Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

(1) Amai B’Lan - Nước Mắt Của Rừng

Amai B’Lan - Nước Mắt Của Rừng
(Bút ký Jrai)
Lời nói đầu
Jarai, Jơrai hay Jrai là những cách gọi khác nhau về một tộc người đông nhất, bền chặt nhất, có nền văn hóa lâu đời nhất trên Tây Nguyên Việt Nam. Họ đã ở đó hàng ngàn năm qua, giữa núi rừng mênh mông và giữa các thần linh của họ như một đất nước.

Tôi đến Ayunpa, thủ phủ của người Jrai, sau đó là Krông Pa chỉ với ý định dạy học cho những em bé Jrai trong ba tháng hè năm 2011. Không dám có ước muốn tìm hiểu một dân tộc thẳm sâu và lạ lùng trong quãng thời gian ngắn như thế. Đặt chân lên mảnh đất huyền thoại này, mới bước vào một quán ăn nhỏ đã thấy sự bất công, huống hồ tôi đã ở suốt một mùa hè nơi đây, và trở lại nhiều lần trong mùa xuân 2012.
Những cuốn sách viết về người Jrai, về Tây nguyên, đều vẽ lên những hình ảnh đẹp đẽ và thơ mộng của một thời đã qua. Thời của già làng đêm đêm bên bếp lửa bập bùng kể akhan, thời của Pơtao quyền lực bậc nhất Tây Nguyên, thời của núi rừng bạt ngàn và sông suối trong veo.
Tất cả đã qua rồi.
Giờ đây, những gì còn lại chỉ là một dân tộc đang lụi tàn.
Do đó, tập bút ký mỏng này tôi xem như một lời tạ lỗi tới tất cả bạn bè Jrai, học trò của tôi và cả những bờ sông. Vì tôi là người Kinh.
Amai B’Lan
30.3.2012


Duyên nợ cao nguyên

Tôi đi Ayunpa hay còn gọi là Phú Bổn, Cheo Reo giữa một buổi trưa tháng năm đầy nắng và gió của miền cao nguyên. Từ Ban Mê Thuột dọc theo quốc lộ 14, còn cách Pleiku chừng 40 cây số nữa thì gặp ngã ba Chư Sê, rẽ tay phải vào quốc lộ 25 về hướng Tuy Hòa, đi thêm khoảng 60 cây số nữa là tới Ayunpa. Tổng cộng đoạn đường dài gần 200 cây số, đi xe khách mất hơn bốn tiếng đồng hồ.

Ra khỏi Ban Mê chừng 10 cây số, thấy hai bên đường bạt ngàn cao su, những vườn hồ tiêu thẳng tắp và nương rẫy hoa màu tốt tươi. Đất đỏ bazan dưới cái nắng ban trưa như đỏ hơn và màu mỡ hơn. Mùa này, hoa dã quỳ nở vàng rộm hai bên đường và từng đàn bướm trắng dập dìu trên những khóm hoa. Bướm nhiều đến mức có cảm tưởng như lạc vào thế giới thần tiên và vơ được chúng trong tay. Nhưng chạy xe honda thì phải canh chừng mà né bướm kẻo chúng tông sưng mắt lúc nào không hay. Trời nắng nhưng không oi bức như Sài Gòn vì không gian thoáng đãng và thanh sạch. Ngay khi từ Sài Gòn đi Ban Mê, lòng tôi đã trào dâng cái cảm giác hạnh phúc được quay lại cao nguyên. Bao giờ lên đây, tôi cũng cảm thấy sung sướng và bình yên lạ lùng. Cảm giác ấy tôi xem như duyên nợ với người Tây Nguyên, ngay từ lần đầu tôi rong ruổi trên đây cùng con ngựa sắt cách đây năm năm.

Mấy năm trước, tôi là cô sinh viên 18 tuổi đầy lý tưởng và máu lửa phiêu lưu. Một mình đạp xe từ Di Linh lên tới Kontum ròng rã suốt một tháng trời. Phải xin ăn, xin ngủ, xin uống dọc đường như một kẻ hành khất. Một ngày mưa bão dầm dề từ Di Linh qua Gia Nghĩa, bụng đói, rét mướt, mệt mỏi, đường đi không một bóng người. Trời tối rồi mà còn lang thang giữa rừng núi Đinh Trang Thượng đầu nguồn sông Đồng Nai loay hoay tìm nhà dân xin ngủ. May mắn thay được một gia đình tốt bụng cho tá túc qua đêm. Tôi không bao giờ quên nồi nước sôi hai bác nấu cho tôi tắm khỏi lạnh và trái bắp luộc nóng hổi dằn bụng đêm. Sáng ra đi, bác gái dúi vào tay tôi nải chuối sứ, chai nước trà nóng rồi mặc áo mưa tiễn tôi đi. Thật không ngờ, nải chuối sứ lại trở thành cầu nối cho tôi quen biết anh em công nhân cầu đường hạt Quảng Khê, để tối về uống chung ly rượu và nghêu ngao hát “Cây đàn Chapi”, lúc đi không khỏi bùi ngùi đến chẳng dám quay đầu nhìn lại. Nếu không có những lời chúc bình an của anh em bạn bè, có lẽ tôi đã lao xuống vực thẳm vì đứt thắng trên đèo Quảng Khê. Và nếu giữa lúc mệt nhọc đến bở hơi tai chỉ muốn quăng hành lý và người lên xe ca đi thẳng tới Kontum cho xong chuyện, mà không bắt gặp người tài xế đi ngược chiều hô to: “Cố lên, cố lên”, thì chắc gì chuyến đi đã thành công. Không có những con người nhân hậu tiếp sức cho tôi, thì làm sao tôi có được giây phút đắm mình trong làn nước trong vắt của cụm thác Draysap – Dray nur, hít thở hương vị thanh khiết của đồi chè Pleiku, lắng nghe tiếng đàn ghitar rộn rã dưới ánh trăng bên dòng Đăk Bla, và say men ngọt ngào của rượu cần Bana.

Giờ đây, khi đi lại cung đường ngày xưa, từng kỷ niệm lần lượt sống lại trong tôi, rõ ràng và sống động. Xe chạy ngang qua nhà thờ Buôn Hồ, nơi một buổi trưa lang bạt của nhiều năm trước tôi đã ghé vào cầu nguyện xin bình an. Quả thật, trong chuyến đi ấy không có ơn trên thì có lẽ tôi đã thành người thiên cổ. Còn đây là Earal, Eh’leo có café uống ngon đến nhớ đời. Tối ngủ nhờ trong tiệm hớt tóc của chị Trúc, sáng ra đi, chị tặng tôi một cái đầu cắt kiểu “đờ-mi-gắc–song” làm kỷ niệm. Sau này, khi kết thúc cuộc hành trình, tôi mới nghiệm ra được tình ý sâu xa của chị chủ tiệm, vì nhờ kiểu tóc đó mà tôi không bị chọc ghẹo trên đường và cũng chẳng ma nào thèm để ý đến một đứa “con trai”. Tôi muốn tìm gặp lại những ân nhân cũ nhưng nhà cửa đổi thay, người xưa xê chuyển, biết đâu mà lần. Thôi thì xin gửi vào thinh không lời nguyện chúc bình an và ghi lòng ân nghĩa cưu mang. 
Âu cũng là duyên nợ.

Tất cả những kỷ niệm đẹp đẽ trên tạo trong tôi một cảm tình rất tốt với ai quê quán từ cao nguyên. Tôi mê cao nguyên không đơn thuần chỉ vì vẻ đẹp trinh khôi của nó, mà còn vì trong chuyến đi mạo hiểm đầu đời, tôi được những con người tốt bụng của cao nguyên đùm bọc khi sa cơ lỡ bước. Giờ đây, tôi muốn làm một cái gì đó cho vùng đất đáng yêu này. Cũng có lẽ vì vậy mà tôi đồng ý rất nhanh khi người bạn Jrai của tôi, tên là Mơai đang học xã hội học ở trường Đại học Mở, ngỏ ý xem tôi có muốn về Ayunpa dạy học cho các em người Jrai trong tháng sáu và bảy không. Đây là một hoạt động mục vụ của nhà thờ để giúp con em người Jrai học tốt hơn. Mơai nói rằng có hai nơi tôi có thể giúp là Ayunpa và Krôngpa. Cả hai nơi này tôi chưa hề đặt chân tới và lần đầu nghe tên, nên không hình dung ra được nơi đây như thế nào. Hiện tại, Ayunpa đã thực hiện chương trình dạy hè được ba năm rồi nên thầy cô và trường lớp khá đầy đủ. Còn Krôngpa là giáo điểm mới, chỉ có một mình cha Gioan mà phải coi sóc hơn 40 buôn làng. Năm nay là năm đầu tiên dạy hè, nên rất cần người. Ngoài tôi ra, Mơai nói còn có thêm năm bạn sinh viên bên trường Đại học Mở cũng đăng ký lên đó dạy nữa, nếu tôi về giúp cho cha Gioan thì rất quý.

Mơai hỏi tôi chọn nơi nào. Tôi nói: “Nơi đâu cần tớ hơn thì tớ đi.” Mơai cười lớn nói: “Về Krôngpa khổ lắm đó, đừng có hối hận đấy.” Tôi bảo: “Ở cao nguyên là sướng rồi.” Mơai mừng rỡ ra mặt và nói sẽ giúp tôi hết sức có thể.

Hành động “hết sức” đầu tiên là Mơai gọi điện cho mẹ bạn ấy ở Ayunpa và hí hửng khoe rằng: “Con mới ‘cưa’ được một cô bé. (Mặc dù thua tôi ba tuổi, Mơai vẫn luôn kêu tôi bằng “cô bé”). Cô bé đó sẽ ở nhà mình ít hôm học tiếng và văn hóa để tập làm dâu… Jrai. Mẹ chịu không?” Tôi không nghe đầu dây bên kia phản đối gì, chỉ thấy nói: ‘Ừ, cứ về đi.” Thật là rộng lượng quá xá! Tôi xin số điện thoại của cha Gioan và địa chỉ nhà Mơai ở Ayunpa để chuẩn bị cho một chuyến đi xa và đi lâu.

Đầu tháng tư, tôi gọi điện cho cha Gioan xin được lên đó dạy hè cho các em. Cha rất hoan nghênh và hỏi khi nào tôi lên. Muốn dạy có kết quả tốt, tôi xin cha lên sớm hơn một tháng để học tiếng và làm quen với người dân. Cha không những đồng ý mà còn nói tôi lên ở luôn cũng được. Nếu quả thật tôi có duyên với người Jrai thì ở luôn hay không chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi.

Thủ phủ Jrai

Tôi tới Ayunpa khi nắng chiều vừa chạm đỉnh núi. Từ đèo Chư Sê nhìn xuống, lòng chảo Cheo Reo hiện ra rõ rệt. Cả thung lũng giờ đây đã thành cánh đồng thẳng cánh cò bay lớn nhất Tây Nguyên. Con đường dẫn vào thị xã Ayunpa xuyên qua đồng lúa chín vàng đẹp như tranh vẽ, may mà khung cảnh nên thơ xoa dịu phần nào cái nắng bỏng rát không hề dễ chịu ngay cả với người bản xứ. Thời điểm này đang là cuối mùa khô nên tôi có cảm tưởng như bao nhiêu nắng nóng ông trời tranh thủ xài cho bằng hết trước khi mùa mưa tới vào đầu tháng sáu. Nhưng khi mưa vượt qua được đèo Chư Sê thì đã rơi rụng gần hết, Ayunpa chỉ còn hưởng xái được chút ít. Cho nên, cũng từ đèo Chư Sê ấy, đất đai trở nên khác biệt. Bên kia đèo trở ra Pleiku là đất đỏ bazan màu mỡ có thể trồng các loại cây công nghiệp như café, hồ tiêu. Còn bên này đèo đổ vào Ayunpa cho tới Phú Yên lại là đất cát pha chỉ trồng được các loại cây lương thực ngắn ngày. Vì vậy, người ta còn gọi người Jrai ở vùng Ayunpa là Jrai Čor. Čor nghĩa là rừng mọc trên cát.

Xe thả tôi xuống trước một ngôi nhà xây cấp bốn cũ kỹ, mái hiên phía trước dây leo rủ xuống như mái rèm làm tôi chẳng biết đây có phải là địa chỉ tôi cần tới hay không. Đang khi tôi lúng túng không biết phải làm sao thì trong nhà có tiếng đàn ông vọng ra:
Có phải bạn Mơai đấy không?

Thì ra Mơai đã gọi điện báo cho bố mẹ bạn ấy biết chiều nay tôi tới, nên khi tôi vừa xuống xe với một đống hành lý lỉnh kỉnh thì hai bác biết tôi là ai liền. Thoạt đầu gặp gỡ, tôi hơi ngỡ ngàng vì ba má của Mơai còn rất trẻ, nhất là bác gái, dù đã năm mươi nhưng nhan sắc còn mặn mà, làn da mịn màng lắm, đặc biệt, đôi mắt to như hút hồn người khác. Lạ một điều là hầu như người Jrai nào tôi gặp cũng có đôi mắt to nhưng buồn vời vợi, một nỗi buồn không sao tả được.

Bác trai tên là ama H’siu. Bác gái tên là ami H’siu. Người Jrai sau khi sinh con đầu lòng, thì lấy tên con làm tên mình. Vì vậy tên hai bác có nghĩa là cha (ama) của H’siu và mẹ (ami) của H’siu. Hai bác vui tính hỏi han tôi đủ chuyện. Nhà bác đông người nhưng con cái lập gia đình và đi học xa hết rồi, giờ nhà chỉ còn hai bác nên có vẻ quạnh hiu. Nay tôi tới, hai bác rất vui vì có người ra vào. Tôi sẽ ở đây ít ngày để học về phong tục tập quán, cách ăn ở và ngôn ngữ Jrai trước khi về Krông Pa.

Thời Pháp, vùng này có tên là Cheo Reo. Hỏi thăm người dân tôi được biết, Cheo Reo là tên của hai anh em Čruh và Čreo đến lập cư tại đây vào đầu thế kỷ 19 (một số tài liệu ghi là Chu và Chreo). Lúc đầu, hai anh em ông lập làng tại Rongol–por–klang, nay là là vùng đất gần đập tràn Ia Hiao. Sau đó, cả làng di chuyển đến vùng đất gần sông Ayunpa, nay là thị trấn Ayunpa. Trước năm 1900, làng này có tên là Bon Chư. Năm 1904, người Pháp ký nghị định giao Tây Nguyên cho triều đình Huế, và đặt tên cho vùng đất này theo cách gọi của người Kinh là Cheo Reo (đọc trại từ hai chữ Čruh và Čreo). Như vậy, về mặt hành chính (của chính quyền thực dân), từ năm 1904, Tây Nguyên mới chính thức thuộc về Việt Nam. Ngày 1.9.1962, chính quyền Sài Gòn lập tỉnh Phú Bổn, đặt tỉnh lị tại Cheo Reo và đổi tên là thị xã Hậu Bổn. Chính điều này khiến cư dân vùng Cheo Reo có điều kiện ăn học hơn hẳn các vùng khác, sinh ra nhiều trí thức, phần lớn làm việc cho Tây (để sau 75 cũng bị đi cải tạo nhiều hơn các vùng khác). Sau năm 1975, thị xã Hậu Bổn đổi tên thành thị xã Ayunpa. Người Jrai thích gọi vùng này là Cheo Reo hoặc Ayunpa vì những cái tên này vốn dĩ của người Jrai. Trong khi đó, người Kinh thích gọi là Phú Bổn vì dễ đọc, và vì muốn thể hiện quyền làm chủ trên mảnh đất này. Dù sao thì tôi vẫn thích cái tên Ayunpa vì nghe có vẻ như… ở nước ngoài.

Ayunpa là tên gọi nơi giao nhau của hai con sông Ayun và sông Pa (người Kinh gọi là sông Ba). Đoạn chảy qua thị xã Ayunpa được gọi là sông Ayunpa. Từ cầu Bến Mộng nhìn xuống, có thể thấy rất rõ Ayunpa mang trong mình hai dòng chảy, một nửa trong vắt của sông Pa và một nửa đục ngầu của sông Ayun, giống như sông Thương bên đục bên trong ở Bắc Giang vậy. Người ta có thể lí giải nguyên nhân tại sao dòng nước lại đục trong như thế một cách rất khoa học và hợp lý, nhưng với người Jrai, mọi sự trên đời đều được giải thích bằng akhan (truyền thuyết, huyền thoại, sử thi, chuyện cổ tích, thần thoại). Mọi gốc cây ngọn cỏ, từng ngọn núi dòng sông, đến những vật dụng trong nhà đều có một gốc tích huyền thoại riêng của nó, và con sông Ayunpa này cũng được lý giải theo cách đó.

Trên trang web của thị xã Ayunpa có kể rằng: “Ngày xưa, xưa lắm có một đôi trai gái yêu nhau say đắm. Chàng trai tên Pa. Còn cô gái tên Ayun. Chàng Pa sức khoẻ như con voi rừng, mũi tên của chàng bắn ra cùng lúc rụng 10 con chim đang bay trên trời. Nhác thấy bóng chàng Pa trên lưng ngựa là con cọp, con beo trên rừng đều tháo chạy. Còn nàng Ayun có nước da trắng như bông hoa ê ban, giọng nói trong trẻo tựa tiếng hót của con chim Kơ tia. Tình yêu của đôi trai gái rất nồng thắm, song họ không lấy được nhau bởi chàng Pa chỉ là tôi tớ giúp việc trong gia đình của nàng Ayun. Đau khổ vì không lấy được nhau, Ayun và Pa rủ nhau cùng chết để giữ trọn mối tình đẹp đẽ ấy. Sau khi chết, hai người hoá thành hai dòng sông Ayun và sông Ba. Nhiều người cho rằng, hàng năm có một ngày vào mùa xuân, chàng Pa và nàng Ayun vẫn hẹn hò nhau tại thung lũng Hồng dưới chân đèo Tô na. Ngày ấy mưa nhẹ, nước sông xanh trong vời vợi. Hoa đua nhau nở, chim đua nhau hót. Khi ấy là mùa xuân về.”

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét