Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

Phải học sống bằng gió biển và khí giời

Đào Tuấn: Một điểm chung không khó để nhận ra: Quy định nào, phạt gì cũng nhằm vào nồi cơm người dân
Nếu phải tìm một ví dụ mang tính biểu tượng cho thái độ và tâm thế của người làm chính sách với dân chúng, có lẽ, không gì sinh động hơn lời phát biểu về “gió biển và khí trời” của Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Bùi Quang Tiên.
Trước hàng chục nhà báo, đồng thời cũng là những khách hàng của ngành Ngân hàng, ông Tiên phát biểu nguyên văn như sau: “Người dân cũng được lợi là sẽ tỉnh ngộ ra rằng việc này phải mất phí. Ở nền văn minh lúa nước, chúng ta hưởng gió biển, khí trời quen rồi, bây giờ mất phí thì phải học quy trình thao tác cho tốt để đỡ trục trặc khi giao dịch trên máy ATM”.
Trời đất quỷ thần ơi, hay ông Tiên là thần tiên là thánh nhân sống ở trên giời để có cái nhìn kẻ cả và trịnh thượng như vậy về đồng bào, về khách hàng của mình nhỉ?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng phản ứng dữ dội trên Dân trí rằng phát biểu đó là “xem thường dư luận, xem thường người dân”. Bởi “Đồng tiền lĩnh ra từ thẻ ATM hoàn toàn là mồ hôi, công sức của người dân, chứ không phải gió biển, khí trời mà quy kết như vậy. Đất nước này được gây dựng nên bởi bao máu xương của các thế hệ đi trước, và nay rất nhiều người đã đóng góp máu xương như thế, đang hàng tháng rút lương hưu qua thẻ ATM”.
Nhưng khi ngay quan chức QH chưa thôi nóng mắt vì phát ngôn “gió biển và khí trời”, thì một cách “đàng hoàng”, ngành GTVT tiếp tục xới xáo lại câu chuyện xử phạt xe không chính chủ.
Nhớ khi nghị định 71 về xử phạt xe không chính chủ chính thức có hiệu lực đã sinh ra tình trạng người dân hiểu một kiểu, nhà làm luật hiểu một kiểu, và người xử phạt lại hiểu một kiểu khác. Đến nỗi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga khẳng định: Việc bắt công dân chứng minh chiếc xe đang đi là mượn hay mua nhưng chưa làm thủ tục vào thời điểm họ vi phạm luật về giao thông nhằm làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính là không đúng pháp luật. Theo bà Nga: Nghị định 71 về xe chính chủ vừa “sai luật và không khả thi, mức phạt quá cao đã làm cho người dân phản ứng cực đoan với chính sách của Nhà nước.
Điều có thể nhìn nhận thấy qua sự kiên trì đến đáng khâm phục của ngành GTVT là cái sự “mũ ni che tai”, bất chấp dư luận, bất chấp thái độ, phản ứng của người dân và bất chấp cả chỉ đạo của Chính phủ về việc sửa đổi thông tư 36, tạo điều kiện cho người dân tiến hành sang tên đổi chủ.
Có lần, ông Nguyễn Văn Thuấn – Vụ Trưởng, Vụ An toàn giao thông, cơ chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định 71 tỉnh queo: “Tôi cho rằng dân phản ứng là một dấu hiệu đáng mừng. Dân phản ứng chứng tỏ dân đã quan tâm đến pháp luật”.
Ông Thuấn nhầm: Dân phản ứng là bởi trách nhiệm chứng minh bị đẩy cho họ. Họ phản ứng bởi quy định đó chung quy dựa trên tư duy: Phạt cao, phạt nặng, ép dân, dù vừa sai luật, vừa thiếu khả thi.
Còn chưa hết đâu nhé. 15-4 tới đây, bên cạnh những người không đội mũ bảo hiểm, những người đội mũ, nhưng không “đạt chuẩn” cũng sẽ bị đè nghiến ra phạt.
Một điểm chung không khó để nhận ra: Quy định nào, phạt gì cũng nhằm vào nồi cơm người dân. Với cái cách ép dân trong việc thực thi các chính sách, bất kể phản ứng, bất biết khả thi, có lẽ đến một lúc nào đó không khéo người dân phải học sống bằng “gió biển và khí giời” thật.

http://daotuanddk.wordpress.com/2013/03/06/phai-hoc-song-bang-gio-bien-va-khi-gioi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét