang những nơi có quyền định giá các sản phẩm của chúng ta họ đang do dự, đang lao đao thế nào. Ta không tự đánh giá mình được. Giá của một vật được quy định bởi chợ, và chợ đang dao động cho nên giá cả các hàng hóa tuân theo sự trôi nổi của số phận thị trường toàn cầu. Ta phải khen đất nước của chúng ta là đã hội nhập đến mức phản ứng một cách nhạy cảm cùng lúc với thế giới. Cách đây 15 năm trong một buổi giao lưu có một số bộ trưởng, một số các nhà khoa học - khi ấy nền kinh tế châu Á đang khủng hoảng – GS. Đào Xuân Sâm có nói: Các đồng chí ơi, xung quanh người ta "sốt” hết cả rồi mà chúng ta không "sốt" lên được. Chỉ nguyên việc "ốm" cùng với nhân loại là một vinh dự. Chúng ta "ốm" được cùng với nhân loại về mặt kinh tế phản ánh một thực tế là ta đã gần với nhân loại về mặt kinh tế. Đấy là dấu hiệu của sự hội nhập.
Cách đây vài ngày vừa có hội nghị nhìn lại 5 năm gia nhập WTO, cá nhân ông đánh giá thế nào về quãng thời gian chúng ta hội nhập?
-  Bản thân WTO cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng. Vòng đàm phán Doha bế tắc, tức bản thân thể chế kinh tế rộng lớn cũng đang khủng hoảng. Hay nói cách khác, các lực lượng kinh tế quốc tế đang do dự, đang dao động trước cơn bão kinh tế hay trước điểm tới hạn của một quá trình phát triển theo kiểu cũ. Nhân loại đang bế tắc về mặt lý luận phát triển kinh tế, ta cũng nằm trong tình huống như vậy. Các lực lượng khoa học, các lực lượng nghiên cứu buộc phải sử dụng giai đoạn "nông nhàn” để suy nghĩ lối thoát cho cả nền kinh tế, trong đó có chúng ta.
Dù có chỗ "khó nghĩ”, nhà nước vẫn buộc phải cứu thị trường bất động sản
 Không biết ông có theo dõi không, hiện giờ đang có một cuộc tranh luận rất sôi nổi về việc "cứu” hay không "cứu” thị trường bất động sản sau  ý kiến của ông Alan Phan. Quan điểm cá nhân ông như thế nào?
-  Tất cả bi kịch nằm ở chỗ, trong tất cả các lực lượng tham gia vào thổi quả bóng bất động sản trước đây dẫn đến hậu quả hiện nay có cả các lực lượng kinh tế nhà nước, cho nên Chính phủ bị coi là không "trung lập" trong câu chuyện này. Nếu Chính phủ cứu thị trường bất động sản thì gây ra những dị nghị. Tức là khu vực kinh tế nhà nước giữ một vai trò làm cho người ta nhìn Chính phủ như là không trung lập trong quá trình can thiệp đối với hiện tượng khủng hoảng này. Khía cạnh duy nhất khó nghĩ của Chính phủ là ở chỗ đấy.
Nhưng quan điểm của tôi là cho dù có chỗ "khó nghĩ” ấy cũng vẫn buộc phải cứu và cứu bằng cách nào mới là vấn đề. Hiện nay tôi nghĩ rằng chưa nghĩ ra cách cứu nhưng phải cứu. Nhà nước không can thiệp vào lúc này thì can thiệp vào lúc nào? 60 – 70% bế tắc của nền kinh tế Việt Nam nằm trong khu vực bất động sản. Chúng ta đã đầu tư thái quá bởi chúng ta không có cái gì khác ngoài đất. Đất tự nó đẻ ra vốn. Bán cho người ta rồi dùng tiền bán đất để đầu tư vào dự án. Còn người bán đất có thể lấy tiền làm nhà, có thể mua đồ và nó tạo ra nguồn cầu của các ngành công nghiệp khác. Tức là nhu cầu công nghiệp khác xuất hiện từ việc bán được đất. Chu kỳ tiêu tiền bán đất qua rồi và chúng ta bế tắc luôn các lĩnh vực khác. Tôi cho rằng, 50 – 60% (có thể hơn nữa) các vật thế chấp ở trong các ngân hàng là sổ đỏ. Cho nên có thể mạnh dạn gọi các ngân hàng của chúng ta là "ngân hàng sổ đỏ". Bây giờ bế tắc chính biểu hiện tập trung ở khối nợ xấu và là nguồn gốc của việc gây ra khủng hoảng bế tắc trong khu vực tài chính và ngân hàng. Sự mất cân đối trong việc kiểm soát vĩ mô của việc phân bổ các dự án phát triển là một lỗi. Để tránh lỗi ấy vô cùng khó. Bởi khi bất động sản tăng cao nó như một cơn lũ, Chính phủ có tài mấy cũng không ngăn cản được. Còn bây giờ khi nước lũ rút cũng thế, không thể ngăn cản được và gây ra lúng túng cho Chính phủ.
Nền kinh tế vẫn tiếp tục gồng mình vượt khó
                                                                          Ảnh: Hoàng Long
Chính phủ đang rất vất vả
Còn rộng hơn, đánh giá của ông như thế nào về những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô trong ba tháng qua?
-  Trong ba tháng qua tôi cho rằng, Chính phủ đã rất cố gắng, rất vất vả. Ở đây tôi chưa vội bàn đến việc điều hành ấy đúng hay chưa, bởi sự đúng đắn của một chính sách phải có thời gian để bộc lộ, nhưng có thể nói là Chính phủ rất vất vả. Chính phủ đang phải gánh một gánh rất nặng và rất cố gắng. Cố gắng trong chuyện biện hộ đối với dư luận, cố gắng giải quyết trên thực tế, cố gắng kiểm soát cả những lực lượng "hắc ám" tồn tại trong nền kinh tế của chúng ta, cố gắng sắp đặt lại bộ máy quản lý nhà nước có nhiều chỗ, nhiều nơi bị tha hóa cùng với sự suy thoái của nền kinh tế và cùng với sự phát triển trước đây của nền kinh tế. Công việc ấy vừa là nội chính, vừa là ngoại giao, vừa là kiến thiết, vừa là công nghiệp. Tất cả những chuyện ấy rất vất vả. Tôi thấy rõ và xuất hiện sự thông cảm đến mức chi li gánh nặng mà Chính phủ đang phải gánh.
Kinh tế còn khó khăn trong vài năm nữa
Ông nói lúc nãy là khuyên dân chúng  kiên nhẫn chờ đợi để thoát ra khỏi giai đoạn suy thoái kinh tế này. Vậy dự báo của ông về những tháng còn lại của năm 2013 và những năm tới?
Kinh tế sẽ tiếp tục khủng hoảng. Không phải chỉ 2013, mà cả 2014 và rất có thể 2015 vẫn tiếp tục. Tôi biểu dương sự kiên nhẫn nếu tôi có một tí quyền nào đó (trả lời phỏng vấn báo chí cũng chính là quyền). Tất nhiên, nói đến sự kiên nhẫn không phải dễ dàng. Kiên nhẫn tức là đáng ra ăn hai con cá thì chỉ ăn một con, đáng ăn hai bát cơm thì chỉ ăn một bát. Kiên nhẫn của sự thiếu ăn, thiếu tiêu trong một giai đoạn mà tôi nghĩ không ngắn. Hai năm nữa các bát cơm mới bắt đầu đầy dần, đến đầu năm thứ ba mới bắt đầu đầy dần lên.
Khi chị đưa khái niệm tổng cầu ra hỏi tôi, tức là muốn diễn đạt tất cả các thực trạng kinh tế một cách lý thuyết để tránh va chạm vào những việc cụ thể mà giới truyền thông ngoài luồng hay chỉ trích. Tôi không nằm trong giới hay chỉ trích ấy. Tôi chưa bao giờ đưa cái gì lên mạng nếu không đi qua con đường báo chí chính thống.
Đoàn kết dân tộc là cần thiết nhất để chống tan rã
Nghĩa là ông có quan điểm trước những luồng thông tin chỉ trích ấy?
- Đất nước đang khó khăn, kinh tế suy thoái, thù trong có, giặc ngoài có, tham nhũng tràn đầy, lúc này hơn bao giờ hết cần sự thống nhất dân tộc, mà chức năng thống nhất dân tộc là của Mặt trận Tổ quốc, quan trọng hơn tất cả sự phân biệt đúng sai. Sự phân biệt đúng sai là những nghiên cứu thầm lặng để cải thiện xã hội, nhưng sự đoàn kết là cần thiết nhất để chống tan rã.
Trân trọng cảm ơn ông!
* "Toàn bộ cố gắng của nhân loại là nâng tổng cầu và toàn bộ nền kinh tế thế giới đang "giãy giụa” bởi giảm tổng cầu. Giảm tổng cầu phản ánh đầy đủ tất cả các khía cạnh khác nhau của khái niệm được gọi là khủng hoảng kinh tế”.
* "Làm nhà, lấy vợ, tậu trâu” đều ở giai đoạn nông nhàn. Cả ba việc ấy đều là việc chiến lược. Xây dựng thể chế là một việc "làm nhà”. "Lấy vợ” tức là tổ chức đoàn kết xã hội. Còn "tậu trâu” tức là chúng ta phải tái thiết lại những động lực cơ bản của nền kinh tế, của sự phát triển xã hội. Những việc ấy là việc chiến lược. Tôi không xem việc lúc "nông nhàn” là việc chơi. Đảng và Nhà nước ta không chơi đâu.
* Chỉ nguyên việc "ốm” cùng với nhân loại là một vinh dự. Chúng ta "ốm” được cùng với nhân loại về mặt kinh tế phản ánh một thực tế là chúng ta đã gần với nhân loại về mặt kinh tế. Đấy là dấu hiệu của sự hội nhập.
* Đất nước đang khó khăn, kinh tế suy thoái, thù trong có, giặc ngoài có, tham nhũng tràn đầy, lúc này hơn bao giờ hết cần sự thống nhất dân tộc, mà chức năng thống nhất dân tộc là của Mặt trận Tổ quốc, quan trọng hơn tất cả sự phân biệt đúng sai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét