Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

(1) Adam và Eva: Phụ nữ có thể hạnh phúc một mình

Phụ nữ có thể hạnh phúc một mình?


Cuộc đời không cần là một cuộc phiêu lưu tình ái, chỉ đơn giản là sống như ta mong muốn. Phan Việt đã kết thúc cuốn sách dày hơn 300 trang của mình như thế. "Những ngày tháng một mình ở Châu Âu làm cho tôi hiểu rằng tôi có thể hạnh phúc trở lại. Quan trọng nhất, tôi có thể hạnh phúc kể cả khi tôi một mình."
35 tuổi, chân dung của Phó giáo sư ngành công tác xã hội tại Mỹ người ta thấy trong cuốn sách, dường như giống với một cô gái trẻ hơn là một phụ nữ đầy trải nghiệm. "Người bé, ăn ít, lại còn không trà, không rượu, không cà phê", cô ghé thăm những thành phố nổi tiếng nhất Châu Âu chỉ để trải nghiệm thứ văn hóa đã được đọc trong những cuốn sách lúc thiếu thời ("Những người khốn khổ", "Đường tới tự do"...), những bản nhạc đã nghe từ xa lắc của Chopin, Tchaikovsky...- ngày còn sống ở Việt Nam. Cô đơn độc, thích lang thang, và từ chối tiệc tùng.

Tác phẩm được mở đầu bằng những từ nghe như dao cắt: "Bất hạnh", "Một mình". Ở giữa cuốn sách bừng sáng lên những thành phố nổi tiếng nhất thế giới bởi vẻ đẹp, nét lịch thiệp, sự cổ kính lẫn cũ xưa: Paris, Venice, Florence... Chúng được tác giả ngắm nhìn đầy trân trọng, trong tâm thế hoang hoải về người bạn đời hiện đang ở Mỹ. Hơn cả "một cuốn du kí về những ngày du ngoạn các thánh địa mơ ước", câu chuyện của cô còn là "một hành trình nội tâm xuyên suốt, dai dẳng và không phải là không đau đớn".

Nhưng vượt qua chuỗi hành trình đó, là sự trưởng thành - cái kết gần như tất yếu của những kẻ phiêu lưu. Họ khám phá thế giới 1 phần, thì khám phá bản thân mình tới 9 phần. Phan Việt đã viết điều này năm 2008, khi cô 30 tuổi: "Bất chấp những năm tháng qua, tôi vẫn còn khả năng rung động, vẫn còn có thể nghe, nhìn, và cảm thấy cuộc sống xung quanh, tôi còn chưa đóng băng như tôi tưởng."

Một mình ở Châu Âu, Bất hạnh là một tài sản, Phan Việt
Florence, Ý
"Tôi sẽ phải nói với Sơn rằng chúng tôi nên chia tay....Sự thật là tôi sẽ không bao giờ có thể chối bỏ bản thân mình, không bao giờ có thể làm một ai khác. Sự thật là không một ai nên hoặc có thể chối bỏ bản thân mình, kể cả khi họ làm điều đó nhân danh tình yêu."
http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/115788/phu-nu-co-the-hanh-phuc-mot-minh-.html

Trích đoạn dưới đây nằm trong cuốn sách "Một mình ở Châu Âu" (2013) của tác giả Phan Việt:

Ăn tối xong về lại phòng, khi ngang qua sảnh, tôi nghe có mấy tiếng “Hello, hello” từ ngoài ban công. Một nhóm sinh viên đang ngồi hút thuốc, uống bia và tán gẫu.

“Hello!” tôi đáp lại.

“Chị có muốn ngồi uống gì đó với bọn tôi không?” Một cậu nói giọng Anh hỏi tôi.

“Ngồi thì có, nhưng uống thì chắc là không, cảm ơn,” tôi nói.

“Đây, có ghế đây, chị ngồi đi!” Cậu người Anh đứng lên nhường ghế cho tôi. “Tôi sẽ đi lấy ghế khác.”

 Lúc đó đã có ba cậu con trai, còn lại là tám cô gái, đều trẻ và đẹp. Họ cũng chỉ vừa mới tụ tập và nhìn chung cũng không quen nhau. Có vẻ như cậu người Anh và mấy người bạn đã đang ngồi uống bia ở sảnh, rồi họ quyết định cứ thấy ai đi qua sảnh thì rủ nhập hội. Tôi hỏi xem họ từ đâu tới. Hầu hết từ Anh, có hai sinh viên từ Mỹ, một từ Venezuela, một từ tây Ban Nha và một từ Úc. Cậu từ Úc ngồi ngay cạnh tôi có lẽ chỉ mười tám, mười chín tuổi, trông rất bảnh bao.

“Ồ, tôi vừa mới có một kinh nghiệm rất tệ với người Úc,” tôi nói sau khi nghe cậu ấy giới thiệu cậu ấy người Úc.

 Tất cả phá ra cười. Có vẻ như giữa mấy người này đã có một chuyện đùa gì đó lúc trước liên quan tới cậu người Úc.

“Ồ, thế thì chị sẽ còn có thêm nhiều kinh nghiệm xấu nữa với cậu này,” họ tranh nhau nói.

“Thế những người Úc đấy làm gì chị?” Họ hỏi.

“Cũng không có gì nghiêm trọng cả,” tôi nói. “Họ chỉ uống quá nhiều, nói quá to và…”

 Tôi không thể nào nói hết bởi vì tất cả bọn họ đã lại cười phá lên, lần này còn to hơn và ngã cả xuống đất. Chắc chắn là họ có một “inside joke[1]” nào đó trong nhóm mà tôi không biết về cậu người Úc này.

“Thôi thế thì chị mô tả đúng cậu này rồi,” họ đều nói.

“Chị có chắc là không phải cậu ta không? Chị nhìn kỹ đi. Có khi chính cậu ta ở trong cái nhóm đã gây phiền toái cho chị.”

 Cậu người Úc hỏi tôi:

“Chuyện đó xảy ra ở đâu?”

“Venice. Tôi vừa từ Venice đến đây chiều nay.”

“Tôi cũng vừa từ Venice đến đây chiều nay. Hay có khi là tôi thật nhỉ.”

“Chắc không đâu; nếu là cậu thì tôi đã nhớ.”

“Chị ở khách sạn nào?”

 Cả đám lúc này háo hức với câu chuyện. Tôi nói tên nhà trọ ở Venice.

“Phù! May quá, tôi không ở đấy,” cậu ta nói. “Nhưng có người bạn tôi ở đấy. Mà tôi biết người Úc thì thế nào rồi. Thay mặt cho người Úc và đàn ông Úc, tôi xin lỗi chị.”

“Đàn bà,” tôi nói. “Một người đàn bà Úc đã làm tôi khó chịu chứ không phải đàn ông.”

“À,” cậu ta tặc lưỡi, “đàn bà Úc thì tôi biết rồi. Trứ danh!”

Vậy là câu chuyện chuyển sang kể tội người Úc, rồi đến kể tội người Anh, người Mỹ, người Pháp, người Ý, người Tây Ban Nha…

“Người Mỹ không biết yêu. Người Mỹ đến yêu cũng phải chuyên nghiệp hóa thành công đoạn, y như họ biến nấu ăn thành các công thức. Gặp nhau bao nhiêu lần thì mới ngủ với nhau, bao lâu sau thì giới thiệu với bố mẹ, bao lâu thì đính hôn, bao lâu thì cưới… nói chung là không biết yêu.”

“Ê ê, kết luận hồ đồ,” mấy cô gái người Mỹ kêu lên.

“Cậu ấy đúng đấy. Tôi xin lỗi nhưng phụ nữ Mỹ không biết yêu thật. Họ rất thuộc bài làm thế nào để một người đàn ông phải lòng bạn, lúc mới gặp, họ tỏ ra rất tự tin, họ fun, họ sexy hấp dẫn, nhưng một khi rơi vào tình yêu là họ cứng người lại, họ chẳng biết làm thế nào cho nó sống. Năm ngoái, tôi gặp một cô người Mỹ này ở Paris. Bọn tôi đi nhảy, đi ăn với nhau; tôi rủ cô ấy sang Barcelona; cô ấy đi. Xong rồi cô ấy về Mỹ, tôi bảo tôi sẽ sang thăm cô ấy, cô ấy không thể tin được tôi sẽ từ tận Barcelona sang. Rồi đến lúc tôi bay sang, cô ấy vẫn không tin. Tôi bảo tôi có thể chuyển sang Mỹ để ở gần cô ấy vì tôi thích cô ấy. Đến đây thì cô ấy phát hoảng… Thế đấy, người Mỹ thích mơ mộng về tình yêu lớn, tình yêu vĩ đại, tình yêu vượt qua tất cả, nhưng khi nó xảy ra với họ thì họ không biết làm thế nào.”

“Cái đó thì chẳng cứ người Mỹ.”

“Có thể cô gái này thuộc dạng tự ti ngầm. Không biết được đâu, nhiều người tỏ ra rất tự tin bên ngoài nhưng nếu bạn biết rõ họ thì bạn mới thấy họ là một đống đổ nát bên trong. A big mess. Tôi từng hẹn hò với một cô rất đẹp, fun, sexy, tự tin nơi công cộng, nhưng sau tôi mới biết là cô ấy trầm cảm kinh niên; khi nào không dùng thuốc chống trầm cảm thì cô ấy chỉ có nằm bẹp khóc lóc ‘Anh có yêu em không? Em xấu xí lắm phải không? Chẳng ai thích em cả’.”

“Thế cậu bỏ cô ấy vì cô ấy trầm cảm à?”

“Cậu tệ quá. Bố tôi cũng bị trầm cảm.”

“Không không, không phải vì cô ấy trầm cảm, mà vì không hợp nhau thôi; tôi đã cố giúp cô ấy một thời gian dài nhưng tôi đứng còn chả vững thì làm sao giúp được. Cứ quấn lấy nhau thì rồi cả hai chết chìm, thế là bọn tôi chia tay.”

“Có thể không phải là người Mỹ không biết yêu, có thể chỉ là cô gái Mỹ của anh thôi; có thể cô ấy không cáng đáng nổi một tình yêu lớn.”

“Vấn đề là anh tiến nhanh quá, lẽ ra phải có chiến thuật. Bày tỏ nhanh quá là họ sợ.”

“Nhưng mà tôi không muốn chiến thuật; yêu thì yêu, có phải chết đâu mà sợ.”

“Có thể với một số người thì yêu còn đáng sợ hơn chết.”

“Hồi đấy cậu có để râu như bây giờ không?”

“Dĩ nhiên, dĩ nhiên, tôi không phủ nhận. Có thể là tại tôi, nhưng mà tôi tò mò. Thế nào là một tình yêu lớn?”

“Romeo và Juliet là một tình yêu lớn.”

“Dĩ nhiên Romeo và Juliet là một tình yêu lớn.”

“Không, Romeo và Juliet không phải tình yêu lớn.”

“Tại sao không? Đấy là một chuyện tình kinh điển.”

“Kinh điển chỉ có nghĩa là già, không có nghĩa là lớn.”

“Romeo và Juliet là một sự si mê lớn nhưng không phải một tình yêu lớn. Hai cái đấy khác nhau.”

“Khác nhau thế nào?”

“Romeo và Juliet kinh điển chẳng qua vì cả hai đều chết. Nếu họ tiếp tục sống và lấy nhau thì tôi cam đoan chỉ được một năm, với bản chất bốc đồng của cả hai thì chắc chắn là một trong hai hoặc cả hai sẽ ngoại tình.”

“Ngoại tình thì đã sao? Ngoại tình không phải lúc nào cũng xấu.”

“Người nói câu này chắc chắn đang ngoại tình hoặc đang rắp tâm ngoại tình.”

“Ha ha, không, cảm ơn, tôi rất chung thủy.”

“Đang nói chuyện Romeo và Juliet cơ mà. Sao lại ngoại tình vào đây?”

“Thì đấy, tôi đang nói Romeo và Juliet chắc chắn sẽ ngoại tình.”

“Thế Elizabeth và Mr. Darcy thì sao?” – một cô gái hỏi.

“Ai cơ?”

“Elizabeth và Mr. Darcy. Kiêu hãnh và định kiến của Jane Austen?”

“Tôi không đọc chick lit.”

“Cậu nên bắt đầu đọc đi nếu cậu muốn có bạn gái.”

“Cũng thế thôi; chưa sống với nhau, chưa chịu thử thách, chưa có thực tế thì chỉ là say mê mù quáng thôi.”

“Tình yêu dĩ nhiên phải mù quáng. Không có mù quáng không phải tình yêu.”

“Bravo!”

“Ơ nhưng mà nãy giờ toàn là tình yêu tiểu thuyết nhỉ.”

“Tôi thấy vấn đề của các cậu chính là đọc nhiều quá.”

“Còn vấn đề của cậu là uống nhiều quá.”

“Tôi nói rồi, tất cả những tình yêu mà người ta cho là lớn đều có người phải chết. Lancelot và Guinevere, Tristan và Isolde, Paris và Helen thành Troy.”

“Có thể tình yêu lớn giữa một người đàn ông và đàn bà không tồn tại thật được; nó chỉ có thể tồn tại dưới dạng ý tưởng. Đời sống thật chỉ có thể có tình yêu lớn giữa mẹ với con, giữa một người với tổ quốc của anh ta, giữa một người với Chúa hay với sự nghiệp của anh ta. Con người chỉ có thể yêu hết mình một lý tưởng, chứ một con người thật khác không bao giờ có thể tuyệt vời như một lý tưởng.”

“Không, người thật mới thú vị chứ, lý tưởng chán òm. Nhưng có lẽ là cái gì tồn tại thật thì cũng có hạn sử dụng.”

“Tôi vẫn nghĩ là có, chỉ hiếm thôi.”

“Cho tôi một ví dụ đi, tôi chỉ cần một ví dụ thôi. Không cần lớn, chỉ cần nhỡ nhỡ thôi. Thật hoặc trong sách cũng được.”

“Hugh Hefner[2] và các cô gái tóc vàng. Nào, đấy, theo tôi, chính là tình yêu lớn và có thật, được chứng minh hằng tháng.”

“Haha.”

“Khó lắm. Tình yêu lớn đòi hỏi nhiều quá. Nó vắt kiệt người ta nên nó tự hủy diệt. Về lý thuyết nó khó tồn tại bởi vì nó lúc nào cũng ở trong tình trạng chiến đấu chống lại cái gì đó.”

“Mệt nhỉ. Tôi chả muốn có tình yêu lớn, cứ dăm ba tình yêu nhỏ cũng được.”

“Chậc, trong gia đình tôi hiện nay, tất cả đều đã li hôn. Tôi chẳng biết có nên tin vào tình yêu hay không chứ đừng nói tình yêu lớn.”

“Có thể li hôn cũng là một biểu hiện của tình yêu lớn.”

“Có vẻ ngày xưa dễ có tình yêu lớn hơn; ngày xưa người ta trong sáng hơn.”

“Hoặc là sợ hãi hơn.”

“Tôi chẳng biết nhưng rõ ràng bây giờ tôi chỉ thấy tình yêu tiện lợi, tình yêu thoải mái, tình yêu vui vẻ, tình yêu dễ chịu, tình yêu hòa hợp, tình yêu danh giá, tình yêu xứng đôi vừa lứa, tình yêu hợp lý… chứ tình yêu lớn chắc không tồn tại… mà, quỷ tha ma bắt, không tồn tại cũng chẳng sao, trăm phần trăm nào.”

Từ sau Paris, tôi đã hầu như bỏ Internet. Tôi không có nhu cầu biết chuyện gì đang xảy ra trên thế giới nữa. Đêm nay cũng thế.

Này thế giới ngoài kia, chúc ngủ ngon và chúc may mắn! 
Một mình ở Châu Âu, Bất hạnh là một tài sản, Phan Việt
Venice, Ý

----------

[1] Chuyện cười bí mật mà chỉ người trong nhóm mới biết với nhau

[2] Người sáng lập Playboy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét