Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

“Cán bộ là bồ nhí của nhân dân”

“Cán bộ là bồ nhí của nhân dân”

Hãy coi cuộc phỏng vấn, người phỏng vấn và người được 

phỏng vấn đều là sản phẩm của trí tưởng tượng - Nguyễn Hùng

Gần đây, PGS TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia nêu ra ý kiến về sự cần thiết phải luật hóa việc chạy chức chạy quyền như một chính sách quản lý nhà nước hợp với quy luật kinh tế thị trường: ’Cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền’ ( Tại đây)Để rộng đường dư luận chúng tôi đã có cơ hội phỏng vấn GS TS Viện Sĩ Lương Mãi Vinh. Tốt nghiệp tại Yale Law School,Connecticut, USA. Viện phó viện nghiên cứu về tệ nạn xã hội Singapore. Viện trưởng viện nghiên cứu chính trị tư tưởng Havard, Boston, Massachusetts, USA..
Phóng Viên Jennifer Nguyen(PV): Thưa Tiến Sĩ, gần đây PGS TS Nguyễn Hữu Trí có đề xuất về việc ’Cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền’. Xin Giáo Sư cho biết quan điểm của ông về vấn đề này
GSTS Lương Mãi Vinh (LMV): Tôi cho đây là một ý kiến tuyệt vời, có tính đột phá!

PV: Thưa Tiến Sĩ , Tính đột phá là như thế nào ạ? Xin ông cho biết rõ hơn.

TS LMV: Như chị đã biết, giới truyền thông của ta hay phê bình nhà nước ta là “quản không được thì cấm”.

Đề xuất của TS Trí sáng tạo và đột phá ở chỗ là: “cấm không được thì quản!”

PV: Thưa Tiến Sĩ, tôi vẫn chưa hiểu được là tại sao không cấm được “chạy chức, chạy quyền”?

TS LMV: Như chị đã biết đấy! Từ ngàn xưa đến nay đã có không ít lĩnh vực tuy nhậy cảm như không thể cấm bằng mệnh lệnh hành chính.

Tôi xin lấy một ví dụ như nghành đánh bạc. Cấm nào có được nên các chính phủ tiên tiến trên thế giới đều “quản” bằng cách luật hóa trở thành “trò chơi có thưởng”. Và như thế ngoài việc quản được tệ nạn còn mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách.

PV: Thưa Tiến Sĩ .. không lẽ ông lại ví..

TS LMV: Một ví dụ thứ hai không kém phần nhạy cảm mà tôi muốn nêu ra là nghành mãi dâm.

PV: Thưa Tiến Sĩ .. không lẽ …

TS LMV: Như chị biết đấy, ngành mãi dâm thường được tôn vinh là “nghề xưa nhất thế giới” và các nhà nước đều muốn cấm do tính nhạy cảm của nó nhưng nào có cấm được đâu. Rốt cuộc các nhà nước tiên tiến đều phải “quản” . Và như thế ngoài việc bảo vệ sức khỏe của nhân dân còn thu được thuế và bảo vệ được nhân quyền cho giới cung cấp dịch vụ.

PV : ThưaTiến Sĩ ..

TS LMV: Như mọi người đã biết , quan chức là nghề còn xưa hơn nghề mãi dâm!

Theo Mác và Ăng Ghen, nó phải tồn tại từ khi có sự xuất hiện của Nhà Nước. Và với sự xuất hiện của nghề này thì “chạy chức, chạy quyền” nảy sinh như một nhu cầu, nếu chưa có thể gọi là chính đáng thì ít nhất cũng là tự nhiên và tất yếu của loài người như dinh dưỡng, cư trú, giải trí hay tình dục.

Và không ai .. cấm được! Vâng! có ai cấm được quan chức không? Có phải vậy không?

Như thế logic tất yếu là phải “quản”!

PV: Thưa Tiến Sĩ, tôi đã hiểu ra! Thật là sâu sắc. Xin Tiến Sĩ cho biết đề xuất của ông về các biện pháp quản lý.

TS LMV: Nước ta không thiếu kinh nghiệm trong vấn đề “quản” . Ở Thăng Long ngàn năm văn vật đã có khu “Khâm Thiên” truyền thống, nay trở thành nhếch nhác. Tôi đề nghị đền bù giải tỏa toàn khu này để quy hoạch thành “khu đèn xanh mãi chức”! Lấy khu Khâm Thiên làm trung tâm hành chính quốc gia là phát huy truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc. Tất nhiên trong thời đại “thế giới phẳng” và nước ta đã hội nhập toàn diện Vê kép tê ô thì chúng ta cũng nên học hỏi kinh nghiệm thế giới.

PV: Thưa Tiến Sĩ , chẳng hạn như..?

TS LMV: Về mô hình quản tiên tiến thì tôi đề xuất chúng ta học tập mô hình quản lý, tiếp thị “khu đèn đỏ” ở Amsterdam, Hòa Lan!

PV: Nghĩa là ..

TS LMV: Nghĩa là trong khu đèn xanh quan chức chúng ta xây những khu mãi chức hiện đại, các cửa hàng đều có cửa kính, và các quan chức nữ cũng như nam, đứng ngồi sau tủ kính mà tiếp thị , khoe hàng, lộ hàng

PV: ..!? Lộ hàng ?..

TS LMV: Xin chị chớ hiểu lầm theo nghĩa không tốt. Lộ hàng ở đây có nghĩa là “công khai”, “trong sáng” .. Các quan chức lộ hàng theo kiểu: người thì là thạc sĩ, người tiến sĩ, người viện sĩ . Tất cả đều công khai .. đều .. lồ lộ, lộ tuốt tuồn tuột.. trước khách hàng là quần chúng nhân dân.

PV: Tuyệt vời công khai và trong sáng!

TS LMV: Quả thế. Thay vì thậm thụt mua bán chức quyền trong mờ ám, thì nay tối tối , sau một ngày lao động vất vả, nhân dân ta , cụ thể là giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức có thể tản bộ vào khu đèn xanh và được các quan chức tận tình tiếp thị..

PV: À tôi hiểu rồi.. Thật tuyệt vời chẳng hạn như : “anh ơi anh, em có bằng tiến sĩ đây nè... đi không anh... em chiều!”.

TS LMV: Đúng thế! Đây chính là mô hình dân chủ hàng triệu lần cao hơn dân chủ tư sản. Ta thường đòi hỏi “Cán bộ là đầy tớ của nhân dân”, mà quên là khái niệm “đầy tớ” nhuốm màu phong kiến và áp bức.

Với mô hình mãi chức này, cán bộ trở thành gần gũi và thân thương đối với quần chúng lao động: “Cán bộ là bồ nhí của nhân dân”

PV: Cám ơn Tiến Sĩ về buổi phỏng vấn đầy bổ ích ..

Tác giả gửi cho Quê choa
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
http://quechoa.vn/2013/04/15/can-bo-la-bo-nhi-cua-nhan-dan/


PGS.TS Nguyễn Hữu Tri:

’Cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền’

(ĐVO) - Nếu chúng ta thừa nhận cơ chế thị trường, những người làm quản lý lãnh đạo phải chủ động thiết lập theo luật định chuyện chạy chức, quyền. Chạy công khai thì tiền sẽ nổi lên, Nhà nước quản lý được. Nếu đụng vào luật thì sẽ xử lý và sẽ không có những khoản ngầm chảy vào túi ai hết.
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia chia sẻ với Đất Việt về chuyện chạy công chức, chạy quyền.
Chạy công khai, tiền nổi, Nhà nước quản lý được

PV: - Là người có nhiều năm nghiên cứu về hành chính và là trưởng ban chấm thi nâng ngạch công chức chắc ông hiểu rõ bản chất của sự việc ‘chạy' công chức mới đây ông Trần Trọng Dực, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội có nêu. Ông có bình luận gì về câu chuyện này?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Tôi đã nhiều lần đặt câu hỏi cho các lớp học khi tham gia giảng bài ở đó rằng tại sao lại phê phán việc chạy chức chạy quyền. Trên thế giới này chạy chức chạy quyền nhiều chứ (?!). Obama phải ‘chạy’ vào Nhà Trắng, Putin phải ‘chạy’ vào nhà đỏ thì việc chạy vào chức, quyền của Việt Nam cũng là dễ hiểu.
Ai muốn có chức, có quyền và điều này chưa thể khẳng định là xấu. Bản thân tôi cũng từng nói với nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu rằng tôi cũng muốn chạy để có chức. Vào để tôi có cơ hội đóng góp được nhiều hơn. Cho nên đừng nhầm lẫn giữa cái người ta muốn chức với mục tiêu vào chức ấy để lời dụng, kiếm lời cho cá nhân, có hại cho cái chung.
Sở dĩ tôi kể lại câu chuyện này là vì cũng xuất phát từ quan điểm cơ chế thị trường. Chúng ta nói nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường là theo quy luật cơ bản của cơ chế thị trường bởi vì cái gì cũng có quy luật của nó tức là cung cầu, cạnh tranh, giá trị.
Điều mà tôi băn khoăn, cơ chế thị trường đã được vận dụng trong lĩnh vực hoạt động kinh tế, vậy nó có được vận dụng trong các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế xã hội hay không. Câu trả lời là có.
Như vậy, trong tổ chức, trong cán bộ cũng phải theo cơ chế thị trường bởi nó không có gì xấu vì vẫn là quan hệ cung cầu.
Thế nhưng, chúng ta không quan niệm cơ chế thị trường trong công tác tổ chức cán bộ nên mới dẫn đến tình trạng để cho nó phát triển ngầm của quy luật này, mới sinh ra chạy chức, chạy quyền.
Vì chúng ta không thừa nhận nên mới để nó chạy ngầm để rồi phê phán. Thậm chí còn phê phán cả tư tưởng chạy chức, chạy quyền. Thử hỏi trên trái đất này có ai không muốn chức quyền(?!). Chúng ta đừng nhầm lẫn khi làm yếu kém rồi quy kết ngược trở lại như vậy.
Nếu chúng ta thừa nhận cơ chế thị trường thì chính những người làm quản lý lãnh đạo phải chủ động thiết lập theo luật định cho nó chạy. Chạy công khai thì tiền sẽ nổi lên, Nhà nước quản lý được. Nếu đụng vào luật thì sẽ xử lý và sẽ không có những khoản ngầm chảy vào túi ai hết.
Tức là nếu tạo ra được cái khung khuôn khổ pháp lý thì cứ thế làm theo. Bầu cử cũng là cạnh tranh, thi cũng là cạnh tranh nhưng nếu đảm bảo một cuộc thi công khai theo quy chế luật định thì nếu phạm vào sẽ bị xử lý.
Chúng ta không quan niệm cơ chế thị trường trong công tác tổ chức cán bộ nên mới dẫn đến tình trạng để cho nó phát triển ngầm của quy luật này, mới sinh ra chạy chức, chạy quyền
Chúng ta không quan niệm cơ chế thị trường trong công tác tổ chức cán bộ nên mới dẫn đến tình trạng để cho nó phát triển ngầm của quy luật này, mới sinh ra chạy chức, chạy quyền. ảnh: Bích Ngọc
PV: - Đành rằng đồng ý với quan điểm của tiến sĩ đưa ra rằng sẽ công khai để cho số tiền ‘chạy’ chức nổi lên dễ kiểm soát nhưng còn chất lượng cán bộ sẽ ‘đo’ như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Nếu công khai thì sẽ kiểm soát được. Chính những người tổ chức hiểu điều này, nhưng biết đâu để ngầm thì họ sẽ có lợi cho cá nhân hơn. Cũng như ở các trường, chuyện mua bán bằng cấp, phải có người bán mới có kẻ mua.
Án tại hồ sơ – không tìm được dấu vết
PV: Nhưng thưa ông, hiện công chức lương rất thấp và chịu nhiều sự bó buộc bởi các quy định. Vậy công khai chuyện phải ‘chạy’ tiền rồi kiểm soát cả chất lượng. Vào được vị trí đó rồi, họ làm gì để ‘thu hồi vốn’?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Tôi xin đưa một ví dụ, dựa trên quan hệ cung – cầu, tôi cần một trưởng phòng. Cung có 5 người muốn được vào vị trí đó, nhưng nếu là 10 người muốn thì cạnh tranh phải khốc liệt hơn. Nhưng nếu ai được thì giá trị sẽ phải lớn hơn.
Khái niệm giá trị ở đây không phải chỉ là tiền, nó có thể là tinh thần, tình cảm, chính trị xã hội… trong các mối quan hệ sẽ bao hàm lợi ích. Vậy thì quy luật giá trị ở đây thực chất là thực hiện cái lợi ích. Trong điều kiện đó, nếu chúng ta hiểu điều đó, tất cả những cơ chế chính sách của chúng ta phải theo nó.
Có một điều phải bàn ở đây để thấy rõ hơn chuyện ‘chạy’ vào biên chế. Dù rằng trong Nghị quyết của Trung ương thì nói rằng các vị trí lãnh đạo có lên có xuống, có vào có ra nhưng thực tiễn không có ai kiên quyết làm điều này. Không thiết lập cơ chế để xác định rõ điều này nên ở ta đã vào biên chế là không có ra, đã lên cao là không xuống thấp.
Ví dụ một anh Bí thư đảng ủy xã rất giỏi, thậm chí là xã anh hùng, trong một nhiệm kỳ huyện Đảng bộ, anh này được bầu vào làm thường vụ huyện ủy, trúng phó Bí thư huyện ủy. Trong một nhiệm kỳ, anh này được phân công làm chủ tịch UBND huyện. Khi đó anh ta đi học bồi dưỡng làm chủ tịch khoảng 2-3 tháng nhưng về làm không được.
Vài năm sau, anh ta không được bầu vào thường vụ huyện ủy và chắc chắn không được làm Chủ tịch UBND huyện. Thế nhưng, cái ngược đời ở đây vì anh ra đang ở mức lương chủ tịch đang rất cao, tuổi lại ở chừng 45, không thể hạ xuống thấp và không biết đưa anh này đi đâu.
Lúc này buộc phải sắp xếp anh ta lên trưởng, phó ban trên tỉnh. Trượt ở tỉnh thì lại đưa lên Trung ương.
Suốt mấy chục năm nay, tình trạng này diễn ra khiến chất lượng bộ máy của chúng ta cứ thấp dần đều.
Cộng với tâm lý một ông trưởng phòng sẽ không bao giờ chọn một ông phó giỏi hơn mình. Tương tự, ông phó phòng lại chọn người dưới quyền kém hơn mình nữa. Như vậy nếu lên sơ đồ thì sẽ thấy chất lượng cứ giảm dần.
Từng là trưởng ban chấm thi nâng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, tôi hiểu rất rõ điều này. Khi chấm thi, hỏi tôi thấy rất rõ chất lượng đội ngũ cán bộ công chức như thế nào và kiến thức họ ra sao.
PV: Những phân tích của ông đang thừa nhận việc chạy công chức là có thật. Nghĩa là ông đồng ý với ý kiến mà ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, nêu là có thật. Vậy theo ông tại sao có tới 3 đoàn thanh tra mà không phát hiện được ‘dấu vết’ của câu chuyện này?
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Làm sao mà phát hiện được?. Nguyên tắc là án tại hồ sơ nên làm sao đoàn thanh tra tìm được văn bản nào hay bằng chứng nào để nói lên điều này. Trừ những trường hợp bắt quả tang.
Câu chuyện này tạo ra dư luận xã hội mà không có chuẩn mực nào để xác định được nên rất khó. Nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải có câu trả lời rõ ràng cho xã hội.
Hiện tôi cho rằng bộ máy khá tắc trách. Khi những người trong cuộc cấu kết với nhau rồi thì chỉ những người trong cuộc biết với nhau thôi, còn người ngoài cuộc bó tay. Trừ khi cố tình lừa một vụ để làm điểm.
Trong khâu tổ chức, làm đi đã khó, làm lại còn khó hơn. Tình trạng này còn nhiều việc không thể xử lý được.
Tôi khẳng định không thể tìm được gì vì lấy đâu ra chuyện giấy trắng mực đen.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Ông Trần Trọng Dực: Chạy công chức, cứ để sau này...

Bích Ngọc (thực hiện)
http://www.baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/201301/Can-luat-hoa-cho-phep-chay-chuc-chay-quyen-2214305/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét