Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

'Các nước Đông Á nên dừng bơm tiền'


'Các nước Đông Á nên dừng bơm tiền'
Các nền kinh tế lớn như Nhật Bản say sưa với các kế hoạch kích cầu có thể khiến châu Á rơi vào nguy cơ bong bóng tài sản và lạm phát, báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định.
Báo cáo mới cập nhật của WB về các nền kinh tế thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng các ngân hàng trung ương trong khu vực nên xem xét ngừng nới lỏng tiền tệ trước khi các biện pháp này "phản tác dụng", gây ra hệ quả là bong bóng tài sản và lạm phát. WB cảnh báo khi kinh tế toàn cầu hồi phục, một số nền kinh tế lớn trong khu vực sẽ đứng trước nguy cơ phát triển quá nóng.

Các nền kinh tế Đông Á đối mặt với nguy cơ
bong bóng tài sản và lạm phát. Ảnh:Bloomberg
WB nhận định, lãi suất gần như bằng 0 và việc các nền kinh tế lớn như Mỹ, liên minh châu Âu và Nhật Bản kéo dài gói nới lỏng định lượng đang khiến cho các dòng vốn lớn dồn vào các thị trường mới nổi, trong đó có khu vực Đông Á. Quý I/2013, lượng vốn này tăng 86% so với cùng kỳ làm tăng áp lực lạm phát và giá tài sản.

Từ đó, tổ chức này khuyến nghị các nền kinh tế lớn trong khu vực - chiếm 40% tăng trưởng toàn cầu năm qua, cần quản lý dòng vốn đầu tư thông qua tạo lập một môi trường kinh tế vĩ mô phù hợp và điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt.

Chia sẻ quan điểm với WB, báo cáo vào tuần trước của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đưa ra cảnh báo về việc các ngân hàng trung ương Nhật, Mỹ và EU đều có những động thái gia tăng nới lỏng tiền tệ.

Trong bài phát biểu ngày 7/4, Tổng giám đốc IMF - bà Lagarde cho rằng các ngân hàng trung ương tại châu Á nên "cân nhắc về thời gian cũng như tốc độ rút dần các hỗ trợ tiền tệ" khi mà tăng trưởng tín dụng mạnh đã làm mất cân bằng tài chính. Trong báo cáo ngày 9/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay tốc độ hồi phục của khu vực đang phải đối mặt với nguy cơ bong bóng tài sản từ các dòng vốn nóng.

Năm 2013, Ngân hàng Thế giới cắt giảm dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Á, không bao gồm Nhật Bản và Ấn Độ xuống 7,8% từ mức mức 7,9% trước đó. Tuy nhiên, con số này vẫn gấp 3 lần so với mức tăng trưởng chung của toàn cầu.

Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Á đang được coi là nguy cơ cho triển vọng phát triển của khu vực, bao gồm cả rủi ro trong lĩnh vực bất động sản, hệ thống ngân hàng và tài chính của chính quyền địa phương. Chỉ cần tăng trưởng Trung Quốc giảm 0,05% cũng khiến cho GDP của khu vực giảm 1,3% và làm giảm xuất khẩu, theo báo cáo của WB.

Với Nhật Bản, Ngân hàng thế giới cũng cảnh báo việc đồng yen tiếp tục giảm giá có thể ảnh hưởng đến thương mại của khu vực trong ngắn hạn. "Tất cả các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực sẽ được hưởng lợi thông qua xuất khẩu cao hơn", tổ chức này nhấn mạnh.

Huyền Thư (Theo Bloomberg)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét