Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Những ưu tiên của chính phủ mới Trung Quốc

Những ưu tiên của chính phủ mới Trung Quốc
(Toquoc)-Toàn bộ thành phần chính phủ mới của Trung Quốc đã được Quốc hội phê chuẩn. Tân Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố những ưu tiên của chính phủ trong cuộc họp báo ra mắt ngày 17/3.
Căn cứ tinh thần Đại hội 18 và Hội nghị Trung ương 2 khoá 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đi sâu cải cách cơ cấu và chuyển đổi chức năng Quốc vụ viện (Chính phủ), cần giương cao ngọn cờ vĩ đại xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, lấy lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “Ba đại diện”, quan điểm phát triển khoa học làm chỉ đạo, căn cứ yêu cầu mục tiêu xây dựng thể chế hành chính xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, lấy chuyển đổi chức năng làm hạt nhân, tiếp tục tinh giản cơ cấu chính phủ, chuyển quyền quản lý kinh doanh cho doanh nghiệp, thúc đẩy cải cách bộ máy, hoàn thiện cơ chế, chế độ, nâng cao hiệu suất hành chính, đẩy nhanh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, cung cấp sự bảo đảm chế độ cho việc xây dựng toàn diện xã hội khá giả.
Tại Kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 12, Trung Quốc đã cho ra mắt thế giới thành phần chính phủ mới và những ưu tiên của tân chính phủ.

Chính phủ mới với nhiều gương mặt mới

Sau khi phê chuẩn ông Lý Khắc Cường làm Thủ tướng mới, chiều 16/3, Kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 12, tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 6 tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh với sự tham gia của 2.957 đại biểu, để quyết định các chức danh như Phó Thủ tướng, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Ủy ban Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương, Tổng Kiểm toán, Tổng Thư ký Quốc vụ viện (Chính phủ); biểu quyết danh sách đề cử vào các vị trí Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm và Ủy viên các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội khoá 12.

Các đại biểu đã thông qua danh sách đề cử các thành viên chính phủ của Thủ tướng Lý Khắc Cường, theo đó ông Trương Cao Lệ (sinh năm 1946, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thiên Tân), bà Lưu Diên Đông (sinh năm 1945, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Quốc vụ), ông Uông Dương (sinh năm 1955, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông), ông Mã Khải (sinh năm 1946, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Thư ký Quốc vụ viện) làm các Phó Thủ tướng Quốc vụ viện. Các ông Dương Tinh, Thường Vạn Toàn, Dương Khiết Trì, Quách Thanh Côn, Vương Dũng làm Ủy viên Quốc vụ, trong đó ông Dương Tinh kiêm Tổng Thư ký Quốc vụ viện.

Trong danh sách thành viên chính phủ mới, ông Vương Nghị làm Bộ trưởng Ngoại giao; ông Thường Vạn Toàn làm Bộ trưởng Quốc phòng; ông Quách Thanh Côn làm Bộ trưởng Công an; ông Cảnh Huệ Xương làm Bộ trưởng An ninh Quốc gia; ông Lý Lập Quốc làm Bộ trưởng Dân chính; ông Lâu Kế Vĩ làm Bộ trưởng Tài chính; ông Từ Thiệu Sử làm Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước; Viên Quý Nhân làm Bộ trưởng Giáo dục; Vạn Cương làm Bộ trưởng Khoa học Kỹ thuật; Miêu Vu làm Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin; ông Vương Chính Vĩ làm Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nhà nước; Hoàng Thụ Hiền làm Bộ trưởng Giám sát; Ngô Ái Anh làm Bộ trưởng Tư pháp; Doãn Úy Dân làm Bộ trưởng nguồn Nhân lực và An sinh Xã hội; Khương Đại Minh làm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Đất đai; Chu Minh Hiền làm Bộ trưởng Bảo vệ Môi trường; Dương Truyền Đường làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải; Trần Lôi làm Bộ trưởng Thủy lợi; Hàn Trường Phú làm Bộ trưởng Nông nghiệp; Cao Hổ Thành làm Bộ trưởng Thương mại; Thái Vũ làm Bộ trưởng Văn hóa; Lý Bân làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Y tế Nhà nước; Chu Tiểu Xuyên làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương; Lưu Gia Nghĩa làm Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Những ưu tiên của chính phủ mới

Sáng 17/3, Người đứng đầu chính phủ Trung Quốc đã có cuộc ra mắt báo chí đầu tiên trên cương vị mới để công bố những ưu tiên của tân chính phủ.
Tân thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc họp báo ra mắt sáng 17/3

Ông Lý Khắc Cường khẳng định các ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới là nâng cao mức sống của nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thu nhập thấp, mở rộng tầng lớp trung lưu, đảm bảo công bằng xã hội, duy trì sự tăng trưởng kinh tế bền vững.

"Từ thời điểm chúng tôi đảm nhận trọng trách mới, tôi đã cảm nhận sâu sắc trách nhiệm nặng nề mà nhân dân thuộc mọi dân tộc của Trung Quốc đặt lên vai chúng tôi. Chính phủ sẽ cố gắng hết sức để mang lại lợi ích cho toàn đất nước và xây dựng một nước Trung Quốc hùng mạnh, thịnh vượng", ông nói.

Đối với phương hướng phát triển kinh tế, tân Thủ tướng Trung Quốc nói rằng đô thị hóa sẽ là ưu tiên trong nhiệm kỳ của ông. Theo ông, đô thị hóa là kết quả tự nhiên của quá trình hiện đại hóa và quy mô đô thị hóa rất lớn của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của thế giới. Tuy nhiên, ông khẳng định chính phủ sẽ tạo ra những chính sách hợp lý để nông

Sáng 17/3, tân Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, cũng đọc bài phát biểu đầu tiên trước quốc hội trên cương vị mới. Ông kêu gọi quân đội tăng cường khả năng chiến đấu để có thể giành thắng lợi trong mọi cuộc chiến, đồng thời cam kết nỗ lực hết sức để biến giấc mơ Trung Quốc trở thành hiện thực.

Đối ngoại, ưu tiên giải quyết tranh chấp với Nhật Bản?


Chức danh Ngoại trưởng là một trong những vị trí được dư luận thế giới quan tâm nhất bởi nó định hình những ưu tiên đối ngoại của tân chính phủ.

Tân Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, 59 tuổi, từng làm đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản từ năm 2004-2007. Trước đó ông cũng đã hoạt động ngoại giao tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo từ năm 1989-1994. Ông thông thạo tiếng Nhật và có nhiều mối quan hệ với các quan chức chính trị và giới doanh nhân Nhật Bản.

Từ năm 2008, ông Vương Nghị là chủ nhiệm Văn phòng các vấn đề Đài Loan. Trong suốt thời gian này, ông được xem là người đã góp phần không nhỏ cải thiện mối quan hệ với Đài Loan, bao gồm cả việc ký kết các hiệp định kinh tế và thương mại.

Với việc phê chuẩn của Quốc hội Trung Quốc, ông Vương Nghị là ngoại trưởng đầu tiên có nhiều kinh nghiệm về Nhật Bản kể từ khi ông Đường Gia Triền nắm giữ vị trí này cho đến năm 2003.

Quyết định này cũng cho thấy, tân chính phủ Trung Quốc quyết tâm cải thiện mối quan hệ với hai nước láng giềng gần gũi nhất đang xấu đi do tranh chấp trên biển Hoa Đông. Trước đó, chính giới Trung Quốc vẫn đinh ninh rằng Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân, người được cho là có hiểu biết và mối quan hệ sâu sắc với Washington sẽ thay thế ông Dương Khiết Trì.

"Trung Quốc đang muốn gửi đi một tín hiệu khẳng định quan hệ Trung-Nhật sẽ là vấn đề quan trọng nhất trong những vấn đề quan trọng" một nguồn tin yêu cầu giấu tên có quan hệ với lãnh đạo Trung Quốc cho biết.

Tờ Kyodo cho rằng Bắc Kinh muốn sử dụng kỹ năng thuyết phục, mối quan hệ và kiến thức về nước Nhật của ông Vương Nghị nhằm khiến Tokyo thừa nhận quyền sở hữu của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư.

Trong khi đó tờ Sankei của Nhật Bản cũng cho rằng, quyết định bổ nhiệm Vương Nghị, người được cho là rất am hiểu các vấn đề liên quan đến Nhật Bản thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ với Tokyo sau những căng thẳng gia tăng liên tục xung quanh tranh chấp nhóm đảo Senkaku ngoài Hoa Đông.

Quan hệ Trung - Nhật trở nên xấu nhất kể từ khi hai bên bình thường hóa quan hệ cách đây hơn 40 năm, sau khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa ba trong số 5 đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9/2012. Bắc Kinh tuyên bố các đảo thuộc về Trung Quốc từ nhiều thế kỷ trước nhưng Nhật Bản không công nhận điều này.

Thay đại diện cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông

Trong bối cảnh tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ngày một leo thang, một vị trí cũng rất được dư luận quan tâm đó là nhân vật sẽ thay thế ông Đới Bỉnh Quốc là đại diện đặc biệt của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán về tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với láng giềng.

Tờ Outlook India ngày 17/3 đăng bài nhận định, cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì vừa được bổ nhiệm làm Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Tổng thư ký Quốc vụ viện thay thế ông Đới Bỉnh Quốc về nghỉ hưu.

Đới Bỉnh Quốc trước đó được phân công đảm nhiệm các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, trong đó có Biển Đông, Biển Hoa Đông và biên giới Trung - Ấn.

Giới chức Trung Quốc nói rằng từ nay ông Dương Khiết Trì sẽ là đại diện đặc biệt của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán về tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với láng giềng, trong đó có Biển Đông./.

V.V (Tổng hợp)


http://toquoc.gov.vn/Sites/vi-vn/details/8/o-cua-chau-a/114981/nhung-uu-tien-cua-chinh-phu-moi-trung-quoc.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét